Trung Hoa là một đế quốc không biên giới! – Nguyễn Hoài Vân

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trung Hoa là một đế quốc không biên giới! – Nguyễn Hoài Vân

Biên giới, trong vùng văn hóa Trung Hoa (cũng như ở nhiều nơi khác?), chỉ là sự thể hiện của một tương quan lực lượng cụ thể. Nguyên tắc luôn là: mạnh lấn, yếu nhường. Đối với chính Trung Quốc, thì còn cần phải quan niệm biên giới thực thục và biên giới tâm lý.

Biên giới thực thụ

đến từ các thỏa ước mà người Trung Hoa luôn xem như chỉ có giá trị giai đoạn, được ký kết tùy theo sự mạnh yếu nhất thời của họ. Sang một giai đoạn khác, với một tương quan lực lượng khác, các thỏa ước ấy nhanh chóng bị xét lại.

Bên cạnh đó, còn một khía cạnh nữa mà các nhà ngoại giao Tây phương đã mất nhiều thời gian để hiểu, là biên giới cũng thường được các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi như công cụ để làm áp lực cho những mục tiêu hoàn toàn không không liên hệ gì đến quan tâm về lãnh thổ. Một thí dụ rất rõ là tranh chấp quanh các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cho đến gần đây. Trung Quốc thường «hâm nóng» tranh chấp ấy mỗi khi có một vấn đề khác làm phiền họ, như vấn đề Campuchia một thời, cũng như các vấn đề Tây Tạng và Đài Loan, khi chúng trở nên căng thẳng, hoặc các tranh chấp về thương mại và mậu dịch. Khi đạt được các nhượng bộ mà họ cần, thì không khí nơi các quần đảo liền trở nên «mát mẻ» trở lại.

Trong phiên bản hiện thời của tranh chấp Biển Đông, thì ngoài những những mục tiêu vừa được trình bày, cuộc tranh chấp ấy còn thể hiện những mâu thuẫn nội bộ của Trung Quốc, như giữa những người quốc gia chủ nghĩa với những người muốn hội nhập tiến trình toàn cầu hóa (qua nguyên tắc giao thiệp “đa phương” vốn được áp dụng cho đến gần đây), giữa thành phần quân nhân và giới thương gia, giữa kỹ nghệ chiến tranh và kỹ nghệ hàng hóa thông dụng (phần nào sống nhờ xuất cảng), v.v…

Biên giới tâm lý,

đối với người Trung Hoa, hoàn toàn khác với biên giới thực thụ. Cần hiểu là trong tiềm thức của người Trung Hoa, Trung Quốc không có biên giới. Từ ngàn xưa, vị nguyên thủ của Trung Quốc luôn quan niệm trách nhiệm của mình được trải rộng khắp «Thiên Hạ», tức đến toàn thể những gì nằm dưới bầu trời! Paris, Los Angeles, hay Melbourne, chỉ là những vùng đất phiên thuộc xa xôi của Thiên Triều, được coi như đang khao khát đón nhận những ân huệ ngọt ngào của văn hóa Trung Hoa…

Các quan niệm về biên giới này giải thích vì sao Trung Quốc có 11 nước lân bang, và… 11 cuộc tranh chấp biên giới !

Chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam nhìn từ phía Trung Quốc:

Không cần bàn đến giai đoạn quân chủ, nếu chỉ xét đến giai đoạn từ khi nước Trung Hoa hiện đại hình thành, thì các nhà lãnh đạo của họ, từ đồng nghiệp Tôn Trung Sơn cho đến các chính quyền Cộng Sản gần đây (như từng được ghi trong sách giáo khoa của trẻ em Trung Quốc), đều coi miền Bắc và Bắc Trung Phần Việt Nam như lãnh thổ của họ, bị mất đi vì các hiệp ước «không công bằng» mà họ đã buộc lòng phải ký kết với thực dân Tây Phương. Vì sao Nam Phần và Nam Trung Phần không bị coi là sở hữu trực tiếp của «Thiên Triều»? Vì các lãnh thổ ấy đã do người Việt Nam đổ xương máu dành được, từ tay người Chàm và Chân Lạp. Quan điểm cố hữu của văn hóa Trung Hoa vẫn là: chính nghĩa của việc sở hữu một lãnh thổ được quy định bởi giá xương máu phải trả để chiếm đoạt lãnh thổ ấy.
Cần nói là những quy định về lãnh thổ này được người Trung Hoa «chấp hành nghiêm chỉnh» ngay cả khi nó bất lợi cho họ. Một thí dụ gần đây là trường hợp người Mãn Châu đã đổ xương máu chiếm toàn lãnh thổ của họ. Nói chung chung, họ đã chấp nhận sự cai trị ngoại lai này, với một mức độ quy thuận và trung thành tương đối tốt. Nhà Thanh, dù là một triều đại ngoại xâm, vẫn được coi như chính thống, thế thiên hành đạo, được quyền sở hữu nước Trung Hoa suốt gần ba thế kỷ, trải dài 13 đời vua. Cho đến khi tương quan lực lượng đổi khác…

Trong bối cảnh của thế giới hiện đại,

Trung Quốc buộc phải hội nhập vào cộng đồng quốc tế được lãnh đạo bởi những luật lệ do người Tây Phương đặt ra. Thật ra, người Trung Hoa chỉ tạm chấp nhận những luật lệ ấy trong điều kiện tương quan lực lượng hiện tại với các nước Tây Phương. Trong tâm thức, hay tiềm thức, của họ, thì những ước lệ về sở hữu lãnh thổ đến từ văn hóa truyền là điều được coi trọng hơn cả.

Với thống Trung Hoa, vẫn những quy định pháp lý được đặt ra bởi người Tây Phương thì, trên nguyên tắc, các quốc gia buộc phải cư xử «bình đẳng» và hợp pháp với nhau về biên giới. Tuy nhiên, mọi pháp lý đều phải được bảo đảm bởi một uy quyền, một sức mạnh, với đầy đủ khả năng ngăn chận và trừng phạt những vi phạm. Điều cần tự hỏi là: sức mạnh ấy từ đâu ra? Ai bảo đảm việc chấp hành công pháp quốc tế?

Mặt khác, lý tưởng của việc giải quyết các vấn đề biên giới là sự thỏa hiệp giữa các thành phần liên hệ, như trường hợp thỏa ước biên giới Việt Hoa được ký kết bởi hai chính quyền được coi như hợp pháp cách đây vài năm. Tuy nhiên điều ấy có đủ để bảo đảm một sự công bằng hay không? Nếu không thì sức mạnh nào, uy quyền nào có khả năng tái lập sự công bằng ấy?

Quyền lợi của Trung Quốc:

Thật ra cần hiểu là ưu tiên sống còn của Trung Quốc hiện nay là tăng cường nhịp độ sản xuất. Điều ấy hoàn toàn mâu thuẫn với một chủ trương bá quyền.

Riêng ở Biển Đông thì quyền lợi thực thụ của Trung Hoa quay quanh hai yếu tố là: giao thông, và khai thác tài nguyên. Giao thông thì từ trước đến nay vốn không có trở ngại. Ngược lại, chính sự tranh chấp đến mức độ nào đó mới gây nên trở ngại. Khai thác tài nguyên, nếu chỉ xét đến lãnh vực dầu khí, thì trước sau gì cũng sẽ thuộc về những liên doanh đa quốc gia. Chủ quyền chỉ đem lại thêm chút lợi tức qua việc thu thuế. Lợi tức này có nhiều hy vọng không bù lại được các chi phí quân sự để chiếm, và giữ, các vùng liên hệ. Các tổ hợp dầu hỏa khai thác những vùng đất hay biển khắp nơi trên thế giới, thường ít khi nào quan tâm đến chủ quyền, mà vẫn thu về những mối lợi to lớn…

Những nhận xét này giúp nhìn tương quan Việt Hoa dưới một góc cạnh thực tế và thuần lý, bên cạnh những quan tâm không kém phần quan trọng về tâm lý và biểu tượng.

Nguyễn Hoài Vân