TT Obama: Tấn công mạng nhắm vào Sony không phải ‘hành vi chiến tranh’

Cac Bai Khac

No sub-categories

TT Obama: Tấn công mạng nhắm vào Sony không phải ‘hành vi chiến tranh’

Tổng thống Obama phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tại Tòa Bạch Ốc.

Theo VOA – 22.12.2014

Tổng thống Obama tuyên bố ông tin rằng vụ tấn công mạng mà Bắc Hàn bị cáo buộc không phải là một hành vi chiến tranh. Cuộc tấn công nhắm vào Sony buộc hãng phim này phải bãi bỏ việc trình chiếu một cuốn phim gây nhiều tranh cãi về lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Hàn. Tuy nhiên, Tổng thống Obama nói chính quyền của ông đang hoạch định một sự đáp ứng “tương xứng” đối với điều ông gọi là một “hành vi phá hoại mạng.” Thông tín viên VOA Victor Beattie ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây. Trong một chương trình đã được thâu hình trước hôm chủ nhật của mạng lưới truyền hình tin tức dây cáp CNN, có chủ đề là “Tình trạng Liên bang với Candy Crowley,” ông Obama nói vụ tấn công mạng trong tháng trước nhắm vào hãng phim Sony đưa đến việc rò rỉ các dữ liệu mật chưa đi đến mức một hành vi chiến tranh: “Không, tôi không cho rằng đó là một hành vi chiến tranh. Tôi nghĩ đó là một hành vi phá hoại mạng rất tai hại, gây tốn kém cho hãng Sony. Chúng ta coi đó là điều rất nghiêm trọng. Chúng ta sẽ có sự đáp ứng tương xứng, như tôi đã nói. Nhưng, như quý vị biết, chúng ta sẽ ở trong một bầu không khí trong thế giới mới này, nơi quá nhiều thứ đã được số hoá mà các tác nhân thuộc cả nhà nước lẫn không phải nhà nước đều có khả năng gây rối loạn cho cuộc sống bằng đủ mọi cách. Chúng ta sẽ phải cố gắng nhiều hơn để chống lại sự kiện ấy.” Tổng thống Obama không nêu rõ chi tiết về biện pháp mà Hoa Kỳ có thể thực hiện, nhưng gợi ý rằng Bắc Hàn có thể bị đưa trở lại vào một danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố “sau một cuộc duyệt xét kỹ càng về các sự kiện.” Bình Nhưỡng đã được gạt tên ra khỏi danh sách dưới thời Chính quyền Bush năm 2008. Cũng trong chương trình truyền hình này, chủ tịch sắp tới của Uỷ ban Quân vụ Thượng viện, thượng nghị sĩ John McCain nhấn mạnh rằng vụ hacking này có tác dụng nhiều hơn là phá hoại, và là “một hình thức chiến tranh mới … và chúng ta cần phải có phản ứng quyết liệt, kể cả việc tái áp đặt các biện pháp chế tài.” Trong chương trình Tin tức Chủ nhật của đài truyền hình Fox, dân biểu Mike Rogers, chủ tịch Uỷ ban Tình báo Hạ viện, nói đã đến lúc phải tăng cường các biện pháp chế tài. “Một quốc gia đang đe doạ dùng bạo lực. Họ đi vào một công ty và sử dụng cái gọi là một virut xoá dữ liệu. Họ xoá hết các dữ liệu. Đây là một quốc gia tấn công một công ty và rồi đe doạ dùng bạo lực nhắm vào những người định đi xem phim. Đó là một vấn đề lớn và đáng kể. Đây là một nước đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới trong năm ngoái.” Dân biểu Rogers nói Hoa Kỳ có khả năng mở một cuộc tấn công mạng trả đũa. Tin cho hay nhân viên điều tra Hoa Kỳ đã nối kết vụ hacking với Bắc Hàn, và nước này đã chối bỏ mọi trách nhiệm. Bình Nhưỡng lên án cuốn phim The Interview là một hành vi khủng bố và thừa nhận vụ hacking có thể là việc làm của những người ủng hộ chế độ. Một nhóm có tên là “Những người Bảo vệ Hoà bình” đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Hãng phim Sony đang chuẩn bị công chiếu vào đúng ngày lễ Giáng sinh, cuốn phim hài nói về hai ký giả được Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ, tức CIA, tuyển mộ để ám sát lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un. Hôm thứ tư tuần trước, hãng phim Hollywood đã quyết định rút cuốn phim lại sau khi các hệ thống rạp hát lớn bãi bỏ kế hoạch chiếu phim. Trong chương trình “Meet the Press” của đài truyền hình NBC, luật sư của hãng Sony, ông David Boies bênh vực quyết định của hãng sản xuất phim ở Hollywood rút cuốn phim ước tính tốn kém 40 triệu đôla trước khi phim ra mắt khán giả. “Các rạp hát đã bị đe doạ bạo lực vật chất nhắm vào các rạp và khách hàng, và điều rất dễ hiệu là một số lớn, đa số các rạp đó đã quyết định không chiếu cuốn phim như đã lên lịch.” Ông Boies gọi vụ hacking là “một cuộc tấn công hình sự được nhà nước Bắc Hàn bảo trợ nhắm vào một công ty lớn của Mỹ và nhân viên của họ.” “Tôi nghĩ điều chúng ta cần phải làm là vận dụng việc tổng thống thừa nhận tầm quan trọng của vấn đề này như một lời hiệu triệu tất cả người Mỹ có thể đoàn kết chống lại điều thực sự là một mối đe doạ cho an ninh quốc gia của chúng ta.” Và ông hứa rằng cuốn phim The Interview sẽ được phát hành ở một thời điểm nào đó, mặc dầu ông từ chối không cho biết chi tiết. Bộ Ngoại giao Trung Cộng cho hay bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị lên án mọi hình thức khủng bố mạng trong một cuộc nói chuyện hôm chủ nhật với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, mặc dầu lời phát biểu không đề cập đến Bắc Hàn. Hôm nay, Nhật Bản cũng lên án vụ tấn công mạng vào hãng Sony có cơ sở ở Nhật Bản và nói vụ này đề ra một mối đe doạ an ninh quốc gia và cho biết Nhật đang phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ. Chuyên gia phân tích về Triều Tiên Soon-Yung Lee của trường Đại học Tufts nói có nhiều cách Hoa Kỳ có thể phản công Bắc Hàn. “…các biện pháp trừng phạt tài chính mạnh hơn, nhắm thẳng vào mục tiêu hơn. Nhiều người, trong đó có các nhà lập chính sách của Hoa Kỳ, đã tưởng lầm rằng các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vào Bắc Hàn đã lên đến mức tối đa, rằng Hoa Kỳ không thể làm gì hơn nữa bởi vì Hoa Kỳ đã trừng phạt Bắc Hàn nửa thế kỷ rồi. Điều này hoàn toàn không đúng.” Ông Lee nói ít nhất Washington cần phải đưa Bắc Hàn trở lại danh sách các nước bảo trợ khủng bố. Ông nói Hoa Kỳ cũng có thể trừng phạt các giới chức Bắc Hàn bị tố cáo là kiểm duyệt và vi phạm nhân quyền, cũng như áp đặt lệnh cấm du hành nhắm vào nhu cầu du khách của Bình Nhưỡng. Miền Bắc đã đe dọa trả đũa nếu Washington tìm cách trừng phạt họ về vụ hacking này. Tin ghi Bình Nhưỡng sẽ không dự cuộc họp hôm nay của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nơi thành tích nhân quyền của nước này sẽ được đưa ra thảo luận lần đầu tiên.