Trump Nhìn Về Biển Đông

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trump Nhìn Về Biển Đông
Tổng thống tân cử Donald Trump – Ảnh: internet
Tuesday, December 6, 2016
Trần Khải 
Theo Vietbao 
Chính sách của Tổng thống tân cử Donald Trump chưa trình bày minh bạch, nhưng đã có một số dấu hiệu cho thấy rằng tân chính phủ Hoa kỳ sẽ không bỏ lơt trước tình hình Biển Đông.

Từ chuyện Trump nói chuyện qua điện thoại với Tổng Thống Thái Anh Văn của Đài Loan, cho tới lời Trump chỉ trích TQ về Biển Đông và về sụt giá tiền Yuan để lấy ưu thế xuất cảng. Nghĩa là, họ Tập, coi chừng đó. Nhưng có phải chỉ là những cú đánh gió chăng? Chưa hẳn. Bởi vì Trump đã nói chuyện điện thoaị với Tim Cook để hỏi xem có thể dọn cơ xưởng của Apple từ Hoa lục và từ VN về lại xứ Mỹ hay không. Tim Cook chưa trả lời cụ thể… Nhưng chính sách toàn cầu hóa trước giờ Mỹ theo đuổi có thể sẽ thu hẹp, hay đảo ngược… Và chúng ta còn phải chờ xem tân Ngoại Trưởng do Trump chọn sẽ là ai để có thể suy đoán.

Bản tin RFA ghi rằng chính sách mới của Mỹ về Trung Quốc và Biển Đông trong thời gian sắp tới vẫn còn gây nhiều đồn đoán. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia về quan hệ quốc tế, đang làm việc tại Singapore giải thích với Đài Á Châu Tự Do RFA:

“Theo tôi thì vẫn còn sớm để nói đến chính sách của Mỹ dưới thời ông Donald Trump đối với châu Á nói chung cũng như là Trung Quốc hay Việt Nam nói riêng.

Trong thời gian qua ông Donald Trump đưa ra những ý kiến tương đối mâu thuẫn nhau. Một mặt ông tuyên bố sẽ giảm dần sự can dự vào khu vực, nhưng mặt khác thì một số diễn biến gần đây lại cho thấy điều ngược lại. Trong kỳ nghĩ cuối tuần vừa qua, nhiều người bàn luận đến cuộc nói chuyện trực tiếp giữa ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan. Đây là điều khá đặc biệt từ khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, và Mỹ cắt đứt quan hệ với Đài Loan.

Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ nói chuyện trực tiếp với một lãnh đạo Đài Loan. Điều này đặt ra một câu hỏi về chính sách của Mỹ với Trung Quốc trong thời gian tới sẽ như thế nào. Một số học giả Trung Quốc cho rằng cuộc nói chuyện vừa rồi là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với công luận và giới làm chính sách Trung Quốc, bởi vì từ khi ông Trump đắc cử, nhiều nhà phân tích Trung Quốc có cái nhìn tương đối lạc quan về quan hệ Mỹ Trung trong thời gian tới, cũng như vai trò của Trung Quốc trong khu vực, do chính sách biệt lập mà ông Trump nêu ra…”

Vậy thì, chính sách Trung Quốc ở Biển Đông sẽ chuyển biến ra sao, trong khi TQ có vẻ như đang trầm lắng? Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói với RFA:

“…tôi nghĩ rằng sự yên tĩnh chỉ là tạm thời, phù hợp với cách hành xử của Trung Quốc trong quá khứ. Đó là chiến lược lát cắt salami, tức là sau một thời gian căng thẳng đạt được các mục tiêu của mình, thì Trung Quốc tạo ra một thời kỳ lắng dịu trước khi bước vào một đợt căng thẳng mới. Có lẽ năm 2017, 2018 sẽ có những căng thẳng mới do Trung Quốc gây ra trên biển Đông. Đặc biệt nếu chính quyền của Mỹ có những hành động mà Bắc Kinh cảm nhận là thù địch với Trung Quốc trên biển Đông.”

Trong khi đó, có một nghi vấn, rằng sẽ tới một lúc Trump bán đứng Việt Nam và các nước khu vực ASEAN, nếu TQ chìa ra những món lợi cho Hoa Kỳ?

Bản tin RFI đã phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Biển Đông và Trung Quốc tại trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ), được trả lời:

“…Hiện nay chưa rõ chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, nói riêng, và Châu Á Thái Bình Dương, nói chung, là như thế nào trong tương lai gần hay xa.

Trong khi tranh cử tổng thống Trump đã doạ là sẽ tăng thuế quan trên các mặt hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ đến khoảng 45% để đem công ăn việc làm về cho lao động Mỹ. Trump cũng nói là sẽ đóng thêm mấy trăm chiến thuyền cho hải quân Mỹ. Nhưng có thể đây chỉ là một cách mị dân để lấy phiếu hay để đàm phán với Trung Quốc.

Trong trường hợp Trump chơi tay đôi với Trung Quốc theo chiến lược “cân bằng quyền lực” (balance of power) thì Trump sẽ sẵn sàng hi sinh lợi ích của các nước nhỏ. Thêm vào đó thì ê-kíp về an ninh và quốc phòng mà Trump đã chọn cho đến nay đều là các vị tướng bộ binh đã chỉ huy các chiến trường vùng Trung Đông và đã chống chính sách của Obama về việc rút quân ra khỏi vùng này để “xoay trục” về Châu Á Thái Bình Dương. Do đó sẽ có việc tranh giành ảnh hưởng giữa các binh chủng mà giới quân đội gọi là “turf wars” (chiến tranh dành sân chơi). Vậy chưa chắc gì những chiến thuyền mới, nếu có được đóng đi nữa, sẽ được điều động sang Tây Thái Bình Dương.

Nếu có nguy cơ bùng lên căng thẳng thì tôi nghĩ việc này có thể giúp nhắc nhở Trump và các vị tướng xung quanh ông rằng Biển Đông, nơi mà hơn 50% các hàng mậu dịch di chuyển trên biển của toàn cầu phải xuyên qua, thì không phải là nơi họ có thể bỏ rơi cho Trung Quốc được.”

Trong khi đó, VOA ghi nhận tình hình, rằng có phải: Ông Trump mạnh miệng với TQ, Việt Nam hưởng lợi?

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm 4/12 đã phát đi một loạt các thông điệp chỉ trích Trung Quốc, trong đó có vấn đề quân sự hóa biển Đông, gieo hy vọng cho người Việt.

Trên trang Twitter chính thức với gần 17 triệu người theo dõi, ông Trump viết: “Trung Quốc có hỏi chúng ta việc họ phá giá đồng nội tệ (khiến các công ty của Mỹ khó cạnh tranh), đánh thuế nặng các sản phẩm của chúng ta vào nước họ (Mỹ không đánh thuế họ) hay xây dựng một tổ hợp quân sự đồ sộ ở giữa Biển Đông? Tôi không nghĩ vậy”.

Đoạn tweet mà truyền thông quốc tế cho là “thách thức Trung Quốc” của tổng thống tân cử của Hoa Kỳ đã được hàng chục nghìn người “thích” và “chia sẻ”.

Bản tin VOA viết:

“Trong khi đó, trả lời An Tôn của VOA Việt Ngữ hôm 4/12, tiến sĩ Tạ Văn Tài, một nhà nghiên cứu về biển Đông từ Đại học Harvard, cho rằng “lẽ ra ông Trump nên đợi đến sau ngày nhậm chức, khi đó ông có quyền lèo lái Thựợng viện theo một chính sách mới với Đài Loan”. Ông Tài cho rằng “lúc đó vừa đúng thủ tục hiến định và có hỗ trợ nhiều hơn về chuyên môn và chính trị”.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 3/12 được trích lời nói rằng Bắc Kinh đã đánh bại “âm mưu” của một số quốc gia nhằm khuấy động bất ổn biển Đông, và việc quốc gia đông dân nhất thế giới xoay chuyển quan hệ với chính quyền của Tổng thống Philippines Duterte chứng minh cho điều đó.”

Trong khi đó, Báo Đất Việt từ Hà Nội ghi nhận tình hình “Trung Quốc thuê 20% bờ biển Campuchia: Bóc mẽ tham vọng.”

Bản tin ĐV ghi rằng:

“Tờ báo Mỹ American Thinker hôm 1/12 đăng bài viết cho hay, Campuchia đã nhận được sự hỗ trợ đặc biệt của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và quân sự, mới đây nhất là việc xây dựng một cảng nước sâu ngay vùng biển trong Vịnh Thái Lan.

Một công ty Trung Quốc có liên kết với quân đội nước này đã xây dựng sắp xong một cảng nước sâu trải dài 90 km trên bờ biển Campuchia.

Dự án xây dựng cảng nước sâu này tổng trị giá 3,8 tỉ USD, trải dài trên 90 km bờ biển, chiếm 20% tổng chiều dài bờ biển Campuchia được Trung Quốc thuê lại trong 99 năm.”

Đáng lo là vậy. Nếu Campuchia “bán linh hồn cho quỷ” thì VN khó bình yên vậy.