Trung Quốc bất ngờ, bối rối trước sự “liên kết phá Trung” của Mỹ và EU

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trung Quốc bất ngờ, bối rối trước sự “liên kết phá Trung” của Mỹ và EU

Soha
Thu Thủy |

Trung Quốc bất ngờ, bối rối trước sự “liên kết phá Trung” của Mỹ và EU
Những thỏa hiệp Mỹ – EU được đưa ra khiến Trung Quốc bất ngờ, bị động ứng phó.

 

Ngày 26/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Jean Juncker đã cùng nhau tuyên bố: quan hệ Mỹ – EU đã bước vào gian đoạn mới, Mỹ đồng ý tạm thời hoãn đánh thuế xe hơi nhập từ EU, EU sẽ gia tăng nhập khẩu đậu tương và khí hóa lỏng của Mỹ; đồng thời hai bên cũng đạt được thỏa thuận bước đầu về gỡ bỏ rào cản mậu dịch về tất cả mọi sản phẩm công nghiệp (trừ xe hơi) giữa hai bên và cùng nỗ lực cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Mỹ bất ngờ ra đòn liên tiếp
Sau khi đạt được “hiệp định đình chiến mậu dịch” này, hai bên lập tức chĩa mũi giáo vào Trung Quốc. Nhà Trắng hôm 26/7 thông báo, EU đã đồng ý liên kết với Mỹ để chống lại vấn đề mậu dịch không công bằng của Trung Quốc. Trung Quốc lập tức bày tỏ sẽ không khuất phục và không chấp nhận những quy tắc mậu dịch mang tính trói buộc; phê phán Mỹ mưu đồ “ma quỷ hóa Trung Quốc”, sẽ dùng cách tăng cường đầu tư xây dựng cơ bản trong nước để hạn chế những ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại.
Theo trang tin Đông Phương, ông Larry Kudlow, Chủ tịch Ủy ban kinh tế quốc gia của Nhà Trắng khi trả lời các nhà báo hôm 26/7 đã nói: “Mỹ và EU sẽ liên minh để đối phó Trung Quốc – kẻ phá hoại thể chế mậu dịch thế giới. Ngài Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Juncker đã bày tỏ rất rõ ràng, sẽ giúp đỡ chúng ta trong vấn đề (đối phó) Trung Quốc”.
Trung Quốc bất ngờ, bối rối trước sự “liên kết phá Trung” của Mỹ và EU - Ảnh 1.
Các ông Donald Trump và Jean Juncker họp báo chung tuyên bố cùng nhau đối phó Trung Quốc
Ông cũng tiết lộ: cùng nhau xử lý hành vi lạm dụng thị trường của Trung Quốc là một phần trong hiệp nghị đạt được giữa Mỹ và EU; EU cũng muốn giúp Mỹ cải cách WTO. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thì nói, nếu Trung Quốc muốn thay đổi thực sự thì Mỹ cũng vui lòng khởi động lại việc đàm phán mậu dịch với họ.
Cùng ngày, Đại diện Thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer khi tham dự cuộc điều trận của Thượng nghị viện đã dự báo: sẽ mất mấy năm để giải quyết vấn đề mậu dịch với Trung Quốc. Ông cáo buộc Trung Quốc nhân cơ hội Mỹ mở cửa kinh tế, sử dụng “chủ nghĩa tư bản nhà nước” để thủ lợi. Ông phủ nhận ý kiến cho rằng phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc là cách làm ngu xuẩn và nói thẳng: tiến hành chiến tranh thương mại để ngăn chặn Trung Quốc đánh cắp kỹ thuật công nghệ Mỹ và lấy đi tương lai của trẻ em Mỹ.
Mỹ cũng đã đưa ngọn lửa chiến tranh thương mại Mỹ – Trung lan sang hội đồng WTO. Đại biểu Mỹ chỉ trích Trung Quốc là nền kinh tế có tư tưởng chủ nghĩa bảo hộ, có tư tưởng coi trọng thương mại nhất thế giới, không thể dung thứ cách làm Chính phủ chủ đạo kinh tế của Trung Quốc gây hại đến mậu dịch và đầu tư.
Bên cạnh đó, ngày 26/7, Hạ viện Mỹ đã thông qua Luật ủy quyền quốc phòng 2019 với tỷ số phiếu 359 phiếu thuận/54 phiếu chống chấp thuận ngân sách quốc phòng 716 tỷ USD với nội dung quản chế chặt đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ và cấm chính phủ Mỹ sử dụng các thiết bị kỹ thuật thông tin mua của Trung Quốc xuất phát từ việc xem xét an ninh quốc gia của Mỹ.
Đặc biệt, cùng ngày 26/7, ông Ted Yoho, Chủ tịch Tiểu ban châu Á – Thái Bình dương, Ủy ban sự vụ ngoại giao Hạ viện Mỹ đã phát biểu trước cuộc hội thảo về Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và vấn đề quốc tế Mỹ (CSIS) tổ chức đã cho rằng: “Quan hệ Mỹ – Trung đã chuyển từ cạnh tranh sang đối đầu” và đề nghị Mỹ cần có lập trường nghiêm khắc hơn, kiên quyết hơn đối với những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, thậm chí chuẩn bị tốt cho việc có thể xảy ra xung đột.
Vị Hạ nghị sĩ Cộng hòa này còn kiến nghị: Mỹ cần thay đổi lập trường giữ trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hiện nay để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Trung Quốc bất ngờ, bối rối trước sự “liên kết phá Trung” của Mỹ và EU - Ảnh 2.
Ông Ted Yoho cho rằng quan hệ Mỹ – Trung đã chuyển từ cạnh tranh sang đối đầu.
 
Trung Quốc bối rối đối phó
Trước những động thái của phía Mỹ, phía Trung Quốc đã phản ứng mạnh trên các diễn đàn. Ông Trương Hướng Thần, đại biểu Trung Quốc tại WTO đã lên tiếng phê phán Mỹ đánh lừa dư luận, định đổ vấy tình hình quan hệ mậu dịch căng thẳng hiện nay là do mô thức kinh tế của Trung Quốc. Ông khẳng định chính sách công nghiệp của Trung Quốc là thực thể kinh tế thị trường tự chủ, trong đó chính sách chỉ đạo, các công ty tự chịu lỗ lãi.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải thì bày tỏ: quan hệ mậu dịch Trung – Mỹ là dựa vào nhau, cùng có lợi và nhấn mạnh trước các thách thức của thế giới hiện nay, Trung Quốc và Mỹ vẫn cùng trên một con thuyền.
Ông khẳng định, bất cứ quốc gia nào cũng không thể thực sự thay đổi được Trung Quốc và cũng đừng nên lấy đó (thay đổi Trung Quốc) là mục tiêu trong chính sách với Trung Quốc. Ông chỉ trích Mỹ gần đây đã làm rất nhiều điều để thay đổi quy tắc quốc tế.
Ngày 27/7, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Mỹ và EU liên kết đối phó Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao  Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Trung Quốc, Mỹ và EU đều là các  thực thể kinh tế chủ yếu và cường quốc mậu dịch trên thế giới. Giữa Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc và EU có quy mô mậu dịch rất lớn, việc tồn tại một số bất đồng và va chạm là điều khó tránh khỏi; mấu chốt là xem xét và giải quyết vấn đề với thái độ như thế nào.
Trung Quốc trước sau chủ trương thông qua đối thoại hiệp thương giải quyết bất đồng và va chạm về mậu dịch trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi; thực thi chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ mậu dịch sẽ không có lối thoát”.
Cảnh Sảng có ý trách móc EU khi nói: lãnh đạo Trung Quốc và EU cách đây ít lâu đã gặp gỡ ở Bắc Kinh. Tuyên bố chung được công bố đã nêu rõ hai bên cùng nhau chống lại chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Trung Quốc cho rằng, các bên liên quan, đặc biệt là những thực thể kinh tế chủ yếu trên thế giới đều cần cùng nhau nỗ lực thúc đẩy xây dựng thể chế kinh tế thế giới kiểu mở cửa.
Tân Hoa xã ngày 27/7 có bài bình luận: “Mỹ – EU tạm ngừng chiến chỉ là kế hoãn binh mà thôi”. Bài báo viết, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch EU Jean Juncker khi gặp gỡ báo chí ở Nhà Trắng, tuyên bố đồng ý thông qua đàm phán hạ thấp các trở ngại mậu dịch giữa hai bên và làm hòa dịu những va chạm mậu dịch, tạm ngừng việc đánh thuế mới đối với hàng hóa của nhau.
Một dạo, những tiếng nói bắt tay hòa bình trong vấn đề kinh tế mậu dịch giữa Mỹ và EU gia tăng; chính phủ Trump có tiền lệ về việc thay đổi bất thường; mọi người khi xem xét hiệp nghị ông ta đạt được với EU cần rất thận trọng, nên coi đó chỉ là cuộc “ngừng bắn” tạm thời chứ không phải là “đình chiến” chính thức.
Trung Quốc bất ngờ, bối rối trước sự “liên kết phá Trung” của Mỹ và EU - Ảnh 3.
Ông Thôi Hồng Kiện cảnh báo Trung Quốc thận trọng trong xử lý quan hệ với EU.
Trong khi đó, học giả nổi tiếng của Trung Quốc, Tiến sĩ Thôi Hồng Kiện, Giám đốc Sở nghiên cứu châu Âu, Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc khi trả lời hãng tin Đa Chiều đã cho rằng: EU đạt được hiệp nghị mậu dịch với Mỹ xuất phát từ việc xem xét lợi ích mậu dịch của họ, không thoát khỏi tình thế bị động; Trung Quốc không nên quá chỉ trích EU; trước cục diện hiệu quả phản kích Mỹ bị suy yếu, cách làm của Trung Quốc bây giờ là cần kết hợp với các chính sách mở rộng cải cách mở cửa toàn diện, nhanh chóng hoàn thành nâng cấp kết cấu ngành nghề, kết cấu kinh tế, giữ nhất trí giữa hành động với đề xướng tự do mậu dịch.
Thôi Hồng Kiện cho rằng, Trung Quốc cần tránh không để xảy ra ảnh hưởng bất lợi về lòng tin chính trị với EU. Cả Trung Quốc và EU đều chống chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ mậu dịch, đừng nên vì sự thay đổi này (ý nói EU ngả về phía Mỹ) mà hoài nghi thành ý của EU.
Trung Quốc và châu Âu trước đây đã đạt được nhiều hiệp nghị liên quan đến các ngành nghề và các công ty khởi nghiệp ngành kỹ thuật mới. Hãy đặt tiêu điểm và sự chú ý trong quan hệ Trung Quốc – EU vào những mặt đó, không nên vướng bận bởi việc EU có “lá mặt lá trái” trong quan hệ với Trung Quốc hay không, điều này chả có ý nghĩa gì.