Trung Quốc đang trên bờ vực của “Thay đổi triều đại”
Nguỵ Kinh Sinh – Lê Minh Nguyên dịch
Giới thiệu: Ngày 10/9/2018 đài RFA tiếng Quang Thoại, mục “Quan điểm” phỏng vấn ông Nguỵ Kinh Sinh, Phần 2, chủ đề Trung Quốc đang trên bờ vực của “Thay đổi triều đại”. Nội dung như dưới đây.
Điều hợp viên RFA: Xin chào quý vị khán thính giả. Chúng tôi trong chương trình Quan điểm của Đài phát thanh Á Châu Tự Do. Tôi là Tang Qiwei, nữ điều hợp viên của chương trình này. Chương trình quan điểm hôm nay một lần nữa mời nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Nguỵ Kinh Sinh. Ông Wei luôn phản đối “cách tiếp cận phi bạo lực, thuần lý và ôn hoà” (peaceful, rational, and non-violent approach) ở Trung Quốc, mà Nobel Lưu Hiểu Ba chủ trương. Như vậy lý do cho sự phản đối của ông Ngụy là gì? Theo quan điểm của ông Nguỵ, bầu không khí hiện tại ở TQ tương đương với bầu không khí cổ thời của TQ về thay đổi triều đại. Tại sao ông nói thế? Tiếp theo đây, chúng ta hãy lắng nghe quan điểm hiện giờ của ông Nguỵ Kinh Sinh.
Phóng viên RFA: Bốn mươi năm đã trôi qua, và Đệ Ngũ Hiện Đại (The Fifth Modernization) – tức hiện đại về dân chủ mà ông theo đuổi cách đây 40 năm đã không được thực hiện ở Trung Quốc. Đồng thời, chế độ Cộng sản đã không sụp đổ như mọi người mong đợi, mà thay vào đó trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ông nhận xét gì về một hiện trạng như vậy?
NKS: Người Mỹ bây giờ cũng đang nhìn lại điều này. Phương Tây, đặc biệt là người Mỹ, đã phạm một sai lầm lớn. Họ đã luôn cảm thấy rằng họ nên ủng hộ chế độ Cộng sản TQ để đối phó với Liên Xô. Đây là chiến lược của Kissinger. Ngoài ra, nhiều học giả phương Tây tin rằng khi nền kinh tế TQ phát triển, chế độ CSTQ sẽ tự nhiên sụp đổ. Nhưng họ không thấy rằng chủ nghĩa tư bản không nhất thiết dẫn tới một xã hội dân chủ. TQ có hệ thống kinh tế thị trường hai nghìn năm tuổi, lâu hơn và phát triển hơn so với phương Tây. Nhưng TQ đã ở trong chế độ quản lý kinh tế thị trường bằng chính trị độc đoán từ thời cổ đại.
Vì vậy, đó là lý do tại sao tôi phải làm một cái gì đó để chống lại chế độ Cộng sản trên các vấn đề kinh tế ngay từ khi tôi ra tù. Chúng ta không nên để cho chế độ có lối thoát kinh tế. Khi các rào cản kinh tế được dỡ bỏ, thì sự cai trị của Cộng sản được dễ dàng hơn. Đương nhiên, mọi người sẽ hài lòng với hoàng đế làm được điều này, đúng không?
Cả chính quyền Bush và chính quyền Obama đều có ý định sửa chửa lại sai lầm này, nhưng họ làm không tới nơi tới chốn. Bây giờ chính quyền Trump đang làm nhiều hơn, vì vậy bạn thấy chính quyền TQ đang gặp rắc rối, không chỉ riêng về kinh tế. Khi nền kinh tế gặp rắc rối, chính trị nội bộ của Đảng Cộng sản cũng rơi vào rắc rối.
RFA: Tôi biết ông luôn phản đối “cách tiếp cận phi bạo lực, thuần lý và ôn hoà” của nhà đoạt giải Nobel Lưu Hiểu Ba?
NKS: Đúng vậy.
RFA: Nhưng tôi nghĩ có rất nhiều người ủng hộ ông Lưu cho rằng nếu không theo cách tiếp cận “phi bạo lực, thuần lý và ôn hoà”, nếu sử dụng bạo lực để thúc đẩy thay đổi ở TQ, thì không có cơ hội nào cả.
NKS: Khi đầu tiên tôi đến đây, các học giả Mỹ cũng đã hỏi tôi câu hỏi này. Câu trả lời của tôi đã làm cho họ nói không nên lời. Tại sao? Tôi nói rằng bạn là người Mỹ. Bạn đã quên lịch sử của Mỹ rồi à? Dân chủ đã được xây dựng như thế nào ở Mỹ? Không phải nó được xây dựng bằng bạo lực à? Không phải nó được thành lập sau khi lật đổ được sự cai trị của các nhà vua? Tất nhiên, lật đổ không nhất thiết có nghĩa là dân chủ có thể được thiết lập. Lịch sử của TQ cho thấy dân chủ chưa bao giờ được thiết lập sau khi một triều đại bị lật đổ.
Khẩu hiệu “phi bạo lực, thuần lý và ôn hoà” được kêu gọi hàng ngày, nhưng bạn có thể thấy trên Internet rằng đại đa số người TQ, bất kể họ ở nước ngoài hay ở bên trong TQ, nghĩ rằng điều đó là sai. Tôi đã phổ biến suy nghĩ của tôi về điều này trong hai mươi năm qua.
Tại sao? Cái lý do tôi nói về nó thì rất đơn giản. “Phi bạo lực, thuần lý và ôn hoà” được nằm trong tiền đề của một xã hội dân chủ, ví dụ, để thảo luận các vấn đề. Dĩ nhiên, chúng ta không nên dùng dao và súng. Mọi người nên hợp lý. Nếu mọi người vẫn không thể đồng ý với nhau được, thì sử dụng phiếu bầu để lấy quyết định cuối cùng. Đúng không? Điều này được gọi là “phi bạo lực, thuần lý và ôn hòa”.
Tuy nhiên, làm sao mà bạn có thể hành xử “phi bạo lực, thuần lý và ôn hoà” chống lại một tên cướp khi hắn chỉa khẩu súng vào bạn? Ngay cả ở Mỹ, xã hội không thể hành xử “phi bạo lực, thuần lý và ôn hòa” với những kẻ tội phạm bạo lực. Nếu không, tại sao họ cần cảnh sát và vệ binh?
RFA: Nhưng người dân TQ không có vũ khí, và áp lực cai trị (đè lên dân) ở TQ quá mạnh.
NKS: Cái gọi là sức mạnh (forces) không nhất thiết có nghĩa là người dân bình thường phải trang bị vũ khí để đạt được mục tiêu của họ.
RFA: Như vậy thì ý nghĩa của bạo lực là gì, theo quan niệm của ông?
NKS: Từ thời cổ đại, các biến cố như Nổi Dậy Đại Trạch (Dazexiang Uprising) vào cuối triều đại nhà Tần, còn được gọi là “Nổi Dậy Trần Thắng và Ngô Quảng” (Chen Sheng & Wu Guang Uprising) họ chỉ có tầm vông vạt nhọn, phải không? Nổi dậy có thể xảy ra chống lại quân đội với áo giáp và vũ khí tốt.
Hơn nữa, trong lịch sử, cái gọi là các cuộc cách mạng bạo lực không phải chỉ được thực hiện bởi những người dân bình thường, mà còn từ một số người trong nhóm cầm quyền đứng ra làm. Một số nguời trong họ cạnh tranh để trở thành hoàng đế mới. Một số khác chỉ vì không thể chịu nổi và phải chiến đấu, trong đó bao gồm các cuộc đảo chính dân sự, đảo chính quân sự, và đảo chính cung đình v.v..
Tất cả đều là những cuộc cách mạng bạo lực. Đặc biệt, vì chế độ cộng sản là chế độ bạo lực, cho nên khả năng lật đổ nó lớn nhất sẽ là sử dụng các phương tiện bạo lực. Chế độ CS khó có thể tự thay đổi. Chế độ CSTQ về cơ bản hoàn toàn dựa vào bạo lực và dĩ nhiên, tẩy não. Nó là một chế độ độc tài; một chế độ cực kỳ độc tài. Nếu bạn đương đầu với nó, và bạn nói rằng tôi có thể thành công bằng cách phản đối ôn hòa, thì không có tiền lệ như vậy.
RFA: Thời gian dẫn đến vụ thảm sát ngày 4 tháng 6 năm 1989 (Thiên An Môn) là thời kỳ cao điểm của phong trào dân chủ Trung Quốc?
NKS: Vâng.
RFA: Vậy thì theo ông, tại sao sau năm 1989, không có bất kỳ một phong trào dân chủ nào tương tự và vững mạnh ở TQ?
NKS: 10 năm đầu tiên sau năm 1989 rất là quan trọng. Trong giai đoạn từ 1989 đến 1999, bầu không khí của phong trào dân chủ ở TQ và hải ngoại vẫn rất mạnh và có nhiều hoạt động. Vào thời điểm đó, tất cả các tầng lớp, bao gồm cả tầng lớp trung lưu và tầng lớp trí thức, rõ ràng là đang nghiêng về dân chủ. Vì thế tại sao tôi nói ở thời điểm đó, điều quan trọng là chống lại, không cho TQ được hưởng quy chế thuờng trực của Tối Huệ Quốc (Most-Favored-Nation) và không để TQ gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới?
Mấu chốt là trong thời kỳ Giang Trạch Dân. Giang Trạch Dân đã đóng góp rất lớn cho chế độ Cộng sản. Kể từ thời điểm đó, nền kinh tế đã tiến nhanh trên sự phát triển. Giang Trạch Dân đã có một chính sách được gọi là “sự kết hợp của ba đại diện” để đem các nhà trí thức, bao gồm cả các doanh nhân, vào Đảng CS. Sau khi trở thành nhóm lợi ích, trước hết, những người trí thức này thay đổi; thứ hai, tầng lớp trung lưu thay đổi; thứ ba, tương đối nhiều người bình thường cũng có chút lợi ích với một số vị ngọt nhỏ. Tiền lương của họ cũng tăng lên một chút, và mức thu nhập khá lên một chút. Chút kẹo ngọt này làm giảm nhận thức về phản đối và kháng cự. Vì thế, dưới một môi trường lớn hơn như vậy, nó kéo dài ra được hơn 20 năm sau Giang Trạch Dân, nên tình hình của phong trào dân chủ ở TQ và hải ngoại đã xuống mức nuớc ròng.
Đây là do lý do môi trường, chứ không phải người dân không muốn dân chủ. Trong thực tế, nếu bạn hỏi hầu hết người dân TQ, dĩ nhiên là phải trong riêng tư, bạn sẽ thấy là tất cả họ đều muốn tự do và dân chủ, bao gồm cả những người bên trong Đảng CSTQ. Bây giờ ngay cả các quan chức Cộng sản cũng muốn có một hệ thống pháp lý (độc lập) và một nền dân chủ, nếu không thì sự an toàn cá nhân của họ cũng không thể được đảm bảo.
RFA: Liệu có khả năng nổ hạt nhân (fission) nào trong Đảng Cộng sản không? Sự nổ hạt nhân này không phải là tranh chấp về lợi ích như Tập Cận Bình và Bạc Hy Lai, mà là một sự vỡ ra về đường hướng để đi những lộ trình khác nhau như Đặng Tiểu Bình và Triệu Tử Dương. Có khả năng như vậy không? Trong tương lai gần? Theo quan sát của ông.
NKS: Thực ra, Triệu Tử Dương không muốn Đảng Cộng sản sụp đổ. Cuối cùng ông ta đã nhượng bộ Đặng Tiểu Bình, vì thế Đặng Tiểu Bình có thể đưa quân đội vào Bắc Kinh (năm 1989). Triệu nhìn thấy nó tiến theo huớng có thể dẫn đến tình trạng đã xảy ra ở Liên Xô. Lúc bấy giờ tình hình ở TQ cũng đã đạt đến ngưỡng cửa tương tự.
Từ ban đầu, cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng CSTQ đã rất dữ dội, ngay cả khi trước đó. Về mặt kinh tế, người dân TQ không nhận được nhiều lợi ích. Mọi người cũng thấy rõ chiến dịch chống tham nhũng; họ không cả tin vào Đảng Cộng sản và nói rằng Đảng Cộng sản đang sử dụng việc chống tham nhũng để dọn sạch (đối thủ) trong Đảng. Sự dọn sạch trong Đảng này qua chiêu bài chống tham nhũng đã ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều phe trong đảng CS, bao gồm cả việc đe dọa đến an ninh cá nhân của họ. Do đó, sức kháng cự bên trong Đảng Cộng sản đã trở nên rất mạnh mẽ.
Tập Cận Bình rất ngu ngốc, ông ta đã hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ. Ngay thời điểm này, ông cũng kiên quyết chiến đấu một cuộc chiến thương mại với Mỹ. Đó không phải là một quyết định hoàn toàn sai lầm hay sao? Do đó, lý do chính và ngầm của phía đối lập để lật đổ ông ta trong Đảng CSTQ bây giờ có lẽ là cuộc chiến thương mại. Lý do công khai là hệ thống chức quyền: Tập không nên là hoàng đế.
RFA: Khi tôi trò chuyện với ông, ông có nói về bầu không khí hiện tại ở TQ – nó giống như bầu không khí trong thời cổ đại, ngay trước khi thay đổi một triều đại. Tại sao ông có nhận xét như vậy?
NKS: Theo quy luật về triều đại trong quá khứ, bao gồm cả quy luật ở phương Tây, khi những xung đột xã hội nung nấu đến một mức độ nhất định, và sự chia rẽ của giai cấp cai trị ngày càng nghiêm trọng hơn, thì đã đến lúc thay đổi triều đại.
Trong hoàn cảnh này, nhiều loại khởi nghĩa khác nhau sẽ nổ ra, bao gồm cả đảo chính để thay đổi triều đại, hoặc nông dân khởi nghĩa để thay đổi triều đại. Do vì, sự thay đổi triều đại là con đường tiến về phía trước, khi các xung đột xã hội cần phải được giải quyết chung, nó đặc biệt đáng chú ý là ở TQ. Lý do là bởi vì quyền lực vuơng triều quá mạnh và quá bao trùm, và thậm chí mạnh đến độ kiểm soát tư tuởng của dân chúng.
Thế nên các cuộc xung đột cuối cùng được giải quyết bằng cách loại bỏ lớn và bằng giải pháp lớn. Đó là một sự lật đổ toàn diện và sau đó là một sự tái phối trí toàn diện, chỉ có cách đó mà thôi. Lúc đầu, mọi người đều trông cậy vào Giang Trạch Dân để cải cách, và sau đó họ trông cậy vào Hồ Cẩm Đào để cải cách. Bây giờ họ đang dựa vào Tập Cận Bình để cải cách.
Nhưng 20 năm đã trôi qua, và hầu hết mọi người giờ đây đều hiểu rằng Đảng Cộng sản không thể chủ động cải cách. Thực ra, tôi đã nói từ lâu về những kẻ cầm quyền này, họ ngồi ở những địa vị cao với cả tiền bạc lẫn uy quyền, họ có muốn từ bỏ tất cả những lợi ích và mọi thứ khác, kể cả việc họ có thể tự do giết người và đốt nhà của dân chúng không?
Lần này, theo quan sát của tôi, áp lực của phe đối lập bên trong Đảng Cộng sản cũng đã hình thành và rất mạnh mẽ. Vì vậy, khả năng là Tập Cận Bình có thể hoàn toàn bị tước đoạt quyền lực giống như mô hình Hoa Quốc Phong, chỉ ngồi tượng trưng cho sự lãnh đạo trong hai năm nữa.
RFA: Hoa Quốc Phong đã không hoàn toàn nắm được sức mạnh quân sự trong quá khứ, nhưng Tập Cận Bình nắm được sức mạnh quân sự…
NKS: Không. Ngay cả thời kỳ Mao Trạch Đông, Mao đã không hoàn toàn nắm được quân đội, nhưng chỉ giữ nó được bởi vì các phe phái trong quân đội không dám chống lại Mao. Đó là vì mọi người đều thừa nhận rằng Mao có uy tín rất cao và danh tiếng cao. Làm gì mà Tập Cận Bình có được uy tín đó? Ông ta không có quan hệ huynh đệ chi binh với quân đội và không có người trong quân đội.
RFA: Nếu ông ta không có uy tín này, tại sao ông ta lại dám sửa đổi hiến pháp nhưng không ai dám phản đối ông ta?
NKS: Trường hợp này thường gặp. Ông ta tạo ra một tình huống và sau đó làm cho nó xảy ra. Những người của phe khác không muốn chiến đấu với ông ta một mình vào thời điểm đó. Điều này có thể được gọi là giải quyết một điều không quan trọng bằng cách bỏ phiếu để thông qua.
Nhưng khi ông ta muốn thực hiện nó, mọi người sẽ không chấp nhận. Ngay cả trước khi ông ta trở thành một nhà độc tài, ông ta đã hạ thủ những người khác. Bây giờ khi Tập trở thành nhà độc tài, mọi người sẽ gặp khó khăn hơn. Do đó, sự kháng cự này trong Đảng Cộng sản còn mạnh hơn cả nguời dân bình thường.
RFA: Tôi biết rằng chế độ Cộng sản luôn hoạt động trong chiếc hộp đen, và chúng ta chỉ quan sát kết quả sau khi xong. Ông có thể cho biết các lực lượng nổi loạn nào mạnh nhất trong Đảng Cộng sản không? Ai và phe nào đang đóng vai?
NKS: Tôi nghĩ rằng bây giờ tất cả các phe đều chống lại Tập Cận Bình, bởi vì ông ta đã đe dọa sự an toàn của mọi người, bao gồm cả phe của Vuơng Kỳ Sơn, người từng làm việc chặt chẽ với ông ta. Sau Đại hội Đảng CSTQ lần thứ 19, Vuơng Kỳ Sơn đã trở thành phe đối lập của Tập.
RFA: Tại sao ông nói thế? Có bằng chứng nào không?
NKS: Quyền lực của Vuơng Kỳ Sơn đã bị lấy mất. Trong thực tế, trước Đại Hội 19, các sóng ngầm rất mạnh, khi Vuơng Kỳ Sơn thả bóng thăm dò, nói rằng Tập Cận Bình sẽ bước xuống ở Đại hội 19 và được thay thế bởi một người khác, mà nguời đó tất nhiên sẽ là Vuơng. Tin đồn này đã được phát tán ra bên ngoài kể từ đầu năm 2015, cùng với dư luận được hình thành từ các cán bộ cao cấp. Do đó, cuộc xung đột giữa Vuơng Kỳ Sơn và Tập Cận Bình đã diễn ra trong một thời gian khá dài.
Trong Đại hội 19, vì lý do gì đó, quyền lực thực sự của Vương Kỳ Sơn bị lấy đi. Ông ta đã lên kế hoạch tăng cuờng quyền lực của mình cho dù ông có thay thế Tập Cận Bình trong Đại hội 19 hay không. Ông sẽ không chỉ nắm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng CSTQ, mà còn tất cả các hệ thống lo về chính trị và pháp lý sẽ được hợp nhất dưới cây dù của ông. Tuy nhiên, rõ ràng là Đại hội 19 đã cắt quyền ông, cùng với một số thành viên khác trong thường trực Bộ Chính Trị.
Tất nhiên, sau khi ông ta mất đi những quyền lực này, cuộc xung đột giữa ông ta và Tập Cận Bình có thể được cho là bán công khai. Tất cả các phe khác đều chịu đựng đau khổ với cả hai, Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn. Thực ra, tất cả các phe bây giờ đều là nạn nhân, bao gồm phe của Giang Trạch Dân dù phe này đã giúp Tập Cận Bình lên nắm quyền. Phe Giang là phe lớn nhất và bây giờ cũng chống lại Tập.
RFA: Ông nói rằng địa vị của Tập Cận Bình thực sự không an toàn. Tôi muốn hỏi, nếu vị thế của ông ta không được bảo đảm, ai sẽ thay thế ông ta?
NKS: Tôi chỉ nói nửa chừng. Đầu tiên là tước quyền lực của ông ta và thay thế ông ta.
RFA: Loại bỏ ông ta và thay thế. Ông nghĩ ai có thể thay thế ông ta?
NKS: Thay thế ông ta không là một khả năng cao bởi vì họ không tìm được ai đó có thể thay ông. Vì vậy, tôi phải nói về khả năng thứ hai là khôi phục hệ thống lãnh đạo tập thể cho Đảng Cộng sản, bằng cách lấy đi tất cả các quyền lực độc tài của Tập Cận Bình, và để cho ông ta chỉ là một Tổng bí thư tuợng trưng của Đảng CSTQ.
RFA: Nhưng nếu trở lại với hệ thống lãnh đạo tập thể, nó vẫn còn là một chặng đường dài để thay đổi triều đại như ông đã nói đến.
NKS: Thực ra, bạn nên hiểu theo cách này. Chẳng phải là một số các cuộc đảo chính trong Đảng Cộng sản cũng đã thay đổi triều đại, phải không? Từ triều đại Lưu Thiếu Kỳ đến triều đại Mao Trạch Đông, dĩ nhiên, Mao Trạch Đông đã phá tan một cuộc đảo chính của Lâm Bưu mà nó gần như biến thành triều đại Lâm Bưu, và sau đó trở thành triều đại Đặng Tiểu Bình.
RFA: Nhưng đối với dân chúng TQ nó cũng vẫn vậy. Tất cả các triều đại này đều do Đảng Cộng sản cai trị.
NKS: Đây là cái mà mọi người cho là không thể chấp nhận được. Cái mà người dân chấp nhận nhiều hơn là khả năng thứ ba (cách mạng). Khả năng thứ hai (lãnh đạo tập thể) thì dễ xảy ra nhất, nhưng còn có khả năng thứ ba. Đó là phản lực quá lớn lần này, do mọi người đều nghĩ rằng họ không an toàn dưới bàn tay của Tập Cận Bình hay Vương Kỳ Sơn ở vị trí đó, do đó họ lật đổ hoàn toàn.
Điều hợp viên RFA: Ông Ngụy nói rằng khả năng thứ ba về việc lật đổ Tập Cận Bình có lẽ không thực tế trong tương lai gần. Hiện tại, rất có thể là khả năng thứ hai, có nghĩa là, Tập Cận Bình vẫn giữ vị trí của mình, nhưng quyền quyết định được chuyển qua lãnh đạo tập thể, để nhiều người cùng thảo luận và quyết định. Ông Nguỵ nói rằng một cuộc đảo chính trong chế độ Cộng sản có lẽ là cách ít tốn kém nhất để xây dựng một Trung Quốc dân chủ.