Trung Quốc sẽ sa lầy vì Hải Dương 981?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trung Quốc sẽ sa lầy vì Hải Dương 981?

Giàn khoan Hải Dương 981

 

TTXVA

THEO PETROTIMES

Published on May 21, 2014

 

Trong tháng qua, dư luận trong nước và quốc tế đã đưa ra nhiều phân tích, nhận định về âm mưu và tham vọng khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt bất hợp pháp tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Năng lượng Mới xin đề cập đến khía cạnh kinh tế và kỹ thuật đơn thuần để bạn đọc có thêm cơ sở xét đoán về những toan tính phía sau hành vi này.

Giàn khoan dầu khí khổng lồ Hải Dương 981 là dạng giàn khoan hiện đại, nửa nổi nửa chìm, còn gọi là giàn khoan bán tiềm thủy, được thiết kế để hoạt động ở vùng nước sâu xa bờ. Đây là giàn khoan di động có kích cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc sản xuất và do Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) sở hữu.

Giàn khoan 981 dài 114m, rộng 90m, cao 137,8m và nặng 31.000 tấn; diện tích boong của giàn có kích thước bằng một sân bóng đá, có thể di chuyển trên biển với tốc độ 3 đến 4 hải lý/giờ do 9 con tàu kéo và hộ tống; giàn hoạt động ngoài khơi ở độ sâu tối đa 3.000m và khoan ở sâu tới 12.000m. Trung Quốc đã đầu tư 6 tỉ nhân dân tệ (khoảng 952 triệu USD) để đóng Hải Dương 981.

Ngoài việc khoan thăm dò và khai thác, giàn khoan 981 còn có chức năng phân loại lọc dầu, khí đốt, loại bỏ nước và tạp chất ngay sau khi khoan hút từ dưới đáy biển, tất cả theo qui trình khép kín. Giàn được trang bị hệ thống định vị toàn cầu thế hệ thứ ba và có thể chịu được sự rung lắc lớn của sóng biển nhờ hệ thống neo và định vị cân bằng của các động cơ chân vịt. Trên giàn có đủ điều kiện cho khoảng 120-150 người sống và làm việc dài ngày.

Theo các chuyên gia dầu khí, để duy trì hoạt động bình thường của giàn khoan khổng lồ này, chi phí mỗi ngày lên đến 500 ngàn USD (thông lệ dầu khí quốc tế tính chi phí theo ngày). Trong tình hình hiện nay, khi hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phía Trung Quốc phải huy động hàng trăm tàu dịch vụ, tàu kéo và tàu hộ tống đi kèm, chi phí vận hành tối thiểu cho giàn 981 được dự tính vào khoảng gần 5 triệu USD mỗi ngày. Đó là hoàn toàn chưa tính đến chi phí thuê các loại tàu bảo vệ, tuần tiễu, tàu quân sự, máy bay… Được biết, một con tàu hải cảnh cỡ nhỏ (nhỏ hơn nhiều so với các tàu đang được phía Trung Quốc huy động) tuần tra trên biển 2 ngày đã tiêu tốn khoảng 600 triệu đồng tiền nhiên liệu; một tàu dịch vụ cung cấp vật tư cho giàn khoan ở xa như giàn 981 ít nhất cũng phải thuê với giá 60.000 USD, thậm chí lên đến 90.000 USD/ngày.

Cần phải nói rằng, chi phí cho mỗi mũi khoan thăm dò ở ngoài khơi với độ sâu hàng ngàn mét vào khoảng 250 triệu USD. Cho dù xác định được khu vực có dầu thì 10 mũi khoan như vậy, may mắn mới trúng được 1-2. Sau đó còn phải khoan thẩm lượng, đánh giá trữ lượng, khả năng thu hồi dầu… rồi mới giải bài toán kinh tế, quyết định có hiệu quả để khai thác hay không. Toàn bộ thời gian từ khi quyết định đến khi đưa một mỏ dầu khí vào khai thác là thông thường phải mất 7-10 năm.

Cho dù phía CNOOC thực sự có dự tính sẽ tìm cách để khai thác đi nữa, cho dù với giàn khoan có công nghệ hiện đại như 981 và cả kinh nghiệm khi CNOOC mua lại Công ty dầu khí Nexen của Canada, một công ty có nhiều năm hoạt động khai thác ở vịnh Mexico, vùng khai thác sâu nhất của thế giới hiện nay với những mũi khoan ở độ sâu nước biển trên 2000m, thì cũng không dễ dàng gì. Vùng biển Trung bộ của Việt Nam hải văn phức tạp, hàng năm có hàng chục cơn bão mạnh. Theo các chuyên gia thì giàn khoan bán tiềm thủy hiện đại nhất cũng không chống lại được dòng hải lưu mạnh và chỉ chịu được bão nhiệt đới cấp 8, bão lớn hơn là phải rút hết ống khoan và di dời tránh bão. Hẳn phía Trung Quốc cũng biết rõ điều này.

Chẳng thế mà trên thế giới, từ xưa đến nay không biết bao nhiêu hợp đồng đã phải hủy bỏ, hàng vô số dự án phải dừng lại giữa chừng, nhiều công ty dầu khí bỏ hàng tỷ đôla ra mà còn phải đóng mỏ sau khi khai thác được một thời gian không hiệu quả, không đủ bù đắp chi phí bỏ ra.

Khu vực nước sâu của Biển Đông, cho đến nay vẫn hầu như chưa có khai thác dầu mỏ và khí đốt. Khi chưa xác định được tiềm năng dầu khí, lại hạ đặt trái phép, vi phạm chủ quyền của Việt Nam, kéo theo cả trăm tàu để bảo vệ, dịch vụ, cộng thêm chi phí vận hành hàng triệu USD mỗi ngày, xét cả về khía cạnh kinh tế và pháp lý, là điều một doanh nghiệp như CNOOC không thể và không dám làm. Duy trì một giàn khoan nước sâu trên biển xa, với chi phí lớn, ở một nơi chưa rõ nguồn tài nguyên dầu khí là điều chưa có tiền lệ, rủi ro quá cao, không một công ty dầu khí nào trên thế giới hành xử như vậy.

Người ta thừa hiểu rằng, Trung Quốc đã tính toán thâm sâu, chọn thời điểm rất kỹ lưỡng, chẳng phải tự nhiên lại cho đầu tư đóng giàn khoan 981 khi hầu hết tiềm năng dầu khí của Trung Quốc đều ở gần bờ. Điều này được thể hiện rõ ràng qua phát ngôn của ông Chủ tịch CNOOC Wang Yilin, các giàn khoan nước sâu xa bờ, ngoài chức năng kiếm tiền cho công ty, còn là các “lãnh thổ quốc gia di động” hay “vũ khí chiến lược” của Trung Quốc. Vì vậy, hẳn biết rõ vụ “đầu tư mở rộng lãnh thổ” này vô cùng tốn kém họ vẫn quyết “đâm lao”. Ý đồ của Trung Quốc đã quá rõ ràng.

Lịch sử Trung Quốc đã cho thấy, thời đại nào cũng có những nhóm người, vì tham vọng sẵn sàng điên đảo thị phi, hành động bất chấp đạo lý để đạt mục đích. Mỗi người dân Việt Nam đề hiểu rằng, đại bộ phận nhân dân Trung Quốc là yêu chuộng hòa bình, mong cầu sự ổn định, hợp tác và phát triển và trong sự việc này, chính họ cũng đang phản ứng mãnh liệt với hành vi đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, phá hủy mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.

CNOOC và Trung Quốc đang thực sự “đốt tiền”. Nhưng họ có thể đốt được bao lâu và không ít những người dân còn đang nghèo khổ của họ cho phép họ đốt đến bao giờ?

haiyang

Hải Dương 981 được coi là giàn khoan dầu khí hiện đại nhất châu Á hiện nay

Mặc dù, trong chuyện nhà nước đầu tư cho các doanh nghiệp để chiếm thị trường ở một khu vực nào đó vốn là “bài” Trung Quốc hay dùng và dùng thành công, nhưng đó là chuyện thương mại; còn đây lại là câu chuyện khác, liên quan đến chủ quyền quốc gia dân tộc của Việt Nam. Cho dù toan tính thế nào thì những gì Trung Quốc muốn cũng là thứ không thể đoán định được trong cục diện thế giới mở ngày nay; đặc biệt, tham vọng thâu tóm Biển Đông là giấc mơ không bao giờ có thể thành hiện thực. Đây quả là một canh bạc quá độ “khát nước” của Trung Quốc. Thiệt hại về kinh tế là điều nhỡn tiền, là những con số cụ thể; thất bại trong chính trị, ngoại giao, tổn thất về hình ảnh, về uy tín lại là vô cùng lớn, không thể tính hết được. Cái được thì chưa thấy đâu, cái mất thì quá rõ ràng. Trung Quốc đang lấy cái hữu hạn để lượng cái vô cùng, điều tối kỵ trong “thuật xử thế” của chính họ.

Ném “viên đá” Hải Dương 981 để “dò đường”, chứng tỏ chính phía Trung Quốc cũng không tiên lượng được hết những gì sẽ xảy ra khi sử dụng chiến thuật cũ rích này của cổ nhân, chiến thuật chỉ những kẻ thiếu quyết đoán, mù thông tin mới áp dụng. Nếu không nhanh chóng rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vùng biển này chắc chắn sẽ biến thành một vũng lầy không lối thoát đối với Trung Quốc, họ sẽ rơi vào nghịch cảnh mà người Trung Quốc nào cũng sợ, đó là cảnh “vạn kiếp bất phục”.

THEO PETROTIMES