Trọng tâm Vành đai-Con đường, Trung Á ngập trong bẫy nợ
- Ngày đăng 22-08-2018
- BĐN
Không chỉ ngập trong bẫy nợ, các quốc gia Trung Á phải nhượng quyền khai thác tài nguyên cho Trung Quốc.
Cộng hòa Turkmenistan, một quốc gia ở Trung Á, đang rơi vào khủng hoảng kinh tế.
Theo báo Nihong Keizai (Nhật Bản), mặc dù Turkmenistan áp dụng chế độ kiểm soát thông tin nghiêm ngặt, nhưng ngày càng có nhiều những thông tin kiểu như: “mỗi ngày đều có hàng dài người đứng đợi mua thực phẩm,” “muốn mua bột mỳ phải đặt trước cả tháng”.
Thực phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày như bột mì, đường, dầu ăn không đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi chính phủ đã tăng giá nước sạch và khí đốt, đẩy vật giá tại quốc gia Trung Á này tăng lên 300%.
Tình hình được báo Nhật Bản đánh giá là còn vượt qua cả thời kỳ hỗn loạn hậu Xô Viết.
Với 70% nguồn thu nhập quốc gia dựa vào xuất khẩu khí đốt, từ năm 2009, Turkmenistan đã đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc thông qua tuyến đường ống chạy qua các nước láng giềng Uzbekistan và Kazakhstan.
Đồng thời, chính quyền Ashgabat cũng vay nhiều tiền từ Bắc Kinh để phát triển các mỏ khí đốt và xây dựng các cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Để trả nợ Trung Quốc, có một số thông tin cho rằng Turkmenistan đã buộc phải nhượng quyền khai thác một số mỏ khí đốt cho Bắc Kinh.
Theo Viện Nghiên cứu Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) của Nga, số vốn vay này lên tới 8 tỷ USD và Turkmenistan dùng một phần số tiền bán khí đốt cho Trung Quốc để trả nợ.
Tuy nhiên, sau khi đường ống dẫn đi qua Nga bị ngừng hoạt động, đồng thời, các hợp đồng ký với Iran cũng không thuận lợi, thu nhập từ khí đốt của Turkmenistan năm 2017 đã giảm một nửa so với năm 2015.
Thêm vào đó, hệ thống quản lý tài chính lỏng lẻo trong các dự án cơ sở hạ tầng và các vụ tham nhũng đã đẩy nền kinh tế Turkmenistan vào khủng hoảng.
Điều đó buộc họ phải nhượng bộ cho “chủ nợ” Trung Quốc.
Nhưng điều đáng ngại hơn là không chỉ mình Turkmenistan rơi vào khủng hoảng mà lần lượt các nước Trung Á cũng lâm vào tình trạng này.
Cộng hòa Tajikistan, một quốc gia khác ở khu vực Trung Á, đã phải nhượng quyền khai thác tài nguyên đất nước cho một số doanh nghiệp Trung Quốc để đổi lấy khoản tiền viện trợ từ Bắc Kinh. Hồi tháng 4 năm nay.
Tajikistan đã nhượng quyền khai thác một mỏ vàng cho doanh nghiệp Trung Quốc để đổi lại nhận được khoản vay 300 triệu USD. Khoản tiền này được sử dụng để xây dựng nhà máy phát điện.
Tại Kyrgyzstan, để có vốn xây dựng nhà máy phát điện tại thủ đô Bishkek, chính phủ nước này đã ký thỏa thuận vay vốn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, trong đó có điều khoản cam kết sẽ trả toàn bộ các tài sản trong dự án này cho Trung Quốc nếu không thể trả đủ nợ cho Bắc Kinh.
Trong một dự án xây dựng đường sắt khác, Kyrgyzstan cũng phải ký thỏa thuận trong đó có điều khoản phải cho Trung Quốc quyền khai thác tài nguyên để đổi lấy các khoản vay.
Sri Lanka là ví dụ rõ nhất trong việc mắc nợ từ các khoản vay ưu đãi của Bắc Kinh và phải chuyển quyền khai thác cảng Hambantota ở phía Nam nước này cho Trung Quốc trong thời gian 99 năm.
Nghiên cứu viên Andrei Grozin, trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Á của Viện CIS, cho rằng mục đích của Trung Quốc tại Trung Á là củng cố vị trí độc tôn và thu mua hết nguồn tài nguyên tại đây.
|
Siêu dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại các quốc gia Đông Nam Á, Nam Á và Trung Á mang tên “Vành đai-Con đường” với tổng số vốn đầu tư lên đến 1.500 tỉ USD đã khiến giới quan sát lo ngại, đặc biệt là việc các nước tham gia dự án có nguy cơ trở thành ‘con nợ’ sau khi được Trung Quốc hào phóng cho vay ưu đãi.
Những dự án này hiển nhiên đều có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc. Đó là cầu nối giữa Bắc Kinh với các thị trường tiêu thụ sản phẩm của họ ở phương Tây, và với các nguồn cung cấp dầu khí của quốc gia này ở Trung Đông.
Tuy nhiên, dù các quan trọng với Trung Quốc thế nào, các nước Trung Á vẫn là những “con nợ” và lún sâu hơn vào khủng hoảng bởi bẫy nợ mà Trung Quốc đã đặt ra, dần mất đi các tài nguyên quý giá, thậm chí cảnh báo có thể là chủ quyền của một vùng lãnh thổ.