Trung Cộng tránh giải quyết bằng pháp luật các tranh chấp tại Biển Đông
Bãi đá ngầm Scarborough, nơi tranh chấp chủ quyền giữa Philippines va Trung Quốc. Trong ảnh, các nghị sĩ Philippines ra thăm bãi đá ngầm, ảnh chụp ngày 17/05/1997. – Reuters
Theo RFI – Đức Tâm – 15-12-2014 15:28
Hôm nay, 15/12/2014, là hạn chót để Trung Cộng (TC) đệ trình lên Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại La Haye, Hòa Lan, các lập luận pháp lý phản bác đơn kiện của Philippines, liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông. Ngay từ khi Manila nộp đơn kiện, Bắc Kinh đã cho biết không tham gia vụ này và không thừa nhận vai trò của Tòa án Trọng tài. Có nhiều lý do giải thích vì sao TC không muốn ra tòa: Các đòi hỏi của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý vững chắc. Mặt khác, TC lo ngại tạo «tiền lệ», bởi vì Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ với nhiều quốc gia, ở trên bộ cũng như trên biển. Cuối cùng, TC muốn khai thác thế mạnh của mình trong khuôn khổ đàm phán song phương.
Mặc dù tuyên bố không tham gia kiện tụng, nhưng theo giới quan sát, TC vẫn theo dõi sát vụ này và ngày 07/12 vừa qua, Bắc Kinh đã cho công bố tài liệu về lập trường của TC. Đây là một cách tham gia gián tiếp vụ kiện, đồng thời về mặt chính thức, lại không thừa nhận vai trò của Tòa án Trọng tài. Trên website Opiniojuris.org, một diễn đàn trao đổi không chính thức của giới chuyên gia về luật pháp và quan hệ quốc tế, giáo sư Cổ Cử Luân (Julian Ku), đại học Hofstra, Long Island, New York, Hoa Kỳ, ngày 08/12, nhận định: «Đây là giải pháp kép tốt nhất cho Trung Quốc, bởi vì nếu tài liệu về lập trường (của Bắc Kinh) chi phối Tòa án thì đó là điều tốt cho Trung Quốc. Nếu Tòa án bác bỏ lập luận pháp lý về lập trường và đòi hỏi của Trung Quốc, thì Bắc Kinh có thể nói là họ chưa hề tham gia vào vụ kiện tại Tòa án». Về phần mình, bà Jessica Tang, thành viên Chương trình nghiên cứu Đông Á của Viện Lowy, Úc, trên website lowyinterpreter.org, ngày 12/12/2014, cho rằng việc công bố tài liệu về lập trường cho phép TC duy trì các quan điểm pháp lý, mà không bị ràng buộc bởi quyết định của Tòa án, đồng thời, Bắc Kinh muốn tránh tạo ra «một tiền lệ phải xuất hiện trong các vụ kiện trong tương lai tại Tòa án», bởi vì các nước khác đang có tranh chấp với TC ở Biển Đông có thể đi theo con đường của Philippines. Vẫn theo chuyên gia này, TC còn có một ý đồ khác không kém phần quan trọng: Khi công bố tài liệu về lập trường, Bắc Kinh muốn «củng cố luận điểm cốt yếu của Trung Quốc là các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua các biện pháp không đối kháng. Được nhắc đi nhắc lại trong suốt tài liệu này và trong các phần bình luận, Trung Quốc luôn luôn khẳng định là các bên liên quan cần tìm kiếm các cách thức và phương tiện giải quyết phù hợp thông qua tham khảo và đàm phán… tất cả các bên liên quan cần tiến hành đối thoại và hợp tác». Việc TC thiên về một giải pháp ngoại giao phản ánh các lo ngại về giá trị pháp lý của các đòi hỏi của Bắc Kinh tại Biển Đông – được gọi là đường chín đoạn. Nhận định này dường như được khẳng định qua việc Bộ Ngoại giao Mỹ vừa qua, vào thời điểm thuận lợi, đã công bố tài liệu nghiên cứu về Các Ranh giới trên Biển. Chính vì thế, Bắc Kinh đã có phản ứng tức tối. Trong cuộc họp báo ngày 11/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC tuyên bố: «Chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông và các đòi hỏi về các quyền liên quan được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử… Báo cáo của Mỹ đã nhắm mắt trước các chứng cứ cơ bản và án lệ quốc tế. Đây là một sự vi phạm cam kết của Mỹ là không có lập trường hoặc không đứng về bên nào trong hồ sơ Biển Đông và sẽ không giúp gì cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông hoặc đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trung Quốc yêu cầu phía Hoa Kỳ nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết của mình và thận trọng trong phát biểu và hành động và có cách tiếp cận, xử lý các vấn đề liên quan một cách khách quan và không thiên vị». Tài liệu về lập trường của TC và bản nghiên cứu về «Các Ranh giới trên Biển» của Hoa Kỳ, cho thấy, Bắc Kinh dường như biết trước là các lập luận của họ không thể được chấp nhận, chiếu theo luật pháp quốc tế. Chính vì thế, TC tiếp tục tránh giải quyết các tranh chấp bằng pháp lý và theo đuổi phương cách «đàm phán trực tiếp và tham khảo hữu nghị», và qua đó, TC có thể sử dụng được sức mạnh chính trị của mình.