Trung Quốc tập trận vây Đài Loan và kinh nghiệm thực tế cho Việt Nam ở Biển Đông

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trung Quốc tập trận vây Đài Loan và kinh nghiệm thực tế cho Việt Nam ở Biển Đông

22/08/2022 – Cuộc tập trận vây Đài Loan trong vòng một tuần là cách Bắc Kinh thể hiện giận dữ đối với Washington, thị uy sức mạnh với Đài Bắc với lời đe dọa thống nhất, kể cả dùng đến vũ lực, nhưng cũng là thông điệp gửi đến các nước trong vùng Biển Đông và biển Hoa Đông về lập trường bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.

Không quân Mỹ chỉ trích TQ 'khiêu khích', 'tăng rủi ro'

Việt Nam hiểu rõ “sau chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, tình hình quan hệ giữa hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ trở nên căng thẳng, nhiều lĩnh vực hợp tác có thể bị đóng băng trong thời gian dài”. Tuy nhiên, Hà Nội mong muốn Mỹ và Trung Quốc, “những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam”“giải quyết bất đồng thông qua đối thoại” và cam kết “sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ với hai nước”, theo phát biểu của người phát ngôn bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, được trang Facebook Thông tin Chính phủ đăng ngày 13/08/2022.

Về mặt quân sự, Việt Nam, cũng như nhiều nước trong vùng, theo dõi sát sao cuộc tập trận để có thể hiểu thêm về năng lực quân sự, quyết tâm của Trung Quốc, cũng như phản ứng của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc đạt đến khả năng như thế nào về mặt quân sự thông qua cuộc tập trận vây Đài Loan ? Đâu là những điểm khác biệt giữa vấn đề Đài Loan và tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước trong vùng ? Kịch bản vây Đài Loan có lan sang khu vực hay không ? RFI Tiếng Việt phỏng vấn ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân, trực thuộc trường Đại học New South Wales, Úc.

********

RFI : Qua cuộc tập trận của Trung Quốc bao vây Đài Loan, có thể thấy gì về thực lực quân sự của nước này ? Cụ thể, Trung Quốc đã huy động những loại vũ khí gì tham gia tập trận ?

Nguyễn Thế Phương : Thứ nhất, Trung Quốc hiện nay khác với cách đây 30 năm. Cuộc khủng hoảng giữa hai bờ eo biển gần đây nhất là vào năm 1996-1997. Lúc đó, Trung Quốc không có đủ lực để có thể phản đối một cách gay gắt hơn trên thực địa đối với Đài Loan, Mỹ bởi vì khi đó, để răn đe Trung Quốc, Mỹ đã gửi hai nhóm tác chiến tầu sân bay để hỗ trợ Đài Loan. Trung Quốc lúc đó không làm gì được. Hiện nay, thông điệp gửi đến Mỹ và đặc biệt đến Đài Loan là Chúng tôi, đại lục, hoàn toàn có khả năng thực hiện một cuộc tấn công vào Đài Loan nếu như chúng tôi muốn. Và chúng tôi thể hiện năng lực đó thông qua các cuộc tập trận”. Đó là thông điệp thứ nhất. Thứ hai là thể hiện sự không hài lòng, đặc biệt nhắm trực tiếp vào chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi.

Cuộc tập trận này, nếu nhìn trên thực địa, có thể thấy rằng các loại vũ khí, khí tài được Trung Quốc sử dụng không khác gì nhiều những loại vũ khí mà họ đã dùng từ 2-3 năm trở lại đây, vẫn những loại tên lửa, máy bay đó. Nhưng điểm khác biệt ở đây, so với khủng hoảng hai bờ eo biển, là mức độ và cường độ Trung Quốc tiến hành tập trận, có thể thấy rằng khốc liệt lớn hơn rất nhiều.

Đối với một số nhà phân tích, họ coi đây là những bài thử đối với kịch bản mà Trung Quốc có thể tiến hành xâm lược Đài Loan nếu kịch bản này xảy ra. Một số vùng tập trận nằm án ngữ ngay trên những con đường hàng hải huyết mạch của Đài Loan, ví dụ ngay trên cảng Cơ Long ở phía bắc hoặc ngay dưới Cao Hùng ở phía nam vì đó là những khu vực cảng biển, sân bay, các căn cứ quân sự lớn của Đài Loan. Đặc biệt là có một khu vực tập trận ở phía đông Đài Loan nằm chồng lên vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Khi nhìn 5 khu vực tập trận đó, người ta có cảm tưởng là Trung Quốc sẵn sàng cho một kịch bản sẽ bao vây Đài Loan. Nhiều nhà phân tích sợ rằng nếu Trung Quốc muốn đẩy yếu tố căng thẳng lên thì họ sẽ tiến hành kịch bản này. Nó cho thấy hai điều : Thứ nhất, Trung Quốc tự tin hơn, rằng với năng lực quân sự của mình, họ có thể tiến hành bao vây Đài Loan một cách nhanh chóng. Thứ hai là năng lực quân sự của Trung Quốc, qua quá trình 30 năm hiện đại hóa, dường như được Trung Quốc xem là đã tiệm cận với kịch bản mà Trung Quốc đưa ra, đặc biệt trong vấn đề liên quan tới hai bờ eo biển.

RFI : Việt Nam có cảm thấy lo lắng về sức mạnh của cường quốc này không, trong khi Trung Quốc đã biến các đảo chiếm đóng ở Trường Sa thành tiền đồn quân sự ? 

Nguyễn Thế Phương : Hầu như tất cả các nhà quan sát khi theo dõi vấn đề Đài Loan, cũng như liên quan đến cuộc chiến Nga và Ukraina, lưu ý hai ý : Thứ nhất, đó sẽ là một cuộc đối đầu giữa một nước nhỏ và một nước lớn. Ở đây, nước nhỏ thường chọn chiến lược, dưới góc nhìn quân sự gọi là “chiến thuật”, chiến tranh bất đối xứng.

Đối với kịch bản ở Đài Loan, điều mà các nhà chiến lược Việt Nam quan tâm : Thứ nhất đó là Trung Quốc sẽ sử dụng chiến thuật nào, mà ở đây chắc chắn sẽ là chiến tranh đổ bộ ; thứ hai, họ sẽ sử dụng các loại vũ khí nào ; thứ ba, rất quan trọng, đó là Đài Loan sẽ sử dụng chiến thuật nào để có thể đối phó với những gì mà Trung Quốc sẽ sử dụng trong một cuộc chiến tranh giả định trong tương lai như vậy.

Quá trình Trung Quốc tập trận, phản ứng của Đài Loan cũng là những sự kiện rất thú vị trên thực địa mà các nhà quan sát theo dõi để rút ra được một số nhận xét về tình hình hai bờ eo biển.

RFI : Trung Quốc vẫn tổ chức tập trận ở Hoàng Sa, đơn phương cấm tầu bè, cảnh báo máy bay không bay qua, liệu sau cuộc tập trận quy mô lớn ở eo biển Đài Loan, Trung Quốc có phát triển mô hình đó ra những khu vực khác ở Biển Đông không ? 

Nguyễn Thế Phương : Để nói về việc nó có ảnh hưởng đến Việt Nam hay không, thực ra là cũng có, nhưng ở mức độ nào. Bởi vì vấn đề Đài Loan và vấn đề Biển Đông, nói thực ra là hai vấn đề mặc dù có cùng bản chất liên quan đến yếu tố hàng hải nhưng mức độ sẽ khá là khác nhau.

Thứ nhất, trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Đài Loan nằm trong vòng tròn lợi ích cốt lõi mà Trung Quốc không thể nào nhượng bộ được, liên quan đến vùng lãnh thổ như Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan. Và vì không nhượng bộ được nên dẫn đến việc Trung Quốc có thể hoàn toàn đẩy mức độ căng thẳng lên rất cao.

Điểm này khác với Biển Đông, bởi vì trên thực địa, Trung Quốc đã kiểm soát được Hoàng Sa năm 1972, một phần Trường Sa. Họ có thế đứng mạnh hơn hầu như tất cả những quốc gia khác có liên quan đến Biển Đông trên thực địa. Và để gửi thông điệp, họ hoàn toàn không cần thiết phải tổ chức một cuộc tập trận có quy mô lớn tương tự như Đài Loan. Họ chỉ cần gửi những thông điệp khác mà không cần tập trận.

Điểm thứ hai, như đã nói là hầu như những hành động quân sự phải có một thông điệp chính trị bên cạnh. Để so sánh thì khá là khó vì sẽ phải đặt ra một câu hỏi : Nếu Trung Quốc tiến hành tập trận lớn như vậy, thì để làm gì ? Ở đâu ? Trung Quốc sử dụng những năng lực nào ? Trung Quốc muốn gì ở đó ? Sự kiện này phải đặt trong một bối cảnh : Hoặc Mỹ phải làm gì đó ở khu vực khiến Trung Quốc không hài lòng tới mức họ phải tiến hành một cuộc tập trận để đưa thông điệp ; hoặc là các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á phải làm gì đó khiến họ phải gửi thông điệp.

Nhưng nhìn tình hình Biển Đông hiện nay với sự lép vế về “quyền lực tương đối” giữa các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc thì mức độ phần trăm mà Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc tập trận lớn như vậy là có, nhưng rất là ít. Và các cuộc tập trận như vậy, đứng dưới góc độ của Trung Quốc, thường sẽ là phản ứng lại hành vi của một quốc gia nào đó, hoặc một quốc gia nào đó ở Biển Đông khiến Trung Quốc cảm thấy lợi ích của họ bị đe dọa.

Trên thực tế, trong vòng 2-3 năm trở lại đây, kể từ khi Trung Quốc tuyên bố “đường lưỡi bò” năm 2019 thì năm nào họ cũng tiến hành tập trận. Nhưng các cuộc tập trận này, họ đều thông báo trước, ở quy mô nhỏ, thường tập trung vào khu vực Hoàng Sa trở lên, tức là khu vực bắc Biển Đông. Còn khu vực tranh chấp phức tạp ở Trường Sa thì Trung Quốc rất ít tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn.

RFI : Như ông nói, các cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ trước. Mỗi khi Trung Quốc tổ chức tập trận, Việt Nam luôn lên tiếng phản đối gay gắt, liệu trước một cuộc tập trận quy mô lớn như vậy, nếu diễn ra, Việt Nam dự trù ra sao ? Và qua trường hợp của Đài Loan, có thể giúp cho Việt Nam có một số kinh nghiệm gì không ? 

Nguyễn Thế Phương : Nếu như trong trường hợp một cuộc tập trận lớn như vậy xảy ra, rõ ràng là tình hình khu vực, đặc biệt là mối quan hệ giữa các quốc gia bên trong khu vực đó, phải trở nên hết sức căng thẳng. Đứng trước cách gửi thông điệp như vậy, rõ ràng là Việt Nam phải chuẩn bị rất kỹ tất cả những kịch bản có thể xảy ra, bởi vì không thể nào bỏ qua kịch bản là căng thẳng đó leo cao tới mức không cần thiết để một cuộc xung đột có thể xảy ra.

Nhưng bản chất của vấn đề Đài Loan và vấn đề tranh chấp ở Biển Đông hơi khác một chút. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung, đứng dưới góc nhìn của giới lãnh đạo Việt Nam, là có thể điều hòa được, không tới mức gay gắt như quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc hiện tại. Giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ có những kênh liên lạc riêng để có thể giảm thiểu căng thẳng này.

Đứng dưới góc nhìn của một nhà phân tích, đây là ý kiến riêng, tỉ lệ Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận lớn như vậy ở Biển Đông là có, nhưng hiện tại không cao. Trung Quốc có những công cụ khác ít gây căng thẳng hơn nhưng vẫn có sức nặng khiến các quốc gia phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp với mong muốn của Trung Quốc. Còn nếu như có xảy ra thì vẫn có những cách để hạ nhiệt căng thẳng.

Nhưng rõ ràng là có nhiều cách để một quốc gia nhỏ răn đe. Và những cách đó, hiện tại Việt Nam đã làm : cân bằng cứng với việc hiện đại hóa hải quân, cảnh sát biển ; cân bằng mềm thông qua ASEAN, thông qua việc tăng cường quan hệ với các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ. Việt Nam đã làm hết. Cái chính là tính hiệu quả tới đâu và mức độ hợp tác trong một số vấn đề liên quan đến an ninh hàng hải có phù hợp hay không. Đó lại là một chuyện khác. Nhưng rõ ràng Việt Nam đã làm tất cả những biện pháp đó. Nhìn chung là tương đối hiệu quả. Ở đây phải nói là tương đối, chứ chưa phải là hiệu quả một cách tối đa.

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn ông Nguyễn Thế Phương, trường Đại học New South Wales, Úc.

RFIViệt