Trung Cộng: Tàu hải quân cập cảng Cam Ranh – Bị thách thức gần Hoàng Sa bởi chiến hạm Mỹ tuần tra – Lên án tàu chiến Mỹ chạy ngang Biển Đông
CSVN hôm thứ Bảy đón ba tàu hải quân TC tại Cam Ranh, cảng biển quốc tế vừa khai trương.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của hải quân TC tới cảng Cam Ranh, thuộc tỉnh Khánh Hòa, cách Thành Hồ chừng 380km.
Truyền thông trong nước đưa tin khoảng 10 giờ, chiếc đầu tiên, chiến hạm 531 (Xiang Tan) cập cảng, và đã được lãnh đạo Vùng 4 hải quân, đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa và nhiều cơ quan khác chào đón.
Sau đó, hai chiếc còn lại, tàu hộ tống 890 và chiến hạm 529 (Zhou Shan), vào cảng lúc 11 giờ.
Kênh truyền hình quốc gia TC CCTV đưa tin giới chức địa phương tổ chức các buổi lễ tiếp đón 750 thành viên thủy thủ đoàn của ba chiếc tàu.
Được biết các quân nhân TC sẽ tham dự các hoạt động chung với hải quân csvn.
Hải quân Hoa Kỳ trước đó đã có chuyến ghé thăm lịch sử tới Cam Ranh, gần 21 năm sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, với tàu khu trục hạm USS John S. McCaine và tàu tiếp liệu USS Frank Cable cập cảng hồi đầu tháng.
Trước đó, tàu Nhật Bản, Nga và Pháp cũng từng thăm cảng chiến lược miền Trung này.
Moscow nói đang cân nhắc kế hoạch nối lại hiện diện của mình tại Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng nước này Nikolai Pankov nói tại Quốc hội Nga hôm 7/10/2016.
Hà Nội tuyên bố không cho phép bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.
Vị trí chiến lược
Cảng quốc tế Cam Ranh vừa hoàn tất giai đoạn đầu tiên hồi đầu năm, với tổng đầu tư là 2.000 tỷ đồng (khoảng 80 triệu đô la).
Cam Ranh nằm ở vị trí chiến lược gần các tuyến hàng hải quốc tế, có thể bao quát phần lớn Biển Đông và hai quần đảo đang tranh chấp là Hoàng Sa và Trường Sa.
Cảng này ở trong vịnh Bình Ba, có độ sâu được cho là ổn định trên 20m nước, ít chịu ảnh hưởng của các cơn bão bên ngoài.
Cảng cung cấp dịch vụ sửa chữa, duy tu và công tác hậu cần cho các tàu hải quân và tàu thương mại nước ngoài.
Cam Ranh từng là căn cứ không quân và hải quân của Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh Việt Nam.
Sau đó, nơi này được Liên Xô quản lý từ 1979 trong gần 25 năm không phải trả tiền thuê, và được trao lại cho Hà Nội vào năm 2002. – Theo BBC
***
Ngày 21/10/2016, một chiến hạm Mỹ đã vào tuần tra trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Hoạt động này được các quan chức Mỹ xác định là nhằm thách thức “yêu sách hàng hải quá đáng” của TC trong khu vực Biển Đông.
Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường USS Decatur đã thực hiện nhiệm vụ đi qua vùng biển mà TC đòi chủ quyền gần quần đảo Hoàng Sa “một cách bình thường, hợp pháp, không có tàu nào khác hộ tống, và không gặp phải bất cứ vấn đề gì”.
Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ xác định rằng chiến hạm Mỹ không tiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo TC chiếm đóng, nhưng đã tuần tra sâu bên trong vùng biển mà TC “đòi hỏi quá đáng (excessive)” – có lẽ là vùng nằm bên trong đường lưỡi bò ở khu vực Hoàng Sa.
Thông báo không nói rõ là chiến hạm Mỹ đi ngang thực thể nào ở Hoàng Sa, thế nhưng, theo hãng tin Anh Reuters, một số quan chức quân sự Mỹ xin giấu tên, cho biết chiến hạm Decatur đã đi tuần trên vùng biển gần đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm, và đã bị 3 tàu TC bám đuôi.
Đây là lần thứ tư mà Hải Quân Mỹ tiến hành chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông nhằm phủ nhận đòi hỏi chủ quyền quá đáng của TC. Tuy nhiên, ba lần trước đây, khu trục hạm Mỹ đều đi vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo đá mà Bắc Kinh đòi chủ quyền, hai lần đầu ở khu vực Đá Xu Bi và Đá Chữ Thập ở Trường Sa, và lần thứ ba vào tháng 01/2016 ngoài khơi đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa.
Việc tàu Mỹ ngày 21/10 tránh không đi vào vùng 12 hải lý của Tri Tôn và Phú Lâm đã bị một số chuyên giá phê phán. Ông Greg Poling, một chuyên gia về Biển Đông ở Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế, CSIS, tại Washington đã coi chiến dịch đó hoàn toàn vô ích.
Trả lời hãng tin Anh Reuters, ông Poling nhận xét: “Động thái đó không chỉ là thừa, mà lại còn không thu hút được sự chú ý trên những hạn chế khác – đáng lo ngại hơn nhiều – mà TC đang áp đặt trên quyền tự do hàng hải”.
Dẫu sao thì chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải mà Hoa Kỳ tiến hành ngày 21/10 rất đáng chú ý vì là chiến dịch đầu tiên kể từ khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết ngày 12/07/2016, phủ nhận các yêu sách chủ quyền quá đáng của TC trên Biển Đông, và chỉ ít lâu sau khi tổng thống Philippines, một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á, đe dọa rời bỏ Hoa Kỳ để liên minh với hai đối thủ của Washington là TC và Nga.
Bắc Kinh lại tố cáo Mỹ hành động phi pháp
Ngay sau khi chiến hạm Mỹ USS Ducatur thực hiện nhiệm vụ “tuần tra bảo vệ tự do hàng hải” trong vùng biển gần Hoàng Sa, TC, tối 21/10, đã lập tức lên tiếng tố cáo một hành vi “khiêu khích”. Điều đáng nói là Bắc Kinh vẫn gọi đó là một hành động phi pháp, cho dù tháng Bảy vừa qua, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đã bác bỏ toàn bộ yêu sách chủ quyền của TC bên trong “đường lưỡi bò” ở Biển Đông vì không có cơ sở pháp lý.
Trong một thông cáo đăng trên trang web của mình, bộ Quốc Phòng TC, qua lời phát ngôn viên Ngô Khiêm, đã cho rằng việc chiến hạm Mỹ tiến vào “lãnh hải của Trung Quốc” là một hành vi “vi phạm pháp luật nghiêm trọng” và “cố tình thách thức”. Bộ Quốc Phòng TC còn cho biết thêm là Hải Quân TC đã phái ngay một khu trục hạm tên lửa và một tàu hộ vệ ra theo dõi và đuổi tàu Mỹ đi.
Với cùng một giọng điệu, bộ Ngoại Giao TC cũng ra một thông cáo riêng biệt, chỉ trích Mỹ là đã “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và các lợi ích an ninh của Trung Quốc, đồng thời vi phạm nghiêm trọng luật pháp Trung Quốc và quốc tế”.
Bắc Kinh đã cực lực tố cáo Mỹ vi phạm luật lệ quốc tế trong bối cảnh Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye mới đây, sau khi xem xét kỹ các đòi hỏi chủ quyền của TC trên gần như toàn bộ Biển Đông, đã phán quyết rằng các yêu sách quá đáng đó hoàn toàn không có cơ sở pháp lý thể theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Theo tinh thần phán quyết, mà Bắc Kinh thản nhiên xem là “một tờ giấy lộn”, thì Biển Đông không có đảo, thành ra không nước nào có quyền đòi vùng đặc quyền kinh tế quanh các thực thể trong tay mình ở Biển Đông, cho dù đã được bồi đắp thành đảo nhân tạo, như tại những nơi bị TC chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Đối với phát ngôn viên Nhà Trắng Mỹ Josh Earnest, hoạt động ngày 21/10 của chiến hạm USS Decatur nhằm cho thấy không một nước nào có quyền “hạn chế một cách phi pháp quyền tự do lưu thông hàng hải và quyền sử dụng các vùng biển đúng theo luật pháp quốc tế, của Mỹ cũng như tất cả nước khác”. – Theo RFI
***
TC hôm thứ Sáu 22/10 lên án việc một tàu khu trục của hải quân Mỹ chạy ngang qua vùng biển gần các hòn đảo đang trong vòng tranh chấp trên Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố thuộc chủ quyền của mình. Bắc Kinh nói đây là một hành động khiêu khích và “bất hợp pháp nghiêm trọng”.
Trước đó, phía Mỹ nói hành động của họ là để thách thức ý đồ của Bắc Kinh muốn giới hạn quyền tự do hàng hải trong vùng biển này.
Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ nói tàu khu trục USS Decatur chạy ngang qua quần đảo Trường Sa ngày hôm qua, thứ Sáu, trong một sứ mạng ‘thường lệ và hợp pháp’ để thách thức “các tuyên bố chủ quyền hàng hải thái quá” của TC.
Ông nói tàu chiến Mỹ không tiến vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý giới hạn chủ quyền từ các hòn đảo, theo luật quốc tế. TC tuyên bố chủ quyền tại các hòn đảo này, chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và Đài Loan.
TC không công nhận giới hạn chủ quyền lãnh thổ quốc tế, và còn tố cáo Mỹ là một quốc gia chuyên ‘gây rối’ trong khu vực.
Các tàu chiến TC theo sát khu trục hạm USS Decatur của Mỹ đã lên tiếng cảnh cáo, đồng thời yêu cầu khu trục hạm của Mỹ rời khỏi khu vực.
Như vậy tính cho đến thời điểm này thì trong một năm qua, tàu Hải quân Mỹ đã thực hiện 4 chuyến hải hành để khẳng định quyền tự do hàng hải trên khắp Biển Đông.
Trước đó, một thông cáo của Bộ Ngoại giao TC nói tàu Mỹ đã không xin phép đi vào các vùng biển của Bắc Kinh và vi phạm luật TC lẫn luật quốc tế.
Tòa Bạch Ốc nói hoạt động này nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải của các nước dựa trên luật quốc tế.
Trong cuộc họp báo thường nhật hôm 21/10, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Josh Earnest, nhấn mạnh: “Hoạt động này khẳng định các nước ven biển không được giới hạn một cách bất hợp pháp tự do hàng hải, quyền tự do, và quyền được phép sử dụng biển hợp pháp của Hoa Kỳ và tất cả các quốc gia khác, dựa trên luật quốc tế.” – Theo VOA