Trực tiếp: Chính trị Anh biến đổi nhanh sau bầu cử

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trực tiếp: Chính trị Anh biến đổi nhanh sau bầu cử

Sự kiện đang được tường thuật

Theo BBC – 8 tháng 5 2015

Chủ tịch Hội đồng Âu châu Donald Tusk đã chúc mừng ông David Cameron đắc cử và thúc giục ông hãy hành động để nước Anh tiếp tục ở trong Liên hiệp Âu châu.
Ông nói: “Anh Quốc đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo cho châu Âu có một nghị trình hợp lý, có một nền kinh tế cạnh tranh thông qua mô hình Một Thị Trường hiệu quả, định chế không xâm phạm và cởi mở về thương mại với các nước khác, và một chính sách đối ngoại đáng tin cậy. Đó cũng là những mục tiêu của tôi.” “Tôi trông cậy tân chính phủ Anh sẽ có hành động để Anh Quốc tiếp tục là thành viên của Liên hiệp Âu châu. Và trong trường hợp đó, tôi luôn sẵn sàng trợ giúp.” Ông Tusk, người đứng đầu Hội đồng Âu châu, tức diễn đàn của 28 thành viên EU, nói thêm: “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng không thể có cuộc sống nào tốt đẹp hơn bên ngoài Liên hiệp Âu châu, dù đó là bất kỳ quốc gia nào.”

BLOG 19:55

Katya Adler, Chủ biên Tin tức Âu châu, BBC

Những từ như “động đất chính trị” đã được dịch ra nhiều thứ ngôn ngữ Âu châu trong hôm nay, chiếm hàng tin chính ở truyền thông châu lục này. Trong khi người Anh nay tính đến các vấn đề quốc nội sau khi biết kết quả bầu cử, thì tại châu Âu lục địa, kết quả này có một ý nghĩa: một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Anh trong khối EU. Và điều đó nhiều khả năng sẽ tạo ra một cơn động đất.

19:22

Thủ tướng Anh David Cameron tái đắc cử sau khi Đảng Bảo thủ của ông chiến thắng, vượt qua dự đoán của các thăm dò trước đó. Ông đã tới Điện Buckingham diện kiến Nữ Hoàng.
Ông Cameron cũng đã cảm ơn lãnh đạo Đảng Lao động, Ed Miliband, người sáng nay đã gọi điện chúc mừng ông. Nhiều lãnh đạo các đảng phái khác đã tuyên bố từ chức sau thất bại ở kỳ tổng tuyển cử, gồm Ed Miliband, Nick Clegg và Nigel Farage.

19:07

Lãnh tụ Đảng thiên hữu UKIP (Anh Quốc Độc lập) ông Nigel Farage đã không trúng cử dân biểu, nhưng đảng này thu hút 12% tổng số phiếu cử tri và về nhì trong 90 địa hạt bầu cử.

Điều này cho thấy tâm lý ngả về phía hữu tại chính xứ Anh (England) là có thật.

16:25

Đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron dự kiến sẽ giành được đa số đủ để lập tân chính phủ và ông Cameron sẽ đến Điện Buckingham buổi trưa trong ngày để gặp Nữ hoàng Elizabeth II đệ đơn về việc đó. Theo hiến pháp, lãnh đạo đảng có đa số trong Hạ viện đề nghị với vị nguyên thủ quốc gia cho phép lập nội các và công tác này sẽ được tiến hành trong một số tuần. Dự kiến mọi hoạt động để bổ nhiệm chức vụ trong tân nội các phải hoàn tất cho tới tháng 7, và chính phủ mới sẽ hoạch định ra các nét cơ bản cho chính sách cầm quyền một nhiệm kỳ Quốc hội của họ trong Diễn văn khai mạc Nghị viện vào tháng 9 của Nữ hoàng. Nhưng dù các thủ tục lập một tân chính phủ Bảo thủ có diễn ra êm thắm, hai câu hỏi lớn gắn liền với ông Cameron từ nhiệm kỳ vừa qua và vẫn chưa buông tha: đó là chủ đề châu Âu và Scotland.

15:21

BBC được tin ông Ed Milliband sẽ từ chức lãnh tụ Đảng Lao động Anh, sau thất bại tại cuộc tổng tuyển cử của đảng này mặc dù bản thân ông vẫn trúng cử làm nghị sỹ.

15:19

Bầu cử khiến một loạt chính trị gia hàng đầu của Đảng Lao động chấm dứt sự nghiệp: tin mới nhất cho hay nhân vật cao cấp của đảng này, ông Ed Balls thua phiếu và không vào được Quốc hội tại hạt bầu cử Morley và Outwood. Là dân biểu từ 2005, ông Balls được coi là nhân vật cao cấp thứ nhì trong Đảng Lao động, phụ trách chính sách tài chính quốc gia của đảng này ở ghế đối lập. Giống như hai đồng nghiệp cùng đảng ở Scotland là Douglas Alexander và Jim Murphy, ông Balls cũng bị thua về tay một nữ ứng cử viên, bà Andrea Jenkyns (đảng Bảo thủ). Bắt đầu có các tiếng nói đòi lãnh tụ Đảng Lao động, Ed Milliband từ chức ‘trong vòng 24 tiếng’ trước thất bại cho đảng này. Báo chí Anh gọi đây là cuộc bầu cử ‘nghiền nát’ hai đảng Lao động (thiên tả) và Tự do Dân chủ (trung tả).

15:15

Vẫn tại Scotland, lãnh tụ đảng Lao động tại Scotland, ông Jim Murphy (dân biểu từ 1997) đã thua phiếu tại East Renfrewshire, và bị nữ ứng viên của Đảng Quốc gia Scotland, Kirsten Oswald đánh bại. Nay, cả hai đảng chính là Bảo thủ và Lao động đều không làm chủ Scotland, xứ vẫn là thành viên của Liên hiệp Vương quốc Anh nhưng tâm lý cử tri đã chuyển biến theo hướng không ưa ‘giới cầm quyền London’ sau cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập bất thành năm ngoái.

15:00

Bà Nicola Sturgeon, lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland (SNP): “Cử tri Scotland mong muốn thay đổi và chúng ta đang chứng kiến thay đổi ở tầm vóc ‘lục địa dịch chuyển’, mang tính lịch sử tại đây. Đảng Lao Động không thể đổ lỗi cho chúng tôi. Cử tri muốn SNP nói tiếng nói mạnh mẽ hơn cho Scotland tại [nghị viện] Westminster.”

14:27

Cựu Quốc vụ khanh Bộ Phát triển Hải ngoại Anh, ông Douglas Alexander, thua phiếu tại Scotland trước một sinh viên 20 tuổi. Cô Mhairi Black, thành viên Đảng Quốc gia Scotland, sinh viên năm 3 khoa chính trị tại Đại học Glasglow, đã giành chiến thắng trước ông Alexander tại cử tri hạt Paisley và Nam Renfrewshire. Báo The Guardian cho biết lúc này cô vẫn đang chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm. Cô đã trở thành nghị sỹ trẻ tuổi nhất kể từ năm 1667.