Trung Quốc sẽ làm gì khi Hoa Kỳ gia tăng hiện diện ở Biển Đông?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trung Quốc sẽ làm gì khi Hoa Kỳ gia tăng hiện diện ở Biển Đông?

14 tháng 3, 2019

Trung Quốc trong năm 2019 tăng chi tiêu cho ngân sách quốc phòng 7,5% và tốc độ tăng chi quốc phòng cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực Biển Đông leo thang.

Hình chụp vệ tinh các cơ sở quân sự được Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập, Trường Sa tính đến năm 2017

Vấn đề được nêu ra, liệu rằng Trung Quốc sẽ có động thái quân sự nào khi Mỹ và đồng minh tăng cường hiện diện ở vùng biển Châu Á-Thái Bình Dương? Đài RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia trong phần sau.

Trung Quốc chuẩn bị cho chiến tranh?

Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc Hội thường niên vào ngày 5 tháng 3, Trung Quốc cho biết chi khoảng 177 tỷ đô la Mỹ (USD) cho quốc phòng của nước này trong năm 2019. Mặc dù tỉ lệ tăng 7,5% trong năm nay thấp hơn tỉ lệ tăng 8,1% trong năm ngoái, tuy nhiên tốc độ tăng chi cho quốc phòng của Trung Quốc được nói là cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trước đó vào ngày 3 tháng 3, The Wall Street Journal đăng tải một bài xã luận của ký giả Mark Helprin, thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR)-một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế của Hoa Kỳ với nội dung khẳng định trong khi Washington tập trung vào những nơi khác thì Bắc Kinh đang chuẩn bị cho chiến tranh.

Ký giả Mark Helprin cho rằng Trung Quốc đang tiến hành một trò chơi dài hạn mà tập trung vào phát triển quân sự và bành trướng, mặc dù nền kinh tế của Trung Quốc có chiều hướng suy thoái. Ký giả Mark Helprin lập luận không giống như Hoa Kỳ tập trung vào các mục tiêu ngắn, Trung Quốc chơi một trò chơi dài, trong đó mục tiêu chính là mối tương quan thuận lợi của các lực lượng theo thời gian và biện pháp quan trọng nhất là năng lực quân sự.Tác giả bài xã luận nhấn mạnh đến việc phát triển vũ khí của Trung Quốc trong thời gian qua, đặc biệt liên quan đến vũ khí hạt nhân bởi mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên mà quốc gia Cộng sản khép kín này được cho là lệ thuộc vào Trung Quốc. Ký giả Mark Helprin chỉ ra Trung Quốc là nước đứng thứ 3 toàn cầu về sở hữu hạt nhân với 228 tên lửa hạt nhân, sau Mỹ và Nga cùng với 55 tàu ngầm tấn công nên thực tế cho thấy Trung Quốc có thể tấn công các căn cứ của Mỹ ở Nam Hàn, Nhật Bản và đảo Guam, thậm chí bắn tên lửa hạt nhân đến lãnh thổ đất liền của Mỹ.

Từ Pháp quốc, ông Nguyễn Gia Kiểng, cựu Phụ tá Tổng trưởng Kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa, một nhà quan sát tình hình kinh tế thế giới, lên tiếng với RFA rằng nhìn lại Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Bắc Hàn được xem như lệ thuộc vào Trung Quốc kể từ khi Trung Quốc điều động một lực lượng lớn quân đội đến giúp đỡ, giải vây ở sông Áp Lục (Yalu River). Ông Nguyễn Gia Kiểng nêu lên quan điểm của mình:

“Cho nên sự lệ thuộc của Chính quyền Cộng sản Triều Tiên vào Trung Quốc là một lẽ dĩ nhiên, một sự thực hiển nhiên. Chúng ta không phải quan ngại nếu Triều Tiên không thỏa hiệp được với Mỹ thì Triều Tiên sẽ lệ thuộc hơn nữa vào Trung Quốc không? Triều Tiên đã lệ thuộc và hoàn toàn lệ thuộc Trung Quốc. Tôi nghĩ ngay cả Triều Tiên không thể chế bom nguyên tử, nếu không có sự thỏa thuận và giúp đỡ của Trung Quốc. Có thể Triều Tiên chỉ là ‘một cái xưởng’ chế tạo bom nguyên tử, còn người thực sự chế tạo mới là Trung Quốc.”

Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có tác động gì đến mối quan ngại như của ký giả Mark Helprin nêu ra hay không, ông Nguyễn Gia Kiểng nhận định:

“Với lãi suất là 3,3%, trung bình mỗi năm Trung Quốc phải trả tiền lãi của các khoản vay vào khoảng 1000 tỷ đô la Mỹ (USD). So với 1000 tỷ đó thì 30 tỷ tiền thuế mà ông Trump đánh vào hàng hóa của Trung Quốc sẽ không thiệt hại bao nhiêu. Đó là tôi nói thiệt hại tối đa ở mức 30 tỷ USD. Vậy thì chúng ta không nên coi cái gọi là ‘cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung’ là quan trọng.”

Tác giả của bài xã luận có nhan đề, tạm dịch là “Hoa Kỳ đang nhượng lại vùng Thái Bình Dương cho Trung Quốc”, ký giả Mark Helprin cho rằng thật sự là khó hiểu khi hiện tại Hoa Kỳ không nhận thấy được các mối quan hệ sức mạnh căn bản mà Trung Quốc chú trọng tập trung vào và nếu như Hoa Kỳ càng kéo dài lổ hổng này, cũng như không gửi một tín hiệu nào trong lúc Bắc Kinh gia tăng sức mạnh quân sự thì rõ ràng vùng biển Tây Thái Bình Dương của Mỹ cuối cùng sẽ trở thành một cái hồ của Trung Quốc.

Chiến lược đối trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương

Các tàu chiến Mỹ (Arleigh Burke, USS McCampbell) dẫn đường cho các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ và Nhật Bản trong cuộc tập trận chung ở Guam hôm 21/1/2016Courtesy: U.S. NAVY
Đài RFA ghi nhận hồi trung tuần tháng 10 năm ngoái, trong cuộc phỏng vấn với chương trình Hugh Hewitt nổi tiếng của Hoa Kỳ, cố vấn An ninh Mỹ John Bolton cảnh báo Trung Quốc đã lợi dụng trật tự thế giới quá lâu trong khi Hoa Kỳ đã thất bại trong việc đối phó với Trung Quốc.

Trong một diễn biến liên quan, tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, diễn ra vào ngày 12 tháng 2, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, Đô đốc Philip Davidson nhấn mạnh Mỹ cần chú trọng hơn nữa trong việc hợp tác với đồng minh và đối tác trong bối cảnh Trung Quốc “quân sự hóa” ở Biển Đông. Đô đốc Philip Davidson cho rằng Hoa Kỳ phải chấp nhận môi trường ở Biển Đông đang thay đổi rất nhanh chóng nên đòi hỏi những cách tiếp cận mới. Đô đốc Philip Davidson cho biết thêm Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương đang có những cuộc thương thảo với các đối tác và đồng minh về những cơ hội có thể ở đó cũng như tăng cường hợp tác trong diễn tập quân sự, trong tuần tra ở Biển Đông và trong đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) với Trung Quốc.

Mới đây nhất, vào ngày 7 tháng 3, Báo mạng sputniknews.com, của Nga dẫn lời của Đô đốc Philip Davidson tuyên bố trong cùng ngày rằng Hoa Kỳ ghi nhận các hoạt động quân sự của Trung Quốc gia tăng trong năm 2018 ở Biển Đông với các tàu, chiến đấu cơ và máy bay ném bom nhiều hơn những năm trước đó. Đô đốc Philip Davidson lập luận rằng hoạt động này gây nguy hiểm cho hoạt động thương mại và thông tin tài chính diễn ra ở khu vực Biển Đông.

Mặc dù tuyên bố như vừa nêu, tuy nhiên Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương của Hoa Kỳ từ chối cho biết số liệu về lực lượng tuần tra tự do hàng hải của Hoa Kỳ sẽ tăng lên hay không trước sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong khi đó, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà quan sát độc lập làm việc tại Singapore nói với RFA rằng cần có cái nhìn khách quan trong việc đánh giá các diễn tiến ở khu vực Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng ký giả Mark Helprin có cái nhìn bi quan trong bài xã luận đăng tải trên tờ The Wall Street Journal:

“Họ quá bi quan về các tác động của chính trị và địa chiến lược cũng như an ninh toàn cầu từ phía Mỹ. Thứ hai là họ đánh giá quá cao về vai trò và kết quả mà Trung Quốc có thể đạt tới trong tương lai. Một bên là Mỹ thì đánh giá quá thấp. Còn một bên đánh giá quá cao Trung Quốc. Các bài viết như thế thì không thấy dẫn chứng mà nhận định và bình luận thì rất thiếu sót.”

Mỹ với trách nhiệm của một nước đang đứng ở tuyến đầu trong việc đảm bảo trật tự an ninh quốc tế đã hình thành từ lâu và đến bây giờ vẫn chưa có gì thay đổi cả thì không có lý do gì mà họ không đảm bảo quyền lợi quốc gia của họ trong bối cảnh ở khu vực Biển Đông mà có lợi ích của quốc gia đó. Nếu nói như thế thì có thể thấy rằng việc can dự của Hoa Kỳ vào Biển Đông là có cơ sở về mặt chính trị cũng như chiến lược, dựa trên nền tảng đảm bảo an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Không thể giảm đi mà chỉ có tăng lên thôi

-TS. Hà Hoàng Hợp

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhắc lại Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã tiến hành “Chính sách xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương”, cho thấy rằng người Mỹ không bỏ vùng Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông. Tiếp đến Chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn theo “Chính sách xoay trục’ này và tăng cường các hoạt động tuần tra về tự do hàng hải; đồng thời còn lập ra một cơ chế an ninh mới gọi là ‘Cơ chế an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương”, bao trùm cả Châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh:

“Trong vòng gần 2 năm qua vẫn chưa thấy qua cơ chế này có hoạt động nào lớn, nhưng rõ ràng có ý nghĩa. Đặc biệt là vào hôm mùng 4 tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã tái khẳng định hiệp định hòa bình với Philippines rằng nếu có một nước nào đó tấn công Phi, tức là tấn công nước Mỹ và nước Mỹ sẽ đánh trả. Đây là một tuyên bố rất mạnh mẽ.

Sự nhất quán trong chính sách của các nước lớn, kể cả Hoa Kỳ lẫn của các nước nhỏ thì trước hết họ phải quan tâm đến lợi ích quốc gia của nước họ trước. Lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ ở Biển Đông là thứ nhất họ phải bảo vệ bằng được con đường vận chuyển hàng hóa đi qua Biển Đông hơn 5000 tỷ USD, trong đó hơn một nửa lượng hàng hóa Mỹ đi qua khu vực này, còn lại là của các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Úc, kể cả Philippines…và những nước bạn của Hoa Kỳ như Singapore, Đài Loan và cả Việt Nam…Mỹ với trách nhiệm của một nước đang đứng ở tuyến đầu trong việc đảm bảo trật tự an ninh quốc tế đã hình thành từ lâu và đến bây giờ vẫn chưa có gì thay đổi cả thì không có lý do gì mà họ không đảm bảo quyền lợi quốc gia của họ trong bối cảnh ở khu vực Biển Đông mà có lợi ích của quốc gia đó. Nếu nói như thế thì có thể thấy rằng việc can dự của Hoa Kỳ vào Biển Đông là có cơ sở về mặt chính trị cũng như chiến lược, dựa trên nền tảng đảm bảo an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Không thể giảm đi mà chỉ có tăng lên thôi.”

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp khẳng định vai trò của Mỹ và Trung Quốc ở vùng biển Thái Bình Dương đều quan trọng, thế nhưng ông cho rằng giấc mơ làm chủ khu vực này của Trung Quốc sẽ rất khó trở thành hiện thực.

Còn ông Nguyễn Gia Kiểng lập luận trong tương lai không xa, chiến lược “Sáng kiến vành đai và con đường” mà Trung Quốc tung ra sẽ khiến cho nền kinh tế của nước này lâm vào khủng hoảng, vì vay tiền với lãi suất cao và cho vay lại với lãi suất thấp và rất có triển vọng không đòi lại được. Do đó, một khi kinh tế của Trung Quốc bị khủng hoảng thì sẽ dẫn đến khủng hoảng chính trị và hậu quả là tuy mối nguy Trung Quốc có thật, nhưng sẽ giảm đi chứ không tăng lên.

RFA