Trung Quốc đang cạn tiền – Lửa đã sém tới lông mày
Quang Nhật – Minh Đăng • 09:44, 20/08/22
Đáp lại tuyên bố “thịnh vượng chung” của chính quyền, giáo sư kinh tế Trung Quốc cảnh báo về tình trạng “nghèo đói chung”. (Ảnh của The Epoch Times)
Nợ ẩn chính quyền địa phương liên tiếp phá kỷ lục, ⅓ chính quyền địa phương Trung Quốc rơi vào căng thẳng tài chính, chờ tiền bù đắp từ trung ương… Nợ địa phương tồi tệ dẫn tới khủng hoảng ngân hàng. Tất cả do vỡ nợ bất động sản và chi tiêu khủng vì ‘zero-covid’. Ông Tập buộc phải hô hào “Thịnh vượng chung” để thu hoạch tài sản cưỡng bức trong khi ông Lý Khắc Cường đưa ra mệnh lệnh hành chính về vấn đề này…
Nợ ẩn chính quyền địa phương Trung Quốc cao kỷ lục
Trong 10 tháng năm 2021, quy mô phát hành nợ mới của các chính quyền địa phương đã vượt qua 6,48 nghìn tỷ nhân dân tệ (CNY), cao hơn mức 6,44 nghìn tỷ CNY phát hành nợ trong cả năm 2020. Vay nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc đã chính thức thiết lập một kỷ lục lịch sử mới, theo Secret China.
Từ tháng 9 năm ngoái, một thống kê của Goldman Sachs Group Inc., cho thấy nợ ẩn của chính quyền địa phương Trung Quốc đã tăng lên hơn một nửa quy mô nền kinh tế nước này. Báo cáo của Goldman Sachs cho biết tổng nợ trái phiếu chính quyền địa phương (LGFV) đã tăng từ mức 16 nghìn tỷ CNY vào năm 2013 lên khoảng 53 nghìn tỷ CNY (8,2 nghìn tỷ USD) vào cuối năm ngoái. Con số này bằng khoảng 52% tổng sản phẩm quốc nội và lớn hơn số dư nợ chính thức của chính phủ.
Nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc luôn là “hộp đen” với chính quyền trung ương và Ngân hàng trung ương (PBOC). Vấn đề ở chỗ, chính quyền địa phương bất lực với việc giải quyết nợ vì nguồn thu chính là bán đất để trả nợ đã bị chặn lại vì không có giao dịch nữa… trong khi chi cho ‘zero covid’ đang gặm nhấm tới tận xương hầu bao của các chính quyền địa phương.
Để bù đắp khoảng trống tài trợ do doanh thu bán đất thu hẹp lại, Goldman khuyến nghị chính phủ tăng hạn ngạch trái phiếu từ mức 3,65 nghìn tỷ CNY của năm nay lên hơn 500 tỷ CNY cho năm 2022. Tập đoàn tài chính này dựa trên 2 ngàn phương tiện nợ địa phương thu thập được để tính toán, đưa ra kết luận như sau:
- Nợ phải trả của các phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, và các tập đoàn công nghiệp – ba ngành này chiếm gần 40% tổng số nợ LGFV
- Giang Tô đứng đầu tất cả các tỉnh về quy mô vay với khoảng 8 nghìn tỷ CNY vào năm 2020
- Khoảng 60% trái phiếu do các nền tảng địa phương phát hành được sử dụng để trả nợ đáo hạn trong giai đoạn 2020-2021, thay vì đầu tư mới.
Nợ chính quyền địa phương ở Trung Quốc tồi tệ đến mức, từ cuối năm 2021, truyền thông dòng chính của Bắc Kinh đã đưa tin một số địa phương nợ lương công chức, viên chức thực thi dịch vụ công nhiều tháng không trả. Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, vì 8 tháng không nhận được lương, các tài xế xe bus ở thành phố Bình Đỉnh Sơn, tỉnh Hà Nam đã đình công hồi tháng 11/2021. Vấn đề này được cho là do tình trạng tài chính ở nhiều địa phương Trung Quốc có thể đã cạn kiệt.
Theo quy định do Quốc vụ viện Trung Quốc đưa ra vào năm 2016, các chính quyền địa phương có gánh nặng lãi vay (tức là khoản lãi vay phải trả) vượt quá 10% thu ngân sách thì chính quyền đó phải thực hiện các kế hoạch củng cố tài khóa. S&P Global ước tính rằng từ 10% đến 30% trong số khoảng 300 đơn vị hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc sẽ vượt ngưỡng này vào cuối năm 2022, tăng từ mức dưới 5% vào năm 2020, theo Nikkei Asian.
Do chính quyền địa phương thiếu tiền, vào tháng 12/2021, có thông tin rằng công chức ở Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông, Phúc Kiến và Thượng Hải liên tiếp nhận được thông báo giảm lương, mức giảm từ 20 đến 30%. (Ảnh: Getty Images)
Chính quyền địa phương chịu phần lớn gánh nặng tài chính của chính sách không COVID của chính quyền trung ương. Ví dụ, Bắc Kinh yêu cầu bằng chứng về kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước đó để vào các nhà hàng và địa điểm công cộng, và thành phố sẽ đài thọ chi phí xét nghiệm miễn phí cho người dân.
Công ty môi giới Trung Quốc Soochow Securities ước tính rằng việc xét nghiệm Covid hàng loạt thường xuyên ở tất cả các thành phố lớn nhất của Trung Quốc, chẳng hạn như Bắc Kinh và Thượng Hải, có thể tiêu tốn tới 1,7 nghìn tỷ CNY (khoảng 252 tỷ USD) mỗi năm.
Bất động sản sụp đổ, tài chính địa phương sụp đổ, ngân hàng sụp đổ
Để hiểu vì sao nợ địa phương ở Trung Quốc lại là vấn đề lớn và tác động tiêu cực thế nào tới sự đổ vỡ ngân hàng cũng như mối liên hệ với thị trường bất động sản, chúng ta cần hiểu về thể chế chính trị và luật pháp của quốc gia này.
Trung Quốc là quốc gia chạy theo thành tích tăng trưởng, địa phương nào tăng trưởng cao thì sẽ làm vừa lòng trung ương, lãnh đạo của địa phương đó sẽ nhanh chóng được thăng cấp và ưu ái.
Ngược trở lại, trung ương cũng tạo điều kiện cho quan chức địa phương có cơ hội để thúc tăng trưởng. Luật Ngân sách 2015 của Trung Quốc cho phép toàn bộ nguồn thu từ đất đai được để lại cho địa phương chi tiêu, tái đầu tư hạ tầng. Ngoài ra, địa phương được phép phát hành trái phiếu địa phương đặc biệt để có tiền đầu tư vào các dự án cụ thể của địa phương (một kiểu tài chính cấu trúc, vốn có chuẩn mực an toàn thấp hơn nhiều so với nợ tiêu chuẩn). Vấn đề ở chỗ, toàn bộ trái phiếu đặc biệt do địa phương phát hành không cần báo cáo lên Trung ương và không được hạch toán vào nợ chính quyền của Trung Quốc. Dĩ nhiên, cách hạch toán ‘sáng tạo’ được thừa nhận bởi Luật Ngân sách của Trung Quốc hoàn toàn khác với chuẩn mực, thông lệ quốc tế về thống kê nợ chính quyền.
Trong khi đó, do thể chế độc đảng kiểm soát, toàn bộ các ngân hàng địa phương lại nằm dưới quyền chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Vì thế, khi chính quyền địa phương phát hành nợ, các ngân hàng địa phương sẽ dùng tiền huy động từ dân cư để mua nợ chính quyền địa phương. Địa phương sẽ tổ chức đấu thầu, bán đất cho doanh nghiệp phát triển bất động sản địa phương. Các doanh nghiệp này cũng vay tiền từ ngân hàng địa phương (thậm chí dưới áp lực của chính quyền địa phương, không thể không cho vay) để triển khai dự án đã trúng thầu, trả tiền cho chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương lấy tiền này trả nợ ngân hàng địa phương.
Một nhân viên ngân hàng đếm tờ 50 nhân dân tệ mới bằng máy đếm tiền tại quầy ngân hàng ở Hàng Châu, nằm ở tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc vào ngày 30/08/2019. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)
Do đó, khi bất động sản không thể bán được, giá giảm mạnh, thì doanh nghiệp không có tiền trả ngân hàng, địa phương cũng không thu được tiền từ cả chính quyền và doanh nghiệp phát triển BĐS, ví dụ như Evergrande. Đây chính là lý do vì sao các chính quyền địa phương đang kêu gọi công chức, dân cư mua nhà.
Trong nhiều tháng gần đây, Bắc Kinh lao đao với những cuộc biểu tình của người dân ở các ngân hàng tỉnh Hà Nam vì không thể rút hoặc chuyển tiền gửi của họ. Người gửi tiền xếp hàng dài trước ngân hàng lớn như Bank of China, thành phố Thâm Quyến từ 6 giờ sáng để rút tiền…
Khủng hoảng thanh khoản, cạn tiền ở các ngân hàng Trung Quốc đã và đang leo thang từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ ngân hàng địa phương nhỏ sang ngân hàng lớn… Như thường lệ, Trung Quốc khiến thế giới sốc khi sử dụng công an ngầm, vũ lực đàn áp người biểu tình, dùng chính sách phong toả, cấm di chuyển và theo dõi từ ứng dụng ‘chống covid’ để cấm người gửi tiền ra khỏi nhà của họ.
‘Lửa sém tới lông mày’ ở Bắc Kinh
Theo số liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc, khoản thanh toán chuyển tiền từ chính quyền trung ương đến các chính quyền địa phương vào năm 2022 dự kiến là gần 9,8 nghìn tỷ CNY (tương đương với 33,7 triệu tỷ VNĐ), quy mô lớn nhất trong lịch sử là 1,5 nghìn tỷ CNY(tương đương với 5,15 triệu tỷ VNĐ), tăng 18%, mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây.
Điểm lại số liệu của năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lưu Côn cho biết doanh thu tài chính trung ương vượt quá 9 nghìn tỷ CNY (tương đương 31,3 triệu tỷ VNĐ). Tính toán số liệu một cách đơn giản, chưa kể đến số liệu của những năm trước, chính quyền Bắc Kinh không chỉ phải chi 100% số tiền thu được của năm trước và còn sẽ phải bù thêm một lượng khoảng 0.8 nghìn tỷ CNY để trang trải ngân sách công năm 2022. Nhưng bên cạnh đó, nhà nước còn phải chi thêm một số khoản như chi tiêu quốc phòng, giảm thuế suất xuất nhập khẩu nước ngoài, khoản chi hành chính khổng lồ của ĐCSTQ. Chi tiêu cho các cuộc tập trận ở eo biển Đài Loan cũng chiếm một phần kha khá trong ngân sách chính phủ.
Để chứng thực thêm giả thiết chính quyền Bắc Kinh đã cạn tiền này, ngày 16/08, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tổ chức một cuộc họp tại Thâm Quyến yêu cầu 4 tỉnh miền Đông hoàn thành nhiệm vụ thu giao tài chính trung ương. Điều này cho thấy hiện nay chính phủ Trung Quốc đang rất cần tiền để vận hành.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu trên màn hình lớn tại cuộc họp báo video từ Đại lễ đường Nhân dân sau khi bế mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào ngày 28/05/2020 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Andrea Verdelli / Getty Images)
Hệ thống tài chính hiện tại ở Trung Quốc là chính quyền trung ương và địa phương áp dụng hệ thống chia sẻ thuế để phân chia nguồn thu của chính phủ ở tất cả các cấp. Các tỉnh có nền kinh tế phát triển có quy mô thu ngân sách cao và nguồn thu tương ứng của chính quyền trung ương từ đó cũng cao hơn. Tài chính trung ương nhận được gần một nửa tổng thu ngân sách quốc gia (tức là thu ngân sách công nói chung). Nhưng sau đó một phần doanh thu của chính quyền trung ương được phân phối lại cho các tỉnh theo hình thức chuyển khoản, còn các khu vực miền trung và miền tây, đông bắc kinh tế kém phát triển chủ yếu được chính phủ bao cấp.
Sáu tỉnh Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Sơn Đông, Hà Nam và Tứ Xuyên là sáu tỉnh có nền kinh tế lớn chiếm 45% tổng sản lượng kinh tế cả nước và là “trụ cột” phát triển kinh tế đất nước. Trong đó, bốn trong số sáu tỉnh ven biển (Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang và Sơn Đông) đóng góp hơn 60% thu nhập ròng của chính quyền địa phương cho chính quyền trung ương. Đây là nguồn thu tiềm năng có thể hỗ trợ hoàn thành nhiệm vụ xoay chuyển tài chính.
Với tình hình hiện nay, tầm quan trọng của việc tăng cường nguồn thu từ các tỉnh kinh tế trọng yếu là không thể tách rời với việc đảm bảo được hoạt động cơ bản của chính phủ. Tuy nhiên, tình hình tài chính của 4 tỉnh ven biển mà ông Lý Khắc Cường đánh giá cao không mấy lạc quan.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong nửa đầu năm 2022, thu ngân sách công nói chung của Quảng Đông là 673 tỷ CNY (tương đương với 2,3 triệu tỷ VNĐ) , giảm 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái; thu ngân sách công nói chung của Chiết Giang là 498,4 tỷ CNY (tương đương với 1,7 triệu tỷ VNĐ), giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước; Thu ngân sách công của tỉnh Giang Tô là 463,9 CNY (tương đương với 1,6 triệu tỷ VNĐ), giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước theo tiêu chí tự nhiên; thu ngân sách công chung của tỉnh Sơn Đông là 395 tỷ nhân dân tệ (tương đương với 1,4 triệu tỷ VNĐ), giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước theo tiêu chí tự nhiên.
Số liệu ở trên đã chứng minh rằng số tiền cần phải thu cũng năm 2022 sẽ không đủ để chi, nhà nước chỉ có thể tiếp tục thúc đẩy nguồn thu và dựa vào số tiền vay nợ từ ngân hàng thương mại mà hiện nay có khả năng cũng đã hết. Hoặc có thể tập trung vào việc bán BĐS trên đất chính phủ.
Không thể dập lửa
Thị trường bất động sản (BĐS) ế ẩm đã khiến các chính quyền địa phương, vốn phụ thuộc vào nguồn thu từ đất đai, gần như cạn tiền. Dường như không gì có thể cứu vãn nổi tình trạng vỡ nợ BĐS hiệu ứng domino đang diễn ra ở Trung Quốc. Chỉ 30 doanh nghiệp BĐS đã vỡ nợ 1.000 tỷ USD. Hàng chục tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp BĐS có nguy cơ vỡ nợ trong nửa cuối năm 2022 vì đến kỳ thanh toán.
Ba trong số năm công ty phát hành hàng đầu — Evergrande, Kaisa Group và Sunac China — đã vỡ nợ trái phiếu USD. Tiếp sau đó lại xuất hiện thêm Nhà phát triển BĐS Shimao Group (Hong Kong) không thể trả khoản thanh toán lãi và gốc của một trái phiếu ra nước ngoài trị giá 1 tỷ USD. Đây là đòn đánh mới nhất vào thị trường BĐS đang lao dốc của Trung Quốc.
Các dự án bất động sản không có người ở thuộc thành phố Ordos, Nội Mông, hôm 12/09/2011. (Ảnh: Mark Ralston/AFP qua Getty Images)
Bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của thị trường BĐS, những nguồn thu nhập từ thuế chứng thư và thuế giá trị gia tăng đất liên quan đến bất động sản cũng bị giảm đáng kể.
Trớ trêu thay, để bình ổn lại thị trường BĐS đang phát triển theo chiều hướng đi xuống, Trung Nam Hải đang kích thích tăng trưởng TQ bằng 4.000 dự án đầu tư công. Đây là một vòng lặp luẩn quẩn bởi vì BĐS đóng góp vào 25% GDP của Trung Quốc, nhưng cũng là khoản nợ chính nằm trong các NHTM; tăng trưởng và đổ vỡ tài chính là những vấn đề Trung Quốc đang phải đối mặt.
Vào ngày 16/08, một video lan truyền trên Internet Deng Bibo, Bí thư Quận ủy Thạch Môn của thành phố Thường Đức, tỉnh Hồ Nam, phát biểu tại lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm và thương mại bất động sản quận Thạch Môn 2022”: “Tôi mong rằng tại buổi gặp mặt hôm nay, các đồng chí và toàn thể Lãnh đạo, đi đầu trong việc mua nhà, mua một căn rồi mua hai căn, mua hai căn rồi ba căn, mua ba căn rồi mua bốn căn”.
Nhưng thị trường có quy luật của nó, người dân đang nghèo đi bởi ‘zero covid’, rủi ro thị trường BĐS thì đang gia tăng, làm cách nào người dân có thể mua nhà chỉ để ‘cứu vớt’ chính quyền tham nhũng mà họ đã bất mãn từ lâu?
‘Thịnh vượng chung’ để thu hoạch cưỡng chế tài sản nhà giàu cứu nợ chính quyền?
Trong bối cảnh tình hình tài chính từ trung ương tới địa phương của Bắc Kinh đang ngày một nguy cấp, tăng trưởng suy giảm mạnh nhất trong 4 thập kỷ qua, ông Tập Cận Bình liên tục nhắc tới sáng kiến ‘Thịnh vượng chung’; vốn là một cách nói mỹ miều nhằm thực thi sứ mệnh: lấy của nhà giàu bù đắp vào nợ chính quyền các cấp.
Điều này khiến tầng lớp thượng lưu của Trung Quốc hoảng sợ và tìm cách chuyển tài sản ra khỏi quốc gia.
Chỉ 2 tuần ngắn ngủi sau lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình, 73 tập đoàn kinh tế hàng đầu Trung Quốc đại lục vội vã cam kết đầu tư vào chương trình “Thịnh vượng chung”. (Ảnh: Lintao Zhang / Getty Images)
Tờ Liên Hợp buổi sáng của Singapore đưa tin, Henley & Partners, một công ty tư vấn đầu tư và di dân ở London, chỉ ra rằng trong năm nay, ước tính có khoảng 10.000 người giàu ở Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội di cư sang các nước khác. Trung bình, mỗi người sẽ mang theo khoảng 4,8 triệu USD (hơn 112 tỷ VNĐ). Do đó, ước tính có tới 48 tỷ USD (hơn 1,12 triệu tỷ VNĐ) tài sản chảy ra khỏi Trung Quốc.
Đường Tĩnh Viễn, một chuyên gia về nền kinh tế Trung Quốc có trụ sở tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng động lực chính đằng sau cuộc di cư là nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm tăng cường sức mạnh kinh tế của mình với chi phí là các doanh nghiệp tư nhân.
Theo các chuyên gia, sự di cư tập trung của các nhóm người giàu rời khỏi Trung Quốc sẽ lấy đi một lượng vốn khá lớn trong một “khoảng thời gian rất ngắn”. Tuy nhiên, việc chuyển tài sản nhanh chóng vào các tài khoản nước ngoài sẽ tác động trực tiếp đến hệ thống ngoại hối của ĐCSTQ trong ngắn hạn – đe dọa đến “chính nền tảng mà hệ thống được xây dựng trên đó”, ông Đường nói.
Ông Đường cũng nói thêm rằng khi “dòng nước sinh hoạt” (tài sản lưu động) tiếp tục đổ ra, thì cơ sở của cải xã hội mà mọi người dựa vào cũng sẽ tiếp tục giảm xuống.
Ông cảnh báo: “Với việc chuyển giao tài sản ồ ạt, cơ hội đầu tư và việc làm cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc đại lục cũng sẽ giảm nhanh chóng và kết quả tất yếu là khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng”.
Về lâu dài, ông Đường dự đoán rằng khi xương sống của Trung Quốc tiếp tục bốc hơi, những người có trình độ học vấn cao hơn và các chuyên gia trẻ sẽ buộc phải tìm những công việc cần nhiều lao động chỉ để kiếm sống – dẫn đến một xã hội sẽ “thiếu sự đổi mới và nguồn lực trí tuệ”.
Khi đó, những người có thể tạo ra việc làm cho những người dân Trung Quốc sẽ chuyển ra nước ngoài sinh sống, những người ở lại sẽ sống trong tình trạng thiếu việc làm, thu nhập hạn chế, không dám chi tiêu, dẫn đến việc không nảy sinh ra các nhu cầu cần thiết để thúc đẩy cho hoạt động cung – sản xuất được diễn ra. Đây là một vòng tuần hoàn ác tính khiến cho tình hình tài chính hiện nay của Trung Quốc đã khó càng thêm khốn.
Quang Nhật – Minh Đăng