Trung Đông: Nguồn Gốc Xung Đột Và Triển Vọng Đình Chiến (Phần Bổ Sung)

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trung Đông: Nguồn Gốc Xung Đột Và Triển Vọng Đình Chiến (Phần Bổ Sung)

Nguồn gốc xung đột

Trọng tâm của cuộc xung đột Trung Đông là yêu sách về chủ quyền lãnh thổ nằm giữa Jordan và Địa Trung Hải của cả hai phía Israel và Palestine. 

Israel chiếm đến 78% lãnh thổ và còn lấn chiếm thêm 22% sau cuộc chiến năm 1967. Sau đó, chính quyền cho tái định cư dân chúng trong một chương trình chỉnh trang lãnh thổ quy mô. Palestine mong muốn thành lập một nhà nước riêng trên cùng lãnh thổ.

Ba điểm chính gây tranh cãi giữa hai bên là: 

1) phân định biên giới tương lai giữa Israel và Palestine. Liên quan đến vấn đề này là quyền kiểm soát thuỷ lộ dùng làm tài nguyên và các khu định cư cho người Do Thái trong lãnh thổ bị chiếm đóng; 

(2) tình trạng sử dụng độc quyền thủ đô Jerusalem và 

3) quyền hồi cư của những người Palestine đang sống tị nạn ở các quốc gia láng giềng sau Chiến tranh năm 1967. 

Việc giải quyết vấn đề trở nên khó khăn hơn vì còn có khía cạnh tôn giáo và lịch sử.

Về phía Israel, những người định cư tuyên bố, toàn bộ lãnh thổ được Chúa chu cấp cho riêng họ  và Liên Hiệp Quốc đồng ý, một quyền sở hữu bất khả chuyễn nhượng mang tính thiêng liêng và tinh thần dân tộc. Họ cảm thấy thực thi yêu sách này là đương nhiên hợp pháp và có quyền sách nhiểu và hủy hoại tài sản của cư dân Palestine. Chính phủ Israel mặc nhiên cho phép họ trọn quyền sử dụng mà không quan tâm đến các nguyên tắc pháp quyền hay nhân quyền của dân Palestine.

Về phía Palestine, những người Hồi giáo cực đoan thường trích dẫn Kinh Koran để biện minh cho việc từ chối đàm phán với Israel và luôn kêu gọi thánh chiến để chống lại sự áp bức và chiếm đoạt đất đai Palestine cũ. 

Ở trong Dải Gaza do Hamas kiểm soát, việc phản đối công khai thái độ này là không được chấp nhận, nhưng có bị giới hạn ở phía Tây ngạn nơi do nhóm Fatah cai trị. Dựa vào sự chiếm đóng này, ai lên tiếng chỉ trích phải lo đối mặt với những cáo buộc là không trung thành. 

Nói chung, sự chia rẽ trong nội bộ của Palestine thúc đẩy các xu hướng chống lại ý kiến dân chủ mà chỉ có hành sử độc đoán trong vùng. 

Dải Gaza

Chính quyền Israel khi chiếm đóng Dải Gaza cũng phải trả cái giá của nó. Các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền tại Israel tung ra nhiều chiến dịch làm suy yếu uy tín của họ. Ngược lại, các nhóm ủng hộ chính phủ cũng tìm cách chống lại khi đề cao chính quyền áp dụng luật pháp hạn chế phạm vi hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự. 

Hiện nay, chính quyền Netanyahu theo chủ trương cực hữu, tham nhũng, thiếu hiệu năng, do đó đang có nhiều người cảnh báo về nền dân chủ tại Israel bị khủng hoảng. 

Cuộc xung đột cũng mang một khía cạnh xã hội. Dải Gaza có đông dân Palestine cư ngụ, nhưng tiềm năng kinh tế đã không được khai thác kể từ năm 2007. 

Trong số cư dân có 55% đang sống bằng viện trợ nhân đạo; thất nghiệp ở mức khoảng 40% và cao tới 60% trong số những người 20-24 tuổi, đây là một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Vì chính quyền Palestine không có khả năng chi trả tiền điện đúng hạn và đầy đủ, nên Israel chỉ cấp điện trung bình bốn giờ mỗi ngày. 

Nỗ lực tái thiết trì trệ

Lý do chính cho trở lực này là vật liệu xây dựng và các mặt hàng nhu yếu kinh tế luôn khan hiếm, trong khi các thủ tục cấp phép hàng nhập khẩu của Israel rất giới hạn. 

Sau năm 2017, bang giao giữa Ai Cập và Hamas có nhiều cải thiện, nên bắt đầu có các mặt hàng nhập khẩu từ Ai Cập, nhưng cũng không bù đắp cho sự thiếu hụt do các biện pháp phong tỏa quy mô của Israel gây ra.

Cho đến nay, một nửa số cam kết viện trợ quốc tế sau cuộc chiến Gaza năm 2014 đã được giải ngân. Trong số 11.000 ngôi nhà bị phá hủy, hơn 60% vẫn không thể ở được. Hàng trăm nghìn người tị nạn đang cần Cơ quan Cứu trợ của Liên Hiệp Quốc (UNRWA) trợ giúp. Nhu cầu trợ giúp ngày càng lên cao, khiến cho vượt quá nguồn lực của UNRWA. Cơ quan này hầu như chỉ sống dựa vào các khoản quyên góp quốc tế và lại còn bị cạnh tranh với nhiều cơ quan viện trợ khác đang hoạt động trong cùng khu vực. 

Chính quyền trự trị Palestine (Palestine Autority, PA) sống nhờ cấp viện nhỏ giọt của các nhà tài trợ thuộc các định chế quốc tế kể từ khi có quyền tự chủ từ năm 1994.  Mặc dù được hỗ trợ ngân sách, nhưng cơ quan PA không thể trả lương đầy đủ cho nhân viên. 

Tình hình kinh tế và xã hội tồi tệ của  Palestine là lý do chính dẫn đến việc xung đột nội bộ và với Israel. 

Do đó, phát triển bền vững cho Palestine chỉ có thể thực hiện được nếu Israel giải tỏa các tuyến giao thông ở phía Tây ngạn và mở rộng các cửa khẩu biên giới với Dải Gaza. Trong lúc này, xây dựng một nền kinh tế tự quản ở phía Tây ngạn Gaza không thể đặt ra.

Triển vọng đình chiến

Theo tin mới nhất cho biết, kể từ thứ Hai cho đến nay, có ít nhất 211 người Palestine đã tử vong ở Dải Gaza, trong đó có 59 trẻ em, ngoài ra còn có mười người Israel chết, gồm có hai trẻ em. Gần 42.000 người Palestine phải rời nơi cư trú và tạm thời lánh nạn trong các cơ sở UNRWA của Liên Hiệp Quốc.

Triển vọng đình chiến là khó lường đoán vì phía Israel chưa sẵn sàng để thoả thuận ngừng bắn. Theo Quân đội Israel cho biết, mục tiêu chính của họ là làm suy yếu khả năng tác chiến các nhóm Hamas và Hồi giáo Jihad. Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhấn mạnh, cho đến nay, Israel vẫn chưa đạt được mục tiêu này. Ngoài việc thoả thuận ngưng bằn đã được đính chính, Netanyahu còn cảnh báo là Hamas sẽ còn phải đón nhận các hậu quả thảm khốc khác trong những ngày tới.

Cho dù phía Palestine có đưa ra những tín hiệu có thể tham gia thương thuyêt, nhưng thực tế cho thấy là sau sáu giờ im tiếng, các cuộc pháo kích lại tiếp diễn từ Dải Gaza.

Mọi nỗ lực tìm kiếm cho một giải pháp đình chiến còn đang xúc tiến, điển hình là Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi cả hai bên hợp tác. Trước đó, Biden tỏ ý rằng Israel có quyền tự vệ trước cuộc tấn công của phe Hamas và cho ngăn chận việc đưa ra một lời tuyên bố chung của Liên Hiệp Quốc. Một nghịch lý khác cũng gây nhiều quan tâm cho công luận hiện nay là thay vì nỗ lực tài giảm binh bị tác chiến, Biden đã thông qua việc bán vũ khí dẫn đường chính xác trị giá 735 triệu đô la cho Israel.

Nhiều hy vọng khác cũng loé lên là Ai Cập và Liên Hiệp Quốc có thể sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải. 

Ngược lại, các chuyên gia hình luật quốc tế của LHQ lên tiếng kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague nên xúc tiến việc điều tra về tình trạng xung đột leo thang. Họ nhìn thấy là cả hai phe đang vi phạm nghiêm trọng tội ác chiến tranh quanh Dải Gaza trong nhiều ngày qua. 

Theo quan điểm này, nhóm vũ trang Hamas của Palestine đã bắn hoả tiển cố tình hoặc bừa bải vào các khu vực đô thị của Israel trong khi Israel không kích các toà cao ốc trong khu vực đông dân ở Dải Gaza. Do đó, Tòa án Hình sự Quốc tế nên điều tra hành vi của cả hai bên.

Các chuyên gia này theo dõi và báo cáo thường xuyên về các vụ giết người tùy tiện, biểu tình, hoạt động chống khủng bố, quyền giáo dục và tình hình an ninh trong lãnh thổ Palestine. Họ đặt trọng tâm nghiên cứu trong các chủ đề về vi phạm tội ác chiến tranh trong cuộc tấn công tùy tiện và quá mức vào thường dân. 

Ngoài ra, các chuyên gia này nhấn mạnh đây là cuộc chiến này cực kỳ bất cân xứng giữa hai phe. Quân đội Israel là một trong những quân đội có vũ trang hùng mạnh nhất trên thế giới, vượt xa khả năng tác chiến của lực lượng Palestine, họ là những người mà đáng lý ra phải có quyền được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Israel. 

Nhìn chung, vấn đề hoàn toàn bế tắc khi cả hai phe đều vi phạm pháp luật, tận dụng bạo lực để duy trì mọi yêu sách và không có thiện chí hiếu hoà để giải quyết tranh chấp. Các nỗ lực quốc tế, đặc biệt nhất là qua nhiểu tổng thống Mỹ, không mang lại kết quả. Các chương trình viện trợ tái thiết  của các định chế quốc tế không tô điểm cho cuộc sống của dân chúng tốt đẹp hơn. Tình trạng thảm hại chung là thực tế đau thương.  

Do đó, đứng trước hoàn cảnh chiến cuộc leo thang tại Trung Đông hiện nay, triển vọng đình chiến để mang lại hoà bình và thịnh vượng cho toàn khu vực trong tương lai là mờ mịt.

TS. Đỗ Kim Thêm

https://vietbao.com/a308113/trung-dong-nguon-goc-xung-dot-va-trien-vong-dinh-chien-phan-bo-sung-