Trung-Hàn cùng kỷ niệm 70 năm Nhật bại trận: Tokyo phản ứng dữ dội
Nhật Bản hôm nay 04/07/2014 kịch liệt phản đối ý định của hai lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc muốn sang năm cùng tổ chức kỷ niệm sự kiện 70 năm Nhật Bản bại trận năm 1945.
Trong chuyến viếng thăm Seoul, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye hôm qua đã nêu ra ý định trong năm 2015 cùng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm đế quốc Nhật đầu hàng, ngày 15/08/1945. Hôm nay Tập Cận Bình còn nói về «các cuộc chiến man rợ» do «quân phiệt Nhật» tiến hành tại bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm nay cho rằng ý định trên đây «hoàn toàn phản tác dụng đối với hòa bình và hợp tác trong khu vực». Bên cạnh đó, phản ứng trước khả năng hợp tác Trung-Hàn về hồ sơ nô lệ tình dục – liên quan đến việc nhiều phụ nữ Châu Á bị buộc phải phục vụ cho quân đội Nhật thời Đệ nhị Thế chiến – Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida tuyên bố: «Nhật Bản cho rằng không nên xử lý các vấn đề này như là đề tài ngoại giao».
Bắc Kinh vốn đang tranh chấp với Tokyo quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, từ hai năm qua không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để đả kích quá khứ quân phiệt của Nhật Bản, và nhất là từ khi Thủ tướng cánh hữu dân tộc chủ nghĩa Shinzo Abe lên nắm quyền.
Hôm qua 03/07/2017, Trung Quốc bắt đầu công bố các «bản thú tội» của 45 người Nhật bị tòa án quân sự Trung Quốc kết án sau khi chiến tranh kết thúc năm 1954. Trong bản nhận tội đầu tiên, Keiku Suzuki được giới thiệu là Trung tướng chỉ huy trưởng sư đoàn 117 của Nhật, thú nhận đã ra lệnh đốt khoảng 800 căn nhà và giết hại 1.000 nông dân Trung Quốc tại Đường Sơn (Tangshan), Hà Bắc. Số bản cung còn lại sẽ được tiếp tục đăng trên internet trong 45 ngày liên tiếp, nhưng AFP cho biết không thể kiểm tra được tính xác thực của các tài liệu trên.
Còn hôm nay tại trường đại học Seoul, Tập Cận Bình nhắc lại việc «quân đội Nhật tiến hành tấn công man rợ Nhật Bản và Triều Tiên», cho rằng «nhân dân Trung Quốc và Triều Tiên cùng chia sẻ nỗi đau».
Trung Quốc và Hàn Quốc hồi tháng 12/2012 đã phản đối việc ông Abe đi viếng đền Yasukuni ở Tokyo, nơi thờ 2,5 triệu quân nhân Nhật tử trận, nhưng trong đó có cả 14 tội phạm chiến tranh bị phe đồng minh kết án sau khi Nhật thất trận. Bắc Kinh và Seoul cũng thuận tình trước sự kiện hồi tháng Giêng Trung Quốc khánh thành đài tưởng niệm Ahn Jung Geun, người Triều Tiên đã ám sát Thủ tướng Nhật Hirobumi Hito tại nhà ga Cáp Nhĩ Tân (Harbin) ngày 26/10/1909.
Còn trong hiện tại, Bắc Kinh và Seoul lo ngại ra mặt trước quyết định gần đây của Tokyo, muốn xem xét lại Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, để quân đội Nhật có thể tham gia vào các hoạt động ở nước ngoài để giúp đỡ một quốc gia đồng minh cho dù Nhật Bản không bị tấn công trực tiếp.
Nguyên thủ của cả ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều chỉ mới lên cầm quyền không lâu, nhưng cho đến nay Thủ tướng Nhật chưa bao giờ có cuộc gặp thượng đỉnh song phương với Chủ tịch Trung Quốc hay Tổng thống Hàn Quốc.