Truy nã quốc tế
Posted by adminbasam on 20/09/2016 – Nguyên Đại – 20-9-2016
Logo Interpol
Ngày xưa, phải gọi như thế vì đã khá lâu, tôi có một mẫu đối thoại với mấy thằng bạn nhóc con. Một thằng nói: “Tao là Mỹ, mạnh thiệt mạnh luôn”. Thằng khác: “Tao là Pháp, chiếm nhiều nước làm thuộc địa…”. Thằng nữa: “Tao là Mông-Cổ”… (tôi cũng chọn một nước nào đó, có thằng chọn rồi thì không được chọn trùng), chợt một thằng nói: “Tao lớn nhất, tao là Liên Hiệp Quốc, gồm hết tất cả các nước lại”, và tất cả đều thua thằng đó, tức anh ách. Tôi đã cảm nhận có cái gì đó không ổn, nhưng hồi đó không nói lại được…
Bây giờ thì biết rồi. Liên Hiệp Quốc (LHQ) không phải là là một quốc gia, đó là một tổ chức, một tên gọi của một văn phòng, có nhiều chi nhánh trụ sở ở nhiều quốc gia. Bởi không là một quốc gia, nên LHQ không có lãnh thổ riêng, không có dân, v.v…
Tôi nhớ lại câu chuyện trẻ thơ trên khi đọc một số báo chí ở Việt Nam, rằng ngày 16/9/16 vừa qua Bộ Công An Việt Nam đã phát lệnh truy nã trong nước, và truy nã quốc tế đối với ông Trịnh Xuân Thanh, người mà chính phủ VN cho là chịu trách nhiệm cho việc thua lỗ khoảng 3200 tỷ VN đồng (gần 160 triệu Mỹ kim) của Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí VN (PVC). Nghe đâu, ông Thanh đã trốn ra nước ngoài, và sau đó, blogger “Người Buôn Gió” đã thổi một hơi nhiều “cơn gió” qua các trang mạng xã hội.
Interpol (còn được gọi International Criminal Police Commission, tạm dịch: Cao Ủy Cảnh Sát Hình Sự Quốc Tế) là một tổ chức quốc tế lớn thứ hai, sau Liên Hiệp Quốc. Đó là một hệ thống văn phòng, có trụ sở chính đặt tại thành phố Lyon, Pháp. Nếu Liên Hiệp Quốc, không phải là một quốc gia, không có dân, không có đất, thì Interpol cũng vậy, không có cảnh sát viên mang súng đi bắt người, không có nhà giam riêng. Nếu nói ngắn gọn, Interpol là một hệ thống văn phòng với các nhân viên liên lạc cùng với chuyên gia điện toán quản lý một hệ thống lưu trữ dữ kiện giúp việc điều tra các tội phạm hình sự.
Tiền thân của tổ chức Liên Hiệp Quốc là một hội với tên gọi là “Hội Quốc Liên”, giống như nhiều hội khác, ban đầu có ít thành viên, sau đó thì số thành viên tăng lên. Interpol cũng có thể coi như là một “hội” với 190 hội viên, trong số đó có Việt Nam, và Interpol mở một văn phòng liên lạc ở Hà Nội. Một cách đơn giản, hoạt động của Interpol được tiến hành như sau: giả sử có một tội phạm hình sự (cướp ngân hàng chẳng hạn) ở VN, mà công an (CA) tin rằng đã rời khỏi VN trốn sang một nước nào đó (Đức, chẳng hạn). Tất nhiên, CA không thể mang súng tung tăng trên đường phố Munich để bắt người được; và cũng không thể gọi điện trực tiếp tới sở cảnh sát Munich để yêu cầu giúp đỡ.
CA Việt Nam sẽ gởi một thỉnh cầu tới văn phòng Interpol ở Hà Nội, từ đây hồ sơ sẽ được chuyển về trụ sở chính (hay trụ sở khu vực Đông Nam Á, đặt tại Thái Lan) của Interpol; hồ sơ sẽ được một ban chuyên trách gồm các chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn, sau đó những người này sẽ cố vấn cho Tổng Thư Ký (General Secretariat) của Interpol, và chính ông này mới ký quyết định và gởi các thẻ đỏ, vàng, xanh (theo cấp độ của yêu cầu)…. đến các trụ sở liên lạc của Interpol ở các quốc gia hội viên, và ở đây họ sẽ liên lạc với cảnh sát ở quốc gia sở tại hay thành phố địa phương nào đó (Munich chẳng hạn), và chính cảnh sát ở đây mới phái điều tra viên (Detective) để lo việc điều tra và bắt giữ nghi phạm. Giả sử họ bắt được, nghi phạm sẽ bị giam giữ ở trại giam (ở Munich), sau đó cảnh sát phải đưa nội vụ ra tòa, và chính tòa án (Munich) sẽ là nơi quyết định giao nghi phạm cho CAVN, hoặc tiếp tục tạm giam, cho tạm thời tại ngoại, hoặc yêu cầu thả người.
CAVN không có quyền hạn gì ngoài lãnh thổ VN, không thể “phát lệnh” truy nã quốc tế được. CAVN chỉ có thể gởi chi tiết về nghi phạm đến văn phòng liên lạc của Interpol ở Hà Nội, và thỉnh cầu sự giúp đỡ của Interpol, thế thôi. Tổng Thư Ký của Interpol, hiện nay là ông Jürgen Stock, ở Lyon. Ông mới chính là người “phát lệnh”, thực chất là một yêu cầu sự hợp tác của lực lượng cảnh sát ở tất cả các quốc gia hội viên. Vì vậy, nói: “Bộ CAVN phát lệnh truy nã quốc tế…” không khác lắm với “Tao là Liên Hiệp Quốc, tao lớn nhất, gồm tất cả các nước lại”.
Tôn chỉ của Interpol là tuyệt đối không liên quan đến chính trị, nghĩa là nếu có sự nghi ngờ rằng, yêu cầu bắt giữ nghi phạm có động cơ chính trị, Tổng Thư Ký của Interpol sẽ không được phép “phát lệnh”. Chuyện chính trị không phải là chuyện của Interpol. Trước năm 1970, Interpol vẫn không được phép dính dáng tới các tội phạm chiến tranh thuộc Đức Quốc Xã, cho tới lúc đó, vẫn được coi như có động cơ chính trị. Năm 2008, Văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đã chỉ ra một số vấn đề của Interpol có liên quan đến việc bắt giữ một số người tỵ nạn chính trị.
Ngày 31/1/2014, Quốc Hội Liên Âu (Parliamentary Assembly of the Council of Europe) đã có nghị quyết phê phán một số hoạt động của Interpol đã dẫn đến những quyết định không đúng đắn của tổ chức này. Tháng 5 năm 2015, Ủy Ban Pháp Luật và Nhân Quyền thuộc Quốc Hội Liên Âu đã tổ chức một cuộc điều trần để các tổ chức phi chính phủ (NGOs – Non-Governmental Organisations) và Interpol có cơ hội để trình bày những quan điểm khác biệt của họ. Tổ chức Interpol nhận nguồn tài trợ từ các quốc gia thành viên, và đại diện các quốc gia thành viên đều có quyền hạn giám sát hoạt động của Interpol.
Nếu nhận thấy rằng yêu cầu bắt giữ có động cơ chính trị, Interpol phải rút tên của “nghi phạm” ra khỏi danh sách truy tìm của họ, đó là trường hợp của của nhà hoạt động dân sự Indonesia, Benny Wenda, chính trị gia xứ Georgia (một quốc gia thuộc Liên Xô cũ) Givi Targamadze, hoặc cựu tổng thống Honduras, thuộc Trung Mỹ, Manuel Zelaya Rosales. Khi tên của họ được Interpol rút khỏi danh sách, cảnh sát ở các quốc gia hội viên cũng chấm dứt việc truy tìm và bắt giữ nghi phạm.
Một số các trường hợp, sau khi Interpol đã “phát lệnh”, nhưng được cấp quy chế tỵ nạn chính trị ở Mỹ và Âu Châu, bao gồm thương gia người Nga, Andrey Borodin, chính trị gia đối lập người Kazakh, Mukhtar Ablyazov.
Tuy nhiên, vẫn có người, mặc dầu đã được công nhận tư cách tỵ nạn, Interpol vẫn giữ tên của họ trong danh sách, bao gồm nhà báo Sri Lanka Chandima Withana, và Pavel Zabelin, nhân chứng trong vụ của Mikhail Khodorkovsky.
Khi tên của nghi phạm chưa được rút ra khỏi danh sách của Interpol, cho dù đã được công nhận tư cách tỵ nạn, nếu người này vượt biên giới sang một quốc gia thành viên khác của Interpol, họ có thể bị bắt giữ tại đây. Tiến trình pháp lý với Interpol có khi kéo dài cả năm trời như trường hợp của phóng viên Patrica Poleo, người Venezuela, và đồng nghiệp người Kazakh Ablyazov Tatiana Paraskevich.
Trong trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh, Interpol có quyết định đưa tên ông vào danh sách truy tìm của họ hay không, đó là một vấn đề. Sự can thiệp vào quyết định này của Interpol của các tổ chức nhân quyền là điều thứ hai. Nếu ông Thanh ở nước ngoài, và giả sử sau đó ông bị cảnh sát (ở Munich chẳng hạn) bắt giữ, các tổ chức luật pháp thông qua hệ thống tòa án có thể ngăn cản một lệnh chuyển giao ông Thanh cho phía Việt Nam hay không là vấn đề thứ ba. Nếu ông Thanh được cấp quy chế tỵ nạn, Interpol có đồng ý rút tên ông Thanh ra khỏi danh sách của Interpol là vấn đề thứ tư, và …
Nếu chỉ để bắt một ông Thanh, chính phủ của ông Trọng có thể chịu giao cho Interpol các tài liệu chi tiết liên quan đến vụ thất thoát trên 150 triệu đô Mỹ, để chứng minh rằng nó hoàn toàn liên quan đến hình sự, không có một màu sắc chính trị nào, hay không? Một cách logic và “khoa học biện chứng” thì một mình ông Thanh không thể nào “nuốt trọn” số tiền này, vậy thì còn ai… và ai nữa? Liệu ông Trọng có đồng ý cho công khai tất cả các tài liệu liên quan đến vụ này hay không lại là chuyện khác. Câu chuyện này có lẽ sẽ kéo dài nhiều tập…
______
Tham khảo: