Trên giá sách
(Để trả lời câu hỏi: Em thấy gì mỗi khi nhìn giá sách?)
Trên giá sách,
Hưng Đạo Vương đang cố lấy chút hơi tàn khuyên nhủ người ở lại: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ , bền gốc, đó là thượng sách giữ nước muôn đời vậy”.
Rút ruột tằm mà nhắc nhớ, khi đó, Ngài nghĩ gì? Phải chăng Ngài nghĩ tới những lương dân hai bên bờ Bạch Đằng, đóng khố cởi trần trong những ngày giá rét, hò dô hạ những cây cọc lim vót nhọn cắm nghiêng xuống lòng Vân Cừ, nghĩ tới những người lính Đại Việt ngã rạp dưới mũi tên của giặc Nguyên Mông theo đường rút lui để bảo toàn lực lượng trong từng trận đánh. Sơn Động, Vạn Kiếp, Sông Đuống, Thăng Long… Họ chỉ có ngã xuống. Không có đầu hàng. Rồi Người buông lời nhẹ như cánh chim hồng hộc: “Đưa ta về Vạn Kiếp, cho ta nghe tiếng sóng Lục Đầu giang”…
Trần Quốc Toản tay bóp nát quả cam trừng mắt tìm Lê Văn Tám. Có tên mà không thấy tuổi. Có bóng chẳng có người. Sau lưng Hoài Văn Hầu, lá cờ Phá cường địch, báo hoàng ân ngạo nghễ bay ngược gió. Ngài đang nghĩ gì? Ngài lặng im, lệ tràn trên đôi má phính vẫn còn búp lông tơ. Lâu sau mới thốt lên, Ôi hậu sinh thật là đáng sợ!
Napoleon cao ngạo ngồi trên yên ngựa, chỉ tay qua eo biển Manche, ngạc nhiên hỏi Kutuzov, Này, Nguyên soái! Ông làm thế quái nào mà sau trận Borodino, trong 45.000 xác lính Nga, chúng tôi không thể tìm thấy nổi một tù binh nào? Tất cả bọn họ đều đã chết? Không lẽ lòng trung thành của người Nga với Hoàng đế là vô song? Kutuzov độc nhãn buồn bã trầm ngâm trả lời, Không. Mỗi người lính của chúng tôi sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, vì sau lưng họ là nước Nga yêu dấu. Họ không vì vị Hoàng đế nào cả. Từ độc nhãn, ứa một dòng lệ đỏ. Napoleon thở dài, xuống ngựa, mở bức thư tình viết cho Hoàng hậu Josephine: “Chẳng có ngày nào anh không yêu em. Chẳng có khi nào anh uống trà không nguyền rủa cái chiến công và tham vọng đã nắm giữ anh, khác hẳn với tâm hồn anh… Josephine yêu dấu của anh, là duy nhất trong trái tim anh, chiếm giữ tinh thần anh, chiếm lĩnh mọi suy nghĩ của anh”…
Bên này Nguyễn Huệ Quang Trung. Bên kia Gia Long Nguyễn Ánh. Hận thù trôi vào lịch sử. Công tội nào rồi cũng được khắc ghi. Họ chiến đấu với nhau cả trong trang sách. Hậu thế chưa để họ yên. Chắc hẳn, họ không muốn gần nhau. Tôi cũng không muốn họ gần nhau. Mối thù đào mả chín đời, dẫu xuống tuyền đài, khó bề hóa giải. Tôi đặt họ ở hai giá sách khác nhau. Hai tầng khác nhau. Tầng dưới, tầng trên. Vua Quang Trung cầm thanh gươm, tựa lưng chợp mắt dưới gốc bích đào. Đức Gia Long quỳ bên chín ngôi mộ mới đắp còn tươi nguyên màu đất. Ngày ngày nhìn mối cừu thù của họ, tự ngẫm, Thành bại chưa chắc đã luận được anh hùng. Xử thế trong đời không giống trong chiến trận.
Trên giá sách
Cụ Giáp ngồi cạnh Cụ Diệm. Trầm ngâm. Họ đang nói với nhau chuyện gì? Có lẽ, sẽ không nhắc về Điện Biên Phủ. Không nhắc về nền Đệ nhất Cộng hòa. Không nhắc về những khoảnh khắc như ánh chớp số phận, tưởng chừng họ đã gặp nhau, nhưng mỗi người mãi một phía bên bờ Kiến Giang. Họ tự làm nên số phận, hay bởi Kiến Giang, dòng nghịch hà không chịu chảy xuôi về hướng Đông Nam nên những người con Lệ Thủy đã đi vào lịch sử theo phương nghịch đối? Trên giá sách, họ vẫn trò chuyện. Không khi nào lớn tiếng. Họ đều là những nhân sĩ khiêm khu. Đều còn những ước nguyện dang dở, vĩnh viễn không thành. Họ nói với nhau điều gì, ta làm sao hiểu được
Trên giá sách.
Alexandre Dumas cha tinh quái nheo mắt cười với ông Alexandre Dumas con. Có khi, tôi mường tượng ra ông cha hỏi ông con, Nếu cha đổi Ba người lính ngự lâm, cả Bá tước Monte Cristo và toàn bộ danh tác để lấy một cuốn Trà hoa nữ, anh có vui lòng đồng ý? Hình như rất lâu, ông con mới trả lời, Cha có mấy chục người tình, có khi nào, cha cúi xuống nhìn thấu thân phận họ, hay cha chỉ chu cấp tiền bạc rồi vội cuốn theo bóng hồng khác? Yêu thương mà không đủ đớn đau, làm sao đủ tình để viết lời máu chảy? Xin cha cứ vui với nhân vật của cha. Viết về danh tướng, quý tộc dễ hơn viết về đời kỹ nữ. Ông cha trầm ngâm. Từ đó không thấy họ nói gì.
Trên giá sách
Có thơ về mẹ, về vợ, về người yêu. Thơ về vợ bao giờ cũng nhạt, nhạt như bản kiểm điểm sau mỗi lần phạm lỗi. Thơ về mẹ thường đớn đau, day dứt, mẹ mất rồi mới nhớ để ăn năn. Thơ cho người yêu bao giờ cũng da diết khắc khoải. Những áng thơ tình cổ kim đọc lên ám ảnh đến lạnh người. Rốt cuộc, thơ không có lỗi.
Trên giá sách, lạ kỳ, có rất nhiều cô gái điếm. Khắp nơi trên thế giới. Cô Geissa Nhật Bản nhón ngón tay thon thả nâng tách trà, thì thầm với mười ba kỹ nữ thành Kim Lăng: “Bây giờ, ông ấy đã chết rồi, nhưng với tôi, ông ấy vẫn còn bên tôi, những kỷ niệm về ông ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tôi”. Bên giá vẽ, nữ danh họa Thượng Hải miệt mài chấm thêm màu cho bức tranh vẽ dở, để quên đi những ngày tháng bị giày vò đau khổ. Cạnh đó, Tám Bính nâng vạt áo cánh, sụt sùi…Nàng Trà hoa nữ nước Pháp nhếch miệng cười khinh thị, đưa đóa hoa trà đỏ lên môi, che cơn ho thấu phổi. Xa kia, sấp ngửa chạy trên cánh đồng người là cô gái điếm miền Tây Nam bộ. Ngay cạnh đó, khuôn mặt khắc khổ, đau đáu của vị dịch giả lừng danh. Ông im lặng, lắng nghe và thấu hiểu. Bởi lẽ ông từng tuyên ngôn: “Tôi đứng về phe nước mắt”. Ôi phe nước mắt khổ đau, chịu đựng, bị chà đạp, bị bất công! Phe nước mắt được gọi là nhân dân vĩ đại.
Tôi quên nhà văn viết gì.
Cũng không nhớ hết từng trang sách khiến mình vui buồn cười khóc.
Quên cả anh hùng, nhân dân và gái điếm.
Trên giá sách, trong bóng đêm, tôi chỉ đọc thấy hai chữ: Con Người.
Không rõ tác giả