Trung-Nhật gặp gỡ để tránh xung đột vũ trang

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trung-Nhật gặp gỡ để tránh xung đột vũ trang

Quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản quản lý mà Trung Cộng tranh giành chủ quyền, nơi có thể xảy ra xung đột vũ trang giữa hai nước – REUTERS

Theo RFI – Thụy My – 27-10-2014  11:28
Các viên chức Trung Cộng (TC) trong tuần này sẽ gặp gỡ các cựu quan chức quốc phòng Nhật Bản tại Bắc Kinh, để nghiên cứu khả năng tránh né các xung đột trên bộ giữa hai nước. Đơn vị tổ chức là một quỹ tư nhân của Nhật hôm nay 27/10/2014 cho biết như trên, nói rằng mục đích là để xúc tiến hòa bình thế giới.
Các cựu lãnh đạo lực lượng hải quân và không quân Nhật, vào thứ Tư và thứ Năm 30/10 tới sẽ đề cập vấn đề này với các chỉ huy quân sự TC. Tiếp theo hai ngày thảo luận này, sẽ có những cuộc gặp gỡ khác trong những tháng tới tại TC hoặc Nhật Bản, và cho ra một bản báo cáo vào cuối năm. Từ hơn hai năm qua, quan hệ Trung-Nhật lại xấu đi hơn bao giờ hết, do các bất đồng về lịch sử, nhưng nhất là do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông hiện do Tokyo quản lý. Từ khi chính phủ Nhật mua lại ba trong số năm hòn đảo của quần đảo này từ một chủ tư nhân Nhật, những cuộc biểu tình bạo động đã nổ ra tại nhiều thành phố TC, và Bắc Kinh không ngừng gởi tàu bè đến quấy nhiễu. Đến tháng 11/2013, TC đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không bao trùm lên phần lớn Biển Hoa Đông, trong đó có khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong bối cảnh căng thẳng đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe luôn hy vọng một cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Chủ tịch TC Tập Cận Bình vào tháng 11 tới, bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh. Lên nắm quyền gần như cùng thời điểm – ông Abe vào cuối năm 2012 còn Tập vào đầu năm 2013 – nhưng hai lãnh đạo Nhật-Trung chưa bao giờ gặp gỡ song phương. Tân Hoa Xã xác nhận rằng hôm 18/10 Thủ tướng TC Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bắt tay nhau bên lề một diễn đàn kinh tế ở Milan, nhưng vội vã nói thêm là hai người không hội đàm chính thức. Vài giờ trước cái bắt tay này, ba bộ trưởng Nhật đã đến viếng đền Yasukuni, và hôm trước đó khoảng một trăm dân biểu, nghị sĩ Nhật cũng đến viếng ngôi đền vốn bị TC và Hàn Quốc coi là biểu tượng cho chủ nghĩa quân phiệt Nhật.