Trừng phạt Nga : Châu Âu thức tỉnh hơi muộn

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trừng phạt Nga : Châu Âu thức tỉnh hơi muộn

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chính phủ ở ngoại ô Matxcơva, 30/07/2014

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chính phủ ở ngoại ô Matxcơva, 30/07/2014

REUTERS

Lê Vy
Phương Tây gia tăng trừng phạt Nga là đề tài được các nhật báo ra hôm nay (30/07/2014) bình luận sôi nổi. Libération nhận định, lần đầu tiên kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraina, Châu Âu mạnh tay đưa ra các biện pháp trừng phạt Tổng thống Putin và đánh vào thị trường tài chính, buôn bán vũ khí và chuyển giao công nghệ, như dòng tựa một bài viết : « Trừng phạt Nga : Châu Âu thức tỉnh hơi muộn ».

Trang nhất nhật báo Libération đặt câu hỏi : « Phải làm gì để chống Putin ? », với hình ảnh Tổng thống Putin rất tự đắc bởi vì cho đến nay, các hoạt động trừng phạt phương Tây vẫn chưa phát huy tác dụng.

Xã luận trên Libération nhận định, từ lâu là một đối tác, là thành viên quan trọng của nhóm G8, Tổng thống Putin giờ đây trở thành mục tiêu trừng phạt của nhiều nước do chính sách kích động bạo lực, gây bất ổn, chia rẽ tại Ukraina. Tờ báo đặt câu hỏi, liệu những biện pháp trừng phạt vừa qua có hiệu quả chăng ? Ông Putin vẫn không bị ngăn cản khi sát nhập vùng Crimée vào Nga như một số người Âu Châu từng hy vọng. Ông Putin tiếp tục gây bất ổn cho Ukraina. Ông trang bị vũ khí, tài trợ và kiểm soát phe ly khai thân Nga. Máy bay của hãng Malaysia Airlines bị bắn rơi trên bầu trời miền đông Ukraina bằng một loại tên lửa khá giống với loại hỏa tiễn của Nga. Điều này càng minh chứng cho sự thắng thế của ông Putin trong chính sách của mình.

Trước tình hình này, Hoa Kỳ và Châu Âu phải xét lại chính sách của mình đối với Matxcơva. Đó không phải là đáp trả bạo lực bằng bạo lực, chiến tranh bằng chiến tranh, mà sử dụng đến các chính sách ngoại giao, thương mại và kinh tế. Phương Tây phải cho Matxcơva và giới lãnh đạo Nga thấy cái giá của việc bị cô lập và sự lấn lướt của Nga. Pháp đang rơi vào một tình huống khó xử vì Pháp đang muốn bán tàu chiến cho Nga. Tổng thống Pháp François Hollande sẽ phải thể hiện rõ thái độ của mình với Tổng thống Putin.

Theo Libération, các cường quốc Châu Âu từ lâu chần chừ chưa trừng phạt Nga, như Đức, do e ngại các hậu quả kinh tế khi đối đầu với Matxcơva. Thế nhưng, vụ rơi chuyến bay MH17 làm cho các quốc gia Châu Âu bừng tỉnh và thừa nhận những gì đang xảy ra tại Ukraina là một cuộc chiến tranh, theo nhận định của François Heisbourg, tư vấn gia đặc biệt cho Chủ tịch Cơ quan nghiên cứu chiến lược. Theo một kết quả thăm dò công luận tại Đức, 52% dân Đức tán thành các biện pháp trừng phạt nặng hơn đối với Nga, « thậm chí họ có thể bị mất việc do các biện pháp này ».

Nga bị cả thế giới lên án

Nhật báo Le Monde trích dẫn kết quả xếp hạng của tạp chí Mỹ Forbes vào tháng 10/2013, xếp « ông Putin là nhân vật chính trị quyền lực nhất hành tinh ». Chiến lược ngoại giao của ông Putin trong hồ sơ Syria cũng được ca ngợi. Giới bình luận nhận thấy, ông là một « lãnh đạo hiệu quả », một vận động viên chơi cờ vua xuất sắc, một nguyên thủ quốc gia uy tín luôn mong muốn khôi phục lại sức mạnh cho nước mình.

Tuy nhiên, màn kịch sát nhập Crimée và vụ rơi chuyến bay MH17 đã làm lộ rõ bộ mặt thật của Putin, theo phân tích của tờ Le Monde. Không chỉ có Hoa Kỳ bị xem là kẻ thù truyền kiếp của Nga đòi gia tăng trừng phạt, mà hiện tại, nhiều quốc gia khác cũng tẩy chay Nga. Tờ Le Monde trong hai trang dài phân tích đăng ảnh, người biểu tình tại Úc đòi loại Putin ra khỏi Thuợng đỉnh G20 ở Sydney hôm 19/07/2014.

Nhật Bản cũng thông báo một số hành động trừng phạt mới nhắm vào Nga. Hôm qua, Nga vừa lên án hành động này là « không chút thân thiện và không nghĩ đến hậu quả ». Nga còn chỉ trích « giới chính trị Nhật Bản không có khả năng thi hành chính sách độc lập », tức là luôn theo đuôi Hoa Kỳ. Là đồng minh của Hoa Kỳ, Nhật Bản tiến hành những trừng phạt đầu tiên vào cuối tháng Tư, đặc biệt là cấm visa nhập cảnh của 23 công dân khác.

Tuy bị cả thế giới quay lưng lại, nhưng hiện Nga vẫn rất tự tin. Các biện pháp trừng phạt cũng không làm thay đổi thái độ của Matxcơva, theo nhận định của Le Monde. Ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov phát biểu : « Chúng tôi sẽ vượt qua những khó khăn kinh tế và độc lập hơn ». Qua bộ máy tuyên truyền của chính quyền Matxcơva trên truyền thông, dân chúng Nga ủng hộ chính sách của Tổng thống Putin. Người Nga cho rằng phương Tây cố dồn Nga vào đường cùng để làm cho Nga sụp đổ.