Trump, Hillary: Chống TPP

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trump, Hillary: Chống TPP
Ảnh minh họa – Nguồn: internet

Monday, August 8, 2016 9:09 AM //   ,  , 

Vi Anh 
Theo Vietbao 

Tin mới đây ngày 01 tháng 8 năm 2016 Thủ tướng Lý Hiển Long của đảo quốc Singapore kêu gọi Hoa Kỳ sớm phê chuẩn TPP, nhơn chuyến viếng thăm Mỹ sáu ngày bắt đầu từ 1 tháng 8, đúng dịp hai nước kỷ niệm 50 hai nước thiết lập bang giao. Tuy ông hiểu nỗ lực của chính quyền Obama để thúc đẩy TPP là một “khó khăn về chính trị” trong năm bầu cử, nhưng ông hy vọng nên tập trung vào một “bức tranh lớn hơn”. Hiện cả hai ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton và đảng Cộng hòa Donald Trump phản đối TPP. Phát biểu trước 200 doanh nghiệp, quan khách tại Hội đồng doanh nghiệp Mỹ – ASEAN, Thủ tướng Lý Hiển Long thừa nhận những lo lắng về kinh tế của người dân Mỹ, nhưng ông cũng kêu gọi Washington cần chống lại chủ nghĩa bảo hộ bằng cách phê chuẩn TPP. Ông nói: “Đối với các bạn, việc phê chuẩn TPP chính là phép thử chứng minh sự tín nhiệm và sự chân thành của mình.” Thủ tướng Lý Hiển Long cũng chỉ ra rằng TPP đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á – Thai Bình Dương. TPP sẽ giúp chính sách tái cân bằng tại châu Á của Hoa Kỳ được vững chắc hơn, không chỉ bởi sự hiện diện về mặt quân sự với sự có mặt của Hạm đội 7 tại Nhật Bản.

Trong khi đó cả năm nay ở Mỹ, giữa hai ứng cử viên tổng thống của hai Đảng (theo thứ tư abc) Cộng Hoà là Ô Trump và của Dân Chủ là Bà Hillary khác nhau như dương và âm. Còn quá sớm để biết trong cuộc bầu cử này dương thịnh âm suy, hay âm thịnh dương suy. Chớ chắc chắn không có chuyện âm dương tác hợp, tạo thành mâu thuẫn tương sinh là lẽ sinh thành của Tạo Hoá. Nhưng trong vô vàn tương khắc chánh trị giữa Trump và Hillary, có một trò rắn mắc của chánh trị. Cả hai Trump và Hillary có một điểm giống nhau, đó là cả hai chống dự thảo Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình dương gọi tắt là TPP. TPP là nỗ lực của Tổng thống Mỹ Barack Obama, tập hợp 12 nước thành viên, trong đó duy nhứt có Việt Nam nằm trong chế độ CS. TT Obama coi TPP là một di sản lớn của sự nghiệp chánh trị, ngoại giao của Ông, như luật bảo hiểm y tế thiên hạ nói móc là Obamacare vậy.

Trước tiên liệt kê những ý kiến Ô Trump chống TPP. Ông luôn miệng khẳng định ông không chống lại nguyên tắc thương mại tự do nhưng nhấn mạnh nước Mỹ cần các thỏa thuận “thương mại công bằng” hơn. Ông Trump hôm 28/6 chỉ trích đích danh Phòng Thương mại Mỹ và buông lời bêu riếu Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cùng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông không ngần ngại phê phán những người ủng hộ TPP, cáo buộc họ đang “cưỡng bức” nước Mỹ. Lâu nay Ông vẫn đổ lỗi cho các hiệp định thương mại quốc tế gây ảnh hưởng tới giới công nhân Mỹ. Ông thẳng thừng gọi nhóm người ủng hộ thực thi các hiệp định thương mại từ cả hai đảng là “những kẻ chống lại nước Mỹ” hay một liên minh vì “đặc quyền, đặc lợi”. Có lần Ông chỉ mặt đặt tên CSVN là một trong những chế độ cướp việc làm của dân Mỹ. Trong một bài phát biểu tại bang New Jersey vào cuối tuần trước, ứng cử viên Trump thậm chí đã gọi thỏa thuận TPP và hiệp định NAFTA đã ký trước đó là điều “kinh tởm, tồi tệ nhất trong đàm phán bởi bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”. Ông nói,”Những kẻ ngu ngốc ngoài kia nói rằng Ồ, sẽ có một cuộc chiến thương mại nếu chúng ta không làm thế. Một cuộc chiến thương mại ư? Chúng ta đang thâm hụt thương mại 500 tỷ USD với Trung Quốc và liệu có ai thèm quan tâm xem chúng ta sẽ có một cuộc chiến thương mại hay không?”

Thứ đến là một số ý kiến Bà Hillary chống TPP. Bà Vincent Ni, bà Laura Rosenberger, cố vấn ngoại giao thân cận của bà Hillary tuyên bố trên BBC ngày 29/7 sau khi Bà Hillary được đề cử làm ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Chủ, khẳng định bà Clinton sẽ không ủng hộ TPP nếu trở thành tổng thống Mỹ. “Bà Clinton tin rằng các thỏa thuận thương mại cần có lợi cho nhân dân Mỹ. Bà có ba trắc nghiệm cho bất kỳ thỏa thuận nào: nó cần tạo ra việc làm cho người Mỹ, cần tăng lương cho người lao động Mỹ, và nó cần thúc đẩy an ninh quốc gia của Mỹ.” “Khi xem bản chung cuộc của TPP, bà thấy nó không đáp ứng được ba trắc nghiệm trên. Vì thế bà quyết định rằng bà không thể ủng hộ.” Bà Laura Rosenberger nhấn mạnh: “Nghĩa là hiện nay bà không thể ủng hộ nó, cũng không ủng hộ nó sau bầu cử tháng 11, cũng như tháng Giêng năm sau.”

Tiếp theo thấy rất ít hy vọng Quốc Hội Mỹ phê chuẩn TPP. TT Barack Obama đã dùng một phần trong chuyến công du Á Châu của mình nhằm “quáng bá” cho hiệp định TPP, một di sản mà cả 2 ứng cử viên sáng giá của Đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ đều không ủng hộ. Theo chánh quyền Obama, TPP là hiệp ước thương mại lớn nhất trong lịch sử sẽ đặt ra những điều khoản thương mại và đầu tư kinh doanh mới tại Mỹ và 11 quốc gia thuộc vành đai Thái Bình Dương khác. 12 quốc gia thành viên với GDP hàng năm lên tới gần 28 ngàn tỷ USD, tương đương gần 40% GDP toàn cầu và chiếm 1/3 thương mại thế giới. TPP là chiến lược tìm kiếm sự ràng buộc chặt chẽ hơn với các nước Thái Bình Dương thông qua thuế suất thấp trong khi tìm cách giảm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực.

Nhưng như thấy ở trên TPP cũng bị ứng cử viên của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà phản đối như một dấu hiệu của chủ nghĩa toàn cầu thất bại và người Mỹ sẽ bị mất việc làm ở nước ngoài.

TT Obama chỉ còn mấy tháng phù du không thể nào vận động Quốc Hội phê chuẩn, trong khi đa số thuộc về Cộng Hoà ở lưỡng viện.

Sau cùng là một số ý kiến về TPP của VNCS, một chế độ CS duy nhứt tham gia TPP. Sáng 4/2/2016, bộ trưởng phụ trách thương mại của 12 nước, trong đó có VNCS đã chính thức ký kết để xác quyết lời văn của TPP tại Aucland, New Zealand. Sau khi ký chính thức, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn hiệp định theo quy định của pháp luật mỗi nước. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo sau cùng bằng văn bản về việc các bên đã hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã thay mặt Chính phủ ký xác thực lời văn hiệp định TPP và 35 thỏa thuận song phương trong các lĩnh vực liên quan đến dịch vụ tài chính, dệt may, nông nghiệp, sở hữu trí tuệ… mà Việt Nam đã thống nhất với một số nước tham gia TPP. Các thỏa thuận song phương này sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với hiệp định TPP, dự tính vào năm 2018. Một số nhận định cho rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi vào TPP, và Đảng Cộng sản Việt Nam đã ủng hộ ký kết hiệp định này.

Thế nào một trong hai ứng cử viên Trump và Hillary sẽ một người đắc cử tổng thống Mỹ. Cả hai đều chống TPP. Trong khi TT Obama tháng 1 năm 2017 sẽ phải bàn giao chánh quyền lại cho tân tổng thống, không còn thì giờ vận động Quốc Hội do đối lập Cộng Hoà đang đa số. Sô phận TPP như chỉ mành treo chuông đối với nhân dân và chánh quyền Mỹ. Hiệp ước mà Quốc Hội không phê chuẩn thì không có giá trị với Mỹ. Mỹ là nước chủ trương vận động mà đứng bên ngoài thì coi như TPP đổ bể rồi./.(Vi Anh)