Trang đặc biệt: Hoàng gia Thái Lan
Dân Thái thương tiếc vua Bhumibol Adulyadej
14 tháng 10 2016
Người dân Thái Lan đang khóc thương vua Bhumibol Adulyadej, quốc vương trị vì lâu nhất thế giới, từ trần hôm 13/10, thọ 88 tuổi.
Đám đông cầu nguyện suốt đêm ở Bangkok, và trên đường phố nhiều người mặc trang phục đen.
Thi hài nhà vua sẽ được đưa đến chùa Phật Ngọc hôm 14/10. Thái Lan sẽ để tang quốc vương trong một năm.
Thái tử Maha Vajiralongkorn, người kế vị, đã xin hoãn lên ngôi một thời gian.
Cờ rủ trong 30 ngày và chính phủ yêu cầu người dân mặc đồ đen và tránh tham dự “các sự kiện vui vẻ” trong lúc này.
Giao diện của nhiều website tin tức chuyển sang màu trắng – đen, trong khi các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới đã gửi lời chia buồn.
Một người dân nói với AP: “Không thể diễn tả cảm xúc của tôi bây giờ.”
“Tôi cảm thấy mất đi một trong những người quan trọng nhất của đời mình,” Gaewkarn Fuangtong nói.
Vua Bhumibol được xem là biểu tượng của sự ổn định trong một quốc gia có chu kỳ bất ổn chính trị và những cuộc đảo chính.
Ông được người dân tôn kính gần như một vị thần.
Ông đã lâm bệnh trong một thời gian dài. Khi tin nhà vua băng hà công bố đêm 13/10, đám đông túc trực bên ngoài bệnh viện nơi ông qua đời suy sụp.
‘Kỷ nguyên bất ổn hơn’
Thương tiếc Quốc vương Thái
Jonah Fisher, phóng viên BBC tại Bangkok cho biết nhà vua là người cha tôn kính của Thái Lan, được xem như biểu tượng của sự ổn định trong một đất nước bị chia rẽ. Một kỷ nguyên bất ổn hơn đã bắt đầu, phóng viên cho biết thêm.
Cái chết của nhà vua xảy đến trong bối cảnh Thái Lan vẫn đang dưới sự cai trị của quân đội sau cuộc đảo chính năm 2014.
Nước này có nhiều biến động chính trị trong thập kỷ qua, cũng như bị ảnh hưởng bởi những nổi dậy của phe ly khai Hồi giáo ở các tỉnh miền Nam với các vụ đánh bom quy mô nhỏ xảy ra thường xuyên.
Nhiều người Thái trông đợi vua Bhumibol can thiệp trong những thời điểm căng thẳng. Ông được xem như là người có ảnh hưởng tạo dựng sự đoàn kết.
Tuy nhiên, cũng có những lời chỉ trích ông chấp thuận việc giới quân nhân kiểm soát chính quyền và có lúc không lên tiếng phản đối những vụ vi phạm nhân quyền.
Thái tử Maha Vajiralongkorn, 64 tuổi, không được dân Thái biết đến nhiều. Ông có nhiều thời gian ở nước ngoài, nhất là ở Đức.
Thái Lan có luật nghiêm ngặt về tội khi quân, cấm bất cứ hành vi chỉ trích nào tới nhà vua hay Hoàng gia.
Do nhà vua vừa băng hà đóng vai trò duy trì sự cân bằng quyền lực trong môi trường chính trị bất ổn định, việc kế vị ông sẽ là thách thức lớn đối với chính phủ Thái, Jonathan Head, phóng viên BBC ở Bangkok nhận định. – BBC
Quỳ gối trước vua Thái: Khoảnh khắc gây chấn động cả dân tộc
14 tháng 10 2016
Hình ảnh mờ mờ phát đi từ Hoàng cung ở Bangkok vào ngày 20/05/1992 cho thấy hai người đàn ông mặc complet dường như không có gì đặc biệt, nhưng với nhiều người, đó là thời khắc then chốt trong lịch sử Thái Lan.
Một trong những người đàn ông này là Tướng Suchinda Kraprayoon, người trước đó lãnh đạo cuộc lật đổ và được chỉ định làm thủ tướng Thái Lan.
Người kia là Chamlong Srimuang, dẫn dắt cuộc nổi dậy ủng hộ dân chủ được nhiều người theo, nhằm chống lại sự kiểm soát quân sự của Tướng Kraprayoon.
Bên ngoài, một số dân thường đã chết sau một cuộc đàn áp quân sự và nhiều ngày xuống đường biểu tình. Thời điểm đó, mà sau này được gọi là Tháng Năm Đen, dường như không gì có thể kết nối hai phe chia rẽ khi mà cả hai bên đều không chịu xuống nước.
Cuối cùng, Vua Bhumibol Adulyadej triệu hai người tới cung điện và nói với họ:
“Dân tộc này thuộc về tất cả mọi người, không chỉ một hay hai người nhất định. Những ai thách thức nhau đều là kẻ thua cuộc. Và dân tộc này sẽ là người thua cuộc của mọi kẻ thua cuộc…
“Vì đâu mà các anh tự nhủ rằng các anh là người chiến thắng khi mà các anh đang đứng trên đống đổ nát và những mảnh vỡ?”
Những lời này đơn giản nhưng vang dội vượt xa khỏi căn phòng, ghi trọn tinh thần của cả đất nước.
‘Uy quyền đạo đức’
Hình ảnh những người đàn ông cúi đầu và quy phục quyền uy của ngài là lúc nhà vua củng cố vững chãi vị trí của mình trong vai trò trọng tài sau chốt của một Thái Lan nhiều chia rẽ.
“Không ai có thể làm được vai trò này vào lúc đó, trong hoàn cảnh đó, mà người duy nhất có thể làm được là vua của Thái Lan,” nhà nghiên cứu Thitinan Pongsudhirak từ Đại học Chulalongkorn nói.
Đây không phải là lần đầu tiên nhà vua can thiệp, tuy về măt lý thuyết, vị trí của ông vượt lên trên chính trị.
Năm 1973, những người biểu tình ủng hộ dân chủ bị quân lính bắn và họ được phép trốn vào hoàng cung để đảm bảo an toàn. Sau đó toàn bộ thể chế của Thủ tướng Tướng Thanom Kittikachorn sụp đổ.
Năm 1981, Vua Bhumibol đứng lên chống lại một nhóm quan chức quân đội thực hiện một cuộc đảo chính khác ở Bangkok.
Quyền uy của ông đến từ tình yêu sâu sắc và lòng tôn kính mà người Thái dành cho ông, không chỉ như với một nhân vật của công chúng, mà là một người cha tử tế mà họ ngưỡng mộ và nghe theo.
“Ngài có uy quyền đạo đức, tích tụ qua nhiều thập kỷ,” ông Pongsidhirak nói.
“Hoàn toàn là nhờ tính cách và phong cách sống riêng của ông mà ông được coi là hình mẫu sống khiến mọi người tôn trọng và nể phục ông.”
Trong những năm sau này, vị vua dường như ít tham gia vào chính trị hơn dù Thái Lan như liên tục trải qua hết cuộc khủng hoảng này tới khủng hoảng khác – tuy một số người cho rằng, dù tuổi cao và sức khỏe yếu, ông vẫn có ảnh hưởng phía sau bức rèm.
Năm 2006, trong thời kỳ đầy chia rẽ mà Thủ tướng Thaksin Shinawatra nắm quyền, vua không chính thức can thiệp mà thay vào đó ông hối thúc dùng đến tư pháp để giải quyết bế tắc chính trị.
Nhưng hình ảnh hai người đàn ông quyền lực quỳ trước vị vua năm 1992 khắc ghi trong tâm trí người dân và đôi khi vẫn được nhắc tới vào những thời điểm tương tự.
Nó khiến người Thái tin rằng khi mọi việc bị cuốn vào vòng lộn xộn, vẫn có ai đó có thể mang lại cho họ bình ổn.
“Ngài là vị vua được tất cả mọi người yêu mến và ngưỡng mộ,” thông cáo do Tướng Prayuth Chan-ocha đọc trên truyền hình sau khi vua băng hà. Tướng Prayuth cũng là vị thủ tướng nắm quyền sau một cuộc đảo chính.
“Sự trị vì của nhà vua đã kết thúc và chúng ta không còn tìm được lòng tốt như của ông ở bất kỳ nơi nào khác.”
Cuộc đời Quốc vương Thái Bhumibol Adulyadej qua ảnh
14 tháng 10 2016
Quốc vương Bhumibol Adulyadej của Thái Lan là vị quân vương trị vị lâu nhất thế giới người được cho là có ảnh hưởng giúp ổn định một đất nước đã trải qua không ít các cuộc đảo chính quân sự, 17 bản Hiến pháp và nhiều đời Thủ tướng.
Quốc vương Bhumibol Adulyadej (trái) lên ngôi ngày 9/06/1946 sau khi anh trai, Quốc vương Ananda Mahidol (phải), chết trong một tai nạn vì súng không rõ lý do tại Cung điện Hoàng gia ở Bangkok. Ảnh chụp năm 1935 tại trường học ở Lausanne, Thụy Sĩ.
Quốc vương Bhumibol Adulyadej sinh ở Cambridge, bang Massachusetts, Hoa kỳ, khi cha ông đang học tại đây, và sau đó ông đi học tại Thụy Sĩ. Ông gặp Hoàng hậu Sirikit khi đang ở châu Âu.
Họ có bốn người con. Ảnh chụp năm 1955 với Hoàng tử Vajiralongkorn và Công chúa Ubol Ratana. Vị thế của chế độ quân chủ đã suy giảm kể từ khi chế độ quân chủ tuyệt đối được xóa bỏ vào năm 1932, và khi Quốc vương Prajadhipok, bác của Quốc vương Bhumibol, thoái vị năm 1935.
Quốc vương Bhumibol đã xây dựng lại hình ảnh của chế độ quân chủ qua một loạt những chuyến đi tới các tỉnh thành và một loạt các dự án hoàng gia gắn liền với mối quan tâm suốt đời của ông về phát triển nông nghiệp. Quốc vương cũng được thấy hiện diện cùng các nhà lãnh đạo thế giới, như với Tổng thống Dwight Eisenhower của Mỹ trong một chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington.
Và đây là cùng với Nữ hoàng Elizabeth của Anh tại London năm 1960.
Năm 1972 Nữ hoàng Anh đáp lễ bằng chuyến thăm tới Thái Lan trong năm ngày.
Lần đầu tiên Quốc vương Bhumibol công khai can thiệp vào chính trường đầy biến động của Thái là vào năm 1973, khi những người biểu tình vì dân chủ bị quân đội nổ súng bắn và cho những người biểu tình được phép vào cung điện lánh nạn, một động thái đã dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Thủ tướng khi đó, Tướng Thanom Kittikachorn.
Năm 1981, Quốc vương Bhumibol đã chống lại một nhóm các sĩ quan quân đội làm đảo chính chống lại Thủ tướng khi đó vốn là một người bạn của Quốc vương, Tướng Prem Tinsulanond (trái). Các đơn vị trung thành với Quốc vương sau đó đã chiếm lại quyền kiểm soát Bangkok.
Quốc vương Bhumibol có nhiều ham mê như nhiếp ảnh, chơi và sáng tác nhạc cho kèn saxophone, hội họa và viết lách. Trong ảnh có thể thấy Quốc vương (phải) đang chơi với con trai, Thái tử Vajiralongkorn, và các nhạc công Thái khác. Quốc vương cũng chơi với các tay nghệ sĩ nhạc jazz gạo cội như Benny Goodman, Stan Getz, Lionel Hampton và Benny Carter.
Khi cuộc khủng hoảng bùng nổ liên quan tới sự lãnh đạo của Thủ tướng Thaksin Shinawatra hồi năm 2006, Quốc vương thường xuyên được đề nghị can thiệp nhưng kiên quyết từ chối và nói can thiệp là việc không thích hợp. Cũng trong năm đó người dân được chứng kiến lễ kỷ niệm 60 năm trị vì.
Một năm sau, ngày 5/12/2007 đất nước Thái Lan kỷ niệm ngày sinh lần thứ 80 của Quốc vương Bhumibol.