Trung Cộng kết án chung thân học giả Uighur
Theo BBC – 23/9/2014
Ông Ilham Tohti đã lên tiếng về chính sách của Trung Quốc đối với người thiểu số Uighur Hồi giáo tại vùng Tân Cương nhưng ông bác bỏ cáo buộc nói ông là người ly khai. Các phóng viên cho biết Trung Quốc đang thực thi một đường lối cứng rắn hơn vào khi tình trạng bạo động liên quan tới Tân Cương gia tăng. Tổ chức Ân xá quốc tế gọi bản án này là “thật tồi tệ”. Liên hiệp châu Âu, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc trước đó đều kêu gọi thả ông Ilham Tohti. Tòa án Nhân dân Urumqi kết án ông Tohti có tội sau hai ngày xét xử vào tuần trước. Tòa cũng ra lệnh thu hồi hết tiền bạc và tài sản của ông Tohti. Luật sư của ông, ông Lý Phương Bình, nói với BBC Tiếng Trung rằng ông sẽ đệ đơn kháng cáo. “Ông nói với tôi rằng dù bản án thế nào, ông sẽ không tức giận và không tìm cách trả thủ. Bất kể ông bị ngồi tù hay được tự do trong tương lại, ông sẽ vẫn vận động cho đối thoại giữa người Uighur và người Hán,” ông nói.
Carrie Gracie, Biên tập chuyên về Trung Quốc, BBC News
“Tôi sẽ không bỏ cuộc.” Đó là câu nói cuối cùng của ông Tohti trước khi cảnh sát lôi ông đi khỏi tòa và bắt đầu chịu án tù vì tội chia rẽ đất nước Trung Quốc. Kêu gọi độc lập là bất hợp pháp và luôn bị trừng trị nghiêm trọng khi người phạm tội thuộc cộng đồng người thiểu số Uighur tại Trung Quốc. Nhưng điều đặc biệt về bản án này là ông Ilham Tohti không phải là một nhà hoạt động vì độc lập, càng không phải là một kẻ khủng bố nhưng là một người lớn tiếng vận động cho việc xây dựng cầu nối giữa hai cộng đồng. Trước khi bị bắt hồi tháng Giêng, ông là một học giả tại một trường đại học ở thủ đô và là đảng viên Đảng Cộng sản. Trong các bài tham luận khoa học của mình và trên trang mạng mà ông điều hành, ông quả quyết rằng Tân Cương nên là một phần của Trung Quốc và thường bày tỏ thái độ căm ghét tình trạng bạo động gia tăng do người Uighur thực hiện chống lại nhà nước. Nhưng mặt khác ông chỉ trích tình trạng cảnh sát đàn áp tại Tân Cương ngày càng gia tăng. Ông nói rằng các chính sách trừng phạt khiến thanh niên Uighur trở thành cực đoan, khiến họ tin rằng cuộc đấu tranh không phải là giữa Trung Quốc và những kẻ khủng bố mà là giữa Trung Quốc và Hồi giáo. Bản án hôm nay là một thông điệp rằng vào khi đang diễn ra cuộc chiến nhằm kìm hãm tình trạng bạo động đang trỗi lên tại Tân Cương, nay không còn chỗ cho một người ôn hòa dám lên tiếng nữa.
‘Đáng lên án’
Trong những năm gần đây, Tân Cương đã chứng kiến tình trạng căng thẳng gia tăng giữa người Uighur và người nhập cư Trung Quốc gốc Hán và các quan sát viên cho biết bản án này có thể thổi bùng thêm căng thẳng. Ông Tohti bị bắt hồi tháng Giêng sau khi ông chỉ trích Trung Quốc đã xử lý nặng tay vụ tấn công bằng xe hơi gần Quảng trường Thiên An Môn do người Uighur từ Tân Cương thực hiện. Bên công tố tại phiên xử cáo buộc ông đã tham gia các hoạt động ly khai bao gồm vận động cho độc lập trên trang web của ông, theo các luật sư của ông cho biết. Một phát ngôn viên của tổ chức Đại hội Uighur Thế giới, Dilxat Raxit, nói ông Tohti bị trừng phạt. “Trung Quốc đã gửi ra một thông điệp rõ ràng… gây thất vọng cho những ai có hy vọng sử dụng tiến trình pháp lý hay các đề xuất biết điều nhằm thay đổi vị thế của người Uighur,” Dilxat Raxit viết trong thư gửi hãng thông tấn Reuters.
Người Uighur và Tân Cương
- Người Uighur là người thiểu số Thổ Hồi giáo
- Họ chiếm 45% dân số trong vùng
- 40% là người Trung Quốc gốc Hán
- Trung Quốc tái lập kiểm soát tại đây vào năm 1949 sau khi dập tắt một nhà nước Đông Thổ chỉ tồn tại một thời gian rất ngắn
- Kể từ đó có tình trạng người Trung Quốc gốc Hán di cư trên phạm vi rộng
- Người Uighur lo ngại trước tình trạng suy thoái văn hóa truyền thống
Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế nói bản án là “một sỉ nhục cho công lý” và đầy những thiếu sót về pháp luật. “Nhóm luật sư của ông bị từ chối không được xem các bằng chứng và họ không được gặp ông Tohti suốt sáu tháng. Một trong những luật sư của ông Tohti bị buộc phải từ bỏ không bào chữa cho vụ này sau khi chịu các áp lực chính trị,” nhóm này nói. Ông Lưu Hiểu Nguyên, một luật sư cho ông Tohti, nói với BBC rằng một số đại sứ quán nước ngoài đã không được phép vào tòa để dự phiên xử.