Trump và trận địa kinh tế với Trung Cộng
Danh bất hư truyền, mỗi ngày “thiên hạ đệ nhất chướng” là tổng thống tân cử Donald Trump lại dành cho dư luận một ngạc nhiên. Bài này xin nói về kinh tế.
Giới kinh tế không rượt theo lời tường thuật, nhiều khi là bươi móc của báo chí, mà để ý tới một sự kiện ít ai nói đến. Hôm Thứ Ba mùng 6 tuần trước, phát ngôn viên của Trump là Jason Miller đã nhân dịp tiếp xúc với báo chí khơi khơi cho biết rằng ông Trump đã bán hết cổ phiếu giao dịch của ông từ Tháng Sáu. Khi ấy, Trump mới chỉ là một trong 17 ứng cử viên Cộng Hòa ở vòng sơ bộ và đảng Cộng Hòa chưa đi vào đại hội.
Tức là năm tháng trước ngày bầu cử, và khi thiên hạ chưa nêu câu hỏi về mâu thuẫn quyền lợi của một doanh gia sẽ thành tổng thống, ông Trump đã bán hết cổ phiếu của mình. Sau đó, từ mùng 9 Tháng Mười Một, thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ lại tưng bừng lên giá! Chỉ số tiêu biểu là S&P 500 (của 500 doanh nghiệp lớn nhỏ) tăng giá được 5% trong khi đà gia tăng trung bình cho toàn năm thường chỉ ở mức 9.7%.
Một doanh gia mà rút khỏi thị trường quá sớm như vậy là dại vì bị thất thâu, 5% của 40 triệu đô la rút về thì coi như mất toi hai triệu! Nhưng, phải chăng là ngay từ Tháng Sáu, Donald Trump đã có ưu tiên khác hơn là kiếm lời trên thị trường chứng khoán? Ngẫm lại như vậy, biết đâu là Trump có lý và tính xa hơn nhiều người?
Bây giờ ông sẽ tính sao?
Ngay từ khi tranh cử, Donald Trump đã nói đến các biện pháp kinh tế như tăng chi, giảm thuế, tháo gỡ hệ thống kiểm soát quá ngặt nghèo để giải phóng các tiểu doanh nghiệp. Quyết định tăng chi cho kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở là điều khá cổ điển, nhưng các biện pháp kia mới đáng chú ý vì phong cách đặc biệt của Donald Trump. Ông có khảo hướng khác đảng Cộng Hòa sau khi đánh bại các bậc trưởng thượng của đảng trong vòng sơ bộ.
Với Quốc Hội vẫn do Cộng Hòa kiểm soát tại cả hai viện, giới dân cử trong cơ chế Lập pháp sẽ còn nhức đầu với Hành pháp của Donald Trump. Ông quyết định bổ nhiệm một số nhân sự vào Nội các làm Cộng Hòa giật mình – và đảng Dân Chủ nổi điên trong sự thất thế. Chưa nhậm chức, ông khai chiến “toàn phương vị,” tám phương tứ hướng: như nói chuyện với Tổng Thống Ðài Loan Thái Anh Văn, hay can thiệp với hãng Carrier của tổ hợp United Technologies, hoặc phàn nàn Boeing về phí tổn đến bốn tỷ đô la cho Air Force One, rồi cằn nhằn Lookheed Martin về chương trình sản xuất chiến đấu cơ F-35 trị giá 400 tỷ…
Với Donald Trump, mỗi ngày là một chuyện, không chỉ cho Bắc Kinh với khái niệm “nhất quốc lưỡng chế,” mà cho cả lưỡng viện Quốc Hội lẫn Ngân Hàng Trung Ương! Cho tới nay, chỉ có thị trường cổ phiếu là hoan hỉ với Donald Trump và pháo bông tưng bừng đã tỏa hình bong bóng…. Nhưng người ta nên chờ xem ông xử trí thế nào về các hậu quả của chánh sách kinh tế Donald Trump mà người ta đã gọi là “Trumponomics.”
Trước hết là nạn bội chi ngân sách vì tăng chi, kế đó là nguy cơ lạm phát. Chúng ta chưa thể biết trước và ông Trump cũng sẽ sớm biết rằng một tổng thống Mỹ không có toàn quyền mà phải đàm phán với các thế lực khác.
Khi ấy, chúng ta nên chờ xem nội dung của dự án cải cách thuế khóa tổng hợp các đề nghị của Tổng Thống Donald Trump, Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan và chủ tịch Ủy Ban Chuẩn Chi là Kevin Brady và đa số Cộng Hòa tại Hạ Viện. Sẽ giảm thuế lợi tức và giảm thuế doanh nghiệp với ngạch số bao nhiêu, cho các thành phần nào? Những vấn đề khá chuyên môn như Thuế Trị Giá Gia Tăng VAT hay thuế nhập nội trên nguyên nhiên vật liệu nhập cảng vào Mỹ, hoặc thuế Thặng Dư Tư Bản Capital Gain Tax, v.v… sẽ là đề mục của “Kinh Tế Cũng Là Chính Trị” vào năm tới, với một sự thật là chi tiết áp dụng mới đáng kể – hay đáng sợ.
Vài thí dụ sơ sơ sau đây có thể cho thấy thực đơn khó nhá của “Trumponomics.”
Dù không chính thức lui về chủ trương bảo hộ mậu dịch – doanh gia Donald Trump biết hơn nhiều chính trị gia là phải có đôi bên thì mới có thương thảo – tổng thống tân cử đã đề nghị tăng thuế nhập nội trên nguyên nhiên vật liệu. Khi ấy, hàng họ đắt hơn sẽ dễ gây lạm phát vì phí tổn. Vả lại kinh tế Hoa Kỳ chưa có thể hoàn toàn tự túc được ngay mà vẫn phải nhập cảng, từ nhiều loại dầu thô cho tới gỗ súc hay kim loại quý (đất hiếm) là sản phẩm gần như độc quyền của Trung Quốc. Dầu thô Trung Ðông, gỗ súc Canada hay đất hiếm của Tầu sẽ là đối tượng đàm phán cho tới ngày Hoa Kỳ có thể tự cung tự cấp… Cũng phải dăm ba năm.
Bây giờ, ta mới nói đến con voi trắng lù lù trong thế giới an ninh và kinh tế của Donald Trump.
Ðó là nền kinh tế có sản lượng hạng nhì thế giới với tham vọng bành trướng hạng nhất, là Trung Cộng. Hai nước buôn bán với nhau như hai bạn hàng nhưng canh chừng nhau như hai đối thủ. Vụ “nhất quốc lưỡng chế” tuần này về vị trí của Ðài Loan mới chỉ là màn giáo đầu
Nhìn vào trận đấu có văn có võ, có kinh tế lẫn an ninh, nhưng từ giác độ kinh tế thì ai cũng thấy hai nước cần nhau, nhưng Trung Cộng cần Hoa Kỳ hơn là Mỹ cần Tầu, đó là thứ nhất. Giới bình luận kinh tế ăn phải đũa Tầu cố quên chuyện ấy mà đả kích lập trường cứng rắn của Donald Trump, chúng ta sẽ phải phân tích lại chuyện này.
Thứ hai, nói về “đất hiếm” hay “rare earth elements” là kim loại quý cần thiết cho kỹ nghệ cao cấp thì quả là Trung Cộng đang giữ thế độc quyền vì sản xuất ra 89% của sản lượng toàn cầu. Nhưng hệ thống quốc phòng Hoa Kỳ chỉ xài có 5% của tổng số tiêu thụ tại Mỹ và hệ thống sản xuất Hoa Kỳ, như tại hầm mỏ Mountain Pass ở California, có thể gia tăng đầu tư và giải quyết lấy cho nhu cầu của nước Mỹ trong vài năm tới thôi. Trong những chiêu xuất sắp tới của Donald Trump, ta sẽ sớm thấy ông nói ra chuyện này.
Thứ ba, người ta than mãi về sự sa sút của khu vực chế biến Hoa Kỳ. Sự thật thì sản lượng của khu vực này đã lên tới mức cao nhất trong khi thành phần lao động trong khu vực lại giảm tới mức thấp nhất, ít người hơn mà sản xuất nhiều hơn thì đấy là nhờ năng suất. Ông Trump chú ý đến số phận của dân lao động, nhưng cũng sớm biết rằng Hoa Kỳ có thừa công suất trong nhiều ngành trọng yếu và nếu Bắc Kinh giảm mức xuất cảng hàng rẻ vào Mỹ và gây khó cho xuất cảng của Mỹ thì Hoa Kỳ vẫn còn nhiều thị trường khác. Nôm na là không có mợ thì chợ vẫn đông và Bắc Kinh mới rơi vào cảnh ngộ đáng sợ.
Thứ tư, nếu có chiến tranh mậu dịch Mỹ-Hoa, biện pháp bảo hộ của Hoa Kỳ sẽ gây thiệt hại cho kinh tế Trung Cộng nhiều hơn là ngược lại. Vẫn biết chiến tranh thì gây bất lợi cho cả hai, ít ra là trong ngắn hạn về kinh tế, nhưng Hoa Kỳ sẽ hồi phục sớm hơn Trung Cộng và cái thế mạnh đó về kinh tế cũng khiến Bắc Kinh phải nghĩ lại về các đòn an ninh.
Vì vậy, ta chẳng nên ngạc nhiên khi tổng thống tân cử Donald Trump cứ ra đòn tới tấp về Trung Cộng trong khi đã chọn một ban tham mưu có biệt tài và kinh nghiệm đấu tranh thương mại với Bắc Kinh từ thời… Ronald Reagan. Ông có cái tật là nói chẳng sợ ai, nhưng trong nhiều chứng tật lại có một đức tính là cóc sợ Tầu.
Trong năm 2017, cùng các màn đấu lực chính trị của ông Trump ở nhà, ta sẽ theo dõi màn đấu trí của tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 với lãnh đạo Trung Cộng, khi Bắc Kinh lại có đại hội đảng của khóa 19 vào cuối năm trong khi sản xuất lại sa sút và tư bản cứ tẩu tán ra ngoài….
Lúc đó, kinh tế không chỉ là chính trị mà còn là an ninh.
Nguyễn-Xuân Nghĩa
* Bài trích đăng chỉ nhằm mục đích thông tin. Nội dung bài viết không nhứt thiết phản ảnh quan điểm của Website. BBT