Trịnh Xuân Thanh nộp tiền ‘khắc phục hậu quả’ trước phiên xử 8 tháng Giêng
Trước phiên tòa sẽ diễn ra ngày 8 Tháng Giêng, mẹ ruột Trịnh Xuân Thanh đến nộp 2 tỷ đồng (gần $88,000) tại Cục Thi Hành Án Dân Sự thành phố Hà Nội nhằm “khắc phục hậu quả,” theo báo Tiền Phong.
Tờ báo cho biết thêm: “Ngày 4 Tháng Giêng, mẹ ông Thanh vào trại tạm giam thăm ông Thanh, tại đây ông Thanh nói với mẹ mình là với trách nhiệm là người đứng đầu doanh nghiệp ở cương vị chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC) lúc đó, ông Thanh đã đồng ý và đề nghị gia đình tự nguyện tạm thời khắc phục số tiền nhà nước bị chiếm đoạt xảy ra tại PVC.”
Trong phiên tòa mở ngày 8 Tháng Giêng và dự kiến kéo dài đến ngày 21 Tháng Giêng tới đây, Thanh bị truy tố cả hai tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản.”
Trong một diễn biến khác, báo Zing cho biết hai trong số các luật sư của Trịnh Xuân Thanh “xin rút trước ngày xét xử.”
Báo này dẫn lời một trong hai người, Luật Sư Nguyễn Thị Huyền Trang giải thích bà và đồng nghiệp rút khỏi danh sách bào chữa do “thời gian tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ tài liệu quá ngắn, không bảo đảm để bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh tốt nhất.” Luật sư này nói rằng “Từ hôm tiếp cận hồ sơ đến khi xét xử, các luật sư chỉ có 12 ngày tính cả cuối tuần và ngày nghỉ lễ.”
Báo VNEpress tường thuật, phiên tòa xử Thanh và Đinh La Thăng cũng như các đồng phạm khác “là trường hợp đầu tiên Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội không có vành móng ngựa do Hội Đồng Xét Xử áp dụng thông tư mới.”
“Các bị cáo sẽ có chỗ ngồi riêng, bên dưới luật sư bào chữa và đại diện cơ quan công tố. Trong khi trả lời thẩm vấn, các bị cáo sẽ đứng trước bục hoặc bàn. Những người tham gia tố tụng khác có thể đứng tại chỗ để khai báo. Về mặt nội dung, tòa sẽ phát huy hơn quyền tranh tụng tại phiên xử, bảo đảm quyền con người tốt hơn cho các bị cáo,” báo này viết.
Cũng liên quan phiên tòa diễn ra ngày 8 Tháng Giêng, tờ Die Spiegel của Đức cho hay Luật Sư Petra Schlagenhauf của Trịnh Xuân Thanh bị nhà cầm quyền Việt Nam “không cho nhập cảnh tại phi trường Nội Bài hôm 4 Tháng Giêng.”
Bà Schlagenhauf được hiểu là muốn đến Hà Nội với tư cách quan sát viên của phiên tòa. Và dù Bộ Ngoại Giao Đức đã can thiệp nhưng phía csvn vẫn giữ nguyên quyết định cấm nhập cảnh đối với nữ luật sư từng lo hồ sơ tị nạn cho Thanh tại Đức trước khi vụ bắt cóc xảy ra.
Trang tin DW.com ghi nhận csvn “không cho phép phóng viên nước ngoài dự phiên tòa.” – Theo nguoiviet