Tranh cử ở Mỹ làm các đối tác Châu Á-Thái Bình Dương ngờ vực

Cac Bai Khac

No sub-categories

Sự khoa trương trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở khu vực châu Á Thái Bình Dương và gây nên những nghi ngờ về tương lai của Mỹ trong một khu vực được coi là trọng yếu đối với sự thịnh vượng và an ninh tương lai của Hoa Kỳ.

Tính chất cay độc, phô phương và moi móc riêng tư trong quá trình vận động bầu cử năm nay đã làm cho nhiều nước trong khu vực nghi ngờ về khả năng của Mỹ có thể theo đuổi những hứa hẹn trong việc gắn kết sâu hơn với khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Jonathan Pollack là nhà nghiên cứu về Đông Á của Viện Nghiên Cứu Brookings ở Washington. Ông nói:

“Nó thực sự khiến cho các nước trong khu vực nghi ngờ về khả năng trụ vững của những cam kết của Mỹ và sự bền vững của nền dân chủ của chúng ta.”

Cả cựu tổng thống George W. Bush và tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã nỗ lực để mở ra những kênh ngoại giao, an ninh và kinh tế nhằm khẳng định nước Mỹ là một nhà lãnh đạo ở châu Á Thái Bình Dương, và các chuyên gia cho rằng sự lãnh đạo tiếp tục của Mỹ sẽ giúp cản trở thế lực và sự ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc.

Vào lúc mà các khu vực khác như Trung Đông đang thu hút rất nhiều sự chú ý và nguồn lực của Mỹ, thì Hoa Kỳ cũng đã tìm cách xâm nhập vào tiềm năng kinh tế năng động của các quốc gia châu Á Thái Bình Dương và thiết lập một trật tự để làm giảm nhẹ những mối nguy an ninh hiện tại và sắp tới.

Bắc Triều Tiên đã đẩy mạnh các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa ở bán đảo Triều Tiên; các căng thẳng đã tăng cao về những tuyên bố chủ quyền và những hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông. Và tổng thống mới của đồng minh lâu năm Philippines của Mỹ đã tìm cách tách ra khỏi cái bóng của Mỹ.

Ông Duterte nói: “Tôi sẽ từ bỏ Mỹ. Tôi sẽ đến với Nga và Trung Quốc.”

Tuy nhiên, những tuyên bố của các ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump và đảng Dân chủ Hillary Clinton đã làm xói mòn những hy vọng cho một vai trò lớn hơn của Mỹ trong khu vực.

Có một “sự lo sợ và sự ghê tởm” ở châu Á Thái Bình Dương về khả năng ông Donald Trump trở thành tổng thống, theo nhà nghiên cứu Robert Manning của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế Brent Scowcroft của Viện Atlantic ở Washington. Ông Manning cho rằng cảm giác đó có ở khu vực này thậm chí ngay cả khi “không có đủ sự gắn kết với các lời bình phẩm của ông Trump” để có thể phân biệt được chính sách ngoại giao của ông ta.

Trong một bài phát biểu trong chiến dịch tranh cử của mình ở Iowa vào tháng 8 vừa qua, ông Trump biểu lộ sự thất vọng đối với Nhật, một đồng minh thân cận nhất của Mỹ:

“Nếu Nhật Bản bị tấn công, chúng ta có thể phải tham gia Chiến tranh Thế giới Thứ 3, phải không? Nếu chúng ta bị tấn công, Nhật có thể sẽ chẳng phải làm gì cả. Họ có thể ngồi ở nhà và xem TV Sony, đúng không?”

Trong khi bà Clinton được kỳ vọng sẽ tiếp tục chiến lược tái cân bằng hướng về châu Á của tổng thống Obama thì bà lại dứt khoát bác bỏ nền tảng kinh tế quan trọng của nó là hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương. Theo các chuyên gia, nếu không có một cam kết về kinh tế trong khu vực như TPP thì uy tín của Mỹ sẽ mất.

Thương mại là một vấn đề then chốt trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ với nhiều người Mỹ từ cả 2 đảng đổ lỗi cho những hiệp định thương mại như về sự mất đi công ăn việc làm trong nước.

Dù trước đây bà Clinton từng ủng hộ TPP nhưng cách đây 2 tháng, bà đã thay đổi quan điểm trong 1 bài phát biểu về kinh tế tại tại Michigan:

“Tôi phản đối (hiệp định này). Tôi sẽ phản đối nó ngay cả sau cuộc bầu cử và tôi sẽ phản đối nó nếu tôi trở thành tổng thống.”

Ông Trump cũng kịch liệt tấn công hiệp định thương mại này vì cho rằng nó cướp đi việc làm của người dân Mỹ.

TPP được 12 nước thành viên trong vành đai Thái Bình Dương ký kết và sẽ phải được từng quốc hội thành viên phê chuẩn. Nhưng hiệp định này đang đối mặt với sự chống đối ghê gớm từ các nhà lập pháp của cả 2 đảng chính ở Mỹ.

Nhưng theo nhà nghiên cứu Jonathan Pollack của viện Brookings, bà Clinton đã dịu giọng hơn. Ông nói:

“Tôi nghĩ rằng trong một vài tuyên bố gần đây, bà Clinton dường như đang tìm cách tạo ra những khoảng trống linh hoạt hơn.”

Trợ lý bộ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề về Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời bà Clinton, ông Kurt Campbell, cũng nhận xét tương tự về quan điểm của bà Clinton. Ông nói trong một cuộc thảo luận tại Viện Kinh tế Triều Tiên ở Washington:

“Ngoại trưởng Clinton đã rành mạch về việc bà không thể chấp nhận hiệp định thương mại TPP khi nó đang được thương thảo. Mặc dù vậy cùng lúc đó, bà cũng công nhận rằng một số hình thức liên kết kinh tế cần phải được tiến tới.”

Về mặt an ninh, ông Trump đã làm các nước đồng minh phải cảnh giác bởi tuyên bố rằng ông có thể rũ bỏ nhiệm vụ trong một hiệp ước để bảo vệ họ trừ phi họ đóng góp nhiều hơn vào liên minh NATO.

Ông Janathan Pollack của viện Brookings nhận xét rằng “có một mối lo ngại sâu sắc về cái mà một nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ để lại.”

Nhà nghiên cứu Robert Manning của viện Atlantic cũng cho rằng ông Trump về cơ bản là không hiểu gì về các đồng minh của Mỹ và có cho rằng các nước đồng minh phải trả tiền cho Mỹ để được bảo vệ.

Mỹ cần phải có các đồng minh ở châu Á Thái Bình Dương để duy trì một sự hiện diện an ninh để chống lại những mối nguy tiềm ẩn từ các quốc gia như Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Nhật chi trả 1,6 tỷ đô la hàng năng cho sự hỗ trợ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản và Nam Triều Tiên trả gần 1 tỷ đô la mỗi năm.

Trong khi đó chiến dịch của ông Trump đã tìm cách làm giảm nhẹ các bình luận của ông. Cố vấn của ông Trump, Peter Hoekstra, là một cựu thành viên quốc hội. Ông nói:

“Đã đến lúc quay trở lại và bắt đầu từ xuất phát điểm và làm một sự đánh giá đầy đủ của cái mà chiến lược của chúng ta cần để đối mặt với những thách thức. Nó không có nghĩa là đi từ xuất phát điểm và thách thức mối quan hệ hoặc tình hữu nghị mà chúng ta có ở châu Á.”

Về việc giải quyết mối nguy hạt nhân của Bắc Triều Tiên, người cố vấn của ông Trump nói mọi khả năng đều mở ngỏ và kêu gọi đánh giá lại chính sách của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên.

Cả cố vấn của bà Clinton, ông Kurt Campbell, và của ông Trump, ông Hoekstra, đều dự đoán những căng thẳng tiếp diễn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Dù ai sẽ là tổng thống kế tiếp của Mỹ, thì theo nhà nghiên cứu Jonathan Pollack của viện Brookings, sự gắn kết của Mỹ cần phải được đẩy mạnh hơn ở khu vực châu Á Thái Bình Dương trong bối cảnh tầm quan trọng về kinh tế, an ninh và ngoại giao của khu vực này trên thế giới. – VOA