TC phản đối gay gắt tuyên bố Ấn-Nhật về Biển Đông
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (T) và đồng nhiệm Ấn Độ Narendra Modi trao đổi văn kiện ký kết, New Delhi, Ấn Độ, 12/12/2015 – REUTERS/Adnan Abidi
Theo RFI – Trọng Nghĩa – 15-12-2015
Sự kiện hai Thủ tướng Ấn Độ và Nhật Bản chính thức tuyên bố bảo vệ quyền tự do đi lại trên Biển Đông nhân dịp ông Shinzo Abe công du New Delhi tuần qua đã làm dấy lên phản ứng gay gắt từ phía TC. Vào hôm qua, 14/12/2015, Bắc Kinh đã lên tiếng bày tỏ thái độ hết sức bất bình trước hành động can dự vào khu vực mà TC cho lãnh thổ của mình.
Theo nhật báo Ấn Độ Times of India, trong bản Tuyên bố chung Ấn Độ-Nhật được công bố nhân chuyến công du New Delhi của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai bên đã kêu gọi các bên tranh chấp tự kiềm chế, tránh các hành động đơn phương có thể đe dọa hòa bình trong khu vực Biển Đông.
Bản tuyên bố chung Ấn Độ-Nhật đã dành nguyên một đoạn để nói về Biển Đông, trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các tuyến hàng hải, và xác nhận rằng Thủ tướng hai nước đã « quyết định tổ chức những cuộc tham khảo ý kiến lẫn nhau một cách chặt chẽ và thường xuyên về các vấn đề liên quan đến an toàn và an ninh của các tuyến giao thông hàng hải ».
Đối với phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC Hồng Lỗi, thì «các nước ngoài khu vực nên tôn trọng các nỗ lực của các nước trong vùng nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông, thay vì làm ngược lại». Theo Hồng Lỗi, các hoạt động của TC tại Biển Đông hoàn toàn hợp lý và hợp pháp vì chỉ diễn ra trong vùng lãnh thổ của TC, và «không nhắm vào bất cứ quốc gia nào, cũng như không hề cản trở quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông».
Các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của TC tại vùng Trường Sa trong thời gian qua đã bị hầu như tất cả các nước có lợi ích ở Biển Đông phản đối, và Bắc Kinh luôn luôn lên tiếng chống lại những tiếng nói bất bình đến từ các nước ngoài Biển Đông như Mỹ, Nhật Bản hay Ấn Độ.
Không chỉ phản đối việc Ấn Độ và Nhật Bản bảo vệ quyền tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC còn đả kích việc New Delhi mời Tokyo tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar do Hoa Kỳ và Ấn Độ cùng tổ chức ở Ấn Độ Dương, cho rằng: «Các nước có liên quan không nên kích động đối đầu và tạo ra căng thẳng trong khu vực».
Dĩ nhiên, Hồng Lỗi đã không nói gì về sự kiện chính TC vừa cho tiến hành tập trận bắn đạn thật tại vùng Trường Sa, hoặc là có những hành vi rõ ràng là cản trở quyền tự do đi lại trên biển và trên không tại vùng Biển Đông ngày càng bị vạch trần.