Trưng cầu Hiến pháp Thái Lan: Một “thảm họa chính trị”

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trưng cầu Hiến pháp Thái Lan: Một “thảm họa chính trị”

Trưng cầu dân ý về Hiến pháp Thái Lan hôm Chủ nhật 07/08/2016 là chủ đề của xã luận báo Le Monde. Bài “Sự thụt lùi” giải thích vì sao cuộc trưng cầu dân ý nói trên lại là một “thảm họa chính trị”.

Xã luận Le Monde mở đầu với mô tả tâm trạng thất vọng, mệt mỏi của người dân Thái trước điều mà họ gọi là “một thập niên phí phạm”. Kể từ cuộc đảo chính năm 2006, lật đổ chính phủ của thủ tướng Thaksin, “vương quốc chìm trong khủng hoảng triền miên, với nhiều biểu tình, bạo động, đôi khi bị quân đội đàn áp khốc liệt, và các cuộc đảo chính”. Cuộc trưng cầu dân ý dường như không mở ra triển vọng cho việc chấm dứt giai đoạn bất ổn này.

Theo quan điểm của tập đoàn quân sự cầm quyền và những người ủng hộ họ, thì “nền dân chủ cuối cùng cũng chỉ để phục vụ cho việc bầu lên những ‘‘kẻ tham nhũng’’ và ‘‘những người xấu’’, như kiểu ông Thaksin”. Theo Hiến pháp vừa được đa số cử tri Thái Lan ủng hộ, chính phủ mới được cử tri lựa chọn “sẽ không có nhiều quyền hạn, và liên tục phải đối mặt với nguy cơ bị giải tán”. Hệ thống bầu cử mới “sẽ gây bất lợi cho các đảng phái lớn và buộc họ phải liên minh với nhau để lập ra các chính phủ liên hiệp mong manh, và chắc chắn sẽ không hiệu quả”.

Theo Le Monde, hiến pháp mới nhất này – trong khoảng 20 hiến pháp Thái Lan kể từ năm 1932 – chỉ là một phương tiện để chính quyền quân sự củng cố uy quyền trong bối cảnh nền kinh tế của “con hổ” già châu Á đang suy yếu, đặc biệt trong giai đoạn quá độ hết sức nhạy cảm, khi vua Bhumibol lâm bệnh nặng. Tương lai của nền quân chủ Thái Lan hết sức mờ mịt, uy tín của hoàng gia xuống thấp, khi không ít người dân dành sự ủng hộ cho các thủ tướng bị quân đội lật đổ.

Xã luận của Le Monde kết luận với nhận định : Hiến pháp mới do tập đoàn quân sự áp đặt – một bước thụt lùi của nền dân chủ Thái Lan – “càng trở nên đáng ngại hơn khi nó không giải quyết được ba vấn đề chính đang kìm hãm tương lai của đất nước”. Đó là một nhà nước dựa vào một “nhà vua được thần thánh hoá”, “vai trò của quân đội” và những toan tính “của tầng lớp thượng lưu trong một quốc gia đang trở nên bất ổn hơn và nghèo hơn”.

Cũng trong hồ sơ này, Le Monde có bài “Bangkok, một Hiến pháp phục vụ cho giới quân sự”, chỉ ra rằng, cho dù có đến 62% cử tri đồng ý với bản Hiến pháp mới, nhưng theo một chuyên gia, ở các vùng nông thôn, nhiều người bỏ phiếu thuận cũng chỉ vì mong muốn “cuộc sống trở lại bình thường”. Tuy nhiên, thực tế là “cũng đã có gần đến 40% cử tri phản đối bản Hiến pháp”, cho dù trước đó những người tuyên truyền chống Hiến pháp của tập đoàn quân sự, đã bị chính quyền “truy bức”, “bịt miệng”. – RFI