Trở lại đất Phật

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trở lại đất Phật

Thái Lan tự giới thiệu họ là đất nước của Đức Phật

Theo BBC – 2 tháng 9 2015 

‘Đón’ tôi tại cửa khẩu ở sân bay Suvarnabhumi, Bangkok là một nữ nhân viên hải quan xinh xắn.

Cô không nở nụ cười nhưng nhìn có vẻ thân thiện.

Trong lúc chờ đợi, tôi nhìn quanh chỗ cô làm việc.

Phía trước mặt có biển ‘Chào đón tới với đất nước của Đức Phật’ kèm theo cảnh báo không nên mua tượng Phật, hay xăm trổ hình đức Phật chỉ để trang trí.

Tôi định đề nghị cô cho chụp ảnh tấm biển nhưng lại thôi.

Chừng 3-5 phút sau cô trả lại hộ chiếu, tôi nói lời cảm ơn rồi bước vào đất nước mà tôi từng ở đó gần nửa năm.

Đó là năm Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ – 2006.

Lần này tôi tới hôm thứ Bảy trong khi thứ Hai xảy ra vụ nổ bom ở Đền thờ Erawan tại trung tâm Bangkok.

Nhân viên khách sạn Holiday Inn trực sẵn ở sân bay để đón khách nói ngay sau hôm đánh bom 17 tháng Tám chỉ có 40% số phòng trong khách sạn có người ở.

Nhiều người đặt phòng rồi quyết định hủy.

Tôi nói với anh chiếc máy bay đưa tôi từ Singapore tới Bangkok cũng vắng vẻ. Chỉ hơn một nửa ghế có người ngồi.

Chờ một lúc ở sân bay có một lái xe, lại một cô gái Thái, tới đón về Holiday Inn, khách sạn cách đền Erawan chừng ba phút đi bộ.

Từ sân bay về trung tâm đi xe ‘xịn’ mất 1.000 bạt Thái, hơn 600.000 đồng. Đi taxi thường giá còn một nửa.

Bangkok không có vẻ thay đổi nhiều sau chín năm.

Những ngôi nhà lúp xúp, cũ kỹ nằm cách những tòa nhà nguy nga, tráng lệ không xa.

Nhiều xe hơi sang đi cùng đường với các xe khách tồi tàn mà hành khách bên trong phải đeo khẩu trang.

Những người kiếm vài ngàn bạt một tháng sống cùng thành phố với những người kiếm hàng chục hay hàng trăm ngàn bạt.

Bỏ xứ ra đi

Cũng vẫn như xưa là sự lịch sự và lễ phép của người Thái.

Người ta chắp tay cảm ơn khi tôi trả tiền taxi, đi vào khách sạn hay mua đồ.

Trong gần một tuần ở Bangkok, chưa thấy ai định bán đắt cho tôi món đồ nào khi biết tôi là người nước ngoài.

Nguyễn Hùng (trái) tới Thái Lan gần một tuần sau vụ đánh bom ở Đền Erawan

Một bắp ngô vẫn 20 bạt, cái túi làm quà tặng còn được người bán chủ động giảm giá còn 65 bạt, con voi trong đền Erawan 150 bạt.

Sự khó chịu duy nhất khi ở Bangkok lại tới từ một người Việt.

Khi đó tôi vừa đi ngang qua siêu thị Big C ở trung tâm. Đột nhiên nghe thấy tiếng Việt “M* mày, cười cười cái con ***”.

Quay lại thấy một anh bán hàng rong buông lời chửi một khách đi qua chỉ cười mà không mua hàng.

Người Việt ở Bangkok có vẻ cũng nhiều.

Tôi nghe tiếng Việt ở trong siêu thị, ở quán ăn, và tình cờ nghe họ văng tục trên đường.

Đồng nghiệp của tôi ở văn phòng Bangkok nói trong số những người bị thương trong vụ đánh bom ở Đền Erawan có một người Việt chuyên bán nước lựu quanh đó.

Không phải không có những người Việt sang Bangkok hay đi các nước khác làm những công việc tốt hơn với phong cách chuyên nghiệp hơn.

Nhưng tôi biết nhiều người Việt phải bỏ quê hương ra đi vì họ muốn tìm một cuộc sống tốt hơn ở quê nhà dù là đường đi có chông gai và việc làm ở xứ người cũng vô cùng vất vả.

Trong những ngày ở Bangkok một người bạn lại email báo về những công trình ngàn tỷ đồng mới ở quê nhà.

Tôi dẫn một câu thơ trong email đáp lại: “Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương.”

Không ngày quốc khánh

Tính tới Quốc khánh 2/9 lần này tôi đã xa Việt Nam 15 năm.

Ở nước Anh, vương quốc đã trao cho tôi tư cách công dân cách đây chín năm, người ta không có ngày quốc khánh.

Hàng năm nước Anh ghi dấu ngày Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị lên ngôi hồi năm 1953.

Không hiểu Việt Nam còn phải kỷ niệm bao nhiêu năm ngày quốc khánh mới sánh ngang được với nước ở tốp đầu như Anh. Tính bằng chục năm, trăm năm hay không bao giờ?

Tôi biết người ta nói ‘đừng bao giờ nói không bao giờ’.

Nhưng hiện tại thu nhập đầu người của Việt Nam còn kém Thái Lan khoảng 20 năm và giá trị tổng sản phẩm quốc nội cũng chỉ bằng một nửa của Vương quốc Thái, theo báo chí Việt Nam.

Còn nếu so sánh với Singapore, 5,5 triệu người dân đảo quốc này làm ra hơn 300 tỷ đô la trong năm ngoái, năm 90 triệu người Việt Nam làm ra hơn 185 tỷ đô la.

Đó là lý do nhiều người Việt Nam tìm đường sang Thái Lan, Singapore và nhất là sang Anh, nước có trình độ phát triển và sự tự do hàng đầu thế giới.

Có lần tôi đưa người nhà ra sân bay Gatwick và gặp hai bạn trẻ Việt Nam lần đầu về quê hương sau gần 10 năm.

Bố mẹ các bạn không nhìn thấy tương lai sáng lạn cho các bạn ở Việt Nam và bỏ hàng chục ngàn đô la gửi các bạn đi chui vào Anh nhiều năm trước đó từ thành phố cảng Hải Phòng.

Khi rời Việt Nam các bạn mới 13, 14 tuổi, theo lời các bạn kể.

Tới Anh các bạn được những gia đình người Anh tốt bụng nhận làm con nuôi và cho ăn học.

Tôi biết có những trường hợp những người già hơn cũng sẵn sàng chấp nhận đi lòng vòng quanh các nước giáp khối đi lại tự do Schengen của gần 30 nước châu Âu rồi tìm cách vào khối này với đích cuối là Đức, Pháp Anh.

Họ không còn là thuyền nhân mà là những phi cơ nhân.

Mới đây một nhóm người Việt bị giữ lại trên xa lộ Anh khi đang đi trên xe của tài xế từ Ba Lan sang.

Tôi vẫn tự hỏi tới khi nào người Việt mới thoát khỏi cảnh ‘liều mình như chẳng có’ để mưu cầu hạnh phúc và tự do ở xứ người.

Mô hình ngọn nến

Cũng giống như Thái Lan, dân nghèo ở Việt Nam vẫn chiếm đa số.

Tôi hình dung mô hình tổ chức xã hội ở các nước như Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia giống hình kim tự tháp.

Dù ở những chừng mực khác nhau nhưng tầng nhỏ ở trên cùng là giới lãnh đạo, dưới họ là tầng lớp trung lưu, và ở đáy là những người thu nhập thấp vốn chiếm đa số.

Những người ở hai tầng trên hài lòng với hiện trạng hơn nhiều vì họ có tiền, quyền và quan hệ.

Thái Lan có sự phân cách giàu nghèo lớn

Tầng lớp đáy luôn đông đảo và luôn chịu thiệt thòi.

Thủ tướng Thái Lan đã từng thành công khi gần như phớt lờ tầng lớp trung lưu và nhắm tới khối đông đảo ở đáy.

Những chương trình mị dân như khám chữa bệnh chỉ mất 30 bạt một lần đã khiến cho ông và sau này em gái ông luôn được phiếu của đông đảo dân nghèo.

Và nếu cứ để bầu cử tự do, thế nào gia đình Shinawatra cũng sẽ trở lại chính trường.

Đây là lý do quân đội ra tay và tiếm quyền không qua bầu cử.

Một xã hội có nhiều hy vọng hơn có lẽ là mô hình tổ chức như ngọn nến hình trụ.

Giới cầm quyền dùng tiền thuế của dân chỉ nên như tim nến nhỏ nhoi.

Xã hội bên dưới nên đồng đều hơn về sự tự do và quyền lợi.

Thực ra đây chính là mô hình không tưởng mà Việt Nam về lý thuyết nói rằng họ đang theo đuổi.

Nhưng những gì xảy ra trên thực tế lại hoàn toàn chưa phải là lý tưởng. Và con đường Việt Nam đang đi dường như cũng chưa phải là con đường ‘đi tắt, đón đầu’ mà là con đường quanh co trong khi đầu tầu lại lúc đi lúc nghỉ.