Trần Đại Quang hay câu chuyện giấy không gói được lửa
Châu Minh Dũng
21-9-2018
Trưa nay, các trang báo đủ mọi lề cùng đưa tin: Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời. Riêng báo chí “lề phải” lưu ý rằng ông Quang bị nhiễm một loại virus rất hiếm và độc hại, như thể sợ rằng người dân lại suy đoán theo hướng không hợp ý đảng. Một cái chết không gây được sự ngạc nhiên cho nhiều người, bởi những lời đồn đoán về hồi kết của ông Quang đã râm ran trên mạng từ mấy tháng trước. Nguyên do là… khả năng biến hình của ông.
Trong lịch sử chính trị hiện đại ở Việt Nam, ông Trần Đại Quang là nguyên thủ… có nhiều khuôn mặt nhất. Thống kê sơ bộ, ông Quang có ít nhất ba gương mặt khác nhau trong các lần xuất hiện công khai từ cuối năm 2017 đến nay. Trong Hội nghị APEC tổ chức ở Đà Nẵng tháng 11/2017, ông Quang vẫn còn là ông Quang, với các đường nét gương mặt đã cố định từ thời ông còn làm Bộ trưởng Công an, đến khi nhậm chức Chủ tịch nước.
Tuy nhiên, ông Quang xuất hiện trong Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đầu tháng 5/2018 lại có cấu trúc gương mặt khác hẳn, đặc biệt là phần gò má và mũi. Đến lượt ông Quang xuất hiện tại lễ khai giảng trường THPT Chu Văn An ngày 5/9/2018 lại có đôi mắt khác hẳn hai ông Trần Đại Quang trước.
Một nguyên thủ quốc gia có ba gương mặt khác nhau trong ba lần xuất hiện với giãn cách thời gian chưa đầy một năm như vậy đủ để khiến người dân đặt nghi vấn. Có người cho rằng ông Trần Đại Quang thực sự đã bị trúng độc từ lâu, ông Quang trong Hội nghị Trung ương 7 khóa XII và ông Quang ở trường Chu Văn An là các diễn viên đóng thế. Có người cho rằng đó đều là ông Quang, nhưng nhân dạng thay đổi vì bị bệnh hoặc trúng độc quá nặng.
Giờ ông Quang đã ra người thiên cổ thì rất nhiều bí mật trong hậu trường của vũ đài chính trị Việt Nam sẽ theo ông về cát bụi. Tuy nhiên, khả năng rất cao ông Quang ở Trường Chu Văn An là diễn viên đóng thế, vì nếu đó là ông Quang thật thì virus chỉ có thời gian hơn hai tuần để biến ông Quang từ một người đủ khỏe để đánh trống trường trở thành một tử thi.
Hồi kết của lòng trung thành trong chế độ toàn trị
Từ ngày ông Quang lên làm Bộ trưởng Công an đến nay, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam càng lúc càng tệ hại. Các vụ bắt giữ người bất đồng chính kiến càng ngày càng tăng, những người đấu tranh ôn hòa bị an ninh hành hung càng lúc càng mạnh tay. Lực lượng an ninh dùng cả chiêu trò mạo danh tài khoản hoặc sử dụng nhiều tài khoản tố cáo cùng lúc để tấn công các báo “lề trái” và “không lề”.
Ông Quang đã có công rất lớn trong chuyện biến nước Việt Nam thành một nhà tù khổng lồ để duy trì chế độ trong những năm tháng chính trị bất ổn, xã hội bất an. Thật đáng tiếc là chừng ấy công lao không đủ để ông ngồi vững trên ghế Chủ tịch nước, càng không đủ để những “đồng chí” của ông nương tay.
Cái chết của ông Quang chứng minh hai điều. Thứ nhất: Nền chính trị Việt Nam là một nền chính trị thuần túy mờ ám, thủ đoạn và dối trá. Ông Quang được sắp đặt để làm Chủ tịch nước nhờ thủ đoạn và ra đi cũng giữa những thủ đoạn ngụy tạo con người và thông tin. Giấy không gói được lửa, nhiều tháng trước khi ông Quang qua đời, đã có không ít người dân nhận ra sự bất thường trong nhân dạng của ngài “Chủ tịch nước”, nhưng không có một lời giải thích nào từ thượng tầng chế độ.
Các trang “lề trái” và “không lề” đưa tin, ông Quang qua Nhật để điều trị thì báo chí “lề phải” vu khống các trang này là xuyên tạc, đưa tin “kích động”. Với cái kiểu thường xuyên tìm cách dùng giấy bọc lửa của hệ thống chính trị và bộ máy tuyên truyền Việt Nam, họ chỉ chịu công khai khi ngọn lửa đã trở thành… đám cháy rừng. Người dân không thể chỉ dựa vào hệ thống báo chí do đảng Cộng sản kiểm soát nếu họ muốn biết tình hình thực tế của nền chính trị và xã hội Việt Nam.
Thứ hai: Làm công dân của một nhà nước dân chủ chắc chắn tốt hơn làm lãnh đạo trong một chế độ toàn trị. Sự thật này được làm rõ không chỉ qua cái chết của ông Quang, mà còn bởi cả hồi kết của ông Nguyễn Bá Thanh và hai năm không rõ sống chết của ông Đinh Thế Huynh. Ít ra, công dân của một nước dân chủ tam quyền phân lập nếu làm sai vẫn có quyền phản biện, vẫn có thể bảo vệ quyền của mình thông qua tranh luận công khai, công bằng. Còn lãnh đạo, quan chức của một nước độc tài, đã chọn sai phe, nói sai lời, làm sai việc thì xem như không còn đường thoát. Hồi kết của “tình đồng chí” nếu không phải là các màn tố giác, triệt hạ nhau thì cũng là hành động thủ tiêu và sự ra đi không minh bạch.
Nếu tình cảnh bi thảm của ông Đinh La Thăng hiện giờ (người có trách nhiệm không nhỏ trong chuyện an ninh Sài Gòn hành hung người biểu tình phản đối Formosa) chưa thể cảnh tỉnh lực lượng sĩ quan an ninh Việt Nam, chúng tôi hy vọng cái chết của ông Trần Đại Quang có thể làm được điều đó.
Ông Quang, ông Thăng và không ít quan chức đã hoặc sắp bị các “đồng chí” của họ thanh trừng, từng mạnh tay đàn áp nhân quyền hòng góp sức duy trì chế độ, nhưng chính chế độ này lại không thể dành cho họ hồi kết xứng đáng với lòng trung thành. Ngược lại, một nền dân chủ đa nguyên chắc chắn là lối thoát cho tình hình Việt Nam, vốn đang chịu đựng nền chính trị chia rẽ, kinh tế suy thoái, đạo đức xã hội xuống dốc, môi trường ô nhiễm nặng nề, lòng dân hoang mang và vòng vây của Trung Quốc đang xiết chặt