Trịnh Xuân Thanh: Dê tế thần thực sự
Cuối cùng thì những ầm ĩ về 3200 tỷ thất thoát ở PVC không còn được nhắc tới khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc từ Đức về Việt Nam. Thay thế vào đó dư luận được nghe đến môt vụ án mà Trịnh Xuân Thanh tham nhũng đến những… 18 tỷ.
Hình minh họa |
Chẳng mấy ai chú ý đến chi tiết đầy voi đuôi chuột này, không thấy ai ngẩn ngơ hỏi tại sao thất thoát đến 3200 tỷ gây phẫn nộ dư luận, khiến bao nhiêu người sôi sục mà bây giờ chỉ lôi ra được 18 tỷ. Con số còn chưa nổi 1% tổng số 3200 tỷ kia. Đã thế không phải là chứng cứ trực tiếp mà chỉ là lời khai của Đào Duy Phong, cấp dưới của Thanh. Đặc biệt chú ý là Đào Duy Phong bị bắt điều tra trước đó đã lâu, không hề khai gì đến Trịnh Xuân Thanh trong phiên toà sơ thẩm vào hồi tháng 6 năm 2016. Nhưng đến tháng 3 năm 2017, trong phiên toà phúc thẩm thì bỗng nhiên Đào Duy Phong khai rằng có ý kiến chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh trong vụ bán giá thấp hơn thực tế đất ở dự án Thanh Hà để ăn tiền chênh lệch.
Lời khai của ông Phong trong phiên toà phúc thẩm nói rằng có ý kiến của Trịnh Xuân Thanh, nhưng không nói rằng Trịnh Xuân Thanh đã nhận tiền từ vụ việc này chưa. Ông Phong khai rằng thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thanh, nhưng việc mua bán xong rồi chưa gặp được Trịnh Xuân Thanh để đưa tiền chênh lệch đó.
Một ngoại lệ nữa là khi ông Phong khai thiếu cơ sở như vậy, toàn án phúc thẩm ra quyết định khởi tố Trịnh Xuân Thanh tội tham nhũng. Điều này gây khó hiểu cho dư luận, bởi ở nhiều vụ án khác bị cáo bị cắt chặn không cho khai như vụ đại biểu quốc hội Châu Thị Thu Nga định khai về việc chạy tiền làm đại biểu quốc hội.
Người ta dấy lên câu hỏi rằng tại sao toà án không kiến nghị viện kiểm soát, công an để điều tra cho rõ mà vội vàng đưa ra quyết định khởi tố như vậy. Trả lời câu hỏi này, ông Trương Hoà Bình phó thủ tướng đảm nhiệm về khu vực pháp luật đã nói rằng đây là quyền của toà có trong chế định, chỉ vì trước giờ ít sử dụng vì có nhiều hạn chế, sau này sẽ chú ý hơn. Thời gian tới yêu cầu toà án các cấp kiến nghị khởi tố theo đúng pháp luật.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu với cử tri rằng vụ án này đang điều tra Trịnh Xuân Thanh theo hướng tham nhũng. Ông nói rằng vụ án này phải đưa ra ngay trong đầu năm 2018.
Hãy điểm lại những bất thường trong việc khởi tố Trinh Xuân Thanh ở vụ án Thanh Hà.
Thứ nhất đang ầm ĩ định hướng về 3200 tỷ thất thoát, tham nhũng, nhưng chỉ xử vụ 18 tỷ chỉ hơn 0, 05%.
Thứ hai lời khai lại từ phiên phúc thẩm, trong khí đó phiên sơ thẩm không khai. Lời khai chỉ từ một phía không có chứng cứ văn bản nào, chỉ nói là ý kiến miệng, tiền lại quả cũng chưa đưa.
Thứ ba toà án làm chuyện lạ lùng là đưa ra quyết định khởi tố, trong khi lẽ ra theo thông thường sẽ chuyển vụ việc cho viện kiểm sát hay cơ quan công an điều tra xem có đủ căn cứ khởi tố không.
Thứ tư từ tổng bí thư, phó thủ tướng áp đặt điều tra theo hướng tham nhũng. Can thiệp thô bạo vào quá trình điều tra khách quan, định hướng định tội cho Trịnh Xuân Thanh. Không những thế ông tổng bí thư còn định cả ngày phiên toà phải diễn ra.
Đến một đứa trẻ con cũng thấy, đây là một vụ ghép tội trắng trợn, chà đạp lên pháp luật, quá trình tố tụng, điều tra của pháp luật do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ mưu nhằm vào Trịnh Xuân Thanh.
Mục đích Nguyễn Phú Trọng làm vậy để làm gì?
Có nhiều lý do, lý do thứ nhất là Nguyễn Phú Trọng muốn cứu vãn uy tín khi chỉ đạo lời khai của Đào Duy Phong ở vụ án phúc thẩm rằng Trịnh Xuân Thanh tham nhũng. Bởi suốt thời gian trước đó Trọng sai công an và ban kiểm tra trung ương rà soát tìm kiếm tội trạng của Trịnh Xuân Thanh tham nhũng bất thành trong cáo buộc thất thoát 3200 tỷ. Thanh đã trốn đi và tố cáo Trọng trù dập, tư thù cá nhân vì những hiềm khích ghen tị từ tính chất đồng hương gây ra. Trọng phải bằng mọi cách khép Thanh vào tội tham nhũng nào đó để chứng minh rằng chỉ đạo của ông ta đối với Thanh là đúng chứ không phải do tư thù cá nhân.
Lý do thứ hai là Trọng muốn các quan chức trong bộ máy cộng sản Việt Nam rằng Trọng là một ông vua, và khi đã là một ông vua thì ý muốn của Trọng dù bất chấp pháp luật, dư luận, muốn ai chết được chết, muốn ai sống được sống, cũng sẽ được thi hành như thánh chỉ anh minh.
Lý do thứ ba là Trọng đã âm mưu bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ trước, bởi vậy y tuyên bố Trịnh Xuân Thanh không trốn được đâu, dù y biết rõ Trịnh Xuân Thanh đang ở Đức, y tuyên bố bằng mọi giá sẽ bắt Trịnh Xuân Thanh. Vì thế ý chỉ đạo dựng lên vụ án phúc thẩm của Đào Duy Phong khai vu vơ Trịnh Xuân Thanh liên quan, chỉ đạo toà ra quyết định khởi tố tham nhũng. Hòng tạo lý do để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà không bị dư luận chê bai vì sử dụng hành vi khủng bố trên dất Đức, dự phòng biện minh quy theo cách quy chụp nước Đức bao che cho tội phạm tham nhũng để dư luận cảm thông. Việc chỉ đạo đưa vụ án ra xét xử sớm Trịnh Xuân Thanh cũng nhằm mục đích này.
Tất cả cho thấy Nguyễn Phú Trọng là một kẻ ích kỷ và tham vọng quyền lực cũng như danh tiếng, y sẵn sàng bất chấp pháp luật, chà đạp lên hình ảnh nhà nước pháp quyền cũng như mối quan hệ đối tác chiến lược với nước Đức mà Việt Nam phải dày công xây dựng, đánh đổi cả hình ảnh quốc gia chỉ để thoả mãn quyền lực cá nhân mình.
Điều hài hước hơn tất cả những phi lý trong vụ án khởi tố Trịnh Xuân Thanh tham nhũng 18 tỷ ở dự án Thanh Hà là dự án này cũng, sai phạm do tham nhũng đến hàng ngàn tỷ, tất cả xảy ra ở thời điểm Thân Đức Nam phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội hiện nay chịu trách nhiệm chính. Cũng những sai phạm như hạ gía đất thấp, chuyển nhượng cổ phần giá thấp áp đặt cho Trịnh Xuân Thanh, Thân Đức Nam cũng làm y như vậy với cả dự án. Nói ví von có thể ví rằng ở vụ việc Thanh Hà thì Trịnh Xuân Thanh liên quan đến việc mất đuôi đuôi voi ở dự án Thanh Hà, còn Thân Đức Nam là mất cả con voi vì chủ dự án này là Cienco5 do Nam làm chủ tịch hội đồng quản trị.
Thế nhưng Thân Đức Nam không hề hấn gì, Nam vẫn ngênh ngang cùng bộ sậu tung hoàng khắp nơi, trong khi Trịnh Xuân Thanh bị ép tội theo chỉ đạo của Nguyễn Phú Trọng. Điều đó cho thấy không có chuyện chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng, chỉ có những thanh trừng những kẻ không cùng dây mà thôi. Nếu đưa Trịnh Xuân Thanh vào chuyện tham nhũng 18 tỷ ở dự án Thanh Hà, Nguyễn Phú Trọng cần phải đưa cả Thân Đức Nam ra toà vì việc chuyển nhượng, bán giá thấp dự án này hơn thực tế 1500 tỷ. Còn không chỉ có những kẻ xu nịnh Nguyễn Phú Trọng vì động cơ trục lợi mà khen ngợi y rằng y là con người vô tư , khách quan chống tham nhũng mà thôi.
Trọng không xử Thân Đức Nam trong dự án này, tất cả những gì Nguyễn Phú Trọng làm không những chẳng được lòng dân, trái lại người ta càng nghĩ y là một kẻ thâm hiểm mang nặng tư thù nhỏ mọn với Trịnh Xuân Thanh. Việc ép tiến đô vụ án và đưa Trịnh Xuân Thanh vào mức án tử hình để thoả mãn thù hận cá nhân cũng như thể hiện quyền lực của Nguyễn Phú Trọng sẽ gây tác động rất xấu đến quan hệ Việt Đức.
Bắt cóc một người xin tị nạn mang về xử tử hình, chắc hẳn nước Đức sẽ phẫn nộ. Ở Đức không có án tử hình, chỉ cần TXT làm đơn tị nạn với lý do tội của mình ở Việt Nam sẽ bị kết án tử hình, Thanh dù không được tị nạn đi nữa , cũng không bao giờ bị trả về Việt Nam.
Trọng vì tư thù cá nhân đã khiến y điên cuồng chỉ đạo những việc rất tồi tệ, cả trung ương không ai dám ngăn hắn , như một tên hôn quân cuồng bạo, ai cũng sợ bị hắn điên mà hại đến mình. Bởi vậy Trọng sẽ còn làm nhiều điều điên rồ nữa chứ không phải dừng lại ở vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Người Buôn Gió
(Blog Người Buôn Gió)
http://www.tintuchangngayonline.com/2017/12/nguoi-buon-gio-trinh-xuan-thanh-de-te.html