Tra tấn đến chết: Các vụ giết người hàng loạt ở Myanmar bị phơi bày
Theo điều tra của BBC, quân đội Myanmar đã thực hiện một loạt vụ giết người hàng loạt vào tháng 7, làm ít nhất 40 người đàn ông thiệt mạng.
Những nhân chứng và người may mắn sống sót cho biết, những người lính, một số còn trẻ chỉ 17 tuổi, vây bắt dân làng trước khi tách riêng những người đàn ông và sát hại họ. Đoạn video và hình ảnh từ các vụ việc dường như cho thấy hầu hết những người thiệt mạng đều bị tra tấn trước và chôn trong những phần mồ cạn.
Quân đội đã vấp phải sự phản kháng của người dân kể từ khi họ giành quyền kiểm soát đất nước trong cuộc đảo chính hồi tháng Hai, lật đổ chính phủ được bầu nên dân chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.
BBC đã nói chuyện với 11 nhân chứng ở Kani và đối chiếu lời kể của họ với cảnh quay và hình ảnh trên điện thoại di động do Myanmar Witness, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Anh chuyên điều tra các vụ vi phạm nhân quyền ở nước này thu thập.
Vụ tàn sát lớn nhất diễn ra ở làng Yin, có ít nhất 14 người đàn ông bị tra tấn hoặc đánh đập đến chết và thi thể của họ bị ném vào một con kênh trong rừng.
Các nhân chứng ở Yin – những người mà chúng tôi đã giấu tên để bảo vệ danh tính của họ – nói với BBC rằng những người đàn ông bị trói bằng dây thừng và bị đánh đập trước khi họ bị giết.
“Chúng tôi không thể chịu được cảnh đó nên cứ cúi gầm mặt khóc”, một người phụ nữ có em trai, cháu trai và em rể thiệt mạng cho biết.
“Chúng tôi van lạy họ đừng ra tay. Họ không màng gì cả. Họ hỏi những người phụ nữ, ‘Có phải chồng của các bà trong số đó không? Nếu có, hãy thực hiện nghi thức cuối cùng’.”
Một người đàn ông đã cố gắng thoát khỏi vụ tàn sát nói rằng những người lính đã hành hạ những người đàn ông này hàng giờ đồng hồ trước khi họ chết.
“Họ bị trói, bị đánh đập bằng đá và súng trường và bị tra tấn cả ngày”, người sống sót kể lại.
“Một số người lính trông trẻ, có thể 17 hoặc 18, nhưng một số thực sự lớn tuổi. Ngoài ra còn có một phụ nữ đi cùng.”
Tại làng Zee Bin Dwin gần đó, vào cuối tháng 7, 12 thi thể đã được phát hiện trong những hố chôn tập thể cạn, bao gồm một thi thể nhỏ, có thể là của một đứa trẻ và thi thể của một người tàn tật. Một số bộ phận thi thể đã bị cắt lìa.
Thi thể của một người đàn ông khoảng 60 tuổi được tìm thấy cột vào một cây mận gần đó. Đoạn phim về thi thể của anh ta, được BBC xem xét, cho thấy những dấu hiệu rõ ràng của việc bị tra tấn. Gia đình ông nói rằng con trai và cháu của ông đã chạy trốn khi quân đội vào làng, nhưng ông đã ở lại, tin rằng tuổi tác sẽ bảo vệ mình khỏi bị làm hại.
Các vụ giết người dường như là một hình phạt tập thể đối với các cuộc tấn công quân sự của các nhóm dân quân trong khu vực, những người đang đòi hỏi nền dân chủ được khôi phục.
Giao tranh giữa quân đội và các lực lượng địa phương của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân – tên gọi chung của các nhóm dân quân – đã gia tăng trong khu vực trong những tháng trước khi xảy ra các vụ sát hại hàng loạt, bao gồm cả các cuộc đụng độ gần Zee Bin Dwin.
Những bằng chứng trực quan và lời chứng thực do BBC thu thập rõ ràng cho thấy những người đàn ông cụ thể đã bị nhắm tới, phù hợp với hình thức xảy ra trên khắp Myanmar trong những tháng gần đây. Theo đó, những người dân là đàn ông phải đối mặt với hình phạt tập thể vì các cuộc đụng độ giữa Lực lượng Phòng vệ Nhân dân và quân đội.
Gia đình của những người thiệt mạng khẳng định những người này không tham gia vào các cuộc tấn công nhằm vào quân đội. Một người phụ nữ mất anh trai trong vụ thảm sát ở làng Yin cho biết cô đã cầu xin những người lính, nói với họ rằng anh trai cô “thậm chí không thể cầm được cái ná”.
Cô kể một người lính đã trả lời: “Đừng nói gì. Chúng tôi đang mệt mỏi. Chúng tôi sẽ giết cô.”
Các nhà báo nước ngoài đã bị cấm đưa tin tại Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính và hầu hết các cơ quan truyền thông ngoài nhà nước đã đóng cửa, khiến việc đưa tin tại chỗ không thể thực hiện được.
BBC đưa những cáo buộc được khơi lên trong câu chuyện này tới Thứ trưởng Bộ Thông tin kiêm người phát ngôn quân đội Myanmar, Tướng Zaw Min Tun. Ông không phủ nhận chuyện binh lính giết người hàng loạt.
“Điều này có thể xảy ra,” ông nói. “Khi họ coi chúng tôi như kẻ thù, chúng tôi có quyền tự vệ.”
Liên Hợp Quốc hiện đang điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền do quân đội Myanmar gây ra.
20/12/21 – Rebecca Henschke và Kelvin Brown – BBC World Service