Trung Quốc: Khủng hoảng thất nghiệp trầm trọng và nguy cơ bất ổn xã hội

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trung Quốc: Khủng hoảng thất nghiệp trầm trọng và nguy cơ bất ổn xã hội

Đại dịch Viêm phổi Vũ Hán đã khiến hàng chục triệu người mất việc ở Trung Quốc, gây áp lực lên mạng lưới phúc lợi xã hội chắp vá và tạo ra thách thức lớn cho Bắc Kinh.

(Ảnh: Shutterstock)

205 triệu người thất nghiệp?

Một số nhà kinh tế đã cảnh báo rằng những thay đổi cấu trúc trong nền kinh tế giúp giải quyết làn sóng thất nghiệp như trong quá khứ không còn phù hợp trong thời điểm hiện tại. Chưa rõ liệu chính phủ Trung Quốc sẽ xử lý tình trạng thất nghiệp tăng mạnh sau đại dịch ra sao.

Thất bại trong việc hồi sinh ngành dịch vụ và doanh nghiệp tư nhân, những khu vực chiếm phần lớn việc làm, có thể khiến cho tương lai kinh tế của Trung Quốc trở nên mịt mù và làm suy yếu tuyên truyền của ĐCS rằng mô hình quản trị ‘ưu việt’ của nó sẽ đưa văn hoá và kinh tế Trung Quốc bật dậy mạnh mẽ.

Mặc dù Trung Quốc có vẻ như đã kiểm soát được dịch corona, nhưng vết thương kinh tế vẫn còn nhức nhối. Triển vọng việc làm giảm sút, thu nhập giảm và nguy cơ đói nghèo gia tăng đã dẫn đến sự giận dữ và bi quan trong công chúng gia tăng.

Trên Douyin, phiên bản Trung Quốc của nền tảng chia sẻ video ngắn Tiktok, sự không hài lòng về việc bị sa thải và bất công xã hội ngày càng trở nên rõ rệt.

Quy mô của tình trạng thất nghiệp mà Bắc Kinh phải đối mặt chưa thể định lượng được rõ ràng. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Trung Quốc – loại trừ phần lớn lao động nhập cư – xem ra tương đối tích cực khi đã giảm xuống còn 5,9% trong tháng 3 từ mức cao kỷ lục 6,2% trong tháng 2. Tuy vậy, một số nghiên cứu độc lập cho thấy bức tranh thực sự có thể tồi tệ hơn rất nhiều đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một báo cáo nghiên cứu của công ty môi giới Zhongtai Securities vào cuối tháng 4 đã đưa ra tỷ lệ thất nghiệp thực sự ở mức 20,5%, tương đương khoảng 70 triệu người thất nghiệp. Trong khi đó, Liu Chenjie, nhà kinh tế trưởng tại quản lý quỹ Upright Asset, ước tính vào cuối tháng 3, đại dịch có thể đã đẩy 205 triệu công nhân Trung Quốc rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Zhang Lin, một nhà quan sát kinh tế chính trị tại Bắc Kinh, cho biết làn sóng thất nghiệp do virus corona lớn hơn nhiều so với hai lần trước đó: Lần 1 là vào cuối những năm 1990 khi 25 triệu người tại các doanh nghiệp nhà nước mất việc; lần 2 là trong giai đoạn 2008-09 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến 20 triệu lao động nhập cư mất việc.

Tệ hơn, khả năng của chính phủ trong việc tạo công ăn việc làm cho những người mới thất nghiệp đã giảm đáng kể, ông Zhang nói thêm.

Trước đó, trong cuộc khủng hoảng thất nghiệp lần thứ nhất ở khu vực nhà nước vào cuối những năm 90, nền kinh tế khu vực tư nhân bùng nổ đã nhanh chóng thu hút người lao động. Còn trong cuộc khủng hoảng lần thứ hai giai đoạn 2008-09, quá trình phát triển đô thị hoá mạnh mẽ của Trung Quốc đã giúp tạo ra việc làm cho những người thất nghiệp trong các ngành dịch vụ của những đô thị mới.

“Giờ đây, bạn hãy nhìn xem, tăng trưởng đang chậm lại, đô thị hóa đã lên đến đỉnh điểm, và nền kinh tế tư nhân thì đang gặp khó khăn,” ông Zhang cảnh báo.

“Mộng Trung Hoa” của ông Tập khó thành

Thời điểm của làn sóng thất nghiệp mới là điều tồi tệ đối với Trung Quốc khi năm 2020 dự kiến ​​sẽ là một cột mốc quan trọng, với mục tiêu quốc gia này sẽ trở thành “một xã hội thịnh vượng toàn diện” vào cuối năm nay, được thể hiện ở quy mô nền kinh tế tăng gấp đôi so với năm 2010, cùng với việc xóa đói giảm nghèo đã được thực hiện thắng lợi.

Lẽ ra lịch sử đã được viết rằng: Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, đảng đã thành công trong việc tạo ra một xã hội Nho giáo lý tưởng, nơi mà “người già được chăm sóc; thanh niên có việc làm; trẻ em được giáo dục; những người goá bụa, không con và người khuyết tật được hỗ trợ.” Trung Quốc sẽ trở thành một “quốc gia XHCN hùng mạnh,” theo tiến trình “mộng Trung Hoa” của ông Tập.

Tuy nhiên, kinh tế giảm 6,8% trong Quý đầu tiên, và hiện tại là cuộc khủng hoảng thất nghiệp,  đã bộc lộ những vấn đề sâu sắc trong sự phát triển và phân phối tài sản ở Trung Quốc. Sau bốn thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, nhiều người lao động giờ đây thấy mình phải hoàn toàn tự lo cho bản thân hoặc sống dựa vào tiền tiết kiệm của gia đình.

Tình hình tại thị trường việc làm tạm thời Majuqiao ở ngoại ô Bắc Kinh đã nhấn mạnh sự bất lực của những lao động nhập cư tại Trung Quốc khi cố gắng tìm việc. Ngày càng nhiều người phải đối mặt với thực tế là không có thu nhập và không có phúc lợi nếu không có việc làm.

Một công nhân nhập cư ở độ tuổi 20 cho biết tuần trước rằng anh đã tìm việc làm từ ngày 11/4, nhưng vẫn không thể tìm được một người chủ sẵn sàng trả các khoản phí an sinh xã hội bắt buộc theo tiền lương của anh.

“Không ai sẽ trả bốn khoản bảo hiểm và quỹ nhà ở cho một người lao động ngắn hạn trong những ngày này,” anh nói.

Theo quy định an sinh xã hội của Trung Quốc, người sử dụng lao động được yêu cầu đóng góp vào năm loại chương trình bảo hiểm do chính phủ cung cấp – lương hưu, chăm sóc sức khỏe, thất nghiệp, thương tật và nghỉ thai sản – cũng như quỹ nhà ở cho mỗi nhân viên. Những khoản này là một gánh nặng đặc biệt đối với các công ty sản xuất và dịch vụ nhỏ.

Gánh nặng quá lớn đến nỗi nhiều chủ lao động Trung Quốc, đặc biệt là trong khu vực tư nhân, tìm cách tránh trả các khoản trên bằng việc báo cáo tiền lương thấp hơn thực tế hoặc thuê nhân công tạm thời.

Ở nhiều nơi tại Trung Quốc, loại công việc trả công tính theo ngày gia tăng với tốc độ nhanh chóng.

200 triệu người thất nghiệp ở TQ sẽ ảnh hưởng dân sinh, quốc kế

Hệ thống phúc lợi còn nhiều bất cập

Trong khi người sử dụng lao động chịu gánh nặng lớn, các chương trình an sinh của chính phủ vẫn nằm ngoài tầm với của những người thực sự cần sự trợ giúp nhất.

Theo Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc, hệ thống trợ cấp thất nghiệp do nhà nước hỗ trợ tài chính chỉ chi cho 2,3 triệu người trong quý đầu năm 2020, trung bình mỗi người đủ điều kiện nhận được khoản thanh toán 1.350 NDT (190 USD)/tháng. Chính phủ cũng chỉ cung cấp trợ giúp cho 67.000 trên tổng số hàng triệu người lao động nhập cư bị sa thải.

Yao Wei, kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng Pháp Soce Generale, cho biết chương trình bảo hiểm thất nghiệp của Trung Quốc “được trang bị tồi tệ để đối phó với sự gia tăng thất nghiệp” và đòi hỏi phải cải thiện nhanh chóng.

Việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp từ lâu đã ở mức rất thấp tại Trung Quốc, một phần là do các điều kiện ngặt nghèo. Trước khi thay đổi vào tháng Tư, một người chỉ có thể yêu cầu quyền lợi sau khi đóng bảo hiểm ít nhất một năm. Đây là quy định mà nhiều lao động nhập cư không đáp ứng được, vì thường họ chỉ làm việc trung bình khoảng 10 tháng.

Và vì các nhà tuyển dụng thường phải đóng góp khoảng 2% trong bảng lương của họ cho bảo hiểm thất nghiệp, nên nhiều doanh nghiệp nhỏ đã cố gắng tránh đóng góp như vậy bất cứ khi nào họ có thể để tiết kiệm chi phí.

Năm 2019, chỉ một phần tư trong tổng lực lượng lao động (khoảng 205 triệu người) và chưa đến một nửa số lao động thành thị được đóng bảo hiểm thất nghiệp. Đối với lao động nhập cư, tỷ lệ là 17% vào năm 2017, sau đó chính quyền trung ương ngừng công bố tỷ lệ này.

Năm ngoái cũng là năm đầu tiên kể từ năm 1990, các khoản trợ cấp thất nghiệp của Trung Quốc vượt qua các khoản đóng góp, cho thấy tình hình mất việc làm nói chung đã đạt đến điểm nguy hiểm ngay cả trước khi xảy ra đại dịch.

Cốt lõi của vấn đề là một hệ thống phúc lợi xã hội gây gánh nặng quá lớn cho các doanh nghiệp và cá nhân, trong khi các khoản thu thuế được chi quá mức cho bộ máy quan liêu của chính phủ và đảng cũng như cơ sở hạ tầng.

Theo SCMP – 13/5/20