Truyền thông CSVN không đưa tin về các cuộc biểu tình vụ cá chết – CA bắt giam những nhà hoạt động nhân quyền biểu tình

Cac Bai Khac

No sub-categories

Truyền thông CSVN không đưa tin về các cuộc biểu tình vụ cá chết – CA bắt giam những nhà hoạt động nhân quyền biểu tình

Các cuộc biểu tình đã diễn ra ở các thành phố chính của Việt Nam trong ngày Chủ Nhật 1/5 khi hàng ngàn người xuống đường phản đối tình trạng biển bị ô nhiễm làm cá chết hàng loạt ở miền trung đất nước.

Những người biểu tình và truyền thông xã hội nghi ngờ rằng Tập Đoàn Formosa Plastics của Đài Loan đã xả chất thải độc hại ra biển tại Hà Tĩnh, đồng thời chỉ trích chính phủ về sự chậm trễ trong việc điều tra và công bố nguyên nhân của tình trạng cá chết dọc theo 200 kilomet bờ biển miền trung Việt Nam.

Hầu hết các cuộc biểu tình tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số tỉnh miền trung đã diễn ra ôn hòa. Cũng trên truyền thông xã hội, cuối ngày 1/5 đã xuất hiện nhiều bức ảnh cho thấy có ít nhất một người đàn ông và một phụ nữ bị hành hung ở thành phố Hồ Chí Minh.

Báo chí do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam không có bất cứ tin tức gì về các cuộc biểu tình. Trong khi đó, bản tin thời sự lúc 8 giờ tối ngày 1/5 của đài truyền hình Việt Nam, VTV, phát đi thông tin 2 người hoạt động nhân quyền là Trương Minh Tâm và Chu Mạnh Sơn bị bắt giữ khi đi về các tỉnh bị thiệt hại vì đợt cá chết để tìm hiểu thông tin.

VTV nói ông Tâm là thành viên của phong trào Con đường Việt Nam và ông Chu Mạnh Sơn có liên hệ với Việt Tân, một tổ chức mà lâu nay nhà nước Việt Nam vẫn gọi là “thù địch” và “khủng bố”. Đảng Việt Tân, có bản doanh ở Mỹ, đã nhiều lần bác bỏ tố cáo của chính quyền Hà Nội.

Đài VTV dẫn lời cơ quan an ninh cáo buộc 2 người hoạt động nhân quyền này nhận tiền của các tổ chức nước ngoài đến những nơi thiệt hại để ghi hình nhằm phát tán trên các trang mạng để kích động người dân.

Bình luận về sự im hơi lặng tiếng của truyền thông nhà nước Việt Nam đối với các cuộc biểu tình hôm 1/5, ông Trịnh Hữu Long, một nhà hoạt động nhân quyền hiện đang sống ở Manila, Philippines, nói:

“Không những cuộc biểu tình ngày hôm qua của dân ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng,Vũng Tàu không được báo chí Việt Nam đưa tin, mà thậm chí các cuộc biểu tình của bà con ngư dân ở các vùng bị ảnh hưởng cũng không được báo chí Việt Nam đưa tin nốt, thì tôi nghĩ rằng đây là một thiếu sót của báo chí trong nước. Điều đó không gì khác là có chỉ thị từ Ban Tuyên giáo xuống là không được đưa tin. Có một cái định hướng nào đó. Điều này tôi biết chắc vì có nhà báo ở trong nước thông báo cho tôi. Và báo chí trong nước chắc chắn là không được đưa cái tin đó”.

Từ góc độ của một cựu nhà báo cũng như là người theo dõi sát các diễn biến chính trị, xã hội ở Việt Nam trong những năm qua, nhà hoạt động Trịnh Hữu Long nhận xét chính quyền Việt Nam đã lúng túng trong việc xử lý cuộc khủng hoảng môi trường biển hiện nay. Ông Long cho rằng trong tình hình Việt Nam vừa có chính phủ mới, nhân sự cấp cao mới nên chính quyền đã chọn “phương án an toàn”. Ông Long nói:

“Trong mọi tình huống mà chính quyền lúng túng không biết xử lý như thế nào, không biết làm gì thì họ sẽ lựa chọn phương án an toàn là phương án mà lâu nay họ vẫn dùng là kiểm soát thông tin. Và thông qua kiểm soát thông tin thì họ một kiểm soát lại toàn bộ xã hội, đưa xã hội về guồng quay bình thường của nó”.

Nhà hoạt động Trịnh Hữu Long nhận định rằng chính quyền hiện nay đã rút ra bài học từ những cuộc biểu tình do phẫn nộ về chủ quyền biển hồi giữa năm 2014 đã dẫn đến bạo loạn. Ông nói:

“Trong thời điểm năm 2014, khi thông tin về giàn khoan 981 được báo chí trong nước đưa tin rất nhiều đã biến thành biểu tình rầm rộ ở khắp cả nước và chắc chắn là chính quyền không muốn xảy ra nữa”. – Theo VOA

***
Một số nhà hoạt động tại Việt Nam hôm 1 tháng 5 bị bắt trước khi có thể tham gia tuần hành biểu tình kêu gọi bảo vệ biển và môi trường sinh thái của Việt Nam. Trong khi đó có người vì đưa tin thảm trạng cá chết và tác động đến cuộc sống của ngư dân cùng gia đình họ hiện đang bị bắt với cáo buộc kích động người dân biểu tình.

Bắt bớ & đánh đập

Cô Phạm Thanh Nghiên, người từng lên tiếng về trường hợp 5 ngư dân Thanh Hóa bị phía Trung Quốc bắn chết ở Vịnh Bắc Bộ hơn chục năm trước, cũng như việc mất Hoàng Sa, Trường Sa là một trong số bị an ninh chặn bắt ở hầm giữ xe nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn sáng hôm 1 tháng 5.

Cô cho biết ngay khi bị bắt đã bị hành hung cho tới lúc đến phường 15 quận Tân Bình. Đó là nơi mà bản thân cô cùng chồng, Huỳnh Anh Tú, bà Dương Thị Tân, anh Đỗ Đức Hợp, anh Việt Quân và Nguyễn Hữu Tình cùng bị an ninh mặc thường phục hành xử như những tội nhân. Cô Phạm Thanh Nghiên kể lại:

“Với tôi chỉ có đánh thôi, còn Việt Quân và anh Tú có làm văn bản; nhưng anh Tú không có ký gì cả, anh Quân hình như cũng không ký. Họ có hỏi chồng tôi những việc làm như thế có sai trái gì không, chồng tôi nói không; những việc làm không sai trái dù có phải bị đánh chết hay án tù thì chồng tôi cũng phải thực hiện quyền con người, quyền công dân và phải đóng góp cho tổ quốc. Đó là trách nhiệm của anh ấy. Chị Tân không bị đánh đập nặng nề như chúng tôi, nhưng chị là người rất nhiều bệnh tật, các khớp chân tay sưng hết lên. Tất cả chúng tôi đều bị bẻ quặt tay ra sau và bị bẻ cổ…

Người bị đánh nhiều nhất là Nguyễn Hữu Tình, bị đánh tất cả 4 lần: 3 lần trong đồn công an và một lần ở ngoài. Trong đồn công an hầu như bị đánh hội đồng tức là 2-3 người đánh một lúc, còn tôi thì từng ‘thằng’ nó tỉa thôi!”

Lập luận với phía ngăn trở

Ngay khi biểu tình bị ngăn chặn những người tham gia đã phản đối lực lượng chức năng. Cô Trang Nhung, một ứng viên đại biểu quốc hội độc lập trong đợt vừa qua, trình bày lại lập luận của cô vào lúc bị chặn như sau:

“Tôi nói với những người ngăn chặn là mọi người biểu tình không chỉ cho mình mà còn cho chính những người ngăn chặn nữa. Nếu như tình trạng này tiếp diễn thì ngay họ và chính gia đình họ sẽ bị ảnh hưởng về sức khỏe.”

Tại thành phố Đà Nẵng, anh Bùi Tuấn Lâm khi bị chặn bắt cũng cho biết phản đối của anh:

“Tôi nói tôi không phải là người gây rối; người gây rối chính là công an mang xe và người ra đây la lối làm rộn chuyện. Tôi chỉ biểu tình ôn hòa, nếu cứ để yên thì đâu có chuyện gì xảy ra.

Tại sao chúng tôi có quyền lên tiếng cho môi trường, lên tiếng cho sự an toàn của quê hương, đất nước? Họ nói Đà Nẵng đâu có bị gì. Tôi trả lời cho dù Đà Nẵng không bị mà bất cứ chỗ nào trên quê hương đất nước này, tôi là công dân Việt Nam tôi phải lên tiếng. Còn chuyện Đà Nẵng có bị hay không cũng chưa rõ ràng. Cho dù Đà Nẵng chưa bị nhưng Hà Tĩnh, Quảng Bình… đang bị rất nặng nề và sự thiệt hại của người dân rất cao.

Tôi là công dân Việt Nam còn muốn lên tiếng phản đối công ty Formosa thải chất độc ra biển.”

Quan điểm về chuyện bắt bớ

Truyền thông trong nước tối ngày 1 sang ngày 2 tháng 5 loan tin cơ quan chức năng tạm giữ hai người là anh Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn. Theo đó anh Trương Minh Tam là người của tổ chức Con Đường Việt Nam đến Hà Tĩnh chụp hình quay phim đưa tin trên mạng với mục đích ‘tuyên truyền, đả kích, chính sách pháp luật, hoạt động của các cơ quan chức năng’. Anh Tam có nhận tiền của tổ chức này.

Anh Chu Mạnh Sơn được nói là thành viên của tổ chức Việt Tân, trụ sở tại Hoa Kỳ. Mục tiêu đến Quảng Bình được truyền thông trong nước nói là ‘thu thập thông tin, hình ảnh quần chúng nhân dân tụ tập gửi cho các đối tượng để phát tán trên các trang mạng phản động nhằm xuyên tạc, gây kích động trong quần chúng nhân dân’.

Cựu tù nhân chính trị Phạm Thanh Nghiên có nhận định về các cáo buộc đối với hai người vừa nêu như sau:

“Cũng không lạ gì việc làm của phía Nhà nước mặc dù tôi chưa tìm hiểu kỹ nhưng có thể khẳng định những việc làm của anh Tam cũng như anh Sơn không gì khác là muốn mang sự thật cho công luận biết và dấn thân cho tự do dân chủ mà hai anh đều là cựu tù nhân lương tâm.

Nghe tin này với tư cách là một người từng đi tù và nhất là đối với những người phải trở lại nhà tù lần thứ hai thì không riêng gì tôi mà tất cả chúng ta đều ngậm ngùi, xót xa. Nhưng tôi tin rằng anh Tam cũng như anh Chu Mạnh Sơn đủ bản lĩnh, đặc biệt đối với những người có đức tin thì tôi tin rằng họ sẽ vượt qua được mọi thử thách; cho dù trường hợp xấu nhất xảy ra là án tù đi chăng nữa! Việc làm của họ hoàn toàn không vô ích, ngược lại có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt trong thời gian có những sự kiện về thảm họa môi trường như thế này, tôi cho rằng việc làm của hai anh là vô cùng quý giá.”

Anh Bùi Tuấn Lâm và cô Trang Nhung cũng cùng nhận định việc bắt giữ như thế là vô lý và trái pháp luật.

Cô Trang Nhung đưa ý kiến:

“Việc bắt giữ như thế là trái pháp luật hoàn toàn, hơn nữa vô lý khi mọi người đi biểu tình chỉ vì môi trường trong sạch thôi, rất xứng đáng khi mà tình trạng ô nhiễm môi trường đã lan rộng, đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân miền Trung và có thể người dân ở những nơi khác nữa. Nếu không có hành động, kể cả lên tiếng thôi, thì không biết thảm họa còn lan rộng như thế nào!”

Và quan điểm của anh Bùi Tuấn Lâm:

“Thực ra người dân biểu tình vì bức xúc, vì sự uất nghẹn của họ chứ làm sao mà anh Trương Minh Tam và anh Chu Mạnh Sơn có thể đứng ra kêu gọi biểu tình hay kích động được. Còn bản thân tôi tin rằng đó là một vu cáo đối với Chu Mạnh Sơn và anh Trương Minh Tam.”

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn vào ngày 2 tháng 5 đưa lên trang facebook cá nhân một status với hai câu hỏi “Những phóng viên VTV, VTC mà tôi thấy loanh quanh ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh này, có anh chị nào đi làm tin mà không có công tác phí không?”; câu thứ hai “Phải chăng Bộ Công an đang cho rằng hằng ngàn người xuống đường hôm qua ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… là do người đàn ông tên Tam bên dưới xúi giục, kích động?”

Mạng báo Lao Động trong bản tin ngày 2 tháng năm loan rằng bản thân hai người bị tạm giữ là Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn thừa nhận những điều bị cáo buộc.

Thực tế lâu nay cho thấy, những người bị buộc tội như hai anh Tam và Sơn rồi bị án tù, sau khi mãn án công khai cho biết họ chẳng bao giờ nhận tội như cơ quan chức năng và truyền thông Nhà nước loan tin. – Theo RFA