“Trí thức” XHCN Việt Nam hèn và phò tà quyền
Viên D. (Danlambao) – Hai chữ “trí thức” được đề trong ngoặc kép để nói rằng họ chưa phải là trí thức đúng nghĩa. Họ có thể có bằng cấp đại học, nhưng họ không thể xem là trí thức. Trong thực tế, trong số những người Việt có học trong và ngoài nước, rất ít người hành xử như là những nhà trí thức công chúng, đa số chỉ là những kẻ thấp kém, hèn, phò tà quyền và hay có thói tọc mạch.
1. Hèn
Xã hội Việt Nam có vô vàn bất công xảy ra trước mắt mọi người. Những bất công thường giáng xuống người dân nghèo, thấp cổ bé họng. Hai viên tướng công an ác ôn và tham nhũng nhận cái án 2 năm tù, nhưng những người nông dân ăn trộm vịt nhậu bị phạt tù hơn 15 năm. Đói quá ăn trộm một ổ bánh mì bị đi tù cả 3 năm. Một thiếu nữ vì quá bức xúc trước bất công cầm nón tát một viên công an bị tù 9 tháng. Những người can đảm dấn thân cho dân chủ và nhân quyền bị cộng sản Việt Nam bức hại và đày đoạ. Tham nhũng và hối lộ diễn ra từ địa phương đến trung ương thuộc mọi ngành nghề.
Trước những thảm cảnh đó, những kẻ có học Việt Nam làm gì? Họ im lặng. Họ nói chung là rất hèn, vì họ không dám lên tiếng trước những bất công xảy ra trong xã hội. Họ luôn dùng cái nón “chuyên môn” để tránh né các vấn đề thời sự. Họ nói “chỉ quan tâm đến chuyên môn”, còn việc ngoài chuyên môn là… của người khác. Họ chịu hèn rất giỏi. Khi bị những kẻ cầm quyền sỉ vả, họ cuối đầu chấp nhận. Ngay cả khi bị những kẻ công an hành hạ hoặc nhũng nhiễu, những kẻ có học chỉ biết than vắn thở dài chấp nhận chứ không dám phản đối. Họ có vẻ thích thú với câu “nín thở qua sông” để biện minh cho hành động ươn hèn hạ của họ.
2. Phò tà quyền
Những người có học Việt Nam thời nào cũng phò nhà cầm quyền, nhưng họ cũng phò luôn cả tà quyền. Mới đây, khi nhà cầm quyền cộng sản quyết định nuôi cái Hội Nhà văn, người hội trưởng hí hửng nói “nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta”. Còn ông hội trưởng hội Mỹ Thuật thì than rằng “Nếu nhà nước không cấp kinh phí nữa thì không còn ai sáng tác đề tài phục vụ chính trị”. Có thể nói rằng những kẻ có học này chỉ là những công cụ đắc lực của tà quyền. Thực ra, họ tự nguyện làm thân khuyển mã cho tà quyền. Ôi! vậy mà họ tự xưng là “trí thức”!
Trí thức xã hội chủ nghĩa chỉ là một đám “ngu trung” mà thôi. Ngoại trừ vài người hiếm hoi, những kẻ còn lại đều là những người muốn cứu đảng. Họ không có mục tiêu đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do và dân chủ. Ngoài những người ngu trung có học, còn có một đám nhà báo và luật sư đình đám làm như quan tâm đến dân chủ, nhưng thật ra họ chỉ muốn cứu đảng và duy trì sự thống trị của đảng.
Những kẻ ngu trung đó được sự tiếp sức của những kẻ “ăn cơm Quốc gia thờ ma cộng sản” ở hải ngoại. Nhưng có những kẻ lớn lên trong chế độ VNCH trong Nam mà lại thờ cộng sản ngoài Bắc. Dân gian gọi họ là những tên “ăn cơm Quốc gia thờ ma cộng sản” quả không sai. Sau hơn 40 năm tưởng rằng họ tỉnh ngộ, nhưng không, họ vẫn còn u mê thờ tà quyền. Họ kính cẩn gọi “đảng ta”, “cụ Hồ”, và hết lòng tận tuỵ hiến kế để kéo dài sự cai trị của CSVN trên quê hương ta.
3. “Khôn nhà dại chợ”
Nhìn chung giới có học Việt Nam rất thấp kém so với giới có học Tàu Cộng, ở chỗ “khôn nhà dại chợ”. Không cần nói đâu xa, chỉ xem qua những tranh luận về chủ quyền biển đảo, giới có học Việt Nam rất hăng say nói trên các báo Việt Nam, nhưng gần như tắt tiếng trên báo chí ngoại quốc.
Cố nhiên cũng có người lên tiếng trên báo chí phương Tây, nhưng con số đó cực kỳ hiếm. Hãy nhìn những phát ngôn viên của bộ ngoại giao, họ không nói được một lời nào cho ra hồn, mỗi lần họ nói thì cứ ý như là cái máy phát thanh.
4. Tọc mạch, “buôn dưa lê”
Có thể nói thói buôn dưa lê và tọc mạch là một “thuộc tính” nổi trội của những kẻ tự xem mình là “trí thức”. Họ không muốn ai hơn mình, nếu có ai nổi trội họ tìm cách bới móc, dìm người ta xuống tận bùn đen. Chỉ cần xem qua những cái gọi là “diễn đàn” nở rộ trên internet với những cái tên rất kêu như “academics”, “professional”, “intellectual”, “trí thức”… là thấy ngay những thói xấu của họ.
Đó không phải là những diễn đàn học thuật mà chỉ là những cái chợ buôn dưa lê, nơi họ thi đua nhau bới móc, nói xấu, thậm chí đấu tố người khác. Họ chuyên hóng hớt và tuỳ tiện đưa ra những nhận xét đầy ác tính về những người nổi trội hơn họ. Họ thản nhiên đem đời tư người khác lên mổ xẻ làm như họ biết hết về nạn nhân! Nhưng những cái gọi là diễn đàn đó cũng chính là những cái chợ để họ tự khoe khoang thành tích dỏm. Phải nói rằng thói tọc mạch của những kẻ mang danh “trí thức” Việt Nam là đáng xấu hổ nhất, vì họ sẽ không bao giờ hoà nhập được thế giới văn minh.
Những kẻ có học ở nước ngoài chạy về Việt Nam tranh giành chức tước, khi thua cuộc họ giận dỗi đòi bỏ về Mỹ và than thở rằng Việt Nam không trọng nhân tài! Họ thật là ngây thơ, họ không biết rằng cộng sản Việt Nam làm gì có chuyện trọng nhân tài. Nhưng họ cũng nên tự hỏi họ có xứng đáng với hai từ “nhân tài” hay chỉ là một đám hám danh và hám chức.
Nhìn qua giới trí thức người ta có thể sức khỏe của một quốc gia. Nhìn qua giới có học của Việt Nam trong và ngoài nước chúng ta có thể thấy một tương lai màu đen. Một đất nước có đến 25.000 tiến sĩ và hơn 10.000 giáo sư mà khả năng sáng chế còn thua người nông dân. Suốt ngày buôn dưa lê và đi tìm danh tước thì làm sao có sáng tạo. Có lẽ nói không ngoa rằng những kẻ gọi là “trí thức” Việt Nam toàn là một đám ngậm miệng ăn bám vào tiền thuế của dân, một đám phò tà quyền và ươn hèn.
15.02.2019