Trước hội đàm Trump-Tập, Mỹ gia tăng sức ép toàn diện lên Trung Quốc
Trước hội đàm Trump-Tập, Mỹ gia tăng sức ép toàn diện lên Trung Quốc
Trong bối cảnh lãnh đạo 2 nước chuẩn bị gặp nhau tại G20 Argentina vài ngày tới, Washington liên tiếp gây thêm sức ép lên Bắc Kinh trên cả thương mại và Biển Đông.
Hôm 20/11, Phòng Đại diện thương mại Mỹ công bố bản điều tra cập nhật trong đó tố cáo Trung Quốc “về cơ bản không thay đổi cách hành xử bóp méo thị trường của mình”, bao gồm thương mại bất công, trợ cấp công nghiệp, ăn cắp tài sản trí tuệ và cưỡng ép chuyển giao công nghệ.
Cùng ngày trên biển Đông, không lực Mỹ điều 2 chiến cơ B52 tuần tiễu trong một cử chỉ thị uy.
Về mặt ngoại giao, các chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới ASEAN và APEC đã thẳng thừng tố cáo Trung Quốc sử dụng ngoại giao bẫy nợ, bá quyền và chèn ép để gây ảnh hưởng.
US Vice President Mike Pence and US National Security Adviser to Donald Trump, John R. Bolton attend the 13th East Asia summit plenary session on the sidelines of the 33rd Association of Southeast Asian Nations (ASEAN) summit in Singapore on November 15, 2018.
Chiến tranh thương mại
Trong bản cập nhật cuộc điều tra các hoạt động thương mại của Trung Quốc, đại diện Mỹ Robert Lighthizer cho rằng Trung Quốc đã không phản hồi “một cách xây dựng” với các yêu cầu của Mỹ và không có động thái đáng kể để giải quyết các lo ngại về thương mại. Trung Quốc rõ ràng không muốn thay đổi cách hành xử, vẫn tiếp tục đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, tạo rào cản về cấp phép công nghệ để buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối thủ ở Trung Quốc.
Ngoài ra, trong một phỏng vấn với BBC gần đây, ông Kevin Hassett, cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Trump hàm ý nên trục xuất Trung Quốc ra khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì không nên tiếp tục dung túng cho những sai phạm của nước này.
Phát ngôn của ông Hassett và báo cáo “luận tội” Trung Quốc của Phòng Thương mại Mỹ được công bố trước khi Tổng thống Trump lên đường tới Argentina để dự Thượng đỉnh G20 và sẽ gặp mặt Chủ tịch Tập Cận Bình. Cuộc gặp được trông đợi sẽ làm giảm nhiệt cuộc chiến thương mại tiếp tục gia tăng giữa hai nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định cuộc chiến này vẫn sẽ kéo dài trong năm 2019, và khoản thuế 25% của Mỹ sẽ được áp vào và khiến kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng.
“Căng thẳng thương mại sẽ gia tăng. Khoản thuế 25% sẽ được thực thi”, giám đốc xếp hạng của Moody’s tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói trong tuần qua.
Moody’s ước tính việc áp thuế của Mỹ sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc giảm từ 6,7% hiện tại xuống 6% trong năm 2019.
Tuần tra Biển Đông
Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ghé thăm Philippines để trấn an Tổng thống Rodrigo Duterte sau khi ông này ‘xoay trục’ sang Bắc Kinh từ 2 năm trước, Lực Lượng Không Quân Thái Bình Dương của Mỹ thông báo đã cho hai máy bay ném bom B52 bay gần Biển Đông. Sự kiện được loan báo là một đợt huấn luyện thường kỳ, gần các đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
Không quân Mỹ cho biết máy bay của họ thực thi một cách phù hợp với luật quốc tế và cam kết lâu dài của Mỹ về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đây là một tuyên bố mà Mỹ thường sử dụng làm căn cứ cho các hoạt động trên biển khiến Trung Quốc – nước tuyên bố chủ quyền gần hết Biển Đông – rất tức giận.
Trong khi đó, Hải Quân Mỹ quyết định cử hai chiếc tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS John C. Stennis tiến vào Biển Đông sau khi tập trận trên vùng Biển Philippines, theo hãng tin AP.
Trong khi lên án Trung Quốc dùng ngoại giao bẫy nợ để gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác, tại Papua New Guinea, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tiếp tục khẳng định máy bay và tàu bè của Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép và lợi ích quốc gia Mỹ yêu cầu.
Phó Tổng thống Mỹ công du ‘luận tội’ Trung Quốc
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vừa thực hiện chuyến công du tới các nước láng giềng Trung Quốc tại ASEAN và APEC, một chuyến đi mà ông dùng để công khai luận tội Trung Quốc và lôi kéo thêm đồng minh khu vực đứng về phía Hoa Kỳ.
Tại Singapore khi dự cuộc họp ASEAN, ông Pence đã tuyên bố thẳng đích danh Trung Quốc: “Hãy để tôi nói rõ: Việc Trung Quốc quân sự hóa và mở rộng lãnh thổ ở Biển Đông là bất hợp pháp và nguy hiểm. Nó đe dọa chủ quyền của nhiều quốc gia và gây nguy hiểm cho sự thịnh vượng của thế giới.”
Phó Tổng thống Mỹ khẳng định Biển Đông không phải của riêng nước nào, và rằng rằng không có chỗ cho “sự khống chế và xâm lăng” ở khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, một lời bình luận có thể được hiểu là ám chỉ tới sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
Còn tại Papua New Guinea khi dự APEC, trước mặt ông Tập Cận Bình, Phó tổng thống Mỹ đả kích Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc là “một vành đai siết cổ và một con đường một chiều” chỉ có lợi cho Bắc Kinh. Ông Pence cũng tiết lộ Mỹ đã lập một chương trình hỗ trợ các nước trong khu vực APEC có ngân sách 400 triệu USD nhằm giúp tăng cường quyền công dân của các quốc gia trong khu vực, chống tham nhũng và bảo vệ chủ quyền.
Ông tuyên bố:
Mỹ sẽ “ký thỏa thuận song phương phương với bất kỳ nước Ấn Độ -TBD nào muốn làm đối tác của chúng tôi, và đồng ý các nguyên tắc về thương mại công bằng và đối ứng.”
Trung Quốc “có những rào cản khổng lồ”; họ có “thuế quan khổng lồ”; và như chúng ta đều biết, Trung Quốc xếp đặt hạn ngạch nhập khẩu, cưỡng ép chuyển giao công nghệ, ăn cắp tài sản trí tuệ, trợ cấp công nghiệp ở một quy mô chưa có tiền lệ. Những hành động như trên thực sự góp phần tạo ra khoản thâm hụt mậu dịch 375 tỷ USD cho nước Mỹ chỉ riêng năm ngoái. Nhưng như TT Trump cũng nói hôm nay, “tất cả bây giờ đã thay đổi.”
Chúng tôi đã có hành động quyết liệt để giải quyết vấn đề thương mại mất cân bằng với Trung Quốc. Chúng tôi áp thuế lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và có thể gấp đôi số đó. Nhưng chúng tôi hy vọng vào điều tốt đẹp hơn. Tuy nhiên Mỹ sẽ không dừng lại cho đến khi Trung Quốc thay đổi cách làm việc.
Khi chúng ta đang nói, như mọi người đều biết, một số nước đang chào mời các khoản vay xây dựng hạ tầng tới các chính phủ trên khắp vùng Ấn Độ -TBD và cả thế giới. Nhưng những điều khoản cho vay thường là rất mờ ám.
Các dự án họ hỗ trợ thường không ổn định và chất lượng thấp.
Và quá thường xuyên, các dự án thường kèm theo những điều kiện và dẫn tới nợ nần ngập đầu.
Các bạn hãy biết rằng Mỹ đưa ra một đề xuất tốt hơn. Chúng tôi không nhấn chìm đối tác của mình trong biển nợ. Chúng tôi không cưỡng ép các bạn thỏa hiệp nền độc lập của mình. Mỹ thương thảo trong cởi mở và công bằng. Chúng tôi không mời mọc một vành đai thít cổ và một con đường một chiều. Khi bạn là đối tác của chúng tôi, chúng tôi là đối tác của các bạn, tất cả chúng ta đều thịnh vượng.”
Đức Trí (T/h)