Trò khỉ-đu dây và tự do

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trò khỉ-đu dây và tự do

Phạm Văn (Danlambao) – Gần đây người ta nói nhiều đến hiện tượng “đu dây”. Phải nói rằng ai nghĩ ra từ ngữ-tên gọi đặc sắc này là rất thông minh-tinh tế, vì nó vừa rất đúng vừa nêu bật đặc trưng của một loại hiện tượng không chỉ có ở con người, mà còn, trước hết ở loài khỉ. Nhưng nếu ở loài khỉ, “đu dây” đơn thuần là một hiện tượng tự nhiên, thì ở con người nó là một hiện tượng rất tiêu cực, phản tiến bộ, phản nhân văn và quái gở không chỉ tồn tại trong các quan hệ quốc tế mà còn trong các quan hệ xã hội nói chung. Để hiểu được hiện tượng “đu dây” rất cần xem xét nó trong quan hệ với Tự do. Khỏi phải nói, tư tưởng, giá trị Tự do đã đưa nền văn minh phương Tây đi lên trên những bậc thang ngày càng cao hơn như thế nào. Ở đây ta nói về Tự do như là cái hoàn toàn đối lập với hiện tượng “đu dây”. Nói về tự do để thấu hiểu bản chất và những biểu hiện đa dạng của “đu dây” và hiểu thấu hiện tượng này ta càng hiểu rõ hơn nội dung, ý nghĩa của Tự do với tư cách một tư tưởng, giá trị rất cơ bản, hết sức lớn lao của con người.
Người ta thấy có một giống khỉ (hoặc vượn người) biết lợi dụng những cái rễ lớn nhỏ của những loại cây có rễ mọc buông từ thân hoặc cành cây xuống đất có khi dài hàng chục mét, hoặc những cây dây leo bám chắc vào những thân, cành cây to khỏe, nhưng cũng có thể hiểu rộng ra là cả những phần chót vót của những cành cây, ngọn cây, để đu (dời, nhảy, nhào xuống) từ chỗ này đến chỗ khác nhằm kiếm ăn, di dời hoặc chạy trốn. Còn thấy hiện tượng này rất đặc trưng cho sự di dời của nhân vật trong bộ phim về Taczăng “người rừng”. Có thể gọi hiện tượng này là “đu dây” và nó gồm các yếu tố chính như sau: – cột (cây) đu-điểm xuất phát; – dây đu; – điểm tới; – năng lực-kỹ năng đu. Ta không cần đi sâu phân tích cái cơ cấu đu dây này, nhưng cần nói ngay về tác dụng của nó là, nhờ đu dây giống khỉ có thể di dời nhanh tới mục tiêu, ít tốn công sức và có thể tránh được kẻ thù.
Tuy nhiên, điều đáng nói nhất ở đây là những con khỉ cũng như nhân vật Taczăng kia nói chung đã không thể làm được cái việc là tự mình buộc dây đu vào cây đu, mà chỉ lợi dụng những gì tự nhiên cho sẵn để di dời-đu. Đây là một hình thức hay cách thức di dời nằm trong phương thức sinh tồn nói chung của một giống khỉ chuyên sống trên cây hoặc của một số giống, loài khác. Cách thức này hoàn toàn mang tính tự nhiên-bản năng, và ta không thể gọi đó là “trò khỉ” hay trò “đu dây”. Và để bảo tồn giống khỉ này dĩ nhiên ta phải coi trọng cách thức di dời-sinh tồn vốn có ấy của chúng. Song, đem vận dụng vào thế giới loài người, thì từ “đu dây” có nội dung và ý nghĩa khác về cơ bản. Ở đây ta cần phải làm rõ bản chất của hiện tượng “đu dây” và sự biểu hiện của nó, nhất là trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Nói chung, con người có một đặc trưng cơ bản khác xa các loài động vật là ở chỗ nó biến đổi thế giới xung quanh một cách có hiểu biết, có ý thức. Nghĩa là trước khi tạo ra những sản phẩm, nói chung nó phải hình dung, ý thức ra chúng trong đầu óc và căn cứ vào đó nó dùng những công cụ do mình chế tạo ra để biến đổi các đối tượng tự nhiên, xã hội thành những gì nó mong muốn. Bằng phương thức ấy con người đã làm cho thiên nhiên mang tính người, đã tạo nên thiên nhiên thứ hai là xã hội-lịch sử hay thế giới VĂN HÓA. Sau khi thế giới sản phẩm được tạo ra con người đã lựa chọn và xác lập nên các bậc thang giá trị, hệ giá trị. Con người tự do tự mình xác lập giá trị, hệ giá trị của mình, tự biết, tự ý thức được cái gì là thật (chân), tốt (thiện), đẹp (mỹ) và đương nhiên, cả những gì đối lập là giả, ác, xấu. Khi tự ý thức được những giá trị, nó tự lựa chọn và tự hành động theo lựa chọn ấy. Người tự do tự mình xác lập giá trị, do đó tự mình có tư tưởng riêng. Tư tưởng của họ là tự ý thức về các giá trị của mình. Những giá trị lớn lao, sâu sắc và tích cực là cơ sở cho những tư tưởng lớn lao, sâu sắc và tiến bộ. Chức năng cơ bản của tư tưởng là dẫn dắt hành động, hướng con người đến những giá trị đã được lựa chọn. Những tư tưởng lớn lao, sâu sắc, tiến bộ dẫn dắt cá nhân, dân tộc, nhân dân đi lên.
Với những tư tưởng và giá trị của chính mình, con người có thể dựa vào đó, nghĩa là tự “neo đậu”, “buộc cột” suy nghĩ, ý thức và hành động của mình và căn cứ vào đó mà di dời-hoạt động, để có thể ứng xử, biến đổi thế giới xung quanh như mình mong muốn. Người tự do là con người đã trưởng thành về mặt xã hội-văn hóa, hoạt động-di dời của nó dựa trên những nguyên tắc, chuẩn mực nhất định, trong đó những giá trị, tư tưởng căn bản được lấy làm cơ sở, căn cứ là những nguyên tắc tối cao. Người tự do có giá trị, tư tưởng quý giá, lớn lao tối cao là TỰ DO. Họ hiểu tự do của mình cũng có nghĩa là người khác, con người nói chung có tự do, đặc biệt, trước hết nhân dân, đất nước mình có tự do, nhất định phải có tự do. Đây chính là điều kỳ diệu, đặc trưng cho con người với nghĩa chữ CON NGƯỜI (viết hoa). Người tự do không cho phép ai trói buộc hành động, cuộc sống của mình vào một thứ quan niệm, tư tưởng nào đó, mặt khác cũng không tự trói buộc chính mình, làm nô lệ cho những tham vọng, quan niệm, tư tưởng nào, ngay cả khi tư tưởng, quan niệm đó là của chính mình. Cho nên, người tự do không thể sống theo-bằng lối “đu dây” và dĩ nhiên, cũng không chấp nhận phương thức, lối sống này.
Từ việc hiểu tự do, con người tự do, ta có thể gián tiếp thấy rõ bản chất của hiện tượng “đu dây”. Một cách tóm quát, “đu dây” là một hình thức-phương thức sống, hành xử đặc trưng của những người, những tổ chức, thậm chí có thể tiêu biểu cho lối sống của một xã hội, cộng đồng mà ở đó kẻ “đu dây”: 1) Không có khả năng tự xác lập những giá trị, tư tưởng, nhất là những giá trị, tư tưởng căn bản cho hoạt động của mình, trong khi như mọi con người, nó cần điều này; 2) Vì thế, kẻ đu dây có thể hoặc vay mượn, lợi dụng, thậm chí chôm chỉa, hoặc bị ép-gán những giá trị, tư tưởng này khác. Vì nói chung, không có khả năng phân biệt đúng-sai, thiện-ác, tốt-xấu, cho nên phần nhiều các giá trị, tư tưởng của kẻ đu dây là giáo điều, lỗi thời, thậm chí mơ hồ, hoặc có thể là sự vay mượn một cách sống sượng những giá trị, tư tưởng có thể là đúng; 3) Căn cứ vào những giá trị, tư tưởng ấy chúng thực hiện những di dời-hoạt động sống của mình, nói chung không theo một nguyên tắc, chuẩn mực nào cả, trừ một nguyên tắc bất di bất dịch, nhưng bất minh, bất chính, đó là những cái lợi cho con người cá nhân hẹp hòi của chúng. Như vậy, trên thực tế kẻ “đu dây” là kẻ nô lệ cho những giá trị, tư tưởng, học thuyết, mà rốt cuộc là cho những tham vọng xấu xa, tội lỗi của hắn. [Lưu ý: bây giờ khi bản chất của hiện tượng đu dây đã rõ, ta sẽ không viết từ “đu dây” trong ngoặc kép nữa].
Kẻ đu dây “giỏi” và “rất giỏi” chuyển – đu từ vị trí này sang vị trí khác cả về thực tế và tinh thần. Về thực tế, đó là những vị trí như địa vị, chức vụ, quyền hạn, công việc. Ở đâu có cái mùi quyền lợi cho bản thân thì bọn chúng thấy ngay và lập tức đu – chuyền đến, lao tới, nhào vào, nếu quyền lợi ấy càng lớn, khả năng, năng lực đu của chúng cũng càng lớn, bất chấp năng lực thực tế cho mỗi địa vị, chức vụ, công việc đó là gì, đến đâu, bởi vì bọn chúng chỉ cần “tại chức” hay “lên chức”, chứ đâu cần học vấn, chuyên môn. Nhưng cần thấy cái “giỏi” của chúng trước hết là về tinh thần, tức là trong suy nghĩ, tư tưởng, ý thức, vì đây chính là cái cơ sở dẫn dắt hành động đu dây thực tế. Kẻ đu dây có một “năng lực” tinh thần, tư tưởng rất đáng nể phục. Trước hết, nó ở ngay trong hệ thống các giác quan với các năng lực di dời-quét lướt đảo nghịch rất nhạy bén và từ đây, những thông tin “hữu dụng” được chuyển vào một bộ óc cũng với khả năng di dời – đu từ hiểu biết, cảm xúc, trạng thái tinh thần này sang trạng thái tinh thần khác cực kỳ biến báo, huyền ảo.
Tuy vậy, ta không được nhầm lẫn đu dây với sự quyền biến và phương pháp biện chứng. Sự quyền biến và phương pháp biện chứng (dù đã lạc hậu) đều có những nguyên tắc của chúng, nghĩa là theo các cách thức, phương pháp này thì những biến hóa, thay đổi phải dựa trên những nguyên tắc nhất định (lấy “bất biến ứng vạn biến”), không thể tùy tiện. Trong khi đó kẻ đu dây có năng lực biến hóa khôn lường, chúng như những con vật biết đổi mầu da tùy theo hoàn cảnh. Như đã nói, hầu như chúng không theo, không có nguyên tắc, chuẩn mực nào cả. Nhưng cũng cần phân biệt đu dây với cơ hội và chủ nghĩa cơ hội. Nói chung con người sống cần có những cơ hội và có khi rất thích, rất chờ đợi những cơ hội, vì chúng có thể đem lại cho họ những điều may mắn, tốt đẹp. Còn chủ nghĩa cơ hội lại là một “nguyên tắc”, “lối sống” đặc trưng cho một số người, nhóm người có thể ở mọi lĩnh vực đời sống. Người cơ hội chủ nghĩa xem việc nắm lấy các cơ hội để đạt mục tiêu cuộc sống là một “nguyên tắc”, một “lối sống” cơ bản của họ. Họ sẵn sàng chuyển từ vị trí-địa vị này đến vị trí-địa vị khác, từ phe nhóm này sang phe nhóm khác ngay cả khi phe nhóm mà họ chuyển sang vốn trước đối lập với họ hoặc họ rất khinh bỉ, hoặc rất khinh bỉ họ, nếu như vị trí-địa vị, phe nhóm ấy đem lại cho họ quyền lợi riêng, bất chấp mọi đạo lý. Kẻ cơ hội chủ nghĩa luôn luôn nhằm tới các cơ hội, hắn sống trên-với-bằng những cơ hội, khoảnh khắc có lợi, nói chung hắn không quan tâm đến những tư tưởng, giá trị định hướng. Do đó, có thể xem kẻ cơ hội chủ nghĩa như một mắt xích, một yếu tố nằm trong lối sống, phương thức đu dây và kẻ đu dây hiểu điều này và tận dụng nó tối đa.
Khi đu dây phát tán, trở thành cái phổ biến của toàn bộ thể chế và lan sang cả đời sống xã hội thì nó hội tụ tất cả các đặc tính tanh tưởi là TRÍ TRÁ-TRÁO TRỞ-TRƠ TRẼN-TRÂNG TRÁO. Chẳng biết xếp đặc tính nào lên đầu tiên trong số chúng, chỉ biết rằng chúng kết hợp lại rất chặt chẽ. Người ta có thể và thậm chí đã chửi kẻ đu dây bằng những lời hết sức thậm tệ, “thô tục”, đầy căm phẫn, nhưng cũng rất hiểu biết và có căn cứ, nhưng vì bản chất trí trá-tráo trở, nên chúng vẫn trơ trẽn-trâng tráo. Ở một người bình thường, còn chút lương tâm, đứng trước thực tế như vậy có lẽ phải từ bỏ ngay những địa vị, chức vụ đang có, nhất là những địa vị cao, có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Nhưng ở đây, chúng trơ trẽn-trâng tráo vì điều đó cần cho sự trí trá-tráo trở. Nhiều khi chúng chỉ cần chụp lên đầu người ta cái mũ “thế lực thù địch” rồi xúi dục bọn đàn em trong thể chế đu dây hùa theo, thế là coi như đã “giải quyết xong vấn đề”, rồi lại trâng tráo nhào lộn, ngụp lặn trong cái bể quyền lợi của chúng. Chúng còn định ra luật để “bịt miệng” người chửi, chỉ vì người chửi chúng quá đúng, làm chúng rất đau đớn, nhục nhã.
Cụ thể hơn, ở Việt Nam chúng ta lâu nay hiện tượng đu dây biểu hiện như thế nào? Nếu xét nguyên nhân sâu xa, thì phải thấy rằng từ một nước, một xã hội dựa trên chế độ sở hữu công vốn là cơ sở của chế độ quân chủ, Việt Nam chưa bao giờ có một hệ tư tưởng độc lập, đặc biệt trong đó chưa có hệ thống tư tưởng triết học cho công cuộc kiến tạo xã hội, có chăng chỉ có ý thức độc lập về chủ quyền. Những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm liên miên càng làm cho khả năng nói trên không thể có được. Trong kiến tạo nói chung Việt Nam vẫn vay mượn học thuyết, tư tưởng của Ấn độ (về Phật giáo), hoặc của Trung Quốc (về Nho giáo), còn mọi sinh hoạt nói chung đều dựa trên kinh nghiệm. Cho nên, sự tồn tại lâu dài của chế độ quân chủ đã tạo nên thói quen trông đợi mọi thứ từ bên trên ban xuống, đặc biệt là về tư tưởng, tinh thần. Khi thực dân Pháp xâm lược, ý thức độc lập về chủ quyền truyền thống đã bất lực. Cuộc đi tìm-vay mượn học thuyết, tư tưởng đã diễn ra. Đảng “cộng sản” Việt Nam ra đời là một “chi bộ” của Quốc tế cộng sản, học thuyết Marx-Lenin – học thuyết đấu tranh giai cấp thực sự là cái chi phối cuộc đấu tranh giành độc lập. Chính sự vay mượn-lợi dụng sống sượng này đã để lại những hậu quả vật chất, tinh thần nặng nề cho dân tộc Việt Nam, chẳng hạn việc giết oan hàng trăm ngàn người trong “cải cách” ruộng đất, việc bắt giam, bức hại hàng ngàn người có tư tưởng dân chủ, tiến bộ, đã để lại những nỗi đau ghê gớm khôn nguôi trong tâm hồn con người Việt Nam, nhất là những người có lương tri.
Thực tế lịch sử cho thấy trong sự phát triển của nhiều quốc gia, lúc đầu người ta có thể sao chép-vay mượn tư tưởng, học thuyết nào đó, nhưng sau đó phải chuyển hóa chúng thành tư tưởng, lý thuyết của mình, nếu như chúng đúng, bằng việc cụ thể hóa, bổ sung, phát triển cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Tư tưởng tự do đầu tiên vốn không phải của người Mỹ, người Nhật, nhưng nó đã giúp họ rất thành công, bởi vì nó đúng và bởi vì nó được họ hiểu và chuyển hóa thành tư tưởng của chính mình. Nhưng học thuyết, tư tưởng Marx-Lenin lại rất khiếm khuyết, sai lầm và ảo tưởng và đảng “cộng sản” Việt Nam đã tự cột mình vào chúng, cho nên sự nghiệp, lý tưởng của nó, của chế độ do nó lập nên đương nhiên trở thành một sự nghiệp, một lý tưởng đu dây. Hết “người anh cả” thao túng, bắt phải làm điều này điều nọ, đến “người anh thứ hai” luôn khống chế, đòi trả “nợ máu xương”, luôn tìm cách phá phách, lừa lọc để lấy biển đảo, lấy đất, bắt cắt từng phần đất, phần biển để dâng hiến cho chúng. Cho đến khi “người anh cả” chết thì đảng “cộng sản” Việt Nam rơi-nằm trọn vào vòng tay “người anh còn lại” và chỉ còn biết cố nắm lấy sợi dây lệ thuộc-nô lệ này để đu cho đến hôm nay…
Kẻ vay mượn tư tưởng mà không có khả năng phân biệt nó là đúng hay sai, là kẻ không hay chưa có ý thức rõ ràng về thân phận của mình, nghĩa là chưa phải, không phải là người tự do, người trưởng thành. Vì vậy, nó chỉ có thể là kẻ đu dây. Chúng neo bám vào những tư tưởng, lý luận không phải của mình để rồi di dời – đu từ chỗ này sang chỗ kia cốt để lo cho cái mạng sống, cho những lợi quyền, cho cái địa vị “đế vương-chư hầu” kiểu mới của chúng. Khi nền kinh tế thị trường tác động đến những quốc gia “cộng sản” Việt Nam và Trung Quốc, trong khi ở đây đang tồn tại những chế độ quân chủ biến tướng, lỗi thời, đu dây được áp dụng ngay vào kinh tế. Các thể chế kinh tế mới đã xuất hiện như “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” (ở Trung Quốc), “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (ở Việt Nam). Gọi là đu dây vì những thể chế kinh tế này về bản chất không phải là kinh tế thị trường (Xem Sự sùng bái những giá trị vật chất trần trụi và cuộc chiến của Tự do-Văn minh chống lại Quái thú-mọi rợ, đăng trên Dân Làm Báo 9/7/2018). Với các thể chế ấy, đu dây diễn ra không chỉ trong bản thân mỗi nền kinh tế này mà còn trên phạm vi toàn cầu, nhất là đối với thể chế kinh tế thị trường kiểu Trung Quốc.
Trên cơ sở thể chế kinh tế đu dây này, phương thức đu dây được dịp phát tán chưa từng có. Con người thực sự trở thành nô lệ cho những giá trị vật chất-kinh tế trần trụi. Đu-đu-đu, miễn là được lợi, là có tiền, là giàu có. Người người đu, nhà nhà đu, ngành ngành, cấp cấp đu.., y tế, nhất là giáo dục cũng phải đu. Năng lực “chụp giật” sớm được hình thành và được tôi rèn. Các “anh hùng tay không bắt giặc” xuất hiện ngày càng nhiều. “Nhà khoa học”, “thầy giáo”, “nghệ sĩ”, “trí thức” nói chung cho đến các bậc quan chức cao thấp đua nhau khoe xe hơi, nhà lầu và các phương tiện, “kỹ năng” sinh hoạt khác nhau mà không hề ngượng ngùng trước cái chức năng và phẩm chất nghề nghiệp thực sự ngày một teo tóp-chết đi. Xót thay, đến cả người dân cũng đu: sẵn sàng hối lộ từ các quan chức lớn nhỏ, cảnh sát giao thông, giáo viên, quan tòa, luật sư, bác sĩ, y tá, cho đến những nhân viên phục vụ trong các cơ quan, miễn là lợi, là được việc cho mình mà thậm chí không hề cảm thấy áy náy. Đu dây thực sự là một loại siêu vi trùng đã và đang làm cho những căn bệnh vốn có trong các xã hội quân chủ truyền thống phát triển tối đa.
Nếu để ý đến một kẻ đu dây cụ thể, ta thấy có lẽ hắn bắt đầu từ một kẻ giáo điều-sách vở trong chuyện học hành, cùng với bản tính yếu đuối-hèn nhát (hình như còn trốn nghĩa vụ quân sự v.v.,?) nhưng lại hết sức hám danh, đầy tham vọng về địa vị-quyền lực, vì thế cùng với những điều hắn học được một cách giáo điều khá có “căn cơ”, khiến hắn trở thành kẻ rất cơ hội và cực kỳ bảo thủ. Giữ những giáo điều như một “nguyên tắc tối cao”, hắn lặng lẽ “tiến lên”, rồi trở nên biến báo-trí trá, kể cả tráo trở trong cả lời nói và việc làm, sẵn sàng đá bay cái nhận thức mà hôm qua vừa tung ra rồi thay bằng nhận thức khác có khi hoàn toàn đối lập lại, hắn bảo “chẳng ai dại gì đem đất giao cho người khác” và “mới chỉ đem luật (“luật đặc khu”) ra để thảo luận chứ đã làm gì đâu”, nhưng trên thực tế “đặc khu Vân đồn” gần như đã trong tay Tàu Cộng, cả Formosa, khu khai thác quặng nhôm Tây Nguyên v.v…, cũng thế, không những thế, dưới hình thức khác nhau giặc Tàu đã có mặt trên khắp nước Việt Nam. Hắn đu-biến báo, trí trá đến trơ trẽn.
Hắn “lú” vì không có học thuyết, tư tưởng riêng nào cả, chỉ có một mớ lý thuyết, tư tưởng giáo điều vận dụng vào bất cứ hoàn cảnh nào cũng “được”, cũng “đúng”, cùng một vài “triết lý” vừa lệch lạc vừa mơ hồ-mê sảng như “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “Hiến pháp là cương lĩnh thứ hai sau cương lĩnh của đảng”, “đập chuột không để vỡ bình”, “lò đã nóng rồi thì củi tươi cũng phải cháy” v.v.. Với bằng “TS”, học vị “GS” “chính trị học” về “xây dựng Đảng”, hắn vượt hẳn lên trên về “tài năng-lý luận” so với những kẻ cạnh tranh với mình. Bởi vậy, trong thể chế của hắn hàng mấy trăm, hàng ngàn người vẫn ngây ra ngồi nghe hắn nói chẳng ra đâu vào đâu, thậm chí nói dối, nói bậy. Bởi vì, siêu vi trùng đu dây trong hắn điều khiển hàng trăm, hàng ngàn những siêu vi trùng ấy.
Đặc biệt, kẻ đu dây điển hình này đã sớm lọt vào mắt các quan bậc thầy đu dây Bắc Kinh và như thế, xem như “thuyết âm mưu” của hắn có cơ hội hoàn tất. Nắm “chắc” các giáo điều, hắn đu giữa các quan thầy Bắc Kinh và các chính thể khác trên thế giới, hệ thống, thể chế của hắn, nhân dân và các nhà khoa học, những người có tư tưởng tiến bộ, dân chủ. Nhưng khốn thay, hắn bị các quan thầy Bắc Kinh trói chặt lưng như trói một con ếch, vì vậy hắn chỉ có thể đu trong một phạm vi, một “quỹ đạo” cho sẵn. Nếu không có cuộc biểu tình-xuống đường của hàng vạn nhân dân trong tháng 6, nhất là ngày 10 tháng 6 vừa qua, chắc chắn “luật đặc khu” đã được thông qua và hắn đã nằm trọn trong vòng tay của quan thầy hắn và những người có tư tưởng tiến bộ, dân chủ có lẽ sẽ tiếp tục bị hắn mơn trớn, lừa mị. Nhưng thực tế cuộc sống đã không chiều theo ý hắn: Hắn bộc lộ nguyên hình một kẻ ngu dân, lừa đảo và là tay sai của Tàu Cộng.
Theo tư tưởng của I. Kant được thể hiện trong một cuốn sách nhỏ của ông có tên “Khai sáng là gì?”, thì Khai sáng có nghĩa là “bước từ tuổi vị thành niên sang tuổi trưởng thành”. Nghĩa là nói chung trẻ con sống bằng cảm xúc, hay cảm xúc chi phối nó, trẻ con là giai đoạn còn thiếu lý trí-lý tính, còn ở người trưởng thành thì lý trí-lý tính chi phối. Người trưởng thành nói chung chỉ hành động khi bằng lý trí-lý tính phân biệt được rõ đúng-sai, tốt-xấu, việc gì nên làm, không nên làm. Cần hiểu rằng nền luật pháp-chế độ pháp trị hình thành ở châu Âu nói chung là sản phẩm của lý trí-lý tính. Vì hầu hết các điều luật, các hình thức phạm tội v.v… đều được định nghĩa, đều được khái niệm, khái niệm hóa rất rõ ràng. Tư tưởng của I. Kant là tổng kết sự phát triển tự nhiên của văn hóa phương Tây nói chung.
Nhưng đối với phương Đông-Trung Quốc và Việt Nam thì đây lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Ở đây những “đứa trẻ con” vẫn ở mãi, không chịu lớn lên, không thể lớn lên trong cái tấm thân của “ông già” (có lẽ không có râu) thậm chí với mái tóc bạc trắng. “Ông già” chẳng hiểu “củi” có nghĩa là gì nên cứ “đốt chơi” cả củi khô lẫn củi ướt. Lẽ ra có thể nói về hoặc bổ sung một điều luật liên quan đến “mạng” (internet) vào bộ luật an ninh quốc gia, thì “ông già” lại nói luật ANM là để bảo vệ chế độ của ông. Ông không biết luật pháp-nền pháp trị là thành quả của văn minh loài người dựa trên cơ sở phát triển lý trí-lý tính cao của con người, của con người trưởng thành về xã hội-văn hóa. Cho nên, là một người từng làm “Chủ tịch Quốc hội” của một nước, “ông già” vẫn cho tay sai sang tận nước Đức có nền pháp trị văn minh để “bắt cóc” người. Rồi ở trong nước dưới sự lãnh đạo của “ông già”, công an có thể tùy tiện đột nhập nhà riêng của bất cứ ai nếu cần, đối với những người biểu tình, phản đối những gì sai trái của chế độ, “ông già” chỉ đạo bọn tay chân chụp ngay cho họ cái mũ “gây rối”,“thế lực thù địch”, “nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, ngay cả với những đảng viên của đảng ông, nếu có những nhận thức khác với chủ trương, đường lối của đảng, “ông già” chỉ đạo chụp cho họ cái mũ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” v.v.. Khó có thể kể xiết cái ngu muội của “đứa trẻ con” nơi “ông già” và cả thể chế của ông. “Ông già” và thể chế của ông không có khả năng, cũng chẳng cần biết đúng-sai, tốt-xấu là gì, chỉ biết mỗi điều lợi.
Vậy, nếu theo tư tưởng của I. Kant thì “ông già” và cả cái đảng, thể chế của “ông già” là một, là những “đứa trẻ con” về phương diện xã hội-văn hóa. Còn đặt vào điều kiện Việt Nam thì “ông già” và thể chế của “ông già” “lại là một, là những “đứa trẻ con” “không chịu lớn”, đúng hơn “không có khả năng lớn”, “không thể lớn” được nữa. Có thể xem đây là một khuyết phạp lớn, là một dạng đặc biệt của cái chứng “lùn-đẹn” về xã hội-văn hóa của con người phương Đông-Trung Quốc và Việt Nam, mà nguyên nhân bên trong sâu xa làm trầm trọng thêm tình trạng này hiện nay là sự tồn tại của siêu vi trùng đu dây. Dĩ nhiên, về những phương diện này “ông già”, tổ chức, thể chế của ông không có tội, vì không ai được phép kết tội đứa trẻ con chỉ vì nó chậm lớn, không muốn lớn, hoặc không thể lớn được nữa, cũng không ai được phép kết tội người mang bệnh và siêu vi trùng của căn bệnh ấy. Nhưng hoàn toàn có thể luận tội, kết tội “ông già” và cả cái tổ chức, thể chế của ông về việc đã gây ra những tai họa lớn nhỏ, thê thảm cho nhân dân, đất nước hôm nay.
Rõ ràng, đu dây khi tồn tại điển hình ở một kẻ đứng đầu một đảng đu dây, một chế độ đu dây thì cả xã hội cũng đu dây là chuyện đương nhiên. Ở Việt Nam lâu nay và nhất là hiện nay đu dây hiện ra như một phương thức-lối sống rất đặc trưng. Nó chính là siêu vi trùng trực tiếp gây nên căn bệnh tham nhũng đang hoành hành toàn bộ đời sống xã hội (Xem bài Tham nhũng và “cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay của tác giả trên Dân Làm Báo 22/7/2018). Bởi vì, chính tình trạng không có tư tưởng, giá trị tối cao đúng đắn, tích cực, tiến bộ định hướng, trái lại do sự chi phối, lũng đoạn của những học thuyết, tư tưởng sai lầm, mơ hồ đối với toàn xã hội, cho nên đã tạo nên tính chất vô nguyên tắc trong hoạt động của mọi tổ chức, lĩnh vực xã hội khác nhau, trước hết là tổ chức đảng và chế độ đảng trị, nghĩa là tình trạng lợi dụng, lạm dụng thậm chí tuyệt đối chức vụ, quyền hạn để tham ô, hối lộ, chiếm đoạt tài sản xã hội, tước đoạt những quyền cơ bản của người dân, của con người, đã trở thành một căn bệnh vô phương cứu chữa của toàn bộ hệ thống. Đặc biệt, khi tung tác với căn bệnh này, siêu vi trùng đu dây đã tạo nên căn bệnh đa thể HÈN NHÁT-TRẦM CẢM-VÔ CẢM rất nặng nề.
Nhưng về lâu dài, điều đáng lo nhất là đu dây đã tràn vào, thâm nhập, tung tác trong nền giáo dục quốc gia. Người ta, từ đội ngũ giáo viên cho đến những quan chức giáo dục khác kể cả ở những cấp cao nhất là bộ trưởng và cao hơn nữa, tất cả đã làm và sẵn sàng làm giáo dục-đào tạo mà không cần biết triết lý-triết học giáo dục, bổn phận-trách nhiệm thực sự của người thầy, người làm giáo dục là gì. Như thế, trên thực tế người ta đã đánh đu trên các chức vụ, quyền hạn khác nhau trong hệ thống giáo dục. Sự đu dây này tất nhiên mở đường và tiếp sức cho cả sự đu dây của học sinh, sinh viên, người học. Trong ngành giáo dục thói chạy theo bằng cấp, hám thành tích, chạy theo điểm số v.v…, nghĩa là chạy theo những gì rất hình thức dường như trở thành một “chủ trương ngầm” của toàn ngành và lan ngấm ngược lại xã hội. Nhưng những mục tiêu hình thức ấy rốt cuộc đều nhằm đến mục đích cuối cùng là địa vị-quyền lực và do đó là tiền bạc, lợi lộc, nên người ta đã bất chấp tất cả, điển hình là những vụ gian lận điểm thi mới nhất ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình vừa qua và chắc chắn còn nhiều vụ việc xấu xa, tội lỗi khác nữa chưa được phát giác.
Không có triết lý-triết học giáo dục đúng đắn, không có tư tưởng, giá trị tích cực, tiến bộ định hướng, trái lại với sự chi phối của những tư tưởng, quan điểm giáo dục giáo điều, lạc hậu, sai lầm, mơ hồ, nền giáo dục Việt Nam hiện nay thực sự mất phương hướng, những căn bệnh của nó không còn khả năng cứu chữa. Tình trạng thảm hại của giáo dục là bằng chứng rõ ràng, đầy đủ nhất tố cáo tình trạng đu dây phổ biến của đời sống xã hội, trước hết là của chế độ đảng “cộng sản” trị.
Vậy, có thể hiểu từ đu dây có nguồn gốc tự nhiên là từ cách thức di dời riêng của một giống khỉ, nhưng khi nó diễn ra-lặp lại ở một nhóm người, ở một bộ phận nào đó của loài người, ta gọi đó là TRÒ KHỈ, chủ yếu với nghĩa là “quái gở”. Nhưng vì, đu dây còn có nghĩa rộng hơn, vì vậy ta cũng có thể gọi nó với một cái tên gộp lại là TRÒ KHỈ-ĐU DÂY. Trò khỉ-đu dây chính là một loại siêu vi trùng gây nên những căn bệnh xã hội-văn hóa hiểm nghèo hiện nay. Cần phải chỉ ra một cách thẳng thừng rằng cái vật chủ mang siêu vi trùng này chính là đảng “cộng sản”, là chế độ đảng “cộng sản” trị ở Việt Nam. Cần nói rõ rằng chính sự đu-lùi từng bước của chúng trước kẻ thù xâm lược, sẵn sàng bán đất, nhượng đất, chủ quyền cho giặc, chấp nhận những đòi hỏi một chiều, áp đặt từ phía Tàu Cộng, ôm lấy “16 chữ vàng” và “bốn tốt” để tụng niệm cho cái tình “hữu nghị” mà thực chất là một quan hệ chủ tớ, ký kết các văn bản “hợp tác” do chúng đã soạn thảo sẵn v.v… là sự tiếp tay cho Tàu Cộng, giúp chúng thực hiện từng bước chiến lược xâm lược mềm, nhằm xâm chiếm-đồng hóa tiêu diệt giống nòi Việt Nam. Như thế, đu dây đã chà đạp lên những nguyên tắc có tính minh định rõ ràng, lên những điều cao quý, thiêng liêng nhất, là chủ quyền bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam.
Hiện giờ, Tàu Cộng đang đứng trước nguy cơ thất bại thảm hại trong cuộc chiến tranh thương mại, bị nhân loại tiến bộ cảnh giác, cô lập, chúng khó có cơ hội làm một đế chế phát xít mới. Tuy nhiên, chúng sẽ không dễ từ bỏ ý đồ sát nhập các nước Đông Nam Á vào “liên bang Trung Hoa”, đặc biệt không dễ từ bỏ khát thèm có từ ngàn đời đối với giải đất-giang sơn hình chữ S gấm vóc thân yêu của chúng ta, khó có thể từ bỏ cái vị trí-khu vực không thể tốt hơn ấy trên con đường bành trướng của chúng núp dưới những cái tên mỹ miều-mơ hồ “con đường tơ lụa”, “một vành đai một con đường”. Mặt khác, chúng đang sợ Việt Nam sẽ hướng theo những giá trị tích cực, tiến bộ Tự do, Dân chủ, cụ thể là ngả theo Mỹ- vốn được chúng xem là đối thủ-kẻ thù mà rất muốn vượt qua. Cho nên, dù đang chịu những cú đau trời giáng, chúng vẫn bám-trói chặt, sai khiến bọn tay chân đu dây ở Việt Nam và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để thực hiện tham vọng điên cuồng, kể cả việc gây nên những thảm họa khôn lường cho nhân dân Việt Nam. Để ngăn chặn âm mưu của chúng cần phải nhanh chóng xóa bỏ chế độ đu dây đảng “cộng sản” trị ở Việt Nam.
Rất may cho nhân dân, dân tộc Việt Nam là quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đã đánh thức những năng lực sống vẫn tiềm tàng trong con người-văn hóa Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đã thức tỉnh, bước sang tuổi trưởng thành, không chấp nhận tình trạng lùn-đẹn vĩnh viễn về xã hội-văn hóa mà đảng “cộng sản” và chế độ đu dây của nó cố tình kìm hãm bao nhiêu năm nay. Nhân dân Việt Nam đã và đang chứng minh rằng TỰ DO không có mối liên hệ nào về nguồn gốc và hoàn toàn đối lập với TRÒ KHỈ-ĐU DÂY. Giờ đây khi đang chuẩn bị cho một cuộc biểu tình-đấu tranh mới, nhân dân Việt Nam hiểu rõ rằng chỉ khi xóa bỏ được chế độ đảng “cộng sản” trị, cũng có nghĩa là tiêu diệt tận gốc siêu vi trùng đu dây, thậm chí không để cho chúng hiện diện ngay cả trong bước chuyển tiếp có thể có sang chế độ Dân chủ, mới có thể khẳng định được giá trị, tư tưởng căn bản và tiến bộ là Tự do mà nhân dân đã tự ý thức ra, tự lựa chọn và đi theo.
Lưu ý: Bài tiếp theo TRÍ THỨC NHÂN DÂN, Phần 1. Trí thức và trí thức đảng; Phần 2. Trí thức nhân dân và sự dấn thân.
Ngày 11 tháng 8 năm 2018