Trung Cộng: Bài trừ tham nhũng, vũ khí để thâu tóm quyền lực
Ngày 60/06/2014 nguyên phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu, bị khai trừ khỏi đảng vì tội tham nhũng. Lần đầu tiên, chiến dịch chống tham nhũng do chủ tịch Tập Cận Bình đề xướng nhắm vào một quan chức cao cấp bậc nhất của quân đội. Vụ thanh trừng này thể hiện quyết tâm của ông Tập kiểm soát quân đội, củng cố quyền lực ? Phân tích của bà Marie Holzman, chuyên gia Pháp về Trung Quốc đương đại.
|
RFI: Kính chào bà Marie Holzman, cảm ơn bà tham gia chương trình của RFI Việt ngữ. Câu hỏi đầu tiên, bà nghĩ gì về vụ phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, Từ Tài Hậu vừa bị thất sủng?
«Thật khó để trả lời cầu hỏi này. Nhưng chúng ta biết rằng đây là lần đầu tiên kể từ khi chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, Trung Quốc mới lại khai trừ một vị tướng cao cấp như vậy. Quân đội luôn được đảng che chở và không dễ dàng tấn công vào guồng máy quân đội Trung Quốc. Lại càng không nên chĩa mũi dùi vào phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, tức là nhân vật số 2 trong quân đội. Thượng tướng Từ Tài Hậu vốn là người thân cận của cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình».
RFI: Thượng tướng Từ Tài Hậu bị khai trừ khỏi đảng với lý do tham nhũng và đã bị trao cho tòa án quân sự xét xử. Phải chăng việc thanh trừng một người thân cận của cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phản ánh việc ông Tập Cận Bình đang muốn cải tổ guồng máy quân đội, qua đó thâu tóm quyền lực?
«Chúng ta có thể nhìn vấn đề dưới khía cạnh đó. Nhưng thực lòng mà nói, cũng rất khó để phân tích theo hướng vừa đề ra. Đúng là tại Trung Quốc, các phe phái trong nội bộ đảng Cộng sản cầm quyền đang tranh giành quyền lực với nhau. Ông Tập Cận Bình đang sàng lọc, để xóa bỏ hẳn những dấu vết của hai người tiền nhiệm là các ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Ông Tập muốn rảnh tay hành động.
Những nhà phân tích lạc quan nhất tại Bắc Kinh cho rằng, tham nhũng là một vấn nạn xã hội và kinh tế đối với Trung Quốc và hiện tượng đó đã tràn lan đến một mức báo động. Để tiến hành cải tổ chính trị, Bắc Kinh trước hết phải giải quyết được nạn tham nhũng. Số này cho rằng ông Tập Cận Bình đang đi đúng hướng.
Tuy nhiên, một số tín hiệu khác khiến các chuyên gia lo ngại. Thật vậy, chủ tịch Trung Quốc đã thành lập hàng loạt các ủy ban : từ ủy ban đặc trách về kiểm duyệt internet, đến ủy ban tài chính, hay ủy ban an ninh quốc gia … Tất cả nhũng ủy ban được hình thành từ một năm qua đều đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông ta.
Nói cách khác chủ tịch Trung Quốc đang tập trung quyền lực. Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh có khuynh hướng đang siết lại tất cả để kiểm soát đủ mọi lĩnh vực».
RFI: Một số nhà bình luận cho rằng, sở dĩ Tập Cận Bình phải nhanh chóng thâu tóm quyền lực vì ông ta cảm thấy bị đe dọa trên đỉnh cao chót vót của cơ quan quyền lực. Bà nghĩ sao về luận điểm này?
«Câu hỏi đặt ra là phải chăng, ông Tậpcảm thấy căng thẳng trong xã hội đe dọa quyền lực của mình, đe dọa sự ổn định chính trị của đất nước cho nên, đã có một thái độ dứt khoát hơn, mạnh mẽ hơn. Tuy vậy đương kim chủ tịch Trung Quốc là người lời nói không đi đôi với việc làm. Trong quan hệ quốc tế, ông luôn khẳng định Trung Quốc là một nước chủ hòa. Bản thân ông Tập Cận Bình tỏ ra nhã nhặn trong quan hệ với các nước bạn, dù đó chỉ là bề ngoài.
Đối với trong nướ,c ông đã làm một số việc chẳng hạn như xóa bỏ hệ thống các nhà tù lao cải… Nhưng mặt khác Tập Cận Bình lại thay thế vào đó bằng hàng loạt các trung tâm cải huấn khác. Phải chăng ông ta cảm thấy bị đe dọa cho nên không còn chần chờ mà đã đặt mình vào thế tấn công.
Một giả thuyết khác thì cho rằng ông Tập Cận Bình phải tỏ thái độ cứng rắn vì ông là nhà lãnh đạo đầu tiên không bước lên đỉnh cao quyền lực một cách chính đáng như nhưng người tiền nhiệm: Đặng Tiểu Bình thì đã từng theo chân Mao trong cuộc Vạn lý trường chinh. Thế rồi hai người tiền nhiệm của Tập là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều là những người được ông Đặng Tiểu Bình chỉ định để tiếp nối sự nghiệp.
Ông Tập Cận Bình là vị chủ tịch Trung Quốc đầu tiên không được một nhân vật lịch sử nào yểm trở. Ông lên cầm quyền sau một cuộc thương lượng, dàn xếp trong nội bộ mà không ai hay biết là các bên đã đạt những thỏa thuận cụ thể nào với nhau. Không ai biết vì sao ông ta được chọn để lãnh đạo đất nước. Phải chăng, vì nhược điểm đó mà ông Tập Cận Bình có thái độ dứt khoát hơn, quyết đoán hơn những người tiền nhiệm?»
RFI: Dùng lá bài «tham nhũng» để loại các nhân vật thân cận với những cựu lãnh đạo Trung Quốc cos phản ánh hay không lo sợ của ông Tập Cận Bình, nghi ngờ bên quân đội không trung thành với ông ta?
«Trong quá khứ quân đội Trung Quốc đã được cải tổ nhiều lần rồi chứ. Dưới chế độ của ông Giang Trạch Dân, quân đội được khuyến khích tham gia vào các hoạt động kinh tế để làm giàu và họ đã thành công trong mục đích này tới mức mà chính quyền phải hãm bớt những tham vọng trở thành trọc phú của nhiều vị tướng Trung Quốc. Công cuộc cải tổ đó đã diễn ra một cách suôn sẻ, trong khi mọi người cứ tưởng là quân đội sẽ chống cự mạnh mẽ. Tiếp theo đó, Bắc Kinh tiếp tục hiện đại hóa guồng máy quân sự của mình và họ khá thành công trong việc đào tạo các quân nhân, để quân đội trở nên chuyên nghiệp hơn.
Nói tóm lại, quân đội Trung Quốc luôn luôn đi theo đường lối của đảng và khá trung thành với đảng. Ngay cả trong cuộc đọ sức giữa chính quên hiện nay tại Bắc Kinh với một nhân vật sừng sỏ trên sân khấu chính trị Trung Quốc là cựu thành ủy Trùng Khánh, Bạc Hy Lai, quân đội cũng đã tỏ ra trung thành với Bắc Kinh chứ không vùng lên sau vụ ông Bạc bị kết án. Tôi nghĩ là tại Trung Quốc, quân đội luôn trung thành với đảng và chưa bao giờ có âm mưu đảo chính.