Trung Quốc có đánh Việt Nam không?
Hiện đại hóa và tăng cường vũ trang
Published on February 19, 2014
35 năm nay cứ vào dịp 17/2 hàng năm không chỉ người Việt Nam mà người Trung Quốc và thế giới không khỏi phân vân: Liệu Trung Quốc lại đánh Việt Nam (?), nếu có thì bao giờ, khởi chiến từ đâu và như thế nào…(?) Mối lo này sẽ mãi còn đó chừng nào tư tưởng Đại Hán bành trướng vẫn còn, ít nhiều chỉ phụ thuộc vào thế mạnh yếu của nó trong mối tương quan lực lượng mà thôi.
Trong những năm gần đây cùng với một Trung Quốc “đang trỗi dậy” khá thành công thì các mối “họa Trung Hoa” cũng ngày càng tăng lên đối với nhân loại. Đó là sự thật không chỉ trong lĩnh vực an ninh quốc phòng mà cả trong lĩnh vực an ninh lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục, môi trường và sự phát triển nói chung. Chính vì thực tế này mà một tài liệu nghiên cứu của Australia đánh giá Trung Quốc là hiểm họa số một, và Thủ tướng Nhật Bản mới đây ví Trung Quốc như Đức trước thế chiến II. Trên thực địa, các lực lượng quân sự Trung Quốc đang dương oai diễu võ không chỉ trong các vùng biển quốc tế mà còn trong vùng biển, vùng trời của các nước láng giềng từ biển Hoa Đông xuống biển Đông. Tình hình cho thấy giới lãnh đạo hiện thời của nước này đã bỏ qua lời giáo huấn “ẩn mình chờ thời” của ông Đặng Tiểu Bình quá cố và nóng lòng muốn thực hiện tham vọng bá chủ càng sớm càng tốt, trong đó việc trước tiên là độc chiếm biển Đông mà họ trân tráo tuyên bố là “lợi ích cốt lõi”. Để làm điều này họ chọn cách bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp công lý và đạo lý.
Tàu cá Trung Quốc dàn hàng ngang với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang
Trong bối cảnh nêu trên tình hình quan hệ Việt-Trung diễn biến hết sức phức tạp và căng thẳng trong nhiều năm nay. Có lẽ không một quốc gia nào giữa thời bình lại đem ra trưng cầu dân ý xem có nên đánh nước nọ nước kia…và đánh như thế nào. Vậy mà người Trung Quốc làm điều đó, và họ nói kết quả cho thấy có tới 80% dân chúng cùng vang “Việt Nam”, vì (cũng theo họ) Việt Nam yếu kém nhất trong số 5 nước có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông và vì Việt Nam phản bội Trung Quốc… Cổ vũ cho tư tưởng hiếu chiến ngạo mạn này, một tướng Trung Quốc tuyên bố: “Nếu hải quân hai nước Trung-Việt xảy ra chiến tranh tại quần đảo Hoàng Sa hoặc quần đảo Trường Sa, quân đội Việt Nam chỉ có thể chống đỡ, không có sức đánh trả, cuối cùng phải chịu thất bại…” và rằng “Thực lực quốc gia và quân đội hiện nay của Việt Nam căn bản không chịu nổi một trận đánh của Trung Quốc”. Đánh giá Việt Nam yếu kém là vậy, nhưng họ lại tung ra luận điệu “Phải đánh Philipin trước” mặc dù biết rằng đằng sau Philipin có đồng minh Hoa Kỳ mà họ thực sự lo ngại. Trong khi cho công khai tuyên truyền trong dân chúng tư tưởng hiếu chiến kiêu căng hống hách thù địch với Việt Nam, nhưng giới lãnh đạo cấp cao ở Trung Nam Hải lại áp dụng chiến thuật vừa ve vãn vừa đe nẹt không muốn để Việt Nam cải thiện quan hệ với Mỹ, ASEAN và các đối tác quan trọng khác. Họ khéo léo gợi lên luận điệu “hai bên ngầm hiểu” rằng “Anh không đánh tôi, tôi không tham gia” và “Tôi không đánh anh, anh không tham gia”… như thể để hướng dẫn cách ứng xử giữa hai nước vậy (!).
Một cuộc tập trận trên biển của lực lượng hải quân Trung Quốc
Kết hợp những động thái này với thực tế diễn biến tình hình, có thể thấy sở dĩ Bắc Kinh chần chừ chưa khai chiến là do lo ngại sự can thiệp của Mỹ và sự phản ứng khó lường của quốc tế. Nhưng Bắc Kinh cũng tin rằng mối lo ngại đó có thể xảy ra trong trong trường hợp chiến sự kéo dài, tức là nếu đánh nhanh thắng nhanh thì có thể tránh được (!). Tham vọng đã được tuyên bố của Trung Quốc là chiếm trọn biển Đông mà xương sống của nó là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thiếu một trong hai quần đảo này coi như thất bại. Mặt khác, do lo lắng mất cơ hội “thu hồi” các đảo nếu kéo dài tình trạng mà họ cho là “bị nước ngoài chiếm đóng” nên Bắc Kinh có thể phạm sai lầm. Mà hầu hết các cuộc chiến tranh thường là kết cục của một sự sai lầm. Do đó, hoàn toàn chưa thể loại bỏ khả năng một lần nữa lại nổ ra xung đột vũ trang Trung-Việt; chỉ có điều nó sẽ nổ ra lúc nào và quy mô nào. Về câu hỏi này, có thể thấy Bắc Kinh không dại gì dùng chiến tranh tổng lực chỉ để chiếm mấy hòn đảo ngoài khơi. Nhưng Bắc Kinh cũng không chịu chia sẻ với ai cả. Thế trận buộc Việt Nam luôn ở thế phòng thủ, và cách phòng thủ hữu hiệu nhất là phải luôn đề cao cảnh giác trước kẻ thù trên cơ sở đoàn kết toàn dân trên dưới một lòng, dựa vào nội lực đồng thời tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế tập trung vào mục tiêu bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Dù suy diễn theo hướng nào, và mối lo chiến tranh là có thực hay chỉ để phục vụ chiến thuật (của cả Trung Quốc lẫn của các bên liên quan) nhưng không nên quên rằng “dương đông kích tây” vốn là một binh pháp cổ truyền của người Hán. Với binh pháp đó, Bắc Kinh đã đánh chiếm Hoàng Sa từ tay chính quyền Sài Gòn năm 1974 khi lực lượng hải quân của họ chưa hiện đại và có sức mạnh áp đảo như bây giờ. Bắc Kinh cũng đã quyết định đánh Việt Nam qua biên giới phía Bắc năm 1979 với tình trạng trang thiết bị mà tự họ đánh giá lạc hậu so với Việt Nam lúc bấy giờ. Và Bắc Kinh cũng đã cho quân bất ngờ đánh chiếm một số đảo và bãi đá tại Trường Sa của Việt Nam năm 1988 giữa lúc quan hệ hai nước đang bình thường.
Tóm lại, người Trung Quốc có thể làm những điều không bình thường và không theo quy tắc hoặc thông lệ quốc tế để đạt mục đích cốt lõi mà họ tự đề ra cho mình. Đó cũng là một đặc tính nổi bật của người Hán. Lịch sử hình thành quốc gia của họ từ lúc bé bằng hạt ngô thời Hoa Hạ đến khi lớn bằng con gà mái ngày nay được viết bằng máu của hàng trăm cuộc chiến tranh bành trướng lãnh thổ. Họ chỉ phải dừng lại ở nơi họ bị buộc phải dừng lại. Họ không dừng bước trước thái độ quỵ lụy van xin yếu hèn. Sức mạnh của Việt Nam là ở tính chính nghĩa và công luận- điều mà Việt Nam cần chú trọng phát huy, làm cho nhân dân Trung Quốc và thế giới hiểu đúng thực chất vấn đề qua đó ủng hộ Việt Nam. Việc thể hiện thái độ của quần chúng nhân dân không nhất thiết phải răm rắp giống như Chính quyền.
TRẦN KINH NGHỊ
THEO BÁCH VIỆT