Trung Cộng dời giàn khoan để ngăn CSVN thoát khỏi quỹ đạo

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trung Cộng dời giàn khoan để ngăn CSVN thoát khỏi quỹ đạo

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam bám biển, bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam trước vòng vây của hạm đội tàu Trung Quốc gần vị trí giàn khoan 981 hạ đặt trái phép. Ảnh: Tuoitre News.

Published on July 23, 2014

Việt Nam không làm gì không có nghĩa là Trung Quốc sẽ dừng lại, bởi tham vọng của Bắc Kinh bành trướng lãnh thổ, cướp tài nguyên ở Biển Đông không hề thay đổi.

The Diplomat ngày 22/7 đăng bài phân tích của giáo sư Carl Thayer từ học viện Quốc phòng Úc bình luận 4 lý do Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan 981 sớm hơn so với dự kiến đã tiết lộ ý định thực sự của Bắc Kinh. Ngày 15/7 Trung Quốc tuyên bố giàn khoan 981 đã hoàn thành cái gọi là các hoạt động thăm dò thương mại (bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam – PV) và sẽ được kéo trở lại đảo Hải Nam.

Thông tin này lập tức đã làm lu mờ việc cùng ngày Bắc Kinh công bố thả 13 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trước đó. 2 động thái này chỉ đến một sự thay đổi chiến thuật trong chính sách của Trung Quốc từ các cuộc đối đầu trên biển cho đến đối thoại ngoại giao và chính trị.

Quyết định của Trung Quốc di dời giàn khoan 981 đã kết thúc cuộc đối đầu trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc một cách nhanh chóng như khi nó bắt đầu. Giai đoạn hiện nay đang đặt ra cơ hội cho các cuộc đàm phán cấp cao giữa Trung Quốc và Việt Nam về việc làm thế nào để cải thiện quan hệ.

Chấm dứt (cái gọi là) hoạt động thương mại bình thường

Các quan chức ngành công nghiệp dầu khí Trung Quốc đưa ra 2 cách giải thích cho việc chấm dứt hoạt động của giàn khoan 981 (trong vùng biển Việt Nam) và kéo về đảo Hải Nam. Thứ nhất theo họ các hoạt động thăm dò dầu khí (trái phép) đã triển khai thuận lợi và phát hiện có dầu. Thứ 2, họ cần có thời gian đánh giá dữ liệu địa chất, phân tích thông tin để có bước đi (leo thang) tiếp theo.

Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải (tức Biển Đông) do Trung Quốc lập ra cho rằng, kế hoạch ban đầu của giàn khoan 981 là “mất thời gian hơn mức cần thiết”.

Trước khi Trung Quốc kéo giàn khoan 981 ra vùng biển này, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ đã đưa ra báo cáo đánh giá năm 2013 cho rằng khu vực trên không có tiềm năng đáng kể về các loại hydrocacbon thông thường. Tuy nhiên, Khang Lâm, một học giả từ Viện Nghiên cứu Nam Hải khẳng định rằng kết quả thăm dò (trái phép) của giàn khoan 981 cho thấy nguồn năng lượng dự trữ ở đây “có giá trị thương mại khổng lồ” đã được phát hiện.

Bão Rammasun và an toàn là trên hết

Một bản tin trên Tân hoa Xã ngày 16/7 cung cấp lời giải thích thứ 2, Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan 981 để tránh thiệt hại do bão Rammasun có thể gây ra. Bài báo dẫn lời 1 nhà địa chất từ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho biết, chương trình hoạt động của giàn khoan 981 đã tính đến các biến động địa chất, các vấn đề kỹ thuật và các cơn bão. Tân Hoa Xã kết luận, vì lý do an toàn, hoạt động thử nghiệm đã không được sắp xếp ngay lập tức bởi tháng 7 là bắt đầu mùa mưa bão”.

Các nhà phân tích tỏ ra mâu thuẫn trước thông tin này bởi trước đó các quan chức Trung Quốc tuyên truyền rằng giàn khoan 981 có thể chịu được các cơn bão rất lớn. Nhưng cũng có người cho biết nó đã được sửa chữa năm 2013 và có thể không có khả năng chịu được bão mạnh.

Điều mà hầu hết các nhà bình luận đã bỏ qua là cơn bão Rammasun là mối đe dọa cho hạm đội tàu bảo vệ hơn 100 chiếc của Trung Quốc hơn là giàn khoan 981. Các quan chức Trung Quốc rõ ràng đã quyết định thận trọng để dịch chuyển giàn khoan cho các tàu thuyền hộ tống phân tán tìm nơi tránh bão, giáo sư Carl Thayer nhận định.

Áp lực chính trị và ngoại giao từ Mỹ

Bonnie Glasser, một nhà phân tích Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược – quốc tế (CSIS) từ Washington nói với The New York Times, bà không loại trừ khả năng Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan 981 như một cách xoa dịu căng thẳng với Việt Nam.

Các nhà phân tích khác tập trung vào áp lực của Hoa Kỳ. Họ trích dẫn các tuyên bố của Washington trong Đối thoại Chiến lược – kinh tế cũng như một nghị quyết của Thượng viện Mỹ hôm 10/7 kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan và hạm đội tàu hộ tống. Phát biểu của Phó trrợ lý Ngoại trưởng Mỹ Michael Fuchs kêu gọi đóng băng các hành động khiêu khích hôm 11/7 và một cuộc điện đàm Obama-Tập Cận Bình hôm 14/7 cũng là những tác nhân quan trọng.

Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhanh chóng bác bỏ ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài. Hồng Lỗi cho rằng việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan 981 là vì nó đã hoàn thành kế hoạch sớm hơn dự kiến.

Ngăn chặn Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc

Lý do thứ 4 nổi lên như một nguyên nhân có thể giải thích cho hành động rút giàn khoan 981 của Trung Quốc theo giáo sư Carl Thayer là Bắc Kinh muốn ngăn chặn mối quan hệ với láng giềng tồi tệ đến mức Việt Nam không chỉ quyết định sử dụng hành động pháp lý chống lại (các hành động gây hấn, vi phạm luật pháp quốc tế của) Trung Quốc mà còn đẩy Việt Nam tới chỗ gắn kết chặt chẽ với Hoa Kỳ.

Ngay sau khi cuộc khủng hoảng 981 nổ ra, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thực hiện 1 chính sách ngoại giao hòa giải. Việt Nam yêu cầu kích hoạt ngay lập tức các đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước. Khi điều này bị từ chối, Việt Nam đã cử đặc phái viên sang Trung Quốc yêu cầu đối thoại.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Đối thoại Shangri-la, Việt Nam đã thực hiện ít nhất 30 lần nỗ lực để đối thoại với Trung Quốc, nhưng đến 31/5, tức 1 tháng kể từ khi bắt đầu khủng hoảng, Bắc Kinh vẫn không trả lời.

Ngày 21/5, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm “chưa từng có” với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry để thảo luận về căng thẳng trên Biển Đông và các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt – Mỹ.

Hôm 18/6, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc sang Việt Nam dự đối thoại thường niên của Ủy ban Hỗn hợp chỉ đạo quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Mặc dù cuộc họp được tổ chức không phải để thảo luận về Biển Đông nhưng khủng hoảng giàn khoan 981 đã chi phối cuộc họp. Dương Khiết Trì đã “cảnh báo” Việt Nam không thực hiện hành động pháp lý chống lại (hành vi gây hấn, bành trướng của) Trung Quốc vì lợi ích cải thiện quan hệ song phương.

Giáo sư Carl Thayer cho biết, trong khi các nhà ngoại giao Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu lắng nghe lẫn nhau, lãnh đạo Việt Nam đồng ý triệu tập một cuộc họp đặc biệt về Biển Đông và vấn đề khởi kiện Trung Quốc. Với những đồng thuận cao trong Đảng và toàn xã hội, giáo sư Carl Thayer cho rằng đã xuất hiện khả năng Trung ương không chỉ chấp thuận bảo vệ chủ quyền bằng hành động pháp lý, mà còn thông qua các bước để gắn kết chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự kiến sẽ thăm Washington vào tháng 9 tới.

Việt Nam hiện nay phải đối mặt với một số khó khăn, đó là khả năng Trung Quốc sẽ kéo giàn khoan và hạm đội tàu hộ tống quay trở lại. Thậm chí nếu quyết định khởi kiện, Bắc Kinh sẽ áp đặt các “đòn trừng phạt”. Tuy nhiên, Việt Nam không làm gì không có nghĩa là Trung Quốc sẽ dừng lại, bởi tham vọng của Bắc Kinh bành trướng lãnh thổ, cướp tài nguyên ở Biển Đông không hề thay đổi. Tiếp tục nghe ngóng hoặc không làm gì sẽ chỉ càng đẩy Việt Nam vào thế bất lợi hơn mà thôi.

Theo Giáo Dục