Trung Cộng: Ngày 1/5 không phải của người lao động

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trung Cộng: Ngày 1/5 không phải của người lao động
Công nhân biểu tình trước cổng công ty giày thể thao Dụ Nguyên, tại TP. Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 18/04/2014. Cuộc bãi công lớn nhất trong thời gian ít năm gần đây – REUTERS/Stringer
Theo RFI – Trọng Thành – Thứ Bảy 3/5/2014

Tàu chật cứng, công viên, bảo tàng ào ạt người vào xem : đối với giới trung lưu Trung Quốc, 01/05 là một ngày hội trong một kỳ nghỉ cuối tuần được kéo dài với hai ngày nghỉ phép. Vào dịp này, không có các cuộc diễu hành của đảng Cộng sản, không có các cuộc tập hợp của công nhân. Những người làm công ăn lương nào – dám đòi hỏi các quyền lợi thường bị chà đạp bởi giới chủ côn đồ và các tổ chức công đoàn bị khóa miệng – phải đối mặt với nguy cơ bị bắt bớ. Tuy nhiên, bãi công ngày càng nổ ra nhiều, bởi giới công nhân ngày càng biết rõ hơn về quyền lợi của mình. Bài tổng hợp và phóng sự nhỏ do các phóng viên RFI thực hiện.

Trung Quốc không có công đoàn độc lập, chỉ tồn tại một công đoàn duy nhất, thân với chính phủ và giới chủ, hơn là người lao động. Để bảo vệ các quyền lợi của mình, công nhân thường tìm đến những cơ sở như Hiệp hội «Tiểu tiểu điểu» (Những con chim nhỏ). Hiệp hội này có một văn phòng không cửa sổ, nằm dưới tầng ngầm thứ ba của một cao ốc tại khu phố thương mại Vương Phủ Tỉnh (Wangfujing), trung tâm Bắc Kinh, gần một khách sạn sang trọng.

Phóng viên RFI theo chân ông Ning Haiqing, 47 tuổi, phụ bếp tại một nhà máy sản xuất các phụ tùng xe hơi, đã tìm đến văn phòng này để được tư vấn, sau khi bị chủ sa thải. Ning Haiqing, với gương mặt xanh xao, hằn sâu những nếp nhăn, kể rằng ông phải làm việc từ 11 đến 12 giờ một ngày liên tục trong suốt tuần lễ, để nhận được 250 euro/tháng, bị đau ốm sau khi phải mang vác các đồ vật quá nặng, nhưng không được nhận tiền dưỡng bệnh, vì ông không có bảo hiểm.

Các luật sư làm thay việc cho công đoàn

Giống như nhiều công nhân khác, ông Ning Haiqing không bao giờ nhờ đến một cơ sở công đoàn. Ông thích dựa vào một tổ chức phi chính phủ như « Những con chim nhỏ ». Tại đây, những người thiện nguyện làm công việc vốn của nghiệp đoàn. Trong 15 năm hoạt động, hơn 170.000 công nhân đã gọi đến số điện thoại xanh của hiệp hội này để tìm sự trợ giúp của các luật sư, như ông Wang Ming.

Luật sư Wang Ming cho biết « vấn đề nghiêm trọng nhất mà các công nhân gặp phải là không được trả lương và bảo hiểm. Đa số công nhân phải tự bảo vệ quyền lợi của mình đối mặt với giới chủ. Chỉ có rất ít người dám khiếu nại ra tòa. Đối với chính phủ, điều ưu tiên là bảo đảm được trật tự. Có nghĩa là, chính quyền không muốn thấy các cuộc phản kháng tập thể ở quy mô lớn ».

Các lạm dụng của giới chủ rất phổ biến, mặc dù kể từ năm 2008, đã ban hành một luật, buộc người chủ phải trả tiền phạt, nếu từ chối một hợp đồng lao động với người làm công. Điều kiện sống và làm việc của hàng triệu người lao động nhập cư hết sức bấp bênh.

Phóng viên RFI có cuộc gặp với Wang Gouliang, thuộc hiệp hội « Những con chim nhỏ » nói trên, người thực hiện việc phân phát các « túi sức khoẻ » cho người lao động nhập cư, gần một khu ở của các công nhân công trường. Giải thích với phóng viên rằng đến đây để đưa cho những người lao động « một chiếc màn, một bánh xà phòng và một cuốn sổ hướng dẫn cách hội nhập vào đời sống đô thị », Wang Gouliang cũng hiểu những đồ trợ giúp trên là quá ít ỏi. Vấn đề quyền lợi của người lao động là « quá nhạy cảm » để thành viên Hiệp hội Những con chim nhỏ có thể nói ra một cách rõ ràng ngay lúc đó.

Để tổ chức một phong trào xã hội thực thụ tại Trung Quốc, cần phải rất dũng cảm. Công an theo dõi chặt mọi cuộc bãi công, dù rất nhỏ và bắt giữ những người lãnh đạo, như mới đây tại Đông Quản, khu công nghiệp ở miền nam. Một công nhân nhà máy, được nhật báo South China Morning Post dẫn lại, cho biết khoảng 20 công nhân đã bị bắt, nhiều người biểu tình trước cửa nhà máy bị đánh đập, để họ không thể tụ tập lại.

Gần 40.000 công nhân công ty giày Dụ Nguyên (Yue Yuen) của chủ Đài Loan – được coi là nhà sản xuất giày thể thao số một thế giới, đặc biệt cho các hãng Nike, Adidas…-, đã ngừng làm việc trong hơn hai tuần trong tháng 4/2014 để yêu cầu xí nghiệp hoàn trả các khoản tiền phụ cấp, tiền đóng góp xã hội. Các công nhân yêu cầu tăng lương 30%, được bầu các lãnh đạo công đoàn và đặc biệt là xí nghiệp phải bồi hoàn các khoản đóng góp xã hội chưa được trả. Thoạt tiên, Ban lãnh đạo xí nghiệp cam kết sẽ trả dần từ đây đến cuối năm 2015, nhưng phía công nhân bác bỏ đề nghị này, vì sợ xí nghiệp đóng cửa bất ngờ và chuyển cơ sở sản xuất đi nơi khác.

Giới chủ và công nhân : cuộc đọ sức trở nên căng thẳng

Làm thế nào để bảo vệ được quyền lợi của người lao động, tại một quốc gia mà chính quyền rất cảnh giác trước bất cứ một hành động phản kháng nào của dân chúng ?

Wang Gouliang giải thích: «Đây là một vấn đề pháp lý, hiệp hội có thể tư vấn cho các công nhân qua điện thoại. Nếu đây là các vấn đề lương không được trả, hay bệnh tật do lao động, với đủ bằng chứng, người của hiệp hội sẽ đi cùng với các công nhân đến nhà máy để thương lượng trực tiếp với chủ. Nếu không có giải pháp nào được đưa ra, lúc đó vụ việc sẽ được đưa ra tòa».

Cuộc đọ sức giữa giới chủ và công nhân trở nên căng thẳng trong những năm gần đây, kể từ đầu năm 2014, số lần bãi công tăng 30%, theo hiệp hội China Labour Bulletin. Có rất nhiều lý do, một mặt, tăng trưởng kinh tế sụt giảm và giá thành sản xuất tăng lên, do vậy giới chủ bị áp lực. Mặt khác, nhân công thiếu đến mức mà người lao động ngày càng yêu cầu quyền lợi được tôn trọng. Bên cạnh đó, giới trẻ hiện nay không sợ bị đàn áp như thế hệ trước, và họ liên kết được với nhau qua các mạng xã hội.

Chính quyền Trung Quốc phản ứng với các xung đột xã hội nói trên bằng chính sách củ cà rốt và cây gậy. Ví dụ tại Đông Quản, để chấm dứt cuộc bãi công, chính quyền đã ra lệnh cho các xếp doanh nghiệp thỏa mãn các yêu sách của công nhân viên, để sau đó buộc công nhân phải trở lại làm việc. Cuối cùng, theo China Labor Watch (một tổ chức bảo vệ quyền của người lao động Trung Quốc, có cơ sở tại New York), cơ quan Công đoàn thành phố Đông Quản đã có thông báo chính thức gửi ban lãnh đạo công ty Dụ Nguyên để yêu cầu thực hiện các đòi hỏi của công nhân theo luật định. China Labor Watch nhận định, đây là « một tiền lệ đặc biệt », giúp cho việc trả lời nhiều đòi hỏi quyền lợi, cho đến nay không được phần lớn các doanh nghiệp tại Trung Quốc, kể cả các tập đoàn quốc tế lớn, tôn trọng…

Với phong trào phản kháng này, công ty Dụ Nguyên đã mất gần 20 triệu euro và hãng Adidas đã phải chuyển một phần đơn đặt hàng cho một đối thủ của công ty Dụ Nguyên. Việc bãi công bùng nổ khắp nơi và các tập đoàn kinh tế lớn rời khỏi Hoa Lục chính là điều mà chính quyền rất lo ngại. (Xem thêm bài của Stéphane Lagarde giới thiệu cuốn phim tài liệu Pháp “Châu Á, sự thức tỉnh của công nhân [Asie, le réveil ouvrier], của đạo diễn Michaël Sztanke về phong trào công nhân Trung Quốc, Cam Bốt và Bangladesh ba năm gần đây).

Công nhân Trung Quốc hiện nay được thông tin tốt hơn trước về quyền lợi của mình, nhờ ở hoạt động của nhiều hiệp hội, can thiệp trợ giúp trực tiếp. Kể từ các cuộc bãi công năm 2010, với kết quả là yêu sách đòi tăng lương được đáp ứng một phần, họ biết rằng các cuộc đình công tập thể có thể thay đổi được tình hình.