‘Trấn’ Đà Nẵng trước Hội nghị TW 6: TBT Trọng ‘thừa thắng xông lên’
19/09/2017
Ủy ban Kiểm tra trung ương của ông Trần Quốc Vượng – cơ quan được TBT Trọng khen “làm việc gì ra việc nấy” sau vụ công bố kiểm tra những sai phạm “rất nghiêm trọng” của Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng và do đó đã tống tiễn nhân vật này khỏi cái ghế bí thư thành ủy TP.HCM – vừa ghi thêm một điểm quan trọng trước tổng bí thư bằng việc cơ chế công bố kết luận kiểm tra sai phạm “cả Anh lẫn Thơ”.
Ông Nguyễn Xuân Anh (trái) và ông Huỳnh Đức Thơ vẫn được xem là “hai hổ một rừng”. Ảnh Tễu blog |
Tuy nhiên, những nội dung và mức độ về các sai phạm của Nguyễn Xuân Anh – Bí thư thành ủy Đà Nẵng, và Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch thành phố Đà Nẵng – trong báo cáo của Ủy ban kiểm tra trung ương là khác xa nhau. Trong khi ông Huỳnh Đức Thơ chỉ nhận được một số kết luận về một số vi phạm, khuyết điểm nhưng không nêu cụ thể những sai phạm nào, thì người con trai “tuổi trẻ tài cao” của cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Nguyễn Văn Chi lại bị “kết tội” rất cụ thể: chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền; kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và quy định những điều đảng viên không được làm; thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ôtô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội…
Mặc dù một số báo đảng đã cố ý đã đưa tin theo cách “kỷ luật công bằng”, nhưng sự khác biệt về hành vi và mức độ sai phạm trên giữa “hai hổ” ở Đà Nẵng cho thấy sẽ dẫn tới một sự khác biệt khác về “công tác luân chuyển cán bộ” trong thời gian tới.
Với trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, vấn đề hầu như không còn gì để bàn cãi. Cú “ra đòn” của Ủy ban Kiểm tra trung ương đối với ông Xuân Anh nổ ra khi Hội nghị trung ương 6 chỉ còn khoảng 3 tuần nữa sẽ diễn ra, và như một kịch bản tái hiện việc cũng ủy ban này đã công bố kết luận kiểm tra đối với ông Đinh La Thăng chỉ hai tuần trước khi Hội nghị trung ương 5 diễn ra vào tháng 5/2017. Theo đó, rất nhiều khả năng tại Hội nghị trung ương 6 vào giữa tháng Mười năm 2017, ông Nguyễn Xuân Anh sẽ bị “cách” khỏi Ban chấp hành trung ương và do đó chắc chắn sẽ mất ghế bí thư thành ủy Đà Nẵng.
Cho tới nay, chưa có thông tin về ông Nguyễn Xuân Anh dính dáng đến những vụ tham nhũng lớn, do vậy khả năng ông Xuân Anh bị rơi vào vòng tố tụng hình sự cũng chưa xuất hiện.
Trong khi đó, có khả năng ông Huỳnh Đức Thơ cũng phải nhận một “bản án” tuy nhẹ hơn nhiều so với “án” của ông Nguyễn Xuân Anh. Theo “truyền thống” công tác kiểm tra và công tác tổ chức trong đảng, ông Thơ có thể sẽ được điều chuyển sang một vị trí công tác khác nhưng có “hàm” không thấp hơn vị thế phó bí thư Đà Nẵng của ông hiện thời.
Nhưng dù ông Huỳnh Đức Thơ có bị “cách chức”, nhiều người vẫn nghĩ rằng ông Thơ vẫn ẩn giấu một nụ cười đắc thắng. Bàn cờ “loạn Đà Nẵng” đã tương đối ngã ngũ với sự ra đi của một “con hổ”. Không khí đơn thư tố cáo kèm hồ sơ “khuyến mãi” lẫn nhau được tung ra ngồn ngộn trên mạng xã hội từ đầu năm 2017 đến nay sẽ tạm thời êm ả. Rất có thể Đà Nẵng sẽ có một bí thư mới và là người mà ông Huỳnh Đức Thơ không phải quá bận lòng.
Thực ra, “chiến thắng” của ông Huỳnh Đức Thơ đã có tính tín hiệu khá rõ vào tháng Tám năm 2017.
Chỉ sau hơn một tháng từ thời điểm Trịnh xuân Thanh trèo đèo lội suối vượt qua biên giới hàng chục quốc gia để đột ngột xuất hiện ở Hà Nội “đầu thú tại trực ban Bộ Công an”, trùng với thời gian nhân vật chủ tịch nước Trần Đại Quang “biến mất” mà đã gây dư luận ồn ào từ trong nước ra quốc tế, ở Đà Nẵng đã xảy ra một vụ bắt bớ: Bộ Công an đích thân tống giam ông Đào Tấn Cường – người đã nhắn tin dọa giết Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ. Chi tiết đáng chú ý là ông Cường cũng là anh trai của Chánh văn phòng thành ủy Đà Nẵng – nhân vật được dư luận xem là “người của Xuân Anh”. Ngay vào thời điểm đó, một số dư luận đã cho rằng cán cân quyền lực trên bàn cờ đã có một sự thay đổi đáng kể, không chỉ thay đổi ở Đà Nẵng mà còn cả trên bình diện quốc gia.
Trên bình diện quốc gia, cùng với vẻ lu mờ của Trần Đại Quang là thế “thừa thắng xông lên” của Nguyễn Phú Trọng.
Tại các “cứ điểm địa phương”, từ đầu năm 2017 đến nay ông Trọng đã “thanh toán” được khu vực Sài Gòn – trung tâm của miền Tây và cả miền Đông Nam Bộ, đồng thời “dẹp loạn Đà Nẵng” – thủ phủ miền Trung. Như vậy, cả hai địa phương có triển vọng trở thành “sứ quân” đều đã được “trấn”.
Khác hẳn với quang cảnh của một hội nghị trung ương cũng có số thứ tự là 6 diễn ra vào tháng Mười năm 2012 – khi TBT Trọng phải rút khăn mùa xoa lau nước mắt vì không thể kỷ luật được “đồng chí X”, nhiều khả năng tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017, ông Trọng sẽ được “rửa mặt”.
Nhiều chỉ dấu đang cho thấy ông Trọng không còn đối thủ chính trị.
Thiền Lâm
(Cali Today)