Cuba đi sau nhưng có lẽ sẽ về trước
Một cửa hàng quốc doanh ở La Habana, 21/07/2018. |
Chú thích của Thụy My : Tác giả viết: «Trung Quốc có tới 9 đảng sẵn sàng thay đảng CSTQ để lãnh đạo nhà nước, nếu khủng hoảng có xảy ra». Thật ra hiện nay tại Trung Quốc, ngoài đảng Cộng Sản chỉ có 8 đảng khác : Dân Cách, Dân Minh, Dân Kiến, Dân Tiến, Nông Công Đảng, Công Đảng, Đài Minh, Học xã Cửu Tam (đảng Dân Chủ Trung Quốc bị cấm hoạt động năm 1998). Và cả 8 đảng này đều hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tóm lại: chỉ là bù nhìn!
Như vậy là sau Việt Nam 26 năm, Cuba quyết định “gài số de”, không “tiến lên chủ nghĩa cộng sản” nữa.
Việt Nam đã không nhắc tới chủ nghĩa cộng sản từ năm 1992 mà khẳng định “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nhưng việc “gài số de” không có nghĩa là Cuba và Việt Nam thôi, không canh gác sự nghiệp hòa bình và đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng của thế giới nữa.
Hai đảng Cộng sản (CS) Việt Nam và Cuba vẫn khẳng định đảng Cộng sản là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” trên nền tảng chủ nghĩa Mác Lênin. Tức là hai đảng vẫn là hai đảng “quốc tế”. Mà bản chất “quốc tế” của các đảng Cộng sản là “vô sản các nước đoàn kết lại”. Các đảng thuộc giai cấp vô sản là đảng “anh em”. “Nghĩa vụ quốc tế” của các đảng CS là thực hiện “cách mạng của nhân dân thế giới”.
Vì vậy theo tôi, không hề có nghĩa là Cuba và Việt Nam “bỏ khái niệm chủ nghĩa cộng sản” (như báo chí đã nói). Việc “xây dựng xã hội chủ nghĩa” chỉ là giai đoạn quan yếu (quá độ) để tiến lên “chủ nghĩa cộng sản”.
Cuba “công nhận sở hữu tư nhân”, điều này Việt Nam đã công nhận trong Hiến pháp 1992. Cuba công nhận “hôn nhân đồng tính” mà việc này Cuba cũng đi sau Việt Nam trên 1/4 thế kỷ. Việt Nam đã có “luật” về hôn nhân LGBT. Các việc như “Khuyến khích đầu tư nước ngoài và ra các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư”, Việt Nam cũng đã đi trước từ thời kỳ “đổi mới”, khẳng định qua Hiến pháp 1992.
Riêng “hệ thống tư pháp” Hiến pháp 2013 Việt Nam đưa vào khái niệm “Nhà nước pháp quyền” được xem là tương đương với khái niệm “Etat de droit” của Tây phương, nhưng Việt Nam lại thòng thêm “xã hội chủ nghĩa phía sau”. Điều 4 Hiến pháp 1992 của Việt Nam đã khẳng định “mọi tổ chức của đảng phải hoạt động theo hiến pháp và pháp luật”.
Tức là việc Cuba “Tăng cường hệ thống tư pháp” xem ra cũng trễ so với Việt Nam. Nhưng vấn đề phải xem “thực chất” của việc cải tổ tư pháp là gì. Đối với Việt Nam, việc cải tổ hay “tăng cường hệ thống tư pháp” chỉ là việc “luật hóa” sự can thiệp sỗ sàng của đảng vào các sinh hoạt nhà nước, xã hội.
Ngay cả các việc “Công nhận nguyên tắc suy đoán vô tội trong xét xử” hay việc “Lập ra chức thủ tướng để điều hành đất nước bên cạnh chủ tịch nước”, Cuba cũng đi sau Việt Nam.
Theo tôi, Cuba đã học theo mô hình Việt Nam, chớ không hề theo mô hình của các xứ Đông Âu (như nhà báo trên BBC đã nói).
Các xứ Đông Âu, như Ba Lan, việc chuyển hóa sang dân chủ đã đặt đảng Cộng sản ngoài vòng pháp luật. Nhiều quốc gia khác, đảng Cộng sản đơn thuần “mất tích” trong sinh hoạt chính trị, mặc dầu đảng CS không hề bị cấm, hay bị giới hạn hoạt động.
Dầu vậy theo tôi, Cuba sẽ “tới bến dân chủ” trước Việt Nam.
Việt Nam rập theo mô hình TQ. Một tầng lớp “trung lưu” được thành hình theo thời gian “mở cửa” tiếp cận kinh tế thị trường. Nhưng thành phần trung lưu này phụ thuộc rất nhiều vào đảng CS. Có thể chính bản thân họ là đảng viên. Có thể họ làm giàu do có quan hệ với đảng viên CS (tham nhũng, móc ngoặc, hối mại quyền thế…) Vì vậy giai cấp trung lưu này có khuynh hưởng bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ độc tài thay vì có các yêu sách về dân chủ như Nam Hàn, Đài Loan.
Trong khi Cuba có khối dân lưu vong sống cận bên (ở Mỹ), đa số là khá giả. Khối dân này về chính trị, lập trường chống cộng khá giống với dân Việt Nam tị nạn ở Mỹ. Nhưng họ đông đảo, có “dây mơ rễ má”, có thế lực thực sự ở trong nước, nếu Cuba thực sự tôn trọng “quyền tư hữu và tài sản tư nhân” cũng như đầu tư nước ngoài.
Lãnh tụ Cuba, thế hệ “cách mạng sắt đá”, đều “gần đất xa trời”. Thế hệ trẻ ít có tư tưởng “cách mạng cực đoan”, kiểu thời Che Guevara và Castro. Cuba sẽ nhanh chóng “Mỹ hóa”, từ kinh tế đến chính trị. Do đó Cuba có nhiều khả năng “tới bến” trước Việt Nam.
Còn Việt Nam, đi theo bước chân của Trung Quốc. Đảng CSVN được bảo bọc bởi đảng CSTQ. Trung Quốc làm cái gì thì lãnh đạo Việt Nam bắt chước làm theo. Việt Nam chỉ “sụp” khi Trung Quốc bị khủng hoảng.
Nếu Trung Quốc không qua nổi “con trăng” này, vì bị ông Trump tấn công ráo riết trong chiến tranh thương mại. Thì Việt Nam sẽ “tới bến” trước Cuba. Nhưng điểm tới của Việt Nam hứa hẹn nhiều “tang thương” hơn Cuba. Vì Cuba gần Mỹ.
Trung Quốc khủng hoảng, kéo theo Việt Nam sụp đổ. Chính sách của CSVN nào giờ là không xây dựng một “không gian chính trị lành mạnh”, họ tiêu diệt mọi thành phần chống đối. Trong khi Trung Quốc có tới 9 đảng sẵn sàng thay đảng CSTQ để lãnh đạo nhà nước, nếu khủng hoảng có xảy ra. Tức là “điểm tới” của Việt Nam đầy bất trắc.
FB TRƯƠNG NHÂNTUẤN 26.07.2018