Trung Quốc lên án Philippines đưa tàu tiếp tế tới Bãi Cỏ Mây
05/10/2023Reuters
Trung Quốc vừa lên án Philippines phái 4 tàu đưa tiếp tế cho quân đội Philippines trên đảo tranh chấp ở Biển Đông, nói rằng các tàu này đã đi vào vùng biển của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa mà không có sự cho phép của chính phủ Trung Quốc.
Philippines hôm thứ Tư (4/10) cho biết họ đã đưa được hàng tiếp tế đến cho quân đội đóng trên con tàu cũ từ thời Thế chiến thứ hai được biến thành một tiền đồn quân sự trên Bãi Cỏ Mây, bất chấp nỗ lực ngăn chặn của lực lượng hải cảnh Trung Quốc.
Trong khi Trung Quốc đang tranh chấp với một số nước láng giềng về yêu sách chủ quyền rộng lớn ở Biển Đông, mối quan hệ của nước này với Philippines gần đây đặc biệt căng thẳng vì vấn đề này, đặc biệt kể từ khi ông Ferdinand Marcos Jr lên nắm quyền tổng thống Philippines vào năm ngoái.
Người phát ngôn của hải cảnh Trung Quốc Gan Yu nói trên một bài đăng trên trang web của mình và sử dụng tên của Trung Quốc cho Quần đảo Trường Sa: “Các tàu tiếp tế của Philippines và hai tàu tuần duyên đã đi vào vùng biển… thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc mà không có sự cho phép của chính phủ Trung Quốc”.
Bãi Cỏ Mây được Philippines gọi là Ayungin, trong khi Trung Quốc gọi là Nhân Ái Tiêu, nằm cách đảo Palawan của Philippines 105 dặm (169 km).
Một số ít binh sĩ Philippines đồn trú trên tàu vận tải hải quân cũ, BRP Sierra Madre, được Philippines neo đậu ở bãi cạn này vào năm 1999 để củng cố yêu sách chủ quyền của mình.
Hải cảnh Trung Quốc cho biết trong bài đăng của mình rằng họ đã đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc và nói thêm rằng họ kiên quyết phản đối việc Philippines vận chuyển trái phép vật liệu đến con tàu “nằm trên bãi biển” trái phép.
Lần cuối cùng Philippines hoàn thành sứ mệnh tiếp tế cho con tàu mắc cạn là vào ngày 8/9. Một tháng trước đó, một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã bắn vòi rồng vào một tàu tiếp tế của Philippines trong một nỗ lực tương tự, khiến Philippines và đồng minh lâu năm của họ là Hoa Kỳ lên án.
Trung Quốc đã yêu cầu Philippines kéo tàu đi nhưng Manila từ chối yêu cầu.
Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines (NSC) nói nhiệm vụ tái cung cấp và luân chuyển của họ đã hoàn thành bất chấp nỗ lực “quấy rối và can thiệp” của một số lượng đáng kể hải cảnh và Dân quân Hàng hải Trung Quốc.
“Những nhiệm vụ này là thực hiện hợp pháp các chức năng hành chính của chính phủ Philippines”, NSC nói.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, với đường lưỡi bò cắt vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia. Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 cho rằng đường này trên bản đồ của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý.
VOAViet