Truyền thông Thái Lan bị đặt dưới áp lực của chế độ quân trị

Cac Bai Khac

No sub-categories

Truyền thông Thái Lan bị đặt dưới áp lực của chế độ quân trị

Biên tập viên người Úc Alan Morison, và bà Chutima Sidasathan, phóng viên của trang tin tức mạng có trụ sở ở Phuket, rời tòa án ở Phuket

Ron Corben – 05.09.2014
BANGKOK— Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng Năm, chính phủ quân nhân Thái Lan đã nắm quyền kiểm soát chặt chẽ các cơ quan truyền thông địa phương trong khuôn khổ những nỗ lực trấn át bất đồng chính trị. Các nhà phê bình cho biết các bước kiểm soát truyền thông ngày càng mở rộng và mang tính cách áp bức hơn khi nhà cầm quyền tiếp tục tiến trình loại bỏ những chia rẽ chính trị và thay đổi hệ thống chính trị. Thông tín viên Ron Corben tường trình cho VOA từ Bangkok. Ngay sau cuộc đảo chính, quân đội Thái Lan đã mau chóng triệu tập các chủ biên và những nhà quản trị ngành truyền thông tới dự các buổi họp, đưa ra những quy định gắt gao về tin tức và tường thuật. Ông Pichai Chuansuksawadi, trưởng ban biên tập tiếng Anh của tờ Bangkok Post, một nhà truyền thông kỳ cựu, đã tham dự các buổi họp với quân đội, cho biết đó là một thông điệp thẳng thừng muốn giám sát chặt chẽ việc loan tải tin tức trên truyền hình và phát thanh: “Dưới thời các chính phủ trước, cách họ tạo áp lực lên truyền thông khác lắm. Nhưng ở đây thì rất rõ. Họ sử dụng những thông cáo. Nhưng họ sẵn sàng lắng nghe tới một mức độ nhất định và thực hiện những thay đổi. Thực tế tôi cho rằng đối với truyền hình, đài phát thanh, vệ tinh thì bị kiểm soát chặt chẽ hơn báo in. Điều đó là chắc chắn. Nhưng rõ ràng hơn nhiều, tôi không nói đó là điều tốt, chương trình nghị sự là rõ ràng hơn.” Vào giữa tháng Bảy, Hội đồng Hòa Bình và Trật Tự Quốc gia (NCPO) đương quyền đã tìm cách ngăn cấm bất kỳ chỉ trích nào về các lãnh đạo quân đội và trừng phạt những ấn bản và trang web xuất bản những nội dung xúc phạm. Các hiệp hội truyền thông đã thành công trong việc chống lại các biện pháp trên và quân đội đã lùi bước. Nhưng vẫn còn những hạn chế, chẳng hạn như những cấm đoán ngăn ngừa các chương trình hội thoại của truyền hình địa phương phỏng vấn các học giả, các cựu quan chức chính phủ hay các nhà phân tích. Những người bất đồng chính trị cấp cao của Thái và những nhà phê bình chế độ quân nhân, những người đã phải bỏ trốn ra nước ngoài, chủ yếu chỉ được truyền thông nước ngoài viện dẫn. Ông Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở ở New York, nói rằng các lệnh cấm về tường thuật tin tức cho thấy một thông điệp rõ ràng đối với truyền thông địa phương. “Có một sự trấn át nặng nề đối với những hãng truyền thông quan trọng đưa ra những luận điểm mà tập đoàn cầm quyền quân sự không đồng ý. Điều mà chúng ta đang thấy là việc gia tăng cấm đoán tường thuật, chặn các trang mạng đưa ra cảnh báo đối với truyền thông cả báo in lẫn báo mạng không được bước qua ranh giới mà chỉ có tập đoàn cầm quyền quân sự mới biết ranh giới đó là ở đâu”. Truyền thông Thái Lan đã trở nên quen thuộc với hiện tượng ‘tập đấu quyền Anh” với quân đội đầy quyền lực của Thái. Kể từ khi trở thành chế độ quân chủ lập hiến vào năm 1932, Thái Lan đã đối diện với 12 cuộc đảo chính và những khoảng thời gian lâu dài dưới chế độ quân trị. Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo quân đội đã đóng cửa tất cả các tờ báo. Sau cuộc đảo chính năm 1991 và trong suốt cuộc đàn áp những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào tháng 5 năm 1992, nhiều tờ báo đã bất chấp những nỗ lực kiểm duyệt chính thức. Ngược lại, sau cuộc đảo chính năm 2006 chống lại chính quyền của thủ tướng Thaksin Shinawatra, người cũng phải đối diện với các cáo buộc can thiệp và đàn áp truyền thông, quân đội đã chỉ định Thủ tướng Surayud Chulanont cam kết tự do báo chí. Các nhà bình luận Thái Lan nói những hạn chế ngày hôm nay thẳng thắn hơn và dựa trên những thông báo chính thức của tập đoàn cầm quyền. Họ cũng nói rằng việc đảo ngược các lệnh cấm của NCPO đã dẫn đến việc các tổ chức tin tức tự kiểm duyệt để tránh việc quân đội phải thực hiện sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Bà Supinya Klangnarong, một nhà hoạt động về quyền truyền thông và là thành viên của Uỷ ban phát thanh truyền hình quốc gia (NBTC), người đã chiến thắng trong vụ kiện 10 triệu USD về luật hình sự và dân sự của Thủ tướng Thaksin vào năm 2006, nói rằng truyền thông đang lo sợ về tương lai: “Bầu không khí sợ hãi đang lan rộng ở cấp độ quốc gia và cả cấp độ tổ chức bởi vì cuộc đảo chánh, thiết quân luật và tất cả những hành động hình sự hóa, đặc biệt đối với các giới chức, thậm chí cả NBTC, những nhân vật nổi tiếng, đặc biêt các giới chức thì nhạy cảm hơn, họ không thể chịu được sự chỉ trích”. Tổ chức Ký giả không biên giới có trụ sở ở Paria từng xếp Thái Lan vào một trong những xã hội tự do nhất ở Đông Nam Á, ở mức 130 trên 180 quốc gia về chỉ số tự do báo chí năm 2014. Một số nhà báo đã trực tiếp cảm nhận được đường lối cứng rắn của quân đội. Bà Chutima Sidasathan, một phóng viên của trang tin tức mạng có trụ sở ở Phuket, người cùng với biên tập viên người Úc Alan Morison đang phải đối diện với các cáo buộc hình sự về tội phỉ bang Hải quân Hoàng gia Thái sau khi đăng nhiều phần của một tường thuật của Reuters vào tháng 7 năm 2013 tố cáo nhân viên hải quân có dính líu tới việc chuyển lậu người Hồi giáo Rohingya từ Miến Điện. Bà Chutima cho biết kể từ sau cuộc đảo chính, bà bị nhân viên hải quân sách nhiễu ngày càng nhiều. “Vào lúc này, khi quân đội nắm quyền ở Thái Lan, cuộc sống của tôi sẽ khó khăn hơn trong công việc. Tôi đã bị quan chức hải quân đe dọa. Do đó rất đáng lo ngại về vấn đề này. Và rồi tôi cứ nói với họ, vì chúng tôi là nhà báo, chúng tôi không thể im lặng”. Ông Pichai của tờ Bangkok Post cho rằng tập đoàn cầm quyền sẵn sàng lắng nghe những quan ngại của giới truyền thông để bảo đảm chính phủ có một hình ảnh tốt đối với thế giới. Nhưng ông nói thêm rằng quân đội cũng sẽ không e ngại hành động nếu họ không hài lòng với thông điệp của giới truyền thông.