Trường Sa vùng biển nhớ
Để nhớ về Hạm trưởng, Hạm phó, quý chiến hữu thủy thủ đoàn Tuần dương hạm Trần Nhật Duật HQ 3 (WHEC).
Mỗi lần đi tầu du lịch (Cruise), tôi có cái thú buổi sáng ngồi uống cà phê, ngắm trời nước mênh mông. Nhìn những bọt nước trắng xóa để lại sau con tầu. Tôi chợt nhớ về những chiến hữu với bao kỷ niệm vui buồn, những nhọc nhằn của đời lính biển, những ngày xa gia đình. Bù lại, chúng tôi được chúng tôi tìm được niềm vui đơn sơ qua những chuyến hải hành quần đảo Trường Sa.
Sau biến cố Hoàng Sa rơi vào tay Trung cộng tháng 01 – 1974, vùng biển Trường Sa trở nên sôi động. Trước nguy cơ xâm lăng của kẻ thù, Việt Nam Cộng Hòa điều động thêm quân đội trấn giữ các đảo. Nhiều chiến hạm như Hải vận hạm (LSM), Dương vận hạm (LST), Tuần dương hạm (WHEC)… chở Địa phưong quân Phước Tuy (Bà Rịa), đặc biệt Tiểu đoàn Trinh sát Mãnh Sư 371, ra bảo vệ đảo và dựng bia chủ quyền quốc gia. Chiến hạm chúng tôi –Trần Nhật Duật HQ3- thuộc loại tầu chiến, không chở tiếp liệu và binh sĩ nhiều như như các tầu Hải và Dương vận hạm. Tuy nhiên, sự hiện diện của các chiến hạm có hỏa lực mạnh như Khu trục hạm, Tuần dương hạm chứng tỏ quyết tâm bảo vệ biển đảo của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa.
Ngoài những nguy hiểm bão tố hàng năm, hải hành trong vùng biển Trường Sa đòi hỏi sự thận trọng, vì có nhiều bãi đá ngầm, san hô. Rải rác trong vùng, đôi khi chúng tôi còn bắt gặp những xác tầu chìm.
Chiến hạm chúng tôi thường công tác đến các đảo: Song Tử Tây, Trường Sa, Sơn Ca, Nam Yết, An Bang, Sinh Tồn (Gạc Ma)… Đảo Nam Yết nằm giữa các đảo nhỏ, nên ở đây đặt hậu cứ gồm Trung tâm truyền tin và trạm y tế. Riêng Bộ chỉ huy tiền phương đặt ở Song Tử Tây. Từ đảo này, bằng mắt thường có thể nhìn thấy đảo Song Tử Đông của Phi Luật Tân và đảo Itu-Aba (Ba Bình), do Đài Loan chiếm giữ. Đảo Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa và có nước ngọt (fresh-water)..
Song Tử Tây có gì lạ?
Theo khảo cứu địa chất, đảo này giầu tài nguyên khoáng sản. Đảo trơ trọi, chỉ có cây dừa không đủ bóng mát che cái lều lớn binh sĩ đồn trú tại đây. Anh em trông khỏe mạnh, đa số để tóc dài, nước da đen sậm vì nắng cháy. Nếu không nghe họ nói tiếng Việt, bạn có thể tưởng họ là thổ dân trên đảo. Vì tầu lớn mà đảo không có cầu tầu nên anh em lái ca nô ra nhận tiếp liệu hay thay thế binh sĩ mãn hạn công tác. Câu hỏi quen thuộc của anh em là có mang thuốc lá, cà phê? Đặc biệt rượu “Ông già chống gậy” để chúng tôi nhậu lai rai các món hải sản anh em trên đảo tự nấu.
Chim biển
Đảo có hàng ngàn chim biển về làm tổ, đẻ trứng. Bạn có bao giờ ăn thịt chim biển? Mùi vị hơi tanh khi chưa quen. Nếu có thêm gia vị thì không đến nỗi nào! Anh em trên đảo bắt chim, rùa biển phơi khô. Mùa giông bão, tầu tiếp liệu không đến kịp, anh em có thức ăn dự trữ.
Trứng chim
Trên đảo có vô số trứng. Tha hồ nhặt. Đàn chim la hét, bay vần vũ trên đầu mình tỏ vẻ “phẫn nộ” với kẻ ăn cắp trứng. Có con nhào xuống mổ đầu mình. Không đau. Nhưng nhớ đội mũ, đeo kính cho an toàn. Đi biển lâu ngày, thiếu đồ ăn tươi. Buổi sáng uống ly sữa đặc Ông thọ, bỏ thêm vài trứng chim (thay cho trứng gà). Cơ thể như thêm sức.
Quà của lính biển mang về cho người thân hoặc người yêu, không huyền thoại như mang “hoa biển” về tặng em. Thực tế chỉ có hải sản: Thịt chim biển phơi khô ư? Tanh quá nuốt hổng vô! Thịt rùa biển ư? Ăn vô ngứa thấy bà tổ! Tóm lại chỉ có trứng chim được ưa chuộng nhất.
Ốc tai tượng
Tôi có vài lần theo các chiến sĩ người nhái lặn bắt tôm hùm, ghẹ, ốc ở các đảo Cam Ranh, Bình Ba, Nha Trang. Tôi chưa bao giờ thấy ốc tai tượng to đến hai ba gang tay như ở đây. Có lần đi bơi ở Song Tử Tây, khi đứng dưới nước, tôi cảm thấy có vật gì động đậy dưới chân. Theo phản xạ, tôi giật chân lên và lặn xem con gì? Quá đỗi ngạc nhiên, tôi thấy vô số ốc tai tượng. Tôi định bắt vài con về xào hay nấu cháo. Tôi nhặt nhánh cây khô đặt vào miệng ốc, chờ khép lại và kéo ra khỏi cát. Trái như tôi nghĩ, thân ốc nằm trong đá san hô. Dùng hết sức, tôi không thể nào rút cành cây ra khỏi miệng ốc, đừng nói đến đem ốc lên bờ. Chợt nghĩ nếu chẳng may, tay hoặc chân bị ốc kẹp, thì chỉ có nước đi chầu Long vương Hải thần. Lạnh cẳng, tôi bỏ lên bờ, không dám nghĩ đến… nồi cháo ốc.
Rùa biển
Có nhiều loại như: ba ba, đồi mồi… trên đảo mọi người gọi là vít. Họ đi bắt về ban đêm, nhất là mùa đẻ trứng. Tha hồ đào cát lượm trứng. Trứng có vỏ mềm, luộc ăn rất ngon. Thịt vít có người ăn không bị phản ứng. Có người ăn bị ngứa, không ngủ được. Dù sao món hải sản này cũng góp phần thực phẩm cho binh sĩ trấn đảo.
Cá chuồn
Trên biển, thỉnh thoảng thấy vài con cá chuồn bay trên mặt nước như “thủy phi cơ”. Trông rất ngoạn mục. Đôi lúc từng đàn cá mập, nhiều nhất là cá heo, bơi đuổi theo tầu. Một niềm vui bất chợt, vì giữa đại dương bao la không phải chỉ mình ta dong ruổi…
Có lần chiến hạm neo tại đảo Nam Yết, gặp mùa cá chuồn. Ban đêm, xung quanh chiến hạm thường thắp điện sáng trưng. Cá chuồn theo ánh sáng bay lên boong, đụng thành tầu sắt, nằm lăn dẫy đành đạch. Chúng tôi lâu lâu đi quanh tầu, lượm cá vô nấu cháo khuya. Cháo cá chuồn vào mùa có trứng thật tuyệt vời. Ăn tô cháo cá, cam đoan tối ngủ không… mộng mị.
Đối diện với cá mập
Chiến hạm neo tại đảo Sơn Ca, gần một vùng vịnh hình tròn, xung quanh nhấp nhô san hô, chính giữa là một vùng nước trong xanh. Trông thật thanh bình. Sau cơn mưa tối hôm qua, sáng nay bầu trời trong vắt, nắng đẹp. Tầu đi công tác lâu ngày, thiếu đồ ăn tươi. Anh em đề nghị hạm trưởng Nguyễn Kim Triệu cho thả ca nô đi bắt cá. Hạm trưởng thông cảm, vui vẻ chấp thuận. Xuồng nhỏ hạ xuống, từ từ chạy vào vùng vịnh trong xanh phẳng lặng như gương. Hai quả lựu đạn chống người nhái (MK.3) ném xuống biển. Sau tiếng nổ, vài con cá chết từ từ nổi lên mặt nước.
Anh em nhanh nhẹn lặn xuống bắt những con cá còn chìm phía dưới. Đột nhiên từ dưới nước anh em bắn mình lên hốt hoảng la to: cá mập! cá mập! Thì ra mấy con cá mập đánh hơi máu cá chết, phóng vào tranh ăn. Cá mập vùng này da rằn ri, trông rất dữ tợn. Muốn vớt vài con cá nổi trên mặt nước nhưng không có vợt lưới. Định dùng tay vớt cá nhưng thấy vài vi cá mập nổi lên mặt nước, lượn vòng vòng ung dung đớp cá của mình. Chúng tôi hậm hực trở về tay không.
Tắm mưa
Những chuyến công tác xa bờ lâu ngày, việc sử dụng nước ngọt rất giới hạn. Đi biển không nói đến tắm mưa thật là thiếu. Cấu trúc của tầu tuần dương hạm, cho chúng tôi hứng được nhiều nước mưa trên các sàn tầu đổ xuống. Những cơn mưa ngoài đại dương thật thú vị. Mưa đem đến sự tươi mát, tắm rửa, giặt quần áo dơ bẩn theo những chuyến hải hành. Nước ngọt chứa trong hầm tầu vào những ngày sắp cạn, mà vẫn còn phải “vượt bao hải lý, chưa nghe vừa ý, lắc lư con tầu đi”… Làm cho nước có màu vẩn đục vì chất sét thân tàu, chúng tôi vẫn phải dùng và gọi đùa là vitamin iron. Giữ một thùng nước mưa để sau khi tắm nước biển, tưới khắp thân thể bằng hai, ba cốc nước mưa cho sạch chất mặn, hạnh phúc không gì bằng! Lạy trời mưa xuống, có nước tôi uống, có nước nấu mì (gói)…
Quần đảo Trường Sa ngày nay trở thành pháo đài, phi trường quân sự của các quốc gia chiếm đóng. Đặc biệt Trung cộng. Sự nạo vét đất cát, san hô để xây dựng đảo nhân tạo đã phá hủy nguồn hải sản, tài nguyên Biển Đông. Vẻ đẹp thiên nhiên của Trường Sa, thú vui bình dị của người Lính Biển ngày xưa có lẽ bây giờ chỉ là những kỷ niệm…
TRỊNH HOÀI PHƯƠNG