Trung Cộng dùng đảo nhân tạo để thể hiện sức mạnh ở Biển Đông

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trung Cộng dùng đảo nhân tạo để thể hiện sức mạnh ở Biển Đông

Nghệ sĩ và là nhà sử học Carlos Celdran cầm một biểu ngữ viết tay yêu cầu Trung Cộng rút lui, trong cuộc biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Trung Cộng ở Manila phản đối hoạt động cải tạo đất của Trung Cộng tại Bãi đá Johnson South, người dân địa phương gọi là Mabini Reef, trong vùng biển Nam Trung Hoa, ngày 12 tháng 6, 2014

Theo VOA – 20.02.2015

HONG KONG – Việc TC tạo ra những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông diễn ra với tốc độ nhanh tới mức Bắc Kinh sẽ sớm có thể mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng hải quân, không quân, cảnh sát biển và đội tàu đánh cá, trước sự lo lắng của các bên có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển tranh chấp. Công tác cải tạo cũng tiến triển đáng kể trên 6 bãi đá ở quần đảo Trường Sa, theo hình ảnh vệ tinh được các quan chức Philippines công bố hồi gần đây. Ngoài ra, Manila cho biết trong tháng này rằng những tàu nạo vét của TC đã bắt đầu cải tạo đảo thứ bảy. Dù đảo mới sẽ không lật đổ ưu thế quân sự của Mỹ trong khu vực, công nhân Trung Hoa đang xây dựng những hải cảng và những kho chứa nhiên liệu, và có thể là hai đường băng mà các chuyên gia nói rằng sẽ cho phép Bắc Kinh thể hiện sức mạnh vào sâu trung tâm hàng hải của khu vực Đông Nam Á. “Những hoạt động cải tạo này lớn hơn và nhiều tham vọng hơn tất cả chúng tôi từng nghĩ,” một nhà ngoại giao phương Tây nói. “Ở nhiều cấp độ khác nhau, việc đối phó với Trung Hoa ở Biển Đông sẽ hết sức khó khăn khi tình hình này phát triển.” TC tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng Biển Đông giàu năng lượng tiềm năng, nơi mà 5.000 tỉ đôla thương mại tàu thuyền  đi qua mỗi năm. Philippines, CSVN, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều có tuyên bố chủ quyền chồng chéo. Tất cả các nước ngoại trừ Brunei đã củng cố căn cứ ở quần đảo Trường Sa, cách lục địa TC khoảng 1.300 km nhưng gần các nước tuyên bố chủ quyền ở Đông Nam Á hơn. Bắc Kinh đã bác bỏ kháng nghị ngoại giao của Manila và Hà Nội và chỉ trích từ Washington về hoạt động cải tạo đất, nói rằng việc này “nằm trong phạm vi chủ quyền của TC.” Đặc biệt Philippines đã bắt đầu bày tỏ lo ngại ngày càng tăng vào giữa năm 2014, cáo buộc Bắc Kinh xây dựng một đường băng trên Bãi đá Johnson South. Phân tích hình ảnh vệ tinh mà tạp chí quốc phòng IHS Jane’s công bố tuần này cho thấy một cơ sở mới được xây dựng trên Bãi Hughes. Tạp chí này mô tả đó là một “cơ sở lớn” được xây dựng trên 75.000 mét vuông cát được cải tạo từ tháng 8 năm ngoái. IHS Jane’s cũng công bố những hình ảnh của Bãi đá Chữ Thập, giờ bao gồm một hòn đảo được cải tạo có chiều dài hơn 3 km mà các chuyên gia nói rằng có nhiều khả năng sẽ trở thành một đường băng. Công tác cải tạo cũng tiến triển đáng kể trên Bãi đá Gaven, Châu Viên và Eldad, với việc nạo vét mới đang diễn ra trên Bãi đá Vành khăn.
Hỗ trợ ngư dân
Dù viễn cảnh TC sử dụng những đảo nhân tạo này để tiếp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu trong bất kỳ cuộc xung đột nào là một khả năng, một số chuyên gia nêu bật những lợi ích phi quân sự đáng kể. TC có thể giúp các đội tàu đánh cá và cảnh sát biển của mình làm việc trong khu vực Đông Nam Á có hiệu quả hơn, theo ông Carl Thayer, một chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia ở Canberra. Những người thăm dò dầu hỏa sẽ được hưởng lợi tương tự. Hãng tin Reuters hồi tháng 7 năm ngoái loan tin chính quyền TC khi đó đang khuyến khích ngư dân ra quần đảo Trường Sa, thường xuyên cung cấp những khoản trợ cấp nhiên liệu để giúp đỡ. Trước khi cải tạo đất, những cơ sở của TC chỉ là những tòa nhà thấp lè tè và những vòm radar được xây dựng trên những mỏm đá, với bến cập tàu và cơ sở lưu trữ hạn chế, trái ngược với những hòn đảo tự nhiên do Đài Loan và Philippines chiếm đóng. “Ngay cả trước khi xét tới những vấn đề quân sự, việc mở rộng những đội tàu đánh cá và cảnh sát biển của TC sẽ là một sự dịch chuyển chiến lược mà sẽ rất khó cho bất cứ ai ngăn chặn,” ông Thayer nói. “Rồi sau đó lực lượng hải quân dần dần xuất hiện.” Ông Thayer ghi nhận rằng dù không có tuyên bố chủ quyền hợp pháp nào có thể được mở rộng từ một hòn đảo nhân tạo, TC thực tế sẽ có hành động buộc các nước tranh chấp rời khỏi vùng biển xung quanh. Các nhà phân tích chiến lược của TC cho biết nỗ lực tăng cường sự hiện diện đã được thúc đẩy bởi điều Bắc Kinh coi là những mối đe dọa an ninh, đặc biệt là sự cần thiết phải kiềm chế Việt Nam, nước kiểm soát nhiều đảo nhất trong quần đảo Trường Sa tính tới nay, với 25 căn cứ trên các bãi ngầm và bãi đá. CSVN cũng đang âm thầm xây dựng hạm đội tàu ngầm của mình chống lại TC. Hai nước láng giềng do Đảng Cộng sản cai trị đã đối đầu trên biển vào năm 1988 khi TC chiếm đảo đầu tiên trong những đảo mà họ kiểm soát ở Trường Sa, bao gồm Bãi đá Chữ Thập, từ tay Việt Nam. Một số tùy viên quân sự khu vực tin rằng TC cuối cùng có thể sử dụng những cơ sở trực thăng trên những đảo mới để điều hành hoạt động chống tàu ngầm. “Việc này có ít ý nghĩa về mặt chính trị và pháp lý hơn là về an ninh, nhìn từ quan điểm của Trung Quốc”, Trương Bảo Huy, một chuyên gia về quốc phòng đại lục tại Đại học Lĩnh Nam của Hong Kong, cho biết. Lỗ hổng chiến lược Gary Li, một nhà phân tích anh ninh độc lập ở Bắc Kinh, cho biết ông tin rằng bất kỳ lợi ích quân sự nào có được từ những hòn đảo mới này sẽ là tương đối nhỏ, do cách xa TC đại lục. “Tôi ngờ là những hoạt động cải tạo này sẽ chỉ có khả năng sử dụng mang tính chiến thuật được bản địa hoá về mặt quân sự,” ông Li nói. Sự thiếu thốn những căn cứ quân sự ở ngoài khơi và những hải cảng thân hữu của TC hiện rõ vào năm ngoái khi những tàu tiếp liệu của hải quân TC tới Australia để tiếp tế cho những tàu chiến giúp tìm kiếm máy bay của Malaysia mất tích ở Ấn Độ Dương. Nhà hoạch định hải quân biết họ sẽ phải trám lỗ hổng chiến lược này để đáp ứng mong muốn của TC có được lực lượng Hải quân hoạt động đầy đủ ở vùng biển nước sâu trước năm 2050. Gần hiện tại hơn, một số nhà phân tích nói họ tin rằng những hòn đảo này sẽ cho TC tầm với để tạo ra và kiểm soát một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. TC đã bị Nhật Bản và Mỹ lên án khi áp đặt một vùng nhận dạng phòng không, nơi mà máy bay phải xác minh về mình với chính quyền TC, ở Biển Hoa Đông vào cuối năm 2013. TC đã bác bỏ đồn đoán rằng họ sẽ tiếp tục làm vậy ở Biển Đông. Ông Roilo Golez, một cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines, dự đoán TC sẽ hoàn thành công tác cải tạo đất của mình vào đầu năm tới và công bố vùng nhận dạng phòng không trong vòng ba năm. “Họ đang nối những dấu chấm lại với nhau. Họ đang dốc sức vào việc này,” ông Golez nói.
Nguồn: Reuters