Trông đợi gì vào Hội nghị TƯ 14
Tài liệu trích đăng dưới đây chỉ nhằm mục đích thông tin đa chìều. Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của Website. BBT
Nguyễn Đình Cống
9-1-2016
BCH trung ương Đảng khóa 11 sẽ họp hội nghị lần thứ 14 trước đại hội 12. Mục đích của hội nghị là vấn đề nhân sự, mà quan trọng nhất là các chức vụ chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ tới. Về hình thức thì BCH Trung ương 11 chỉ thảo luận, thống nhất danh sách đề cử, còn toàn quyền quyết định là ở Đại hội Đảng và Quốc hội. Thế nhưng thực tế chứng tỏ danh sách đề cử của TƯ cũ có tác dụng áp đặt, sự bỏ phiếu ở ĐH Đảng và Quốc hội chỉ là hình thức. Nhiều người đang trông đợi vào hội nghị 14, trong lúc hội nghị đó đang làm việc tiếm quyền đại hội Đảng và Quốc hội khi cho mình có quyền quyết định các vị trí chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
Trong bài “Phải chăng đó là tâm lý nô lệ” tôi có phân tích tâm lý của các nhóm người và nêu nhận xét là đa số người dân và đảng viên, kể cả một số đại biếu ĐH 12 chịu ảnh hưởng của tâm lý nô lệ, một lòng tin tưởng vào TƯ, sẵn sàng nghe theo sự lựa chọn từ trước mà không dám, không thể có ý kiến của riêng mình, không thấy được việc làm sai trái của người khác mà mình phải chịu. Nhân dân không hy vọng gì vào những con người như thế.
Tôi và nhiều người khác trông đợi vào một số đại biểu ĐH 12, trên cơ sở lòng yêu nước, yêu dân, có trí tuệ và dũng khí nêu ra và thảo luận ở ĐH một số vấn đề quan trọng và cấp bách như bác bỏ những quyết định sai trái của BCHTƯ khóa 11, mất dân chủ, vi phạm điều lệ, như đổi mới thể chế chính trị để làm cơ sở cho việc phát triển đất nước, như minh bạch hóa nội dung hội nghị Thành đô.
Trong hội nghị TƯ 14 chắc không tránh khỏi việc tiếp tục những âm mưu, thủ đoạn đấu đá, tranh giành để phục vụ lợi ích cá nhân và phe nhóm. Trong số các ủy viên BCH TƯ có người theo phe này, nhóm kia, tham gia tích cực vào việc tranh đoạt quyền lực, cũng có một số không ít tưởng rằng giữ trung lập, nhưng thực chất thì mang tâm lý nô lệ, cho rằng việc quan trọng đã có các UV Bộ Chính trị lo, họ sẵn sàng bỏ phiếu theo cảm tính hoặc dưới áp lực của người khác.
Hy vọng vẫn còn một số UV có lương tri, có trí tuệ, thấy được việc làm của các phe nhóm là sai trái, làm tổn hại đến uy tín của Đảng, gạt bỏ được sự lo sợ, lấy được dũng khí để nêu lên vấn đề bác bỏ cách làm của BCHTƯ khóa 11, mất dân chủ, tiếm quyền đại hội và Quốc hội. Việc bầu Tổng bí thư hãy để cho đại hội, bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng hãy để cho Quốc hội khóa mới. Việc làm như vậy có nhiều khả năng bị chống lại, nếu biểu quyết sẽ bị thiếu số. Tuy vậy việc làm đó tỏ rõ phẩm chất và khí tiết của những người con ưu tú của dân tộc, chứng tỏ giữa những con người quen có tâm lý nô lệ hoặc thoái hóa biến chất vẫn còn có được một số người chân chính, không sợ cường quyền.
Việc quan trọng của đại hội là nhân sự, cần giành thời gian thích đáng để trao đổi, thảo luận chứ không phải chỉ làm qua quýt theo chỉ đạo sẵn. Để có nhiều thời gian cho công việc quan trọng này thì hoặc là kéo dài thêm thời gian họp hoặc là giảm bớt đến tối đa những thủ tục hình thức. Có làm được như vậy mới thể hiện được điều: “Đại hội toàn quốc là cơ quan cao nhất của Đảng”. Nếu cứ để như dự kiến thì khó tránh khỏi: “Đại hội là cơ quan bù nhìn, chấp hành lệnh của BCH trung ương khóa cũ”.