Trump và Putin về quan hệ mới Nga-Mỹ: Nhìn qua chuyến công du Âu Châu của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence – Bs Mã Xái

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trump và Putin về quan hệ mới Nga-Mỹ: Nhìn qua chuyến công du Âu Châu của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence – Bs Mã Xái

Lần đầu tiên Phó TT Mỹ Mike Pence công du Âu Châu tham dự Hội Nghị An ninh Munich thường niên từ 17 tháng Hai  và sau đó  ông đến Brussel ( Bỉ ) ngày 20/02/2017 cùng với nhiều nhơn vật hàng đầu của nội các Trump tháp tùng, đáng chú ý là Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Bộ trưởng Nội An John Kelly, về phía lập pháp,có Nghị sĩ John McCain, Nghị sĩ Linsey Graham, riêng Ngoại trưởng Rex Tillerson đến Bonn  trước (15/02) tham dự Hội Nghị bộ trưởng ngoai giao G-20.

Đây cũng là lần đầu tiên  chánh sách ngoai giao của Trump được  Pence phổ biến về quan hệ Nga Mỹ sau cuộc bầu cử khá bất thường trong lich sử Hoa Kỳ nối theo lại là một chuyển tiếp quyền hành đầy bất thường cho vị tổng thống bất thường nhứt , và trong bối cảnh một trật tự thế giới đổi thay, bất ổn nhứt trên hoàn vũ, chẳng riêng gì ở Mỹ , châu Á, hay châu Âu. Những tuyên bố nẩy lửa về chánh sách của Trump  trong  thời gian tranh cử thay đổi từng tháng từng ngày từng giờ, nhưng rồi mọi người cũng nhận ra từ ngạc nhiên đến vững tâm hơn về những điều chỉnh  phù hợp chánh sách đối ngoại có hệ thống hơn và có thể hữu hiệu hơn , qua  dàn cố vấn đầy mưu lược  và nói không quá lời ,chính những  bộ óc  tham mưu trong chánh phủ Trump làm nên chánh sách .

Hoa Kỳ trấn an NATO, Liên Hiệp Âu Châu ( EU )

Tại Munich (Đức) cũng như Brussel ( Bỉ ), các nhà lãnh đạo Liên Hiệp châu Âu ( EU),  NATO ( Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), các chánh khách, giới tinh hoa quốc tế nóng lòng chờ phái đoàn Mỹ làm rõ chánh sách mới đối với Nga, một cường quốc độc tài  dưới sự lãnh đạo của Vladimir Putin đầy tham vọng đang làm đảo lộn trãt tự thế giới tự do, mưu làm suy yếu EU, với ý định làm tan vở NATO và vẻ lại đường biên giới từ sau khí Liên Xô tan rã; trước mắt Nga đã chiếm Crimea và yểm trợ phe nhóm ly khai phía đông Ukraine, gây nên cuộc chiến  tại Donbass, nhằm thành lập khu tự trị  sau này thuộc Nga, và mới đây tổng thống Putin lại ký sắc linh chấp nhận “hộ chiếu” của “Công hoà Nhân dân “tự phong  Donestsk và Lugansk  tại miền đông Ukraine phát hành . Tại Munich ( Đức) tổng thống Ukraine Petro Poroshenko phát biểu” Đây lại thêm một bằng chứng  hành vi chiếm đóng cũng như viêc Nga vi phạm luật pháp quốc tế”.Mối bang giao Nga-Mỹ đã tan vở từ sau biến cố Crimea , trở nên trầm trọng hơn khi Obama trừng phạt Kremlin bằng biện pháp tống xuất 35 nhơn viên ngoại giao về việc Nga  xử dụng tấn công mạng can thiệp  vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.

Âu Châu rất quan tâm các phát biểu của Trump  trong chiều hướng hoà giải với Kremlin, sẵn sàng nổ lực  mới nhằm nối lại quan hệ giữa Nga và Mỹ; trên tweeter tháng Giêng vừa qua, ông viết “ Có được quan hệ tốt với Nga là điều tốt, không phải là điều xấu. Chỉ có kẻ ngốc nghếch hoặc ngu xuẩn mới nghĩ là điều xấu”. Ông nhiều lần nhạo báng những cảnh báo của tình báo Hoa Kỳ về các tấn công mạng của Nga can thiệp vào quá trình dân chủ Mỹ, và không phải đôi lần ông  ca tụng tài lãnh đạo của Putin. Nhiều đồng minh Hoa Kỳ  bị “sốc” khi  nghe Trump miệt thị NATO đã” lỗi thời” , và  ông chỉ trích nhiều thành viên của tổ chức không đóng góp đầy đủ chi phí quốc phòng ; ông còn cho biết có thể Hoa Kỳ sẽ không bảo vệ thành viên nào không chịu đóng góp. Quả thực quan điểm của Trump ngụ ý hoà giải với Nga một cách đột ngột đi ngược lại sách lược của  tổng thống tiền nhiệm, và  chuyển biến  như vậy nếu xẩy ra sẽ làm thương tổn  mối bang giao với Âu châu, ảnh hưởng tất nhiên đến ổn định và an ninh toàn thể Âu Châu, điều mà Nga đang chủ trương làm thay đổi trật tự thế giới tự do.

Tham dự diễn đàn An ninh Munich 2017, phó TT Pence thực sự đã mang đến thông điệp trấn an các đồng minh Âu châu  lo lắng Trump bỏ rơi vì phương châm chiến lược “ Nước Mỹ Trước hết”. Tiếp theo diễn văn của quốc gia chủ nhà hội nghị – Thủ tướng Đức Merkel, phó TT Pence tuyên bố “ Hôm nay tôi với đặc quyền nhơn danh Tổng thống Trump để phát biểu  sự cam kết mạnh mẽ nhứt của Hoa Kỳ  tiếp tục hợp tác và đối tác với Liên Hiệp châu Âu (European Union)”. “ Dù có những khác biệt giữa chúng ta, hai lục địa chúng ta cùng chia sẽ một di sản chung, những giá trị chung và trên hết cùng một mục đích : thúc đẩy hoà bình và thạnh vượng  thông qua tự do, dân chủ, pháp trị “ ( rule of law). Pence khẳng định Hoa kỳ mạnh mẽ ủng hộ NATO và sự cam kết này không gì lay chuyển được; đây là phát biểu đầu tiên  của Pence về chánh sách đối ngoại của tân nội các Trump. ( Điều 5 của hiến chương NATO : một  sự tấn công vào thành viên của của tổ chức được xem như sự tấn công cả NATO ). Pence cũng thảo luận với thủ tướng Merkel sự cần thiết chia sẽ gánh nặng quốc phòng mà các thành viên cần đóng góp phần tối thiểu ( như đã qui định 2% GDP) để đối phó hữu hiệu hơn với mọi “ thử thách của thế kỷ thứ 21 này”. Tổng thơ ký NATO Jens Stoltenberg rất tán thành lời nhắc nhở của Trump; Pence tiếp lời “Chúng tôi có ý định tăng thêm chi phí quốc phòng, Hoa Kỳ sẽ thực hiện phần mình. Đã đến lúc cần hành động hơn là chỉ nói suông”( theo báo chí tường thuật hiện nay có 23 quốc gia thành viên chưa đóng góp phần tối thiểu, và hiện tại chỉ có Hoa kỳ và 4 thành viên NATO khác hội đủ qui định  ).

Phát biểu tại Hội Nghị an ninh Munich ngày 18-02 phó TT Pence cho hay “Mỹ sẻ tiếp tục “bắt Nga chịu trách nhiệm” trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine giữa lúc Âu Châu lo lắng về các động thái xâm lược và hiếu chiến của Nga,  và Nga phải tôn trọng  thoả ước Minks, bắt đầu bằng việc  xuống thang bạo lực , chấm dứt cuộc chiến ở phía đông Ukraine giữa quân chánh phủ và phe ly khai do Nga yểm trợ. Trước khí thế nổi lên của Nga mưu tìm vẻ lại lằn ranh biên giới quốc tế bằng võ lực, ông Pence nói Hoa Kỳ tiếp tục hổ trợ NATO, tăng cường phòng vệ Ba Lan và các quốc gia Baltic nhằm đối phó với động thái đe doạ của Nga.

Nhằm làm giảm không khí có vẻ căng thẳng, Phó TT Pence nói TT Trump đã chỉ thị tìm kiếm  hướng đi cho nền tảng chung mới ( new common ground ) với Nga, nhưng không nói  đến chi tiết về tiềm năng quan hệ hai bên , nhưng  Trump tin tưởng hai bên có thể  tìm thấy. Thủ tướng Đức Merkel, nước chủ nhà hội nghị cho rằng trong quan hệ lâu dài giữa Châu Âu và Nga dù vẫn đứng trước nhiều thử thách, bà nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong hợp tác với Nga để chống khủng bố Hồi giáo, bà thúc đẩy việc thiết lập một quan hệ tốt đẹp với Nga dù rằng hai phía còn rất nhiều khác biệt; bà nói chống khủng bố Hồi giáo không một quốc gia riêng rẻ nào làm nổi mà cần có một mang lưới toàn cầu để đối phó với ISIL; bà chủ trương hợp tác nhưng phải cứng rắn chừng nào Nga tôn trọng thoả thuận Minsk. Bà cho rằng NATO không phải chỉ có lợi cho Âu châu mà cho cả Hoa Kỳ nữa. Thực tế Âu Châu chưa có quân đội riêng ; nhiều nước trong số 27 thành viên còn lại của EU sau Brexit cho thấy  việc xúc tiến  để thành lâp quân đội chung cho EU chưa thành lập  được, theo như nhận định của Hội nghị thượng đỉnh không chánh thức của EU tại thủ đô Bratislava của Slovaka, trong bối cảnh Nga đang tiến hành mưu đồ xoi mòn sự đoàn kết Âu Châu, tạo những  đe doạ quân sự , âm mưu tấn công mạng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Pháp và các quốc gia Đông Âu, những phát tán tuyên truyền nguỵ tạo từ đội ngũ“internet troll”,“tweeter troll” liên tục tấn công Tây phương (West).

Để làm sáng tỏ vấn đề hợp tác Nga-Mỹ, Bà Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Nikki Haley tại Hội đồng Bảo An LHQ  ngày 17-02-2017 tuyên bố“ Hoa Kỳ có thể có một quan hệ tốt với Nga,  hợp tác rộng hơn nữa với Nga nhưng“ không làm thiệt hại đến bạn bè  Âu châu và đồng minh của chúng tôi.” “Do đó chúng tôi tiếp tục kêu gọi Nga thể hiện sự cam kết cho hoà bình bằng cách thực hiện đầy đủ các cam kết hiệp định Minsk và chấm dứt việc chiếm đóng bán đảo Crimea”. Bà nói “Hoa Kỳ  và EU vẫn thống nhứt trong cách tiếp cân này, giữ nguyên sự trừng phạt cho đến khi Moscow tôn trọng đầy đủ sự cam kết hiêp định Minsk” ( nguồn: VOAnews 21-Febr-2017).

Quan điểm của Nga trong quan hệ mới với Hoa Kỳ.

Đáp lại phát biểu của phó TT Pence, ngoại trưởng Nga Sergey Larvrov kêu gọi chấm dứt trang sử trật tự thế giới tự do, một loại trật tự do các quôc gia Tây phương hùng mạnh sáng tạo áp đặt lên những nước còn lại sau thời Chiến tranh lạnh “ Tôi hy vọng thế giới sẽ chọn một trật tự thế giới dân chủ, một “ Trật tự Hậu phương Tây” (Post-West Order),trong đó mỗi nước được xác định  bởi chủ quyền của mình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, phấn đấu để có sự cân bằng lợi ích của chính quốc gia mình và lợi ích quốc gia của đối tác , với sự tôn trọng bản sắc văn hoá, lịch sử và văn minh chủa mỗi nước“. Lavrov nói trước cử toạ “Mối quan hệ nào mà chúng tôi muốn từ Hoa Kỳ?” Đó là “Một quan hệ thực dụng ( pragmatic relations), tôn trọng lẫn nhau, nhận thức trách nhiệm đặc biệt của chúng tôi cho sự ổn định trên hoàn cầu”. ( nguồn: trích từ Asociated Press Feb 18-02-2017). Lavrov còn nói Hoa Kỳ và Nga chưa bao giờ trực tiếp dây dưa vào cuộc  xung đột , chẳng những thế hai nước là bạn láng giềng chỉ cách nhau qua Eo Bering.” Cũng trước diễn đàn, Lavrov nói  với cử toạ , trước  lãnh tụ các định chế Âu Châu rằng liên minh quân sự NATO là một “tàn tích “của thời Chiến Tranh Lạnh,” muốn gợi lại câu nói của Trump “ NATO đã lỗi thời”. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng Trump chỉ trích NATO như vậy nhằm thúc đẩy liên minh quân sự này cần cải tổ, chia sẽ gánh nặng với Washington về tài chánh cũng như nhân lực nhiều hơn, như nước Mỹ phải gánh vác đến 70% ngân sách hoạt động của NATO; cũng như Trump đã có lần kêu gọi thành viên EU theo gương Brexit, trong lúc Âu châu đang bị Nga đang gây chia rẻ, với hậu ý  của Trump là thúc đẩy sự đoàn kết Âu Châu !. Thật vậy trong lúc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel gần đây, tổng thống Trump đổi thái độ, tái khẳng định rằng NATO có vai trò quan trọng không thể thiếu. Sự tồn tại của NATO là một trong những thành tố quan trọng cấu thành nền tảng của trật tự thế giới tự do mà Tướng James Mattis đã cảnh báo  nền trât tự này đang bị tấn công mãnh liệt nhứt sau Thế chiến II, tấn công từ Nga, từ nhóm khủng bố Hồi giáo và động thái của Trung Quốc  ở Biển Đông;  trước đây ông đã phát biểu tương tự tại Heritage Foundation ở Washington ông  nói tổng thống Putin có ý định phá vở NATO. Lavrov cho rằng  chính phương Tây ( West) vẫn khiêu khích Nga chẳng những thông qua việc bành trướng NATO mà còn lập nên những thoả thuận chánh trị và kinh tế. Phản bác lại lời chỉ trích cho Nga là đã tấn công trật tự thế giới tự do, Lavrov  trích dẫn lời phát biểu cũa Trump  trong lễ nhậm chức tổng thống (20-01-2017) đánh giá “lợi ích” của trật tự quốc tế hiện nay cho người dân Mỹ :“Chúng ta làm giàu cho các nước khác, trong khi sự thạnh vượng , sức mạnh, sự tự tin của đất nước đã tản mát ngoài đường chơn trời”. “ Của cải của từng lớp trung lưu bị tước đoạt khỏi ngôi nhà của họ để rồi phân phối cho khắp thế giới”. Trump cũng đã nói  trước 10 ngàn đại biểu phe Bảo thủ trong đảng Cộng Hoà (CPA- Conservative Political Action Conference) hôm 24-02-2017 tại Oxon Hill,Md. : “ Hợp tác toàn cầu không phải là điều xấu, nhưng tôi không phải là tổng thống của thế giới. Tôi là tổng thống của Hoa Kỳ”.

Tạm Kết về tương lai quan hệ mới Nga Mỹ.

Hội nghị An ninh Munich 2017 khai mạc  với sự tham dự của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, các nhà ngoại giao, giới chức cao cấp quốc phòng cùng hàng trăm học giả để trao đổi các vấn đề “nóng “ảnh hưởng tới hoà bình và an ninh toàn cầu, theo phương châm của hội nghị “ Hoà Bình thông qua Đối thoại” ( Peace through Dialog). Nhưng hội nghị vô hình chung đã trở thành diễn đàn cho Mỹ và Nga trình bày quan điểm cho một bang giao mới , từ mối bang giao đổ vỡ tàn  tệ hậu Sô-Viết qua nhiều thập niên, đưa tới cái nhìn ngày nay với những khác biệt sâu xa của hai cường quốc về tương lai Âu Châu, số phận của định chế  NATO, về một trật tự quốc tế.

Kremlin đưa ra  điều kiện quan hệ thực dụng ( pragmatic relations) với Hoa Kỳ, trong chủ trương một trật tự mới –“Trật tự Hậu phương Tây” ( Post-West World Order), một thế giới đa cực, nhưng cả hai Trump và Putin đều bày tỏ  ý định tái lập quan hệ vì ích lợi chung của hai nước , dựa trên “ nền tảng chung mới với Nga” của Trump.

Đâu là nền tảng chung  mới mà Trump muốn tái khởi động với Nga? Còn rất nhiều hồ sơ để thương lượng, cụ thể một vài trường hợp được rò rĩ từ các cơ quan truyền thông; đường lối quan hệ Nga-Mỹ có thể sẽ được Trump trình bày cặn kẻ hơn trước Quốc hội Hoa Kỳ dự trù  vào đầu tuần Tháng Ba trong đó một ngân sách quốc phòng được tăng mạnh để” không còn ai dám thách thức sức mạnh quân sự của chúng ta”.

Trên hồ sơ Ukraine, Nga đang ôm lấy sự trừng phạt kinh tế, chánh trị của Tây Phương và Hoa Kỳ, cộng thêm nguồn thu chánh yếu dựa trên dầu khí trong một quốc gia yếu kém trong đường lối hiện đại hoá nền kinh tế khiến Kremlin phiêu lưu ngoại giao nhằm thoả mãn tự ái dân tộc trước uy tín quốc gia quá suy sụp. Washington thấy yếu điểm này coi như đòn bẩy kinh tế Mỹ dùng để thương lượng với Nga; không rõ cựu cố vấn an ninh Flynn ( mới từ nhiệm )có bàn  việc “trao đổi” với viên đại sứ Nga về đề nghị ( có thể từ Trump) môt thoả thuận gở bỏ lệnh cấm vận, các lệnh trừng phạt của phương Tây, sau vụ Nga chiếm Crimea và vụ tấn công mạng vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ;tại diễn đàn Munich, rõ ràng Mattis rất cứng rắn trong cam kết bảo vệ đồng minh NATO, nhứt là đối với những nước vốn nằm trong quỷ đạo Liên Xô trước kia.Chấm dứt chiến tranh Donbass, thi hành nghiêm chỉnh thoả ước Minsk có thể bàn thảo để giữ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, ngoại trừ bán đảo Crimea “thực dụng “mà nói khó bề để Putin giao hoàn lại Ukraine, dù rằng việc sáp nhập Crimea về Liên bang Nga là trắng trợn vi phạm luật pháp  quốc tế và đã vi phạm Hiệp ước Helsinki 1975 (Helsinki Final Act ký ngày 1-08-1975 giữa Hoa Kỳ, Liên Xô, Canada và hầu hết các nước Âu Châu trừ Albania) và Điều lệ của Paris 1990 cho một Âu Châu Âu Mới ( 1990 Charter of Paris for a New Europe, còn gọi là Hiến chương Paris 1990) , trong hai thoả ước này Moscow đã nhìn nhận biến giới hiện hữu giữa các nước , và quyền của mọi quốc gia đễ chọn đồng minh cho mình. Thượng viện Hoa Kỳ chắc không để Trump nhượng bộ xa hơn trong hồ sơ Ukraine, vì nó sẽ khuyến khích Kremlin khống chế các lân bang.

Trump nên hành động cứng rắn với những hiệu chỉnh cẩn mật hơn trên hồ sơ  Kremlin tấn công mạng vào cuộc bầu cử tổng thống vừa qua , gián tiếp gởi đi thông điệp là Hoa Kỳ sẽ có biện pháp trả đủa về những hành động sai trái của Nga.

Hồ sơ kiểm soát võ khí chắc phải là “ nền tảng chung” ích lợi cho cả hai quốc gia cần có thoả thuận mới; Hiệp ước Lực lượng Hạt nhơn Tầm trung ( Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty ( INF ) ký giữa Mỹ và Liên Xô năm 1987 có cơ tan vở vì Nga vẫn vi phạm ; gần đây trong Tháng Hai 2017 có tin Nga  khai triển tên lửa hạt nhân đồng thời chiến đấu cơ Nga  lượn sát trên chiến hạm Hoa Kỳ ở Hắc hải ( Black Sea ); Hiệp ước New START  (hiệp ước giữa Hoa Kỳ và Liên bang Nga về các biện pháp giảm  nhiều hơn nữa và giới hạn võ khí chiến lược tấn công, có hiệu lực từ ngày 5-02-2011 và thời hạn là  10 năm; các bên có thể gia hạn hiệp ước cho khoảng thời gian không quá năm năm; Trump và Putin trong buổi điện đàm đầu tiên ngày 28-01-2017 và cũng theo tin Reuters  23-02-2017 Trump gọi “ New START Treaty” là một thoả thuận xấu”, có thể làm nguy hại chương trình hiện đại hoá hạt nhân của Hoa kỳ Đây là vấn đề sanh tử  đến nhân loại, hai cường quốc không thể bỏ qua.

Trump nghĩ hợp tác với Nga có thể nghiền nát được Nhà nước Hồi giáo (tạm dich từ “knock the hell out of ISIS)”trong bài phát biểu nhơn chuyến thăm Bộ chỉ huy CENTCOM 26-02-2017 tại căn cứ không quân MacDill ( Florida). Nhưng tại chiến trường Syria, trong bài học hợp tác với Nga, quân đội của Putin chỉ không đặt trọng tâm đánh IS mà chỉ chủ yếu tấn công lực lượng đối lập với chế độ độc tài Assad. Lầu Năm Góc  thông báo sắp đưa ra kế hoạch để đè bẹp IS mà Trump hồi tháng trước yêu cầu Lầu Năm Góc và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis  phải hoàn tất kế hoạch trong vòng 30 ngày.

Hoa Kỳ sẽ cùng Liên bang Nga trong hợp tác ngăn ngừa phổ biến hạt nhân, cũng như trong Chiến lược Bảo vệ Môi trường ở Bắc Cực (Arctic Environmental Protection Strategy, viết tắt AEPS), thực ra hai thế lực quốc tế tranh giành  có quan điểm khác nhau về quản lý : Washington có quan điểm toàn cầu về Bắc Cực, trong khi Nga thì coi đây là vấn đề của khu vực. Hiện nay Bắc Cực trở nên một nơi mà nhiều nước đang tranh giành những tài nguyên bao la ẩn dưới lớp tản băng đang tan dần do biến đổi khí hậu. Trung Cộng cũng đang lao vào cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng trên vùng đất xa xôi lanh lẽo này!

Chánh quyền Trump với lập trường hoà giải và sẵn sàng thoả hiệp để tái lập lại một quan hệ  mới  với Nga , một cường quốc  độc tài, chuyên chế , đạo tặc hậu Liên Xô lại đầy tham vọng bành trướng, bá quyền. Trump liệu có đủ bản lĩnh đương đầu trong hợp tác với Putin trong thương lượng “các nền tảng chung” để hai nước cùng có lợi; nhưng mọi nhân nhượng , chủ trương mềm yếu sẽ khuyến khích Kremlin “được đằng chân , lân đằng đầu”; Mỹ không để “quan hệ thực dụng” của Nga làm xoi mòn giá trị dân chủ, tự do, nhân quyền hay  nhắm mắt để Nga vi phạm luật lệ quốc tế. Hoa Kỳ dứt khoát bảo vệ NATO và đồng minh Âu châu là một chánh sách cần kiên định bảo vệ thành trì trật tự thế giới tự do, đang bị Nga và Trung Cộng tập trung đánh phá, tham vọng thiết lập một trât tự mới Hậu-Tây phương Post-West Order).Có thể đây là vận hội cuối cùng để Trump  chủ trương thực hiện “hoà bình trong sức mạnh” trong quan hệ mới Mỹ-Nga và “Làm cho Nước Mỹ Vĩ đại Trở lại”.

Bác sĩ Mã Xái

28-02-2017