Trung Quốc xâm nhập vào các trường đại học Pháp

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trung Quốc xâm nhập vào các trường đại học Pháp

27/02/2021 – Le Point tuần này có bài điều tra công phu dài năm trang báo, tiết lộ cung cách Trung Quốc xâm nhập vào các trường đại học Pháp. Các nhà Trung Quốc học gióng lên tiếng chuông báo động trước tình trạng Bắc Kinh và các Viện Khổng Tử làm áp lực đến cả ban giám hiệu nhà trường.

Viện Khổng Tử ở Pays de la Loire, Pháp. Ảnh tư liệu chụp năm 2011.
Viện Khổng Tử ở Pays de la Loire, Pháp. Ảnh tư liệu chụp năm 2011. © wikimedia

Pháp có 18 Viện Khổng Tử, trong khi Mỹ ngăn chận

Tuần báo bất bình nhận xét, giới chức Pháp không muốn đề cập đến ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong giới học thuật, trước nguồn lợi học phí từ 35.000 sinh viên Hoa lục. Bộ trưởng Giáo Dục Frédérique Vidal tháng 2/2019 đã sang Bắc Kinh ký một loạt thỏa thuận. Mười tám Viện Khổng Tử đã mở ra tại Pháp trong 15 năm qua, trong đó có 10 viện nằm trong các trường đại học.

Trong khi đó Hoa Kỳ đã xếp mạng lưới các Viện Khổng Tử vào diện « phái bộ ngoại giao », để ngăn chận các hoạt động gây ảnh hưởng, và giới hạn số du học sinh từ Hoa lục.

Đại học Úc, đã đón tiếp 260.000 sinh viên Trung Quốc, thì bị chia rẽ giữa hai khuynh hướng thân và chống Bắc Kinh. Tại Brisbane tháng 7/2019, một nhóm sinh viên ủng hộ Hồng Kông đã bị tấn công bởi hàng trăm du học sinh Hoa lục và băng đảng xã hội đen do lãnh sự quán Trung Quốc gởi đến. Sự kiện này và hàng loạt vụ khác khiến Canberra phải mở điều tra trong các trường đại học. Tại châu Âu, năm 2019 Bỉ trục xuất giám đốc một Viện Khổng Tử.

Ở Pháp, thậm chí không có cả tranh luận.

Ngăn cản mời Đạt Lai Lạt Ma, phá rối hội thảo về Tân Cương

Các chuyên gia được Le Point phỏng vấn coi các Viện Khổng Tử là những «con ngựa thành Troie». Nhà Tây Tạng học Françoise Robin của Viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông (INALCO) nói thẳng đó là «nhánh vũ trang tuyên truyền». Bà cho biết: «Viện Khổng Tử cố xin vào INALCO, nhưng chúng tôi không cần đến, vì nhà trường đã giảng dạy tiếng Hoa từ 150 năm qua».

Năm 2016, Françoise Robin mời Đạt Lai Lạt Ma đến dự một hội nghị, nhà trường liền nhận được công văn phản đối của đại sứ quán Trung Quốc. Họ còn đến tận trường đe dọa nhưng hiệu trưởng Manuelle Franck không bị lung lạc. Ngược lại, Science Po (đại học Khoa học Chính trị), có 22 đối tác tại Trung Quốc, đã nhường bước.

Đại học Strasbourg từ chối cho Viện Khổng Tử đóng trong trường, đòi hỏi phải là định chế độc lập. Đại học Lyon đóng cửa Viện Khổng Tử tại đây vì sau bốn năm tương đối được tự do, Hán Biện (Hanban, cơ quan trung ương quản lý các Viện Khổng Tử) bắt đầu kiểm duyệt chương trình.

Hôm 24/01/2019, khoa Trung Quốc của đại học Strasbourg tổ chức hội thảo về người Duy Ngô Nhĩ. Lãnh sự quán Trung Quốc đe dọa không được, đã gởi hai cán bộ tới tự giới thiệu là công dân bình thường để phá rối cuộc tranh luận. Trưởng khoa Thomas Boutonnet rất bực tức khi phát hiện họ để lại các brochure về «Những tiến bộ về nhân quyền ở Tân Cương» tại quầy tiếp tân, cứ như là tài liệu chính thức của hội thảo.

Trung Quốc «không xâm lược», tiến vào Tây Tạng «do người dân yêu cầu»

Tuần báo đặc biệt chú ý đến các hoạt động của nhân vật Christian Mestre, trưởng khoa danh dự về Luật ở đại học Strasbourg. Tháng 9/2019 tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương, khi tham dự một cuộc «hội thảo quốc tế về chống khủng bố» do Trung Quốc tổ chức, đã khẳng định người Duy Ngô Nhĩ không phải bị cầm tù mà đang được đào tạo, «hy vọng Pháp và châu Âu sẽ học tập theo». Bị chất vấn, ông ta nói rằng các phát biểu đã bị Global Times bóp méo.

Le Point tiết lộ năm 2015 lãnh sự Trung Quốc từng nhiệt liệt cảm ơn bà Fei Jin Mestre vì những đóng góp của bà. Người vợ Trung Quốc trước đây là học trò của ông Christian Mestre, đã tổ chức các sự kiện để tuyên truyền rằng «Tây Tạng không hề bị xâm lược, mà sự can thiệp của Trung Quốc là do người Tây Tạng đòi hỏi».

Lại càng đáng phẫn nộ khi mới đây ông Christian Mestre trở thành «người phụ trách đạo đức nghề nghiệp của khu vực hợp tác liên vùng Strasbourg». Một vị trí quan trọng để xử trí những xung đột lợi ích, trong bối cảnh Alsace sẽ có một nhà máy Huawei và đang tranh luận về 5G. Một đồng nghiệp của ông sững sờ: «Đó là giao chuồng cừu cho chó sói».

Theo bản tin AFP ngày 26/02/2021, sau tiết lộ của Le Point, ông Christian Mestre đã từ chức.

Thụy My

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20210227-trung-qu%E1%BB%91c-x%C3%A2m-nh%E1%BA%ADp-v%C3%A0o-c%C3%A1c-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-%C4%91%E1%BA%A1i-h%E1%BB%8Dc-ph%C3%A1p