Hội nghị Dân chủ 2021: Chúng ta nên mong đợi gì?
TT Biden muốn quy tụ các nước để chống lại chuyên chế. Hội nghị Dân chủ 2021: Chúng ta nên mong đợi gì?
09/12/2021 – Reuters – Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tập hợp hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới hôm thứ Ba 7/12 trong “Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ” diễn ra qua mạng nhằm chống lại chế độ chuyên chế – và đã không mời Nga và Trung Quốc một cách có chủ ý.
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Biden nói rằng tự do toàn cầu đang
bị đe dọa bởi những kẻ chuyên quyền đang tìm cách bành trướng quyền lực,
xuất khẩu sự ảnh hưởng và biện minh cho sự đàn áp.
Tổng thống Mỹ không nêu đích danh bất kỳ quốc gia nào, nhưng các
cường quốc có chế độ chuyên chế là Trung Quốc và Nga đều vắng mặt trong
danh sách khách mời.
Các quan chức Mỹ đã hứa hẹn về một năm hành động sẽ tiếp nối vào hội nghị kéo dài hai ngày của 111 nhà lãnh đạo thế giới.
Nhà Trắng cho biết họ đang làm việc với Quốc hội để cung cấp 424,4
triệu đô la cho một sáng kiến mới nhằm thúc đẩy nền dân chủ trên toàn
thế giới, bao gồm hỗ trợ cho các phương tiện truyền thông tin tức độc
lập.
Sự kiện tuần này diễn ra đúng lúc có những câu hỏi về sức mạnh của
nền dân chủ Mỹ. Tổng thống thuộc đảng Dân chủ đang chật vật để chương
trình nghị sự của mình được thông qua tại một Quốc hội bị phân cực và
sau khi ông Trump thuộc đảng Cộng hòa phản đối kết quả bầu cử năm 2020,
dẫn đến việc những người ủng hộ ông Trump tấn công vào Điện Capitol, là
tòa nhà của quốc hội, vào ngày 6/1.
Một danh sách khách mời được công bố hồi tháng trước cho thấy hội
nghị có sự tham gia của cả những quốc gia có lãnh đạo bị các nhóm nhân
quyền cáo buộc là có khuynh hướng độc tài, như Philippines, Ba Lan và
Brazil.
Danh sách cũng có tên Đài Loan, khiến Trung Quốc tức giận, Bắc Kinh
coi hòn đảo có chế độ dân chủ là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Washington đã công bố các lệnh
trừng phạt các quan chức ở Iran, Syria và Uganda mà họ cáo buộc rằng các
nhân vật đó đàn áp người dân, Washington cũng trừng phạt những người mà
họ cáo buộc là có liên quan đến tham nhũng và các băng nhóm tội phạm ở
Kosovo và Trung Mỹ.
Các quan chức Hoa Kỳ hy vọng sẽ giành được sự ủng hộ trong các cuộc
họp dành cho các sáng kiến toàn cầu như sử dụng công nghệ để tăng cường
quyền riêng tư hoặc vượt qua kiểm duyệt. Họ cũng hy vọng các quốc gia
đưa ra các cam kết công khai, cụ thể để cải thiện nền dân chủ của họ
trước khi diễn ra một hội nghị thượng đỉnh nữa vào cuối năm 2022, khi đó
các đại biểu sẽ có mặt trực tiếp.
Hội nghị Dân chủ 2021: Chúng ta nên mong đợi gì?
09/12/2021 – Phạm Phú Khải
Trong bài viết “Vì sao Mỹ phải lãnh đạo nữa” (Why America Must Lead Again)
trên tạp chí Foreign Affairs vào tháng Ba/Tư năm 2020, ứng cử viên tổng
thống Hoa Kỳ Joseph R. Biden lúc đó biện luận rằng “Chiến thắng của dân
chủ và chủ nghĩa cấp tiến trước chủ nghĩa phát xít và chế độ chuyên
quyền đã tạo ra thế giới tự do. Nhưng cuộc đấu này không chỉ xác định
quá khứ của chúng ta. Nó cũng sẽ xác định tương lai của chúng ta.”
Cũng trong bài này, Biden nhận định nhiều thử thách đối diện nước Mỹ,
mà Trung Quốc là một thử thách đặc biệt. Biden cho rằng Trung Quốc đang
chơi trò chơi lâu dài bằng cách mở rộng tầm hoạt động toàn cầu, thúc
đẩy mô hình chính trị của riêng mình và đầu tư vào các công nghệ của
tương lai. Biden cũng ghi nhận sự xâm phạm nhân quyền trầm trọng của Bắc
Kinh, và để đối phó với những thử thách từ nước này, Biden biện luận
cần “xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác của
Hoa Kỳ để đối đầu với các hành vi lạm dụng và vi phạm nhân quyền của
Trung Quốc…” Mỹ hiện nay chiếm một phần tư GDP toàn cầu, nhưng khi có
các nền dân chủ khác liên minh, sức mạnh vật chất đó tăng gấp đôi, và
như thế Bắc Kinh không thể coi thường hay làm ngơ một nửa nền kinh tế
toàn cầu.
Với lập luận trên, và với nhiều lý do và thử thách khác, Biden hứa
hẹn sẽ tổ chức Hội nghị Dân chủ vào năm đầu trong nhiệm kỳ tổng thống
của ông nếu đắc cử. Chủ trương của Hội nghị Dân chủ là để làm mới lại
tinh thần và mục đích chung của các quốc gia tự do, tập hợp các nền dân
chủ trên thế giới lại với nhau để củng cố các thể chế dân chủ, nghiêm
chỉnh đối đầu với các quốc gia đang tụt lùi và xây dựng một chương trình
nghị sự chung. Ba chủ đề chính cho hội nghị này là chống tham nhũng,
chống lại chủ nghĩa độc tài, và thúc đẩy nhân quyền ở các quốc gia ở
khắp nơi.
Trang mạng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về chương trình này cũng cho biết
rằng Hội nghị đầu tiên vào ngày 9 và 10 tháng 12 này là nhằm tham khảo ý
kiến của các chuyên gia từ chính phủ, các tổ chức đa quốc, các tổ chức
từ thiện, xã hội dân sự và khu vực tư nhân để thu hút các ý tưởng táo
bạo, khả thi xoay quanh ba chủ đề chính nêu trên.
Tổng thống Biden cũng mong muốn đề cao
trật tự quốc tế dựa trên quy tắc hẳn hoi, đặc biệt trên vùng Ấn Độ –
Thái Bình Dương. Đa số các quốc gia, dù dân chủ hay phi dân chủ, đều
được hưởng lợi trên trật tự này. Ngoại lệ có thể là Trung Quốc, chủ yếu
muốn dùng sức mạnh để uy hiếp nước yếu. Đó cũng là lý do mà Biden muốn
đẩy mạnh chủ trương này trong Hội nghị Dân chủ và các diễn dàn khác.
Trong những tuần qua, cơ quan truyền thông quốc tế khắp nơi đã đưa
tin về Hội nghị Dân chủ 2021 với lắm vấn đề và tranh cãi. Bởi trên thế
giới hiện nay có ít nhất ba loại thể chế chính trị khác nhau: dân chủ,
độc tài và còn lại là ở giữa. Không hẳn độc tài và cũng không phải dân
chủ: một phần dân chủ/tự do. Mời, hay không mời, một quốc gia nào đó
tham dự hội nghị này cũng có phần nào rủi ro biến họ thành thân thiện
hơn, hay giận dữ hơn. Đâu là các điều kiện chuẩn mực nhất để lấy làm lằn
ranh vạch ra bên này là nằm trong danh sách nên được mời, và bên kia là
không nên mời? Đối với các quốc gia rõ ràng dân chủ hay rõ ràng độc tài
thì rất dễ, nhưng với những nước giữa, không trắng và cũng chẳng đen,
thì vừa khó vừa tế nhị. Loại trừ ra khỏi danh sách thì rất dễ, nhưng làm
như thế đạt được gì? Hay là bao gồm họ trong danh sách mời để qua hội
nghị khuyến khích các nước này cải tổ nền dân chủ để ngày một bền vững
hơn?
Tất cả đều là những câu hỏi và những vấn đề mà khi đi vào thực tế để đánh giá và quyết định, nó có thể tế nhị và phức tạp.
Bản đánh giá của tổ chức Freedom House về Chỉ số Tự do 2021,
thường phân loại các quốc gia là tự do, phần nào tự do, và không tự do,
là cơ sở nền tảng để Bộ Ngoại giao của chính quyền Mỹ lấy quyết định.
Nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Theo Freedom House thì năm 2020,
có 82 quốc gia được xem là tự do, 59 là bán tự do, và 54 là không tự
do. So với năm 2005 thì số nước tự do đã giảm đi đến 7.
Theo quan sát
của Shannon Tiezzi đăng trên The Diplomat, những nước được mời tham dự
có chỉ số tự do trung bình là 78.5 điểm, so với các nước không được mời
có chỉ số 32.8 điểm. Nhưng vẫn có vài ngoại lệ: Phần Lan, Na Uy, Thụy
Điển có chỉ số 100, trong khi Cộng hòa Dân chủ Congo thì chỉ có 20 điểm,
nhưng lại nằm trong danh sách được mời. Những nước khác như Andorra
(93), Tunisia (71), and Bolivia (66) thì lại không được mời. Trong 11
quốc gia thuộc Hiệp hội Đông Nam Á ASEAN thì chỉ có 4 nước Nam Dương, Mã
Lai, Phi Luật Tân và Timor-Leste được mời. Singapore dù chỉ có chỉ số
48, theo Freedom House, vì các giới hạn của đảng cầm quyền đặt lên phía
đối lập, các luật lệ bầu cử không công bằng và quyền tự do ngôn luận/bày
tỏ bị kiềm chế, nhưng là đồng minh lâu dài của Mỹ nên cũng được mời.
Quốc gia xứng đáng nhất được tham dự chính thức hội nghị dân chủ này
là Đài Loan, mặc dầu Mỹ chưa công nhận tính cách độc lập chủ quyền của
nước này, và mặc dầu lời mời của Mỹ đã làm cho Bắc Kinh vô cùng phẫn nộ.
Việc Mỹ mời Đài Loan tham dự như một nhà nước độc lập đã làm cho Trung
Quốc giận dữ. Tòa Đại sứ Trung Quốc tại Washington DC đã phản đối
lời mời của Mỹ dành cho Đài Loan vì cho rằng Đài Loan không có vị trí
gì trên luật quốc tế ngoại trừ thuộc về Trung Quốc, phát ngôn nhân Liu
Pengyu của họ nói vậy. Tuy nhiên theo các chuyên gia về Đài Loan thì đây
là cơ hội quý hiếm, quan trọng, để Đài Loan tương tác với các quốc gia
khác một cách bình đẳng và cảm thấy được tôn trọng trên trường quốc tế,
đồng thời nâng cao uy tín về nền dân chủ của mình.
Trong suốt mấy tuần qua, các cơ quan truyền thông ở khắp nơi trên thế giới, như tại Thái Lan (30), Bangladesh (39), Sri Lanka (56), Ấn Độ (67), Pakistan (37) v.v… đã đặt vấn đề
tại sao các nước này được mời hay không được mời. Tại những nước không
được mời, như Thái Lan, Bangladesh và Sri Lanka, phe đối lập và giới
truyền thông nhân cơ hội này phê bình chính quyền về sự suy thoái dân
chủ, nhất là quyền tự do ngôn luận và bày tỏ. Họ cũng đặt câu hỏi vì sao
Pakistan, với chỉ số tự do thấp hơn Bangladesh hay Sri Lanka, mà lại
được mời tham dự?
Steven Feldstein thuộc Carnegie’s Democracy, Conflict, and Governance Program cho rằng
tiến trình duyệt xét ai tham dự hay không là khá phức tạp. Ba yếu tố
quan trọng là: một, tính linh động trong vùng có một vai trò quan trọng,
như trường hợp mời Iraq; hai, lợi ích chiến lược rộng lớn hơn của Hoa
Kỳ cũng quan trọng, như trường hợp mời Pakistan, Phi Luật Tân và
Ukraine; ba, có những trường hợp cần áp dụng trắc nghiệm là nếu không
mời thì không hại gì (do-no-harm test), như trường không mời Thổ Nhỉ Kỳ
hay Hungary.
Nói cho cùng, mọi quyết định vẽ lằn ranh, chia chiến tuyến, phân
định/cấp đều có giới hạn và hệ quả của nó. Tổng thống Biden và Nhà Trắng
hiểu rõ chuyện này. Nhưng không còn cách nào khác hơn. Sau Hội nghị Dân
chủ, chính quyền Biden sẽ tìm cách trấn an, và chữa lửa, đối với những
quốc gia không được mời tham dự hội nghị. Các tòa đại sứ của Mỹ ở khắp
nơi đã cẩn trọng làm việc để bảo đảm mối quan hệ giữa Mỹ và các nước này
không bị sứt mẻ. Điều này cho thấy Mỹ cần đồng minh và chủ trương bảo
vệ và xây dựng thêm đồng minh ngày một chặt chẽ hơn để trở thành đối tác
về kinh tế/thương mại, quốc phòng, môi trường và nhiều lĩnh vực khác.
Ngược lại, tuy một số quốc gia không muốn phải công khai chọn giữa Mỹ và
Trung Quốc, nhưng họ luôn hiểu chơi với Mỹ dễ hơn và có lợi hơn, và
không bị bắt nạt hay hiếp đáp như với Trung Quốc. Chẳng hạn, sau khi
Thái Lan không được mời tham dự hội nghị, Thủ tướng Thái Prayut
Chan-o-cha tuyên bố
rằng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ viếng thăm Thái Lan trong thời
gian ngắn tới. Prayut cho biết Washington vẫn coi Thái Lan là một đối
tác chiến lược quan trọng trong ASEAN.
Riêng về trường hợp Việt Nam, với chỉ số tự do rất thấp 19, không
được mời tham dự Hội nghị Dân chủ, thì điều này không làm ai ngạc nhiên
cả.
Tôi có theo dõi những chia sẻ của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp và luật sư Trịnh Hữu Long bàn về đề tài này trên VOA.
Tuy chia sẻ về những quan tâm của anh Long về dân chủ, nhân quyền, tôi đồng ý với các nhận định của anh Hiệp hơn.
Theo tôi, chiến lược lớn và dài của chính quyền Biden là củng cố, xây
dựng và thúc đẩy xu hướng dân chủ và nhân quyền trong thời gian tới, ít
nhất là trong nhiệm kỳ còn lại của Biden. Nhưng muốn mục đích này thành
công, nó cần nhiều nhiệm kỳ và cần sự hỗ trợ của Dân chủ lẫn Cộng hòa,
với chủ trương nhất quán và xuyên suốt. Mục tiêu chiến lược là phát huy
quyền lực mềm, xây dựng các giá trị chung, để qua đó có nền tảng hợp tác
lâu dài. Liên minh dân chủ càng rộng càng mạnh thì ảnh hưởng của nó sẽ
càng lớn, và tự nó có khả năng đối đầu không chỉ với Trung Quốc, Nga
v.v… mà còn đối với các chính thể độc tài khác hiện nay cũng như đối với
các nguy cơ suy thoái của các nước dân chủ còn yếu, hay bán dân chủ.
Ngoài liên minh dân chủ, một số quốc gia độc tài hay bán dân chủ
không nhất thiết là đối thủ nguy hiểm đối với quyền lợi của Mỹ. Tất
nhiên đối với Mỹ, dân chủ vẫn là tốt hơn, dễ bang giao, hợp tác, tin cậy
hơn. Nhưng thực tế thì Mỹ cũng không còn cách nào khác ngoài tiếp cận
với các thể chế độc tài hay bán dân chủ vì tương quan quyền lợi. Miễn
sao họ không phải là mối đe dọa hay coi Mỹ như thù nghịch. Đối với các
nước nằm trong trường hợp này thì Mỹ cũng không có lý do gì để tạo sức
ép thay đổi lên thể chế chính trị tại đó.
Như trường hợp Việt Nam, Thái Lan và Bangladesh, chẳng hạn.
Mỹ không cần bỏ nhiều công sức đối với Thái Lan và Bangladesh cho dầu
hai nước này chưa hoàn toàn tự do, dân chủ. Tuy nhiên các đảng chính
trị và truyền thông tại đây phần nào hoạt động độc lập. Trung Quốc luôn
muốn lôi kéo hai nước này, cũng như nhiều nước khác trong vùng, nhưng
giới chính trị và truyền thông trong nước không ủng hộ chủ trương quá
gần với Trung Quốc. Cho nên Mỹ cũng không phải quá quan tâm. Nếu so với
Campuchia, Lào hay Miến Điện hiện nay, quá gần với Trung Quốc, thì Mỹ có
chính sách tiếp cận khác.
Trong khi đó, Đảng Cộng Sản Việt Nam kiểm soát toàn bộ lĩnh vực chính
trị, truyền thông. Gần như không có tiếng nói đối lập nào đáng kể, bởi
phần lớn đều bị giam lỏng hay bị cầm tù hết rồi. Nhưng vì Việt Nam chiếm
vị trí vô cùng quan trọng, lại là nước quá gần Trung Quốc về thể chế
chính trị, nên Mỹ đành chấp nhận tiến trình tiệm tiến trong cách tiếp
cận đối với Việt Nam. Mỹ cũng thừa biết tuy Hà Nội và Bắc Kinh có tư
tưởng chính trị giống nhau, họ cũng không ưa gì nhau và không tin tưởng
nhau. Đặc biệt là vì Trung Quốc tham vọng chiếm trọn chủ quyền trên toàn
bộ Biển Đông, với những hành vi lấn át trên biển, nhất là từ năm 2012
khi Tập Cận Bình lên nắm quyền. Giới lãnh đạo chính trị Mỹ hiểu được bản
chất của Bắc Kinh và Hà Nội, do đó họ cũng khôn khéo để ít nhất không
đẩy Hà Nội gần hơn về phía Bắc Kinh.
Mỹ cũng không ảo tưởng gì về khả năng Hà Nội trở thành một nhà nước
dân chủ, nhưng chắc chắn họ cũng nuôi hy vọng rằng các thế hệ trẻ Việt
Nam trong tương lai sẽ quyết định vận mạng đất nước mình. Nó cũng sẽ
đến, nhưng là một tiến trình dài. Một khi đã có tư tưởng và giá trị nền
tảng thì tiến trình sẽ nhanh hơn nhiều.
Câu nói của Tổng thống Biden trên trang mạng Bộ Ngoại giao Mỹ khá
thiết thực: “Dân chủ không xảy ra một cách ngẫu nhiên. Chúng ta phải bảo
vệ nó, chiến đấu cho nó, củng cố nó, làm mới nó.”
Dân chủ, nói cho cùng, là một văn hóa định hình lối sống của những
người là thành viên trong cùng một cộng đồng, quốc gia có chung lãnh
thổ/hải đó. Nếu chúng ta coi nhau là bình đẳng, đối xử nhau văn minh dựa
trên các giá trị chung và dựa trên nền tảng pháp lý công minh, thì dân
chủ rồi cũng sẽ đến.
Hội nghị Dân chủ 2021 có thể sẽ sự kiện quan trọng để thúc đẩy tiến
trình dân chủ toàn cầu, nhưng nó sẽ không tạo thay đổi gì đối với Việt
Nam. Khi nào đại đa số người Việt Nam mong muốn, cam kết và nỗ lực có
dân chủ, thì đó mới là yếu tố quyết định.